Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

Bài 2 : VÀI CÂU CHUYỆN HỢP TÁC DẦU KHÍ VIỆT - RU

  19/09/2020

Trong quá trình phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, sự hợp tác với Rumani và các nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn đầu đầy khó khăn của thập niên 1960 và 1970 là hết sức quan trọng.

Tác giả Bỳ Văn Tứ

Hành trình ngành Dầu khí Việt Nam

Năm 2011, kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (27/11/1961 - 27/11/2011) và 36 năm thành lập Tổng cục Dầu khí (3/9/1975 - 3/9/2011), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xuất bản bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”.

Trong Lời giới thiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười viết: “Suốt nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế quan trọng, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng đất nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã góp phần đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.

Đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ 1991-1997, đồng thời là nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ 1988-1991, về sự trưởng thành và đóng góp của ngành Dầu khí cho phát triển đất nước là hết sức có ý nghĩa.

Hành trình hơn 50 năm của ngành Dầu khí Việt Nam đầy gian nan và thử thách trong một thế giới luôn biến động. Tuy vậy, đó là con đường phát triển đi lên, với những cột mốc đáng nhớ.

Tổ chức dầu khí quốc gia:

Sự hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam được gắn liền với tên gọi tổ chức dầu khí quốc gia. Trước năm 1975, các hoạt động dầu khí ở Việt Nam được thực hiện ở hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành các công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí và chuẩn bị hình thành ngành công nghiệp dầu khí trong phạm vi Tổng cục Địa chất và Tổng cục Hóa chất. Ở miền Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiến hành tìm kiếm thăm dò dầu khí thông qua Ủy ban Quốc gia dầu hỏa và Tổng cuộc Khoáng sản. Từ năm 1975, nước Việt Nam thống nhất, Tổng cục Dầu khí Việt Nam ra đời, là tổ chức dầu khí quốc gia thống nhất, xúc tiến việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam một cách toàn diện.

  • Năm 1961, Tổng cục Địa chất thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36, mở đầu giai đoạn tìm kiếm và thăm dò dầu khí tại miền Bắc Việt Nam với sự hợp tác với Liên Xô, Trung Quốc, Rumani và một số nước xã hội chủ nghĩa.
  • Năm 1971, Tổng cục Hóa chất thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt, nghiên cứu xây dựng quy hoạch, phương hướng và chính sách xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt của đất nước, chuẩn bị đầu tư các dự án lọc hóa dầu ở miền Bắc Việt Nam, hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc.
  • Năm 1971, tại miền Nam Việt Nam, Đạo luật Dầu hỏa có hiệu lực và Ủy Ban Quốc gia dầu hỏa được thành lập, xúc tiến việc đấu thầu cấp quyền đặc nhượng thăm dò dầu khí tại thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 có một số dự án xây dựng nhà máy lọc dầu ở miền Nam. Các hợp đồng tô nhượng thăm dò khai thác dầu khí và dự án lọc dầu, Việt Nam Cộng hòa kêu gọi hợp tác đầu tư với các công ty dầu khí đa quốc gia phương Tây.
  • Tháng 9/1975, Tổng cục Dầu mỏ - Khí đốt Việt Nam được thành lập để tổ chức triển khai và quản lý các công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án lọc hóa dầu và dịch vụ dầu khí trền toàn bộ lãnh thổ và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thống nhất.
  •  Năm 1990, Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập để thực hiện các công tác dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn và dịch vụ của ngành Dầu khí Việt Nam, thay thế Tổng cục Dầu khí trong chức năng sản xuất kinh doanh.
  • Năm 2006, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ra đời, thay thế cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Những cột mốc phát triển

bai 2 vai cau chuyen hop tac dau khi viet ru

Giàn cố định số 1 (MSP-1) khai thác dòng dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ, ngày 26/6/1986

Hành trình phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam được đánh dấu bằng một số sự kiện quan trọng:

