Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

3 ĐẶC KHU KINH TẾ VIỆT NAM -DỌN TỔ ĐÓN PHƯỢNG HOÀNG?

  13/10/2017

Đề án 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nên lực hút đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới.

Giấc mơ về các đặc khu kinh tế (Special Economic Zones – SEZ) có thể sớm trở thành hiện thực ngay trong năm nay khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), sẽ được trình lên Quốc hội để thông qua vào cuối năm nay. “Chúng sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong năm tới”, ông Dũng nói trên hãng truyền thông quốc tế Reteurs.

Liệu những đột phá mới về cơ chế quản lý theo khuynh hướng tự chủ của một SEZ sẽ là chiếc “đũa thần”, nâng tầm đẳng cấp Việt Nam để đuổi kịp với những quốc gia phát triển trong khu vực?

Ưu đãi mọi khía cạnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỉ USD mỗi năm.

Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Hiện Việt Nam cũng đã có 18 đặc khu kinh tế cùng 325 các khu công nghiệp với các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế nào đúng nghĩa mà chỉ là các khu công nghiệp, khu kinh tế tự do. Bởi vì, mô hình SEZ sẽ phức tạp hơn và được triển khai trên một quy mô lớn hơn nhiều.

Chi tiết về đề án hiện chỉ mới công bố một phần nhỏ, nhưng có thể thấy SEZ là một mô hình hoàn toàn mới cả về cách quản lý và các chính sách ưu đãi đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân theo 2 cấp.

Đồng thời, sẽ nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, tức giống như mô hình thị trưởng tại các thành phố lớn trên thế giới. Theo đề xuất của các địa phương, đặc khu trưởng có những “quyền” còn rộng hơn cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nên đặt đặc khu thuộc Trung ương để việc đề xuất cơ chế chính sách, thu hút đầu tư linh động, hiệu quả hơn…

Một loạt chính sách ưu đãi về tiền tệ ngân hàng, đất đai, giao thông, thuê chuyên gia nước ngoài và ưu đãi thuế suất cũng được xem xét. Điển hình như có thể sẽ cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu thì các SEZ sẽ được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi.

Các doanh nghiệp, sẽ được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư – kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%. “Các SEZ sẽ hưởng tự do và được ưu đãi về mọi khía cạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Trên thế giới, số lượng các đặc khu kinh tế đặc biệt hiện đã lên đến hàng ngàn và theo nhiều mô hình khác nhau. Thành công nhất có lẽ là Trung Quốc khi đã theo đuổi mục tiêu phát triển SEZ ngay từ thập niên 1980 với những chính sách đầu tư và ưu đãi đặc biệt. Cho đến nay, nhiều SEZ của Trung Quốc đã trở thành các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Thâm Quyến, Châu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Hải Nam… Nhờ những SEZ này mà kinh tế Trung Quốc thu hút thêm được các nguồn vốn nước ngoài, công nghệ hiện đại và thúc đẩy được các ngành công nghiệp.

Thống kê cho thấy các SEZ đã đóng góp khoảng 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu. Nếu như Thâm Quyến đã trở thành một thành phố điện tử hùng mạnh hàng đầu thế giới, thì Khu thương mại tự do (FTZ) Thượng Hải ngày nay đã trở thành một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực tài chính ở châu Á, thậm chí đang cạnh tranh quyết liệt và đe dọa vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông. Sự hấp dẫn của các SEZ còn là động lực để mới đây, Chính phủ Trung Quốc công bố về kế hoạch xây dựng “siêu đặc khu kinh tế” Tân khu Hùng An ở tỉnh Hà Bắc với diện tích 2.000 km2, gấp gần ba lần thành phố New York, Mỹ.

Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu là trong ngành sản xuất, là chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam. Vốn đầu tư đạt mức kỷ lục 15,8 tỉ USD vào năm ngoái và tăng 6% trong năm tháng đầu năm 2017 so với một năm trước đó. Các đặc khu kinh tế sẽ tạo thêm nhiều khích lệ và giảm bớt những hạn chế cho các nhà đầu tư so với những lỗi thời đang tồn tại và cản trở kinh tế Việt Nam.

Nhưng thực tế, không phải cứ lập ra các SEZ, rồi dành cho chúng các khoản đầu tư lớn về hạ tầng và biệt đãi về thuế suất là thành công. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, 50% trong số các SEZ trên toàn cầu đã thất bại, trải rộng từ Ấn Độ, Mexico đến các quốc gia châu Phi. “Nghiên cứu từ lịch sử cho thấy các SEZ đã tạo ra sự méo mó trong nền kinh tế. Bên cạnh đó là chi phí lớn về đầu tư hạ tầng và có thể gây thất thu thuế. Trong khi các mục tiêu về bùng nổ thương mại hay tạo việc làm thì nhiều SEZ đã thất bại”, The Economist cảnh báo.

