Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

TRANG KỶ NIỆM ĐẸP ĐẼ CỦA CUỘC ĐỜI

  28/11/2015

Lê Thanh Việt

CSV ĐHBK Iasi, khóa 1966-1972

Ngày 14 tháng 10 năm 2012, tại trang trại của anh chị Lê Thanh Việt- Lưu Cẩm Bình ở Lương Sơn, Hòa Bình, các CSV ĐHBK Iasi khóa 1966-1972 đã tổ chức buổi gặp mặt để kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp. Tham dự buổi gặp mặt có ngài Đại sứ Valeriu Orteni và phu nhân, một số cán bộ ĐSQ Rumani, đại diện Hội HN Việt-Ru, Hội CSV TP Iasi và đông đảo các anh chị CSV đồng khóa đang sống ở Hà Nội, Thanh Hóa,…

Buổi gặp mặt đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu, giao lưu, hồi tưởng lại năm tháng còn đi học, ra trường, đi làm,... đầy ắp những kỷ niệm.

BBT xin đăng toàn văn bài phát biểu rất cảm động của anh Lê Thanh Việt- chủ nhà, CSV ĐHBK Iasi, khóa 1966-1972 tại buổi gặp mặt nhiều ý nghĩa này (Đầu đề do BBT đặt):       

    Các bạn thân mến.

     Đối với chúng ta, thành phố Iasi, quãng đời sinh viên là một trang kỷ niệm đẹp đẽ của cuộc đời. Chúng ta đã sống sáu năm tuổi trẻ đầy hạnh phúc, ấm áp tình thày trò, tình bạn, giống như câu hát mà chúng ta nắm tay nhau cùng hát lúc ra trường:

      Adio viata de student

      Cinci ani de fericire

      Frumoasă amintire va fi.

      Când noi vom fi bătrâni.

     Những ngày đó, nam sinh viên ở căminul Codrescu, còn nữ ở căminul Intâi Mai, rồi 30 Decembrie và sau đó cùng chuyển về Codrecu. Trong ký túc xá có các blocuri cao tầng, có sân bóng, có các vườn hoa với hàng ô rô xén ở hai bên đường đi, có cantină,…

      Trường đại học Bách khoa Iasi của chúng ta có hai corpuri chính là corpul A và corpul B, ngoài ra còn có các corpurile: C, D, E, F. Trường cổ kính, rộng và đẹp với các amfiteatri, các lớp học seminar, các phòng thí nghiệm và các thư viện.

    Chúng ta còn nhớ khi chúng ta dừng chân ở Iasi, chúng ta là lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên đến đây học năm chuẩn bị (năm 1966). Hồi đó chúng ta bắt đầu học limba rômână mà không có các anh chị năm trên giúp đỡ. Chúng ta phải học bằng cách các thày cô giáo dạy tiếng chỉ trực tiếp vào từng đồ vật để học từ. Rồi chúng ta phải lập ra ban cán sự tiếng Ru để tổng kết các dạng cấu trúc ngữ pháp, cách dùng tính từ, danh từ, trạng từ…để cùng nhau học.

    Sau năm chuẩn bị là năm thứ nhất. Cuối hè năm 1967, chúng ta trở thành lớp đàn anh, đàn chị đi đón các em năm chuẩn bị sang học tại sân ga Nicolina. Chúng ta đã trở thành các sinh viên chính thức, còn họ khi đó là các boboci.

     Năm thứ nhất bắt đầu cuộc đời sinh viên thực sự, ngày ngày lên giảng đường, lên seminar, vào phòng thí nghiệm. Rồi khi tan học về thì đói ngấu, vào cantină ăn tối và khi về đến cămin thì đã 9h30 tối rồi. Bài vở nhiều ghê gớm, ngày thứ bảy và chủ nhật cũng phải lên thư viện hoặc vào sală de lectură để học. Nhưng cái việc học vất vả bề bộn ấy cũng là một trong những điều thơ mộng đáng yêu của cuộc đời sinh viên ở Iasi. Lúc đó chúng ta đều mới lớn, ai cũng tươi trẻ và đầy cảm xúc.