  • Ngày 19/2/1975, giếng khoan Bạch Hổ-1X trong Lô 09 thềm lục địa Việt Nam thử vỉa được lưu lượng 2.400 thùng dầu thô/ngày và 25.500 mkhí/ngày, đạt tiêu chuẩn thương mại. Sự kiện này khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam có trữ lượng dầu khí thương mại và sẽ trở thành nguồn dầu khí chủ yếu của Việt Nam.
  • Ngày 18/3/1975, thử vỉa dòng khí thiên nhiên với lưu lượng khoảng 448.000 m/ ngày tại giếng khoan 61 trên cấu tạo Tiền Hải C (tỉnh Thái Bình). Sự kiện này mở đầu cho việc khai thác mỏ khí Tiến Hải C từ ngày 19/4/1981, cung cấp khí cho 2 tổ máy phát điện và cho các hộ tiêu thụ trong Khu công nghiệp Tiền Hải sau này. Mỏ khí Tiền Hải C là cái nôi của ngành công nghiệp khí Việt Nam.
  • Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô khai thác thương mại đầu tiên tại mỏ dầu Bạch Hổ. Từ đây, bắt đầu kỷ nguyên của ngành khai thác dầu khí biển của Việt Nam. Đến năm 2015 trên các cấu tạo trầm tích ngoài biển Việt Nam có 24 mỏ dầu khí đang khai thác và 24 mỏ khác đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Theo số liệu thống kê, trữ lượng dầu thô của Việt Nam đã xác minh cuối năm 2016 khoảng 600 triệu tấn và trữ lượng khí thiên nhiên đã xác minh của Việt Nam cuối năm 2016 là 600 tỷ m3. Sản lượng dầu thô khai thác cực điểm năm 2004 đạt 19,55 triệu tấn/năm; sản lượng khí thiên nhiên và khí đồng hành năm 2015 đạt khoảng 11 tỷ m3/năm
  • Ngày 17/4/1995, dòng khí đồng hành từ mỏ dầu Bạch Hổ dẫn bằng đường ống vào trạm tiếp nhận khí Dinh Cố (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày 26/4/1995, Nhà máy điện Bà Rịa phát điện bằng khí hòa vào lưới điện quốc gia. Tại Việt Nam, năm 2015 đã có 10 nhà máy nhiệt điện dùng khí thiên nhiên với tổng công suất phát điện là 7.345 MW, chiếm 21,58% tổng công suất phát điện của cả nước (34.080 MW).
  • Ngày 12/12/1998, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố hoàn thành cơ bản, cung cấp 200 tấn khí dầu hóa lỏng (LPG) đầu tiên cho khách hàng, cùng với số khí khô cho Nhà máy điện Bà Rịa và condensate xuất qua cảng Thị Vải. Hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý khí Bạch Hổ khởi đầu cho việc hình thành các hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý, phân phối khí thiên nhiên Bạch Hổ, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau, Thái Bình, cấu thành ngành công nghiệp khí Việt Nam hiện nay.
  • Ngày 4/ 6/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoàn thành và sản xuất tấn sản phẩm phân hóa học urê đầu tiên từ khí thiên nhiên, mở đầu cho ngành công nghiệp hóa khí của Việt Nam. Nhà máy có công suất 740.000 tấn năm phân hóa học urê hạt trong và 35.000 tấn/năm amoniac. Ngày 29/1/2012, Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức đi vào hoạt động với công suất 800.000 tấn/năm phân hóa học urê dạng viên đục, là nhà máy hóa dầu thứ 2 sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên. Hai nhà máy này đang hoạt động với 100% công suất thiết kế, cung ứng cho trên 60% nhu cầu phân đạm của thị trường Việt Nam.
  • Ngày 22/2/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành xây dựng và cho ra sản phẩm lọc dầu đầu tiên, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm dầu thô. Ngoài các sản phẩm xăng dầu, nhà máy còn sản xuất 150.000 tấn/năm sản phẩm hóa dầu Polypropylene (PP). Nhà máy vận hành liên tục 100% công suất thiết kế.
  • Năm 2017, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành xây dựng, bắt đầu chạy thử và chuẩn bị đưa vào sản xuất với công suất 10 triệu tấn/năm, sản xuất các loại xăng dầu và sản phẩm hóa dầu.
  • Ngày 25/11/2010, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam được thành lập.  

Trong quá trình phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, sự hợp tác với Rumani và các nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn đầu đầy khó khăn của thập niên 1960 và 1970 là hết sức quan trọng.

Hợp tác Việt Nam - Rumani về dầu khí

Quan hệ hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Rumani bắt đầu từ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Lọc dầu số 1 Ploiesti vào tháng 8 năm 1957. Trong thời gian thăm Rumani, Hồ Chủ tịch đã được các nhà lãnh đạo Rumani giới thiệu về ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí của nước bạn. Sau đó, một số lưu học sinh Việt Nam đang học tiếng Rumani và bổ túc văn hóa ở Thủ đô Bucarest được phân công vào học ở Khoa Địa chất Dầu khí như các anh Tăng Văn Mười, Nguyễn Xuân Tùng và Khoa Hóa học như chị Phạm Thị Ngọc Bích, Phan Thị Thủy, Nguyễn Thị Phái. Những năm tiếp theo, trong số các đoàn lưu học sinh và thực tập sinh Việt Nam sang Rumani đào tạo, thì số người học ngành dầu khí tốt nghiệp từ năm 1962 tới năm 1985 hơn 250 kỹ sư và 75 thực tập sinh. Các kỹ sư và tiến sĩ dầu khí đào tạo từ Rumani về nước đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Về hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Rumani, có 2 giai đoạn:

Trước năm 1975, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam do Tổng cục Địa chất đảm nhiệm; công tác chuẩn bị phát triển các dự án lọc hóa dầu do Tổng cục Hóa chất đảm nhiệm. Tổng cục Địa chất mua một số thiết bị khoan, thiết bị thăm dò địa vật lý của Rumani và cử một số kỹ sư và công nhân sang Rumani thực tập khoan dầu khí. Tổng cục Hóa chất cử 1 đoàn sang Rumani thực tập tại nhà máy lọc dầu, 1 đoàn thực tập tại liên hợp hóa dầu và 1 đoàn công tác sang Rumani cuối năm 1971 khảo sát các nhà máy lọc dầu, hóa dầu, phân đạm, xi măng để chuẩn bị các phương án hợp tác trong các những lĩnh vực đó.