Mặc dù các nghiên cứu về SEZ vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng theo một số chuyên gia, có một số điều kiện cần để một SEZ thành công là phải đảm bảo được sự tiếp cận liên tục đến thị trường thế giới thông qua hệ thống giao thông hiệu quả, luật lệ mang tính cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất nhiên không phải các yếu tố kể trên đều dễ dàng biến thành hiện thực, nhưng Việt Nam cũng có cơ sở lạc quan nhất định về tiềm năng của các SEZ, mà Phú Quốc là trường hợp điển hình.

 

So sánh 3 đặc khu kinh tế.

Phú Quốc đi trước một bước

16,7 tỉ USD là tổng số vốn đầu tư đăng ký của 254 dự án đổ bộ vào Phú Quốc tính đến đầu năm 2017, đưa hòn đảo phương Nam trở thành một trong những địa phương thu hút được lượng vốn đầu tư cao nhất trong 4 năm gần đây.

Diện mạo của Phú Quốc có thể nói là thay đổi rất chóng vánh. Từ một nơi hoang sơ, Phú Quốc đã lột xác trở thành địa điểm thu hút du lịch hấp dẫn nhất nước và cả khu vực. Có thể kể đến nhiều tập đoàn bất động sản lớn trong nước và quốc tế đã hiện diện ở nơi đây như Vingroup, SunGroup, CEO Group, Novotel, Marriott… tạo dựng nên những khu resort, khách sạn, condotel sang trọng đẳng cấp thế giới, đi kèm với đó là những công trình giải trí tiêu chuẩn quốc tế như vườn thú Safari, du thuyền Marina, cáp treo và trong tương lai sẽ có thêm các khu casino trị giá hàng tỉ USD.

Cách đây 3 năm, Phú Quốc chưa có một phòng khách sạn 5 sao nào, thì mới đây, chỉ riêng Vingroup đã cung cấp 6.000 phòng khách sạn 5 sao ở Phú Quốc. Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 2.000 phòng khách sạn 5 sao của các tập đoàn khác sẽ được khánh thành, đưa tổng số phòng khách sạn 5 sao ở Phú Quốc lên 8.000 phòng, tức nhiều hơn bất kỳ một địa phương nào trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, hay các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang và Đà Nẵng. Còn nếu xa hơn đến năm 2020, sau khi các tập đoàn hoàn thành các dự án, Phú Quốc sẽ có tới 12.000 phòng khách sạn 5 sao, tạo thành một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng có quy mô hàng đầu khu vực.

Năm 2016, đảo Phú Quốc đón hơn 1,45 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 63% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế 201.132 lượt người, tăng 38,5%. Tổng doanh thu từ du lịch là 8.920 tỉ đồng, tăng 32,4% so năm 2015. Trong năm 2017, Phú Quốc đặt mục tiêu sẽ thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch, tăng khoảng 25,5%, trong khi doanh thu từ du lịch dự kiến hơn 11.150 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh 25% so năm trước đó.

Làn sóng đầu tư rầm rộ vào Phú Quốc có lẽ sẽ không bùng nổ nếu không nhờ Quyết định 1255 năm 2011 của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Kiên Giang, đưa Phú Quốc trở thành đặt khu hành chính kinh tế thực thuộc Trung ương- tức một SEZ vào năm 2020. Như vậy, trên bình diện cả nước, Phú Quốc đã đi trước một bước trong mô hình phát triển kinh tế mới ở Việt Nam.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư ước tính Nhà nước thu được từ đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn năm 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030.

Hiện tượng Phú Quốc đặt ra nhiều bài học về việc phối hợp giữa công và tư để tạo động lực tăng trưởng mới cho địa phương. Trong đó, Nhà nước là người khởi xướng với những dự án lớn về hạ tầng như Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, các cảng biển, hệ thống cung ứng năng lượng, cũng như cung cấp các cơ chế ưu đãi về thuế suất hấp dẫn, kiến tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch cho các nhà đầu tư tư nhân gia nhập và cạnh tranh sôi động.

Mô hình phối hợp công – tư trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa khi nhiều dự án về hạ tầng trị giá hàng tỉ USD theo hình thức BT, BOT sẽ được triển khai như Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc mở rộng, hệ thống đường vòng quanh đảo dài 100km, hay Cảng biển Quốc tế An Thới… Tất cả sẽ tạo thêm một xung lực mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn chỉnh hình thái cho đảo ngọc, đưa Phú Quốc không chỉ trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng trong nước mà còn có thể cạnh tranh được với Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia).