    Rồi năm thứ nhất qua đi, năm thứ hai, thứ ba, thứ tư nối tiếp nhau, chúng ta lớn dần lên. Chúng ta còn nhớ các mùa hè giữa các năm học trời trải đầy nắng vàng như mật, cây cối xanh tươi, hoa quả rất nhiều. Chúng ta có những đợt đi nghỉ biển ở Costinesti, Mamaia bên bờ Hắc Hải. Những đợt đi lao động ở những cánh đồng nho, có lần đá bóng giao hữu với những người trồng nho mà người xem là người Rumani mà toàn cổ vũ cho sinh viên Việt Nam. Vào các buổi chiều mùa hè dạo chơi trong công viên, tiếng muzica usuară xao xuyến lòng người phát ra từ các quán bia với giọng hát êm đềm của Dan Spătaru, Margareta Pâslaru,…

    Gần complexul Codrescu của chúng ta có một super magazin đối diện công viên Copou, chúng ta thường ra đó mua  quần áo, xà phòng và đồ ăn vặt.

    Con đường hàng ngày chúng ta đi học đến corpul A và corpul B là đường 23 August với hai hàng cây to hai bên đường và các khu ký túc xá sinh viên. Nếu học ở các corpurile C,D,E,F thì chúng ta phải đi tàu điện vào trung tâm thành phố. Chúng ta còn nhớ quảng trường trung tâm là Piata Unirii có khách sạn Victoria 13 tầng lúc đó là cao nhất thành phố Iasi. Trong trung tâm có Casa Tineretului si a studentilor, có rạp phim Republică, có các cửa hàng, có toà soạn báo Scânteia Iasului…

    Suốt các năm học chúng ta đều có một môn ngoại ngữ học bắt buộc là limba română với các thầy cô dạy tiếng khác nhau. Trong số đó có thầy Mihai Iliescu. Thầy là trưởng khoa ngoại ngữ và thầy rất yêu sinh viên Việt Nam. Trong buổi lễ liên hoan tốt nghiệp của khoá chúng ta thầy có kể một câu chuyện vui: Thầy hiệu trưởng (là thầy Cristofor Simionescu, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Rumani) có lần hỏi thầy rằng: “Các sinh viên Việt Nam hay gọi một người trong trường ta là Mihai Eminescu, là ai vậy?” Thầy cười và trả lời: Xin lỗi ngài, là tôi đấy ạ”. Làm cả hội trường sinh viên Việt Nam vỗ tay rào rào.

    Iasi xinh đẹp có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân lúc đầu thì tuyết tan, rất lạnh và bẩn, nhưng chỉ đến tháng tư thì trời ấm áp khô ráo ngay. Cây cối như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông. Và rồi cây nở hoa, tất cả các cây đều nở hoa, sau đó mới ra lộc rồi ra lá xanh. Con đường 23 August và khu vườn hoa trong ký túc xá đầy hoa, hoa nở ở cả hai hàng ô rô hai bên lối đi.

     Mùa thu lá chuyển dần sang màu vàng, trời bắt đầu se lạnh, đi ra đường con trai và con gái đều phải khoác thêm chiếc áo thu.

     Mùa đông tuyết rơi, những ngày tuyết rơi thì ấm hơn. Nhìn những bông tuyết trắng rơi lả tả xuống nhà cửa, đường phố, bao bọc trắng muốt các cành cây hai bên đường mà thấy đẹp đến nao lòng.

     Mùa đông làm chúng ta nhớ đến Tết. Những ngày Tết dương lịch sinh viên Ru về nhà hết, ký túc xá chỉ còn sinh viên Việt nam, trường thường tổ chức cho chúng ta đón Tết ở cantină.Tết âm lịch là thời điểm nhớ nhà nhất trong năm, đơn vị thường tổ chức cho toàn thể sinh viên Việt Nam tại Iasi đón Tết ở Casa Tineretului. Lúc đó tuy xa nhà nhưng ai cũng thấy vui và ấm áp.

     Mùa nghỉ đông chúng ta thường được trường cho đi nghỉ núi ở Sinaia, Predeal, Busteni…Những thị trấn miền núi châu Âu đẹp như trong tranh với các mái nhà nhọn phủ đầy băng và tuyết trắng trên cửa sổ. Chúng ta đi leo núi, đi chơi, lúc về đến cantină thì đói meo, ăn lấy ăn để, uống một cốc trà thật nóng có lát chanh thơm sao mà hạnh phúc thế. Những dịp đó sinh viên Việt  Nam ở các thành phố khác như: Bucuresti, Cluj, Timisoara, Brasov…những đồng hương lại có dịp để mà hội ngộ.