Sau năm 1975Tổng cục Dầu khí ra đời và đảm nhiệm việc xây dựng ngành Dầu khí toàn diện bao gồm từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và dịch vụ dầu khí. Có một số sự kiên liên quan đến quan hệ hợp tác dầu khí thời kỳ này:

  • Tháng 11/1976, Chính phủ Việt Nam thành lập đoàn đàm phán hợp tác kinh tế Việt Nam - Rumani do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm trưởng đoàn; thành viên đoàn có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên và Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Quang Hạp chuẩn bị kế hoạch hợp tác về dầu khí giữa hai nước. Đầu tháng 11/1976, Đoàn công tác của Tổng cục Dầu khí do Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch Nguyễn Quang Hạp dẫn đầu sang Rumani tham quan các nhà máy lọc dầu Ploiesti, Teleajen, trung tâm xử lý số liệu địa vật lý và làm việc với các cơ quan của Rumani, chuẩn bị nội dung đàm phán giữa chính phủ hai nước. Hai bên đã trao đổi về phương án hợp tác thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn 200.000 tấn/năm ở Việt Nam.
  • Cuối tháng 1/1977, đoàn chuyên gia dầu khí Rumani do Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Ngoại thương Grigorie Emil dẫn đầu sang Việt Nam bàn phương án hợp tác về dầu khí, đi khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long, địa điểm dự kiến cho nhà máy lọc dầu tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
  • Tháng 8/1977, đoàn công tác của Tổng cục Dầu khí Việt Nam do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên dẫn đầu sang Rumani tham quan các cơ sở khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, chế tạo thiết bị và đàm phán hợp tác thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà máy lọc dầu và sản xuất dầu nhờn. Một số vấn đề về nguồn vốn thanh toán cho phần đồng bộ hóa từ nước thứ 3, điều kiện tài chính, thanh toán bằng dầu thô và sản phẩm phải trình lên cấp nhà nước hai bên xử lý.
  • Tháng 12/1977, Nghị định thư Khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Rumani được ký kết tại Bucarest. Hai bên thống nhất tiến hành khoan 3 giếng thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long; còn nhà máy lọc dầu và dầu nhờn sẽ tiếp tục đàm phán về các điều kiện kinh tế, tài chính.

Sau đó, phương án hợp tác với Rumani về nhà máy lọc dầu không tiến triển thêm vì Rumani chỉ có thể tham gia một phần và hai bên không thống nhất được các điều kiện và giải pháp về tài chính.

Như vậy kết quả có ý nghĩa lớn nhất trong hợp tác dầu khí giữa Rumani và Việt Nam là đào tạo được một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và quản lý, góp phần phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Giai đoạn sau năm 2000, việc đào tạo kỹ sư dầu khí Việt Nam tại Rumani được tiếp nối từ năm 2002 sau một thời gian dài gián đoạn. Tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí tốt nghiệp các khóa từ Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), trên cơ sở hợp đồng đào tạo giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG) cùng một số suất học bổng trao đổi giữa Bộ Giáo dục hai nước.

Chuyên gia Petroconsult và các nhà máy lọc hóa dầu Việt Nam

Một nét mới trong hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Rumani đầu thế kỷ 21 là việc các chuyên gia lọc hóa dầu Rumani được Công ty Petroconsult cử sang Việt Nam tham gia chạy thử và vận hành thời gian đầu và bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy sợi Polyester Đình Vũ. Tổng số chuyên gia Rumani làm việc ở Việt Nam trong các hợp đồng của Petroconsult với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) từ năm 2002 tới năm 2014 là 150 người.

Tại dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Khởi đầu bằng việc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuê 2 chuyên gia Rumani (Công ty Petroconsult) sang làm tư vấn đào tạo đội ngũ vận hành nhà máy vào năm 2002-2003. Chuyên gia tư vấn đào tạo Rumani đã cùng chủ đầu tư và tổng thầu hoàn thiện chương trình đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy, cùng Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí ở Vũng Tàu cụ thể hóa tài liệu hướng dẫn, kiểm tra, sát hạch các học viên, tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu hệ thống chức danh vận hành nhà máy của tổng thầu và nhà cung cấp bản quyền công nghệ. Những tư vấn này hỗ trợ Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí thực hiện tốt hợp đồng đào tạo với Ban Quản lý dự án. Hợp đồng thứ hai của Petroconsult là cử 1 chuyên gia điện tham gia cùng Tổng thầu Technip Italy chạy thử và đưa vào vận hành các thiết bị điện của nhà máy trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 5/2004. Hợp đồng thứ 3 ký kết giữa Petroconsult và Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (đơn vị vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Đạm Phú Mỹ) là phối hợp với công ty Quad Consulting Inc. (Hoa Kỳ) cử một đội chuyên gia Rumani sang tham gia chạy thử và hỗ trợ vận hành nhà máy năm 2004-2005. Các chuyên gia Rumani cùng đội ngũ nhân lực của nhà máy tham gia công tác tiền chạy thử (precommissioning) và chạy thử (commissioning) cùng với tổng thầu, đưa vào vận hành và tiếp nhận chuyển giao nhà máy, cũng như hỗ trợ vận hành thời gian đầu cho tới tháng 6/2005. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoạt động an toàn và liên tục 100% công suất thiết kế với chất lượng tốt, hiệu suất và hiệu quả cao. Việc hợp tác thành công của Petroconsult ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ tạo được uy tín tốt của Petroconsult ở Việt Nam, có điều kiện tiếp tục hợp tác với Petrovietnam trong dự án tiếp theo.

Tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Petroconsult của Rumani đã có các hợp đồng đào tạo nhân lực vận hành, tham gia chạy thử và đưa vào hoạt động nhà máy, và tham gia bảo dưỡng định kỳ từ tháng 10/2006 tới tháng 2/2009. Hợp đồng đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy thực hiện từ tháng 10/2006 tới tháng 2/2009, Petroconsult hợp tác cùng Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí thực hiện cho 300 học viên theo chức danh tại cơ sở của trung tâm ở Vũng Tàu, thực tập thực tế tại Nhà máy điện Bà Rịa, Nhà máy chế biến condensate Thị Vải, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cảng LPG Thị Vải, Phòng thí nghiệm Vietsovpetro v.v... Trong năm 2007 có 60 kỹ sư chức danh vận hành và bảo dưỡng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Petroconsult tổ chức đào tạo tiếp ở Rumani, tại Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), Viện thiết kế IPIP, Nhà máy Lọc dầu Petrotel Lukoil, thực tập tại xưởng xử lý dầu hỏa ở Nhà máy lọc dầu PetroBrazi của Tập đoàn Petrom OMV, xưởng bảo dưỡng các công trình dầu khí của hãng Dinafit, Kho cảng đầu mối Constanta. Trong giai đoạn từ tháng 11/2007 tới tháng 2/2009, Petroconsult trợ giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất quản lý và điều hành chương trình đào tạo nhân lực tại công trường, tại các nhà cung cấp bản quyền, các nhà cung cấp thiết bị và tham gia công việc với nhà thầu cho 900 người thuộc bộ máy vận hành nhà máy. Trong giai đoạn này các chuyên gia Rumani cũng trợ giúp kỹ thuật trong việc chạy thử và đưa vào hoạt động các thiết bị và xưởng sản xuất trong nhà máy. Hợp đồng tham gia bảo dưỡng tổng thề định kỳ Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Petroconsult hợp tác cùng hãng Quat Consulting Inc. (Hoa Kỳ) thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2014.

Tại dự án Nhà máy sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ: Petroconsult hợp tác cùng công ty bảo trì của Petrovietnam (PVMC) thành một Nhà thầu Vận hành và Bảo dưỡng (O&M) thực hiện hợp đồng trợ giúp kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng nhà máy theo yêu cầu của chủ đầu tư 2 đợt tháng 3/2012 đến tháng 7/2012 và từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2013.

Hợp tác giữa Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG Ploiesti):

Biên bản hợp tác giữa hai trường được ký kết vào ngày 1/12/2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 2017 hai bên đã xúc tiến các nội dung trong chương trình hợp tác liên quan đến giáo trình giảng dạy, trao đổi sinh viên, tổ chức thỉnh giảng, nghiên cứu chuyên đề, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ v.v... Tháng 5/2017, đoàn công tác của trường đã sang Rumani tham quan và trao đổi với Hiệu trưởng UPG chương trình hành động cụ thể về hợp tác giữa hai bên trong những năm tới.

Chuyện về thiết bị khoan của Rumani thăm dò dầu khí ở Việt Nam

bai 2 vai cau chuyen hop tac dau khi viet ru

Khu vực mỏ khí Tiền Hải C

Trong hai thập niên 1970 và 1980, công tác thăm dò dầu khí ở vùng trũng Hà Nội được đẩy mạnh. Ngoài các công tác địa vật lý, công tác khoan tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí được tiến hành bằng các giàn khoan của Rumani và của Liên Xô.

Những năm 1970-1975, Việt Nam nhập khẩu một số giàn khoan Rumani loại T-50, 3DH-200, 4LD-150D và F-200.