Do đó, dù vẫn còn một số những vết sạn trong khâu quản lý và đánh giá tác động môi trường cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn, nhưng có thể nói sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc cho đến nay đã chứng minh phần nào tính khả khi của viễn cảnh thành lập các đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt tại Việt Nam nếu biết cách phát huy tiềm lực nội tại của địa phương cũng như có những cơ chế quản lý phù hợp.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được ít nhất 10 tỉ USD mỗi năm dòng vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm tới. Công nghệ cao và các lĩnh vực sạch sẽ được ưu tiên hơn là các ngành có chi phí thấp”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Dọn tổ đón phượng hoàng

Không thể phủ nhận tác động tích cực của mô hình SEZ nhưng thách thức đi kèm sẽ là không nhỏ. Đó là thách thức về nguồn vốn đầu tư, về chiến lược phát triển bền vững, cũng như có về rủi ro có thể kích hoạt làn sóng đua nhau thành lập các đặc khu kinh tế đặc biệt tại các tỉnh thành phố khác.

Vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án hạ tầng trị giá hàng chục tỉ USD chắc chắn sẽ là bài toán rất nan giải đầu tiên cho Việt Nam. Nợ công đang dần chạm ngưỡng 65% GDP, bội chi ngân sách đang khá lớn sẽ khiến cho ngân sách khó duyệt cho các khoản đầu tư lớn. Chẳng hạn, ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã ra đề án trong đó có nội dung về đặc khu kinh tế, lấy ý kiến các bộ ngành Trung ương. Để xây dựng đề án như mong muốn, đến năm 2030, cần một nguồn vốn rất lớn, khoảng 12 tỉ USD, riêng giai đoạn năm 2014-2020 đã cần đến 5,7 tỉ USD.

Đó còn là thách thức về việc dung hòa lợi ích giữa các địa phương. Bên cạnh 3 địa phương được lựa chọn để thí điểm SEZ, khá nhiều các tỉnh thành khác như TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí cả Hà Nội cũng đang đòi hỏi những chính sách đặc thù để phục vụ cho các tham vọng kinh tế to lớn của mình. Một sự dễ dãi trong việc cho phép thành lập các khu vực kinh tế đặc biệt có thể sẽ dẫn đến thực trạng thiếu hiệu quả và cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời có thể biến Việt Nam trở thành nơi trú chân của các ngành có công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường như hóa chất, sắt thép… từ các tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng thách thức lớn nhất để các SEZ thật sự tạo thành động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới chính là việc hoạch định chiến lược đầu tư theo hướng bền vững, tạo nên năng lực cạnh tranh dài hạn cho các doanh nghiệp trong nước, thay vì chỉ chú trọng khai khác bất động sản, tận dụng thuế suất thấp hay chi phí lao động giá rẻ mang tính ngắn hạn. Ở khía cạnh này, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm có giá trị từ mô hình phát triển SEZ ở Thâm Quyến (Trung Quốc).

Nơi đây đang là nơi quy tụ đông đảo các doanh nghiệp phụ trợ cho hãng sản xuất điện tử hàng đầu như Foxconn, Huawei, ZTE… và là ngôi nhà định cư của nhiều các startup, tạo thành một thung lũng công nghệ sôi động tương tự như Silicon của Mỹ. Giữa lúc dòng vốn đầu tư đang tháo chạy ra khỏi quốc gia này do chi phí nhân cao tăng mạnh, thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hiện diện và đầu tư vào Thâm Quyến. Điều gì làm nên sự ngược dòng này?

Đó là nhờ vào chiến lược 30 năm phát triển với định hướng rõ ràng, Thâm Quyến đã thật sự trở thành một cụm công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng cao và năng lực sản xuất hiệu quả. Chúng đã tạo nên lợi thế cạnh tranh rất riêng cho Thâm Quyến, biến nơi đây tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử và công nghệ cao dù rủi ro đầu tư vào Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

Tập đoàn tư vấn chiến lược Mc Kinsey, Singapore chia sẻ kinh nghiệm cho thấy, thất bại của các khu kinh tế là điều thường gặp, khi có 50% các khu kinh tế hoạt động kém hiệu quả so với mặt bằng nền kinh tế chung của quốc gia. Hầu hết, các đặc khu kinh tế sẽ phải mất hơn một thập niên trước khi được coi là thành công. Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng ví von: “Đặc khu kinh tế là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”.

(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 14
  • 2058
  • 18,009,798