     Sáu năm là cả một chặng đường chúng ta lớn lên.Những năm đầu ghi curs ở giảng đường sao mà khó thế, nói gì đến việc hiểu bài ở trên lớp. Về cămin lại phải mượn vở của bạn sinh viên Ru để chỉnh curs mà học bài. Lúc đi thi thì lo sợ,chỉ mong bắt được một bilet mà đã đọc và nhớ. Kỳ thi có người trece, có người picat, phải thi lại. Thế là giữa kỳ nghỉ hè phải bò ra mà học. Nhưng rồi vất vả cũng qua đi, ai cũng lên đến anul cinci, ai cũng làm luận án tốt nghiệp và được nhận tấm bằng Diploma de inginer. Chúng ta vẫn còn nhớ thái độ trìu mến và hóm hỉnh của các giáo sư và các phụ giảng ở các buổi lên giảng đường, seminar và ở các kỳ thi.Chắc họ thương sinh viên Việt nam chúng ta lắm, họ đều nghĩ rằng Việt nam đang có chiến tranh. Những ngày ấy, nhiều khi lên tàu điện có các ông các bà người Rumani trìu mến gọi chúng ta là copii, lấy khăn chấm nước mắt và nói: “Ôi Việt Nam, război”. Thật là xúc động!

     Sáu năm dài thế mà rồi cũng qua nhanh. Mùa hè cuối cùng chúng ta bảo vệ luận án tốt nghiệp. Chúng ta đã rất tự hào khi được nhận tấm bằng Diploma de inginer từ tay thầy hiệu trưởng. Rồi chúng ta bịn rịn chuẩn bị về nước, đóng hòm đồ đạc gửi theo tàu hoả. Mà có gì nhiều đâu, một đống sách vở và một cái xe đạp. Mùa hè ấy Iasi sao mà đẹp vậy, trời nắng vàng, cây tươi xanh, thành phố êm đềm thân thiết vậy mà chúng ta sắp phải rời xa, không biết đến bao gìơ mới trở lại…

     Đêm liên hoan tốt nghiệp kết thúc bằng các bài hát: Gaudeamus igitur…, Adio viata de student…xao xuyến lòng người.

     Tạm biệt Iasi, tạm biệt ngôi trường thân yêu, tạm biệt các bạn cùng lớp và cùng trường chúng ta trở về Việt nam, trở về với gia đình với những người thân của mình để bắt đầu một cuộc sống mới.

     Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua, mỗi người chúng ta có một sự nghiệp riêng của mình. Là nhũng sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa nên phần lớn chúng ta là những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trong các ngành: điện lực, công nghiệp hoá chất, dệt may, cơ khí, có bạn là sĩ quan quân đội, có bạn trở thành doanh nhân,...

     Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều đã sống và làm việc nghiêm túc, đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiêp chung của đất nước.Và chúng ta đều tự hào rằng chúng ta đã không phụ lòng đất nước ta, nhân dân ta, trong muôn vàn khó khăn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã cho chúng ta ra nước ngoài học tập, trong khi phần lớn những người bạn cùng lứa tưổi chúng ta phải cầm súng ra chiến trường. Chúng ta cũng đều tự hào rằng chúng ta đã không phụ lòng đất nươc Rumani, nhân dân Rumani và các thầy cô giáo trường Đại học Bách khoa Iasi đã nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta trao  cho chúng ta hành trang vô cùng quan trọng để mỗi người chúng ta có đủ tự tin bước vào con đường riêng của cuộc đời mình.

     Hôm nay kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, chúng ta bồi hồi nhớ đến các profesori, các asistenti, các bạn sinh viên người Rumani đã cùng học, cùng ăn, cùng ở với chúng ta.Và chúng ta nhớ đến các femeii de serviciu, các ông portari ở cămin, các femeii ở cantină…những con người vô cùng gần gũi, thân thiết với chúng ta trong suốt quãng đời sinh viên của chúng ta ở thành phố Iasi tươi đẹp, những người đã để lại trong mỗi chúng ta những tình cảm không bao giờ phai nhạt. Chúng ta vẫn thường tự hỏi: Không biết giờ này cuộc sống của họ ra sao?, trong số họ ai còn ai mất?. Cầu mong cho mọi điều tốt lành đến với họ và cuộc sống của họ luôn luôn hạnh phúc.

     Hôm nay kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, chúng ta gặp nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, đồng thời cũng là dịp để chúng ta trao đổi, thông tin cho nhau về tình hình của mỗi người, của gia đình mình trong những năm qua và hiện nay. Đây là cơ hội để chúng ta tìm lại vơi nhau, gần gũi nhau hơn, cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Và đây cũng chính là mục đích cuối cùng của buổi gặp mặt hôm nay.

    Cảm ơn các vị đại biểu và toàn thể các bạn đã đến dự buổi gặp mặt.

    Chúc các  vị đại biểu và các bạn mạnh khoẻ, hạnh phúc.

LTV

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 21
  • 3184
  • 22,481,845