Giếng khoan sâu thông số tìm kiếm dầu khí đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam là giếng khoan GK-100 trên cấu tạo Tiên Hưng, đặt tại làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam ghi nhận sự kiện này như sau:

“Thi công giếng khoan GK-100 bằng máy khoan 4LD-150D do Rumani sản xuất, công suất khoan được 3.200 m. Thiết bị của bộ máy khoan nặng gần 1.000 tấn. Có những thiết bị nặng 18, 20, 25 tấn, tháp khoan phân thành 3 đoạn mỗi đoạn 18 m, cần khoan, ống chống, choòng khoan và các loại vật tư tiêu hao khác có trọng lượng hơn 2.000 tấn. Do máy bay Mỹ bắn phá cảng Hải Phòng, các thiết bị, vật tư được chở rải rác bằng nhiều tàu, nhiều chuyến khác nhau, nên hàng đưa lên cảng được đưa đi cất giấu ở dọc đường số 5... Tháng 6 năm 1970 Liên Xô cử đội xây lắp sang, có kỹ sư và 15 công nhân cùng với cán bộ và công nhân của Đoàn 36S (Đoàn khoan sâu thuộc Liên đoàn 36) tiến hành xây lắp giàn khoan. Tháng 9 năm 1970 việc xây lắp giàn khoan hoàn tất, tháp khoan cao 53 m, sức nâng 150 tấn. Cùng thời gian này có thêm một đội khoan của Liên Xô gồm 20 người, chia làm 4 kíp khoan liên tục. Mỗi kíp gồm kíp trưởng, 2 thợ khoan, 1 thợ máy động cơ diesel, 1 thợ nguội sửa chữa máy khoan và máy bơm hỗ trợ vận hành. Giếng khoan GK-100 khởi công ngày 23 tháng 9 năm 1970, hoàn thành ngày 5 tháng 12 năm 1971, đạt độ sâu 3.303 m, đó là kỷ lục khoan sâu nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Theo thiết kế ban đầu, chiều sâu giếng khoan là 3.000 m, do yêu cầu địa chất đã khoan tới 3.303 m, vượt cả công suất máy.”.

Sau khi hoàn thành giếng khoan GK-100 tại cấu tạo Tiên Hưng, bộ máy khoan 4LD-150D được đưa đến địa điểm dự kiến khoan giếng khoan thông số tìm kiếm, thăm dò GK-101 tại Quang Bình vào tháng 6/1972.

“Tháng 9 năm 1972 có các kỹ sư khoan tốt nghiệp Học viện Dầu khí Địa chất Bucarest, Rumani (IPGG) mới về nước như Trịnh Minh Hùng, Ngô Văn Tự, Đỗ Văn Việt, Ninh Văn Nhuận, Đào Đức Nghinh, Vương Hữu Oánh... Các kỹ sư khoan tốt nghiệp trong nước có Lương Duyên Nga, Trần Ngọc Ân, Lê Cương, Đỗ Hữu Việt... Lực lượng kỹ thuật được bổ sung đã trưởng thành một cách nhanh chóng. Khi bắt đầu khoan giếng khoan thông số thứ 2 (GK-101) ở Quang Bình và tiếp theo các giếng khoan khác, các cán bộ kỹ thuật của ta đã thay thế kíp trưởng, kỹ sư là chuyên gia Liên Xô. Mỗi giàn khoan chỉ còn 2 hoặc 3 chuyên gia Liên Xô, có những giàn khoan không còn chuyên gia Liên Xô... Giếng khoan tìm kiếm GK-101 hoàn thành ngày 15 tháng 8 năm 1974, đạt độ sâu theo thiết kế là 3.202 m, hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm các tầng chứa dầu khí trong trầm tích Neogen, nghiên cứu các đặc điểm địa chất, địa hóa...”.

Giếng khoan thông số tìm kiếm dầu khí GK-102 đặt tại xã Giao An, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định khoan bằng máy khoan Uralmash-3D do Liên Xô chế tạo, được xây lắp đầu năm 1974 bởi Đoàn 36N do Trưởng đoàn là Anh hùng Lao động Trần Văn Giao và số thực tập sinh ở Rumani mới về. Cuối năm 1974, ông Trần Văn Giao được điều động về Đoàn 36Y chuẩn bị cho giếng khoan GK-104 cùng với bộ máy khoan 3DH-250 do Rumani chế tạo. Sau năm 1975, kỹ sư khoan Ninh Văn Nhuận làm Đoàn phó Đoàn 36N thi công giếng khoan GK-102.

Năm 1974-1975 giếng khoan thông số tại Chợ Gốc, huyện Kiến Xương được thực hiện bằng bộ máy khoan T-50 do Rumani sản xuất, khoan đạt độ sâu 1.700 m. Ông Trịnh Minh Hùng, kỹ sư tốt nghiệp ở Rumani năm 1972 làm kíp trưởng tại giếng khoan này. Sau đó, ông Hùng được điều động lên Phòng Công trình của Liên đoàn 36.

Giếng khoan thăm dò GK-104 đặt tại thôn Duy Linh, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, do Đoàn 36Y thực hiện,với bộ máy khoan 3DH-250 của Rumani sản xuất, với công suất khoan sâu tới 5.000 m. Đây là bộ máy khoan sâu hiện đại nhất Việt Nam lúc đó, tháp khoan hình chữ A cao 53 m, sức nâng là 250 tấn, trang bị 5 động cơ diesel công suất 820 mã lực dùng cho hệ thống tời và bơm dung dịch khoan. Quyền trưởng đoàn 36Y là Anh hùng Lao động Trần Văn Giao, nguyên là Trưởng đoàn Thực tập sinh khoan ở Rumani giai đoạn 1970-1974, Phó trưởng đoàn 36Y là ông Đỗ Văn Việt - kỹ sư khoan tốt nghiệp ở Rumani năm 1972. Từ tháng 8/1975 đến tháng 7/1976, Đoàn 36Y tiến hành công tác khảo sát, thiết kế, chuẩn bị vật tư, nhân lực và các điều kiện thi công. Trong giai đoạn từ tháng 8/1976 đến tháng 12/1976 có 5 chuyên gia Rumani từ Nhà máy thiết bị Mồng 1 tháng 5 ở Ploiesti sang công trường hỗ trợ lắp dựng và đồng bộ hóa máy khoan. Giếng khoan GK-104 Phù Cừ hoàn thành vào tháng 2/1979, đạt độ sâu 4.114 m.

Giếng khoan khai thác số 76 tại Tiền Hải, Thái Bình sử dụng bộ máy khoan F200- 2DH của Rumani sản xuất gặp sự cố khí phun, để lại một di tích khó quên trong quá trình phát triển mỏ khí Tiền Hải C. Ngày 18/5/1982, giếng khoan 76 đạt độ sâu 582 m bằng choòng khoan đường kính 269 mm thì bắt đầu bơm rửa, kéo cần khoan. Khi sắp kết thúc công đoạn kéo cần thì kíp trưởng phát hiện khí xâm nhập mạnh vào dung dịch khoan và đẩy cần nặng lên. Thay vì phải thả cần xuống, đóng đối áp và bơm dung dịch nặng để dập giếng, thì kíp trưởng vẫn tiếp tục cho kéo cần lên để thay choòng khoan. Vừa tháo xong choòng cũ, dòng khí đưa dung dịch trào lên miệng giếng và bắt đầu phun mạnh. Khí tiếp tục phun ngày càng mạnh từ buổi chiều tới gần nửa đêm thì tạm ngưng. Trong khi anh em công nhân trực ca đêm dọn dẹp sàn khoan, chờ barit gia công dung dịch nặng, thì dòng khí phun trở lại mỗi lúc một mạnh thêm. Lúc 1 giờ 40 phút ngày 19/5, khí phun mạnh kèm theo tiếng nổ lớn. Trong giây lát, toàn bộ giàn khoan F200-2DH và cụm máy móc thiết bị khác bị nuốt chìm vào trong hố sâu có bán kính khoảng 10-15 m. Cột nước dung dịch bị khí đẩy lên cao khoảng 15 m. Khí tiếp tục phun cho đến chiều ngày hôm sau thì tạm ngưng, để lại một hố sâu với đường kính khoảng 30 m, đầu tháp khoan nhô lên khoảng 5 m trên mặt nước đục ngầu có bong bóng khí sôi ùng ục. Rất may, sự cố không gây ra hỏa hoạn và không có thiệt hại về người. Hai công nhân làm việc trên sàn cao, kịp cởi áo bảo hộ lao động quấn vào tay, nắm dây cáp chằng giàn khoan, tụt xuống đất thoát nạn. Sự cố phun khí ở giếng khoan 76 Tiền Hải năm 1982 rất giống sự cố khí phun ở giếng khoan Bazna năm 1914 của Rumani.

Năm 1979 có 2 giàn khoan F200 được Tổng cục Dầu khí điều động vào Đồng bằng sông Cửu Long để khoan giếng khoan ở Cà Cối, Phụng Hiệp. Sau đó 1 giàn F200 được trang bị cho Trường Công nhân kỹ thuật Bà Rịa làm thiết bị đào tạo và thực tập cho công nhân khoan.

bai 2 vai cau chuyen hop tac dau khi viet ru

Lễ khởi công giếng khoan Cửu Long I-X

Những giàn khoan của Rumani cùng những kỹ sư, thực tập sinh đào tạo ở Rumani trong giai đoạn những năm thăm dò và khai thác khí của thập niên 1970-1980 ở vùng trũng Hà Nội đã góp phần thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Địa chất (trước năm 1975) và Tổng cục Dầu khí (sau năm 1975), hoàn thành được mục tiêu do Nhà nước giao cho.

Thăm dò địa vật lý và các chuyên gia đào tạo từ Rumani

Từ những năm thập niên 1960, cho tới thập niên 1980, công tác thăm dò dầu khí bằng các phương pháp địa vật lý đã được tiến hành ở vùng trũng Hà Nội. Liên đoàn 36 dầu lửa được tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ thăm dò địa vật lý của Liên Xô, bao gồm các phương pháp thăm dò từ hàng không, trọng lực, địa chấn, điện cấu tạo, địa vật lý giếng khoan.

Ban đầu là các kỹ sư, sau đó là các tiến sĩ địa vật lý được đào tạo từ Rumani đã sát cánh cùng chuyên gia Liên Xô và các đồng nghiệp được đào tạo từ Liên Xô thực hiện các công tác thăm dò địa vật lý.

Tiến sĩ Tăng Văn Mười tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1962 đã cùng các chuyên gia Liên Xô lập phương án thăm dò điện cấu tạo và tổ chức thực hiện trong giai đoạn 1964-1969 và là Đoàn trưởng đoàn Thăm dò Điện 36 cuối thập niên 1960.

Năm 1973, phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (ĐNT) do tiến sĩ Trần Ngọc Toản (tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1963) nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng công nghệ Rumani trên cấu tạo Tiền Hải C và sau đó mở rộng ra trên các cấu tạo khác trong đới Khoái Châu - Kiến Xương - Tiền Hải.

Trong thời gian từ 1962 đến năm 1978, phương pháp thăm dò điện cấu tạo đã cung cấp một lượng thông tin quý, góp phần làm sáng tỏ cấu - kiến trúc miền võng Hà Nội.

Kỹ sư Ngô Mạnh Khởi, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1964 là Đoàn trưởng Đoàn Địa vật lý 36F đầu thập niên 1970. Đoàn 36F đã tiến hành nhiều công tác thăm dò địa vật lý tại vùng trũng Hà Nội suốt những năm 1970-1980, trong đó sử dụng trạm karota khí của Liên Xô và của Rumani; có 11 kỹ sư địa vật lý giếng khoan tốt nghiệp ở Rumani qua các khóa ra trường từ năm 1972 tham gia cùng các đồng nghiệp được đào tạo từ Liên Xô.

Kỹ sư Nguyễn Đăng Liệu, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1972 thực hiện đo địa chấn các giếng khoan sâu tới 5.000 m của Liên đoàn 36 ở miền Bắc, sử dụng các trạm máy do Liên Xô chế tạo. Tháng 12/1975, ông Liệu làm Đội trưởng Đội Địa chấn biển, Đoàn Địa vật lý 22 thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam tham gia cùng Công ty CGG (Pháp) tiến hành khảo sát địa chấn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tới tháng 9/1976 thì hoàn thành. Tháng 5/1988, ông Liệu là Phó giám đốc Công ty Petrovietnam II tại miền Nam và tháng 11/1988 làm Giám đốc Công ty Petrovietnam I tại miền Bắc để quản lý, giám sát và phối hợp với triển khai các hợp đồng chia sản phẩm với các công ty dầu khí nước ngoài.

Kỹ sư Vũ Chấn Đán, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1972 làm Trạm trưởng Trạm bắn mìn mở vỉa những tập chứa theo kết quả minh giải tài liệu karota tổng hợp và karota khí, bắn mìn lấy mẫu đá thành giếng khoan để xác định thành phần thạch học đá chứa và nổ mìn cứu kẹt cần khoan bằng phương pháp nổ rung để tháo cần và bắn cắt cần.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thanh, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1973 làm Tổ trưởng Tổ chuyên đề chịu trách nhiệm thử nghiệm các máy mới nhập về, các máy có hệ thống điều khiển chuẩn chỉnh phức tạp hồi đó như karota siêu âm, cảm ứng, phóng xạ phát xung và các máy chịu nhiệt độ cao.

Kỹ sư Lê Tiến Nghinh, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Rumani năm 1972 làm Tổ trưởng Tổ minh giải tổng hợp, có nhiệm vụ giải thích nhanh tại giếng khoan ngay sau khi kết thúc đo karota để có kết quả sớm nhất tiến hành các công việc tiếp theo, như thử vỉa bằng phương pháp KI, bơm trám xi măng...

Đội ngũ nghiên cứu quy hoạch phát triển ngành dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu buổi đầu

Ban Dầu mỏ - Khí đốt thuộc Tổng cục Hóa chất từ năm 1971-1972 được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng, biện pháp và chính sách xây dựng, phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của đất nước; lập các phương án kinh tế kỹ thuật; nghiên cứu các đề tài khoa học kỹ thuật; thông tin và phổ biến khoa học kỹ thuật dầu khí kể cả theo dõi tình hình dầu khí ở miền Nam để chuẩn bị cho sau này. Đội ngũ cán bộ nòng cốt của Ban Dầu khí là những người được đào tạo từ Rumani, Liên Xô, CHDC Đức, Triều Tiên và trong nước. Trong đó, số kỹ sư tốt nghiệp dầu khí và 2 đoàn thực tập lọc hóa dầu từ Rumani về trên 40 người trong tổng số biên chế gần 60.

Lãnh đạo ban gồm có: Trưởng ban là ông Nguyễn Chấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất, 2 Phó trưởng ban Nguyễn Văn Biên và Hoàng Hữu Bình là Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất, Ủy viên Thường trực là tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, tốt nghiệp từ Liên Xô và Ủy viên là kỹ sư Trần Quang Vinh, nguyên Trưởng đoàn Thực tập lọc dầu ở Rumani.

Cán bộ điều hành các tổ chuyên môn đều đã được đào tạo ở Rumani và Liên Xô.

