Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

THAY ĐỔI CUỘC CHƠI PPP TẠI VIỆT NAM

  24/09/2019

Mô hình đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam. Bởi rất nhiều vấn đề kinh tế hiện nay không chỉ giải quyết bởi Chính phủ mà còn cần sự chung tay từ các doanh nghiệp.

Tại hội thảo "Quan hệ đối tác công tư (PPP): Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững" mới đây, ông Nico Barrito, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức R20 cho rằng, ở nhiều quốc gia, các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí các dịch vụ công... đều cần có sự hợp tác PPP để phát triển nền kinh tế bền vững.

Nhiều nút thắt trong mô hình PPP

Ông Đoàn Giang, Chuyên gia PPP quốc tế thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhìn nhận, VN đã thực hiện rất nhiều dự án PPP từ năm 1997, đến nay có hơn 300 dự án PPP. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam còn nhiều vấn đề đáng bàn. 

Đầu tiên là việc lựa chọn các nhà đầu tư chưa thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh, dù có các quy định pháp luật khuyến khích các bộ ngành, địa phương lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. 

Bên cạnh đó, các dự án PPP khi đưa ra thị trường chưa được chuẩn bị và nghiên cứu kỹ. Điều này ngăn cản các nhà đầu tư nghiêm túc, nhà đầu tư có thể mang lại giá trị cao nhất cho người được thụ hưởng. 

Cùng với đó, chính sách pháp lý về PPP còn tản mạn, chưa đồng bộ, các luật chồng chéo lẫn nhau. Luật PPP hiện mới dừng ở mức Nghị định và bị ràng buộc ở nhiều văn bản khác nhau dẫn tới cản trở cả khu vực công và tư trong thực hiện dự án. 

Đặc biệt, các khuôn khổ chính sách ở VN hiện nay chưa tạo ra hành lang pháp lý, thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư trong các dự án PPP. Đồng thời, khả năng dự báo rủi ro về thị trường, chính sách vẫn còn thấp...

Ông Giang cho rằng, Chính phủ đã hết sức nỗ lực để tạo ra một Dự thảo Luật PPP mới, có nhiều tiến bộ và tiếp cận dần với những thông lệ tốt trên thế giới... Song để triển khai Luật PPP trên thực tế, ông Giang vẫn quan ngại, liệu các công cụ thể chế hiện nay ở Việt Nam có thực hiện được tư tưởng mà dự thảo Luật PPP đưa ra hay không? 

Bởi theo đại diện USAID, quá trình thực hiện dự án PPP là một cam kết dài hạn, kéo dài 20-30 năm thậm chí lâu hơn nữa của chính phủ. Nó đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư về công sức, chuyên môn, tài chính cũng như có kỹ năng, trình độ để quản lý nhà đầu tư trong suốt thời gian dài. 

Ở góc độ y tế, chuyên gia y tế của Ngân hàng thế giới, ông Lê Minh Sang chỉ rõ, ngành y tế đưa danh sách dài kêu gọi đầu tư do thiếu tiêu chí sàng lọc dự án PPP. Hầu hết do UBND tỉnh, thành đề xuất và phát triển; còn nặng về hạ tầng, nhẹ về dịch vụ. Đồng thời, không có nguồn lực từ khối công lập để chuẩn bị báo cáo tiền khả thi và khả thi. 

Các đề xuất của nhà đầu tư là phổ biến. Đấu thầu cạnh tranh lại không nhiều. Hợp đồng BT và BOT phổ biến hơn BTO, BLT, BOO, OM... Trong khi đó, khối công lập thiếu năng lực quản lý dự án PPP... là nút thắt mấu chốt. Bên cạnh đó, nguồn lực quản lý dự án PPP yếu, mỏng; cán bộ thiếu năng lực; cộng đồng chuyên gia thiếu kinh nghiệm; thiếu thông tin về khung pháp lý...

Cần một chính sách minh bạch và nhất quán

Như vậy, làm thế nào để chúng ta có một khuôn khổ quản lý, giám sát các dự án này? Các cơ quan nhà nước liệu có đủ nguồn lực để làm được không khi ở Việt Nam vẫn thiếu cơ chế, chính sách cũng như năng lực chuyên môn để đưa ra thị trường dự án tốt? Ông Giang khuyến nghị, Việt Nam cần xem xét để tạo ra một cơ chế hỗ trợ các cơ quan nhà nước thực hiện toàn bộ công việc chuẩn bị cho dự án PPP. 

Chính phủ có vai trò tạo môi trường lành mạnh cho PPP. Cụ thể, theo ông Giang đó là một khuôn khổ chính sách và quyết tâm chính trị: xác định tầm nhìn và chiến lược dài hạn (chiến lược PPP hay Luật PPP), quyết tâm chính trị ở cấp cao, tạo đồng thuận, xây dựng danh mục dự án. 

Khuôn khổ pháp lý và thể chế: khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cơ chế giải quyết tranh chấp, quy tắc mua sắm, định phí. Và một khuôn khổ tài chính: vốn/ngân sách để chuẩn bị dự án; vốn/ngân sách để hỗ trợ dự án khả thi, quản lý và theo dõi nghĩa vụ nợ của chính phủ. 

Hơn nữa, quy trình chuẩn và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan: trách nhiệm rõ ràng trong thẩm định và phê duyệt dự án, năng lực của cơ quan chính phủ, cơ quan chuyên trách PPP.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng nhận và Giám định Vinacert, đầu tư PPP trong lĩnh vực dịch vụ công rủi ro lớn nhất là chính sách. Vì thế, để mô hình hợp tác công tư được bền vững, doanh nghiệp cần sự minh bạch của chính sách nhà nước. Mọi thông tin chính sách, quy chế, dự án đều cần được công khai, vì nếu công khai các doanh nghiệp đáp ứng được hết. Và một chính sách nhất quán, đừng "nay thế này, mai thế kia".

VŨ KHUÊ (vneconomy)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 19
  • 2239
  • 22,217,021