Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P4: VỀ HÀ NỘI

  26/11/2022

4. VỀ HÀ NỘI

.       Tôi và anh Đỗ Quang Toàn cũng có chung quyết định điều động về Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt (TCDK) từ tháng 1/1977, nhưng có lẽ do cả 2 anh em nặng vía nên Quyết định kia bị hoãn lại. Phải tới tháng 5/1977, tôi mới chính thức được điều động cùng với Đào Quang An và Trần Khắc Tân về Vụ Kỹ Thuật, TCDK, 48 Nguyễn Thái Học làm việc. Còn anh Toàn phải gần 3 năm sau Quyết định mới được thực thi. Sau này khi đã lên chức Chánh Văn phòng, rồi Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế TCDK, rồi Vụ trưởng Vụ Dầu Khí VPCP, anh vẫn nhớ mãi chuyện xưa và cười tít: “Cứ nói Toàn là phải nhắc đến Thắng rồi”.

      TỔNG CỤC DẦU MỎ VÀ KHÍ ĐỐT (Vietnam Oil and Gas General Departments) là cái tên đầy đủ ban đầu của mình. Phải vài năm sau khi quen dần, nó mới được đổi tên và thay con dấu thành Tổng cục Dầu Khí. Hồi đầu mọi người ngại gọi cái chữ KHÍ lắm. Khí? Nhỡ lầm sang khí…hư thì sao? Hóa ra cái gì gọi mãi cũng quen. Tôi làm việc ở tầng 2, cùng tầng với Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên. Ông nguyên là Tổng cục phó Tổng Cục Hóa Chất (TCHC). Một con người thông minh, sắc sảo và dễ mến. Lần gặp ông đầu tiên đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng tốt.. Ông quý trọng lớp trẻ, nhất là đội ngũ trẻ tâm huyết và được đào tạo bài bản. Còn hai Tổng cục phó nữa là Lê Văn Cự và Phan Tử Quang. Anh Cự nguyên là Vụ trưởng vụ Kỹ thuật của TCĐC, tốt nghiệp kỹ sư địa chất tại L’Êcole de Mine, C.H. Pháp. Một con người hoạt khẩu và ít khi chịu ngồi yên một chỗ. Đại tá Phan Tử Quang nguyên Cục trưởng Cục Xăng Dầu, Bộ Quốc Phòng lại là một típ người khác. Ông tỏ ra ồ ề, dễ dãi nhưng dám quyết. Những người lãnh đạo cao nhất đầu tiên của Ngành và ekip làm việc Lê Quốc Tuân,  Hồ Tế, Đặng Đình Cần, Trần Ngôn Hoạt, Phan Minh Bích,  Nguyễn Giao, Nguyễn Quang Hạp, Nguyễn Đông Hải, Dương Quang Thành, Nguyễn Ngọc Liên…đã làm thành một dàn quản lý thuở ban đầu như thế. Lê Văn Hùng làm thư ký cho TCT Nguyễn Văn Biên, thằng bạn cùng lớp Nguyễn Quang Bô của tôi giờ làm thư ký cho TCP Phan Tử Quang, Nguyễn Hữu Lợi về sau cũng làm thư ký cho Bộ trưởng Đinh Đức Thiện. Duy chỉ có mỗi anh Cự chẳng cần ai ngoài “chị Nga” của anh cả.

        Tổ chức của TCDK ban đầu khá gọn nhẹ gồm: Văn Phòng, Vụ Kế hoạch-Kỹ thuật, Vụ Kinh tế - Đối Ngoại, Vụ Tài Chính Kế toán, Vụ TCCB và Cục Xây dựng Cơ Bản. Lê Quốc Tuân là Chánh Văn phòng nhưng chưa bao giờ ông lo công việc Văn Phòng cả mà phó thác hoàn toàn cho Phó Văn Phòng Nguyễn Ngọc Liên lo liệu . Ông mải mê mảng Kinh tế- Đối Ngoại cùng anh Đông Hải. Cả anh Đào Duy Chữ, Trưởng phòng Thông tin và nhiều người khác cũng chung niềm đam mê bận rộn ấy. Đó là thời kỳ các công ty dầu khí phương tây bắt đầu vào .Vụ Kế hoạch- Kỹ thuật do anh Phan Minh Bích, nguyên Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 36 làm Quyền Vụ trưởng. Người cán bộ miền nam tập kết, tướng mạo như tây, tinh thông ngoại ngữ lại được đào tạo bài bản, xếp vào hàng đệ nhất công thần trong ngành Dầu khí song không tiến thêm được do vướng chuyện gia đình.Vụ Kế hoạch- Kỹ thuật thực ra chỉ là cái tên trên quyết định ban đầu. Khi tôi lên TCDK vào tháng 5/1977 thì Vụ Kỹ thuật đã có từ gần 1 năm trước đó do anh Phan Minh Bích và anh Nguyễn Giao phụ trách. Ít lâu sau anh Bích được điều đông xuống Thái Bình làm Giám đốc Công ty I. Vụ Kỹ Thuật, sau tách thành Vụ Địa Chất vẫn do anh Nguyễn Giao phụ trách cho tới khi anh đi làm Tiến sỹ Khoa học vào cuối 1984 (Anh Nguyễn Giao và anh Hồ Đắc Hoài là 2 Viện-Phó-Không-Viện từ những ngày đầu thành lập Ngành. Sau anh Hoài đi Pháp đào tạo, sau đó về mới có Viện Dầu Khí).

      Vụ Kỹ thuật chúng tôi hồi đó có rất ít người:Nguyễn Giao, Trương Minh, Trần Văn Giao, Nguyễn Xuân Đàn, Nguyễn Hữu Lợi, Đào quang An, Trần Khắc Tân, Vũ Văn Mạo và tôi. Chị Khuyên và chị Cần là 2 trung cấp giúp việc. Anh Cự sinh hoạt chung với Vụ Kỹ thuật chúng tôi. Ít lâu sau có thêm các anh Trần Hạ Phương, Trần Đức Hiệp là tiến sỹ hóa cũng về Vụ..Bởi thế mặc dù mới tới mà ai cũng tíu tít vì công việc. Tôi sắp xếp và tổng hợp những tài liệu khảo sát thăm dò ở phía Bắc, các tài liệu của Tổng cuộc Dầu Hỏa thuộc Chính quyền Sài Gòn cũ. tổng hợp những tài liệu các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trước 1975, chuẩn bị các tài liệu có liên quan cho các vòng đàm phán với Agip, Deminex, Bow Valley…Hồi ấy trên Bản đồ hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam, các lô được đặt theo thứ tự thời gian ký các lô hợp đồng Tô nhượng (Concession Blocks).Tội được giao nhiệm vụ đặt tên và đã lấy cái thứ tự logic “từ Trên xuống Dưới, từ Phải sang Trái” đặt tên mới cho toàn bộ 58 lô này. Các lô cũ 01tlđ, 02tlđ ( Sunning Dale), 03tlđ, 04tlđ ( Mobil oil), 06tlđ, 07tlđ, 08tlđ, 09tlđ (Shell Pecten) và 10tlđ ( Union Texas) trước kia tương ứng với các lô 28,29-05,09-04,15,12,06 10 hiện nay. Hưởng ứng đề xuất của anh Đông Hải, phụ trách Đối Ngoại thời đó về việc vẽ Logo PetroVietnam, tôi đã lấy cái ý tưởng chủ đạo là Ngọn Lửa. Đường bo trong của ngọn lửa dài phía phải chính là đường bờ biển của Tổ quốc. Ngọn lửa phía bên trái ngắn hơn, ôm trