Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

Bài 1: TINH HOA NỀN GIÁO DỤC CHUYÊN NGÀNH DẦU KHÍ RUMANI

  11/09/2020

Nói đến Rumani, chắc chắn phải nhắc tới ngành Dầu khí của đất nước Đông Nam châu Âu này, với bề dày phát triển hàng trăm năm được cả thế giới biết đến. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến những thành tựu đào tạo chuyên ngành dầu khí của Rumani, bởi xét đến cùng thì sự phát triển rực rỡ của ngành kinh tế mũi nhọn lâu đời, một trong những trụ cột của nền kinh tế của đất nước Rumani, chính là yếu tố con người. Các thế hệ giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư và cộng đồng nhân lực dầu khí bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu đã đánh thức nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, phụng sự Tổ quốc và nhân dân của mình.

Tác giả Nguyễn Xuân Nhậm

Chủ tịch Chi hội hữu nghị Dầu khí Việt - Ru

Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Thế hệ chúng tôi

Ở tuổi 18, chúng tôi hồ hởi đến đất nước Rumani theo học chuyên ngành Dầu khí tại Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG). Trường đào tạo từ bậc đại học trở lên cho tất cả các chuyên ngành công nghiệp dầu khí, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến lọc hóa dầu; từ kỹ nghệ khoan đến thiết bị dầu khí… Đây là một cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng đầu, được hầu hết các nước có nền công nghiệp dầu khí công nhận, kể cả những nước phát triển phương Tây. Bằng tốt nghiệp và học vị do IPGG Bucarest cấp được công nhận và tiếp nhận ở nhiều nước trong cộng đồng dầu khí thế giới.

Một điểm mạnh của nền đào tạo chuyên ngành Dầu khí Rumani là việc đào tạo theo hướng “chiều rộng”. Học viên theo học chuyên ngành khâu “hạ nguồn” cũng được trang bị kiến thức về khâu “thượng nguồn”, và ngược lại, trong nhà trường và trên thực địa. Điều đó giúp chúng tôi dễ xoay sở và thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh, môi trường công tác. Thực tiễn cho thấy, những người được đào tạo theo hệ thống này có độ “uyển chuyển” tốt hơn so với những đồng nghiệp được đào tạo theo hệ thống “hẹp, chuyên sâu” trong hoàn cảnh nước ta ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa và trong thời kỳ đầu phát triển ngành công nghiệp dầu khí. Đó cũng là một trong những lý do để những hạt giống được “ươm gieo” từ “lò” đào tạo dầu khí Rumani có khả năng nảy mầm khỏe mạnh, đơm hoa kết trái.Chất lượng đội ngũ giáo viên, sự gắn kết giữa học trong nhà trường và tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn sản xuất trong ngành Dầu khí ngay từ lúc còn đang theo học các năm chuyên ngành đầu tiên đã góp phần cho ra lò những chuyên gia dầu khí có trình độ chuyên môn vững vàng, sẵn sàng bước vào nghề ngay từ khi mới rời ghế nhà trường.

Đó cũng chính là kinh nghiệm bản thân chúng tôi và những gì chúng tôi được thừa hưởng từ nền giáo dục đó. Nhiều người có thể ngạc nhiên trước câu chuyện có thật là chỉ sau một năm sau khi ra trường, một kỹ sư tốt nghiệp IPGG Bucarest đã tham gia thi tuyển và vượt qua ba “đối thủ” người bản xứ và cả người nước ngoài khác để được đề bạt làm Chánh cơ khí một tổ hợp lớn khai thác khí tại Rumani. Đấy là thời gian những năm 1972-1974, khi chúng tôi được nhận ở lại làm việc với tư cách tập sự sau ra trường tại Schela de Extractie Mosoaia (Pitesti, Rumani).

Sau này về Việt Nam làm việc, được phục vụ trong ngành Dầu khí, kinh qua hầu hết các lĩnh vực chính của ngành từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến lọc hóa dầu; từ dịch vụ kỹ thuật dầu khí đến quản trị doanh nghiệp và trở thành người đứng đầu Tổng công ty Dầu khí quốc gia. Với những kết quả đạt được trên mỗi nhiệm vụ công tác đã qua, chúng tôi tự hào đóng góp một phần nhỏ công sức vào sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong giai đoạn từ 1955 đến 1985 (30 năm), có tổng số khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG) và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), gồm 90 kỹ sư địa chất, 40 kỹ sư địa vật lý, 38 kỹ sư khoan và khai thác, 39 kỹ sự thiết bị và 45 kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu. Trong số kỹ sư này, đã có khoảng 20 người tiếp tục được nghiên cứu, đào tạo trở thành tiến sĩ ở Rumani, ở một số nước khác và cả ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong giai đoạn cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, còn có 3 đoàn thực tập sinh Việt Nam được cử sang sang thực tập trong ngành Dầu khí Rumani. Tổng cục Hóa chất cử 2 đoàn thực tập sinh gồm Đoàn Lọc dầu 15 người, thực tập tại các nhà máy Lọc dầu ở Ploiesti và Đoàn Hóa dầu 15 người, thực tập tại Liên hợp Hóa dầu Brazi từ năm 1968 đến năm 1972. Tổng cục Địa chất cử Đoàn Thực tập sinh khoan sâu, gồm 45 người, thực tập ở các giếng khoan dầu khí từ năm 1970 đến năm 1974.

Trong số kỹ sư, tiến sĩ, thực tập sinh dầu khí được đào tạo ở Rumani, có rất nhiều người đã phát huy được năng lực, trở thành chuyên gia hàng đầu và cán bộ quản lý nòng cốt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Có trên 60 cán bộ từ cấp trưởng, phó ban, giám đốc các đơn vị sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo đến Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí quốc gia, cũng như cán bộ cấp vụ làm việc trong Văn phòng Chính phủ và các bộ quản lý ngành Dầu khí của đất nước.

Chúng tôi vô cùng biết ơn Đất nước và nhân dân Rumani, quê hương thứ hai của mình, đã cưu mang đùm bọc, nuôi dạy trong những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt của Việt Nam. Vô cùng biết ơn các thầy giáo, đồng môn, đồng nghiệp đã chắp cánh cho chúng tôi để có thể góp phần nhỏ bé của mình phụng sự nhân dân và Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Thế hệ tiếp theo

Năm 2001, trong điều kiện Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có một số nguồn quỹ đào tạo chi cho công tác đào tạo chuyên ngành tại các cơ sở ngoài nước. Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), tiền thân là IPGG Bucarest, cũng đã được lựa chọn là một trong những địa chỉ tin cậy để gửi sinh viên sang học tập, bên cạnh các trường dầu khí khác ở Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Pháp v.v.

Trong các năm 2002-2010, nhiều đợt sinh viên được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Bộ Giáo dục gửi sang Rumani đào tạo; các em được lựa chọn và gửi đi theo học ở hầu hết các chuyên ngành dầu khí tại đây. Lứa kỹ sư tốt nghiệp UPG Ploiesti sau này trở về, tiếp bước cha anh, đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

 Sự đóng góp của Rumani vào đào tạo chuyên ngành cho ngành Dầu khí Việt Nam còn phải kể đến sự góp mặt của các chuyên gia dầu khí Rumani trong giai đoạn đầu vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Những chuyên gia Rumani đã tận tâm truyền lại những bí quyết nghề nghiệp, kèm cặp cho đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam nhanh chóng làm chủ công nghệ, kỹ thuật và tự chủ vận hành nhà máy trong một thời gian rất ngắn.

Từ thập niên 1990, ngành Dầu khí Rumani có nhiều chuyển đổi để phù hợp với nền kinh tế EU mà Rumani là một thành viên từ năm 2007, và tình hình nguồn tài nguyên dầu khí trong nước đang cạn dần, phải nhập khẩu bổ sung. Hệ thống đào tạo chuyên ngành Dầu khí của Rumani vẫn tiếp tục phát huy các điểm mạnh của truyền thống và kinh nghiệm trên 160 năm phát triển toàn diện, một trong những cái nôi của ngành dầu khí thế giới, kết hợp với những tiến bộ khoa học công nghệ của nhân loại trong thế kỷ 21.

Các bước hợp tác đào tạo tiếp theo giữa Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí, Trường Cao đẳng Dầu khí Việt Nam với Trường Đại học Dầu khí Rumani (UPG Ploiesti) tuy còn ở mức khiêm tốn nhưng hy vọng sẽ sớm mang lại thành quả tích cực hơn nữa trong những năm tới.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm Trường Đại học Dầu khí Rumani (IPGG-UPG), chúng tôi, những cựu lưu học sinh của trường, nhìn lại cả quá trình được đào tạo tại Rumani cũng như những năm tháng công tác trong ngành Dầu khí Việt Nam, với niềm tự hào về ngôi trường của mình, bày tỏ lòng ngưỡng mộ một nền giáo dục, đào tạo chuyên ngành dầu khí hàng đầu mà mình vinh dự được tiếp thu và trải nghiệm.

TP Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2018

N.X.N

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 13
  • 2707
  • 18,010,447