Tổ Dầu do ông Trần Quang Vinh, kỹ sư tốt nghiệp ở Liên Xô, nguyên Trưởng đoàn Thực tập sinh lọc dầu tại Rumani làm Tổ trưởng, ông Bỳ Văn Tứ, kỹ sư chuyên ngành công nghệ Lọc hóa dầu Rumani tốt nghiệp năm 1971 làm Tổ phó, chủ trì xây dựng các phương án nhà máy lọc hóa dầu sẽ hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc. Trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, thiếu thốn tài liệu và phương tiện, các kỹ sư lọc hóa dầu đã vận dụng kiến thức tiếp thu trong nhà trường và thực tế thực tập tại các nhà máy để nghiên cứu, tính toán và đề xuất nhiều phương án làm cơ sở cho các cơ quan Việt Nam đàm phán, thống nhất trong kế hoạch Hợp tác kinh tế - kỹ thuật 5 năm và hàng năm với các nước bạn.

Tổ Khí do ông Nguyễn Khải, kỹ sư tốt nghiệp ở Liên Xô, nguyên là Phó trưởng đoàn Thực tập sinh lọc dầu tại Rumani làm Tổ trưởng, chủ trì nghiên cứu các phương án khai thác, sử dụng khí tầng nông ở Nam Định, Thái Bình nói riêng và công nghiệp khí nói chung.

Tổ Phân tích thí nghiệm do ông Nguyễn Văn Minh, kỹ sư thực tập sinh Khoa học ở Rumani về làm Tổ trưởng, ông Trần Như Trí, kỹ sư thực tập sinh Hóa dầu ở Rumani về làm Tổ phó, triển khai một số đề tài tái sinh dầu nhờn, sản xuất mỡ bôi trơn, thử nghiệm sản xuất muội than từ khí tầng nông…

Tổ Thông tin, quy hoạch do tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, tốt nghiệp ở Liên Xô làm tổ trưởng, tiến sĩ Phạm Ngọc Bích tốt nghiệp chuyên ngành Hóa dầu ở Rumani làm tổ phó, phụ trách tổng hợp quy hoạch, thông tin chuyên ngành và Nội san Dầu khí.

Một số kỹ sư dầu khí tốt nghiệp năm 1971 được quay lại Rumani thực tập tiếp 2 năm (1972-1974) tại các nhà máy lọc dầu, tổ hợp khai thác dầu khí và nhà máy chế tạo thiết bị. Khi về nước, số kỹ sư này tiếp tục công tác ở Ban Dầu khí và đều trở thành những cán bộ nòng cốt của Tổng cục Dầu khí sau này.

Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam “trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác Dầu khí ở Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất và các tổ chức làm công tác này hiện có ở miền Nam Việt Nam”. Ban Dầu khí - Tổng cục Hóa chất và Liên đoàn 36 - Tổng cục Địa chất là hai đơn vị tiền thân của Tổng cục Dầu khí. Các kỹ sư, tiến sĩ được đào tạo ở Rumani đã sát cánh cùng các đồng nghiệp được đào tạo từ Liên Xô và các nước khác tiếp tục phát huy năng lực, đóng góp xây dựng và phát triển ngành Dầu khí ngày càng lớn mạnh. Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và các dự án lọc hóa dầu tiếp tục được cập nhật trong tình hình và hoàn cảnh mới. Trong đó có dự án lọc hóa dầu với một dây chuyền sản xuất dầu nhờn 200.000 tấn/năm vốn là thế mạnh về công nghệ của Rumani, đã được sử dụng đàm phán hợp tác giữa hai nước.

⃰ ⃰ ⃰

Điều kiện tự nhiên và đặc điểm nguồn tài nguyên dầu khí giữa hai nước có nhiều khác biệt. Dầu khí Rumani phát triển chủ yếu trên đất liền; từ năm 1975 mới tiến ra Biển Đen và kết quả tìm kiếm thăm dò ngoài biển mới đạt mức độ khiêm tốn về nguồn khí thiên nhiên. Dầu khí Việt Nam từ năm 1975 đến nay phát triển chủ yếu ngoài biển, trên thềm lục địa Biển Đông chiếm trên 99% sản lượng khai thác dầu thô và khí thiên nhiên của đất nước. Điểm tương đồng có thể là nguồn tài nguyên dầu khí của cả hai nước đều ở trong tình trạng cạn dần, đã qua thời kỳ khai thác đỉnh cao.  

Hợp tác dầu khí Việt - Ru nói chung mới ở mức độ khiêm tốn. Ngành Dầu khí Việt Nam đi sau ngành Dầu khí Rumani trên 100 năm. Qua sự hợp tác đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã tận dụng được những thế mạnh của ngành Dầu khí Rumani là đào tạo được một đội ngũ chuyên gia lành nghề và cán bộ quản lý chuyên ngành và học hỏi được những kinh nghiệm chuyên môn thông qua đội ngũ chuyên gia Rumani làm việc tại Việt Nam và các đoàn thực tập của Việt Nam tại Rumani.

Hy vọng trong tương lai, cơ hội và điều kiện hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển tốt hơn.

B.V.T

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 18
  • 2579
  • 18,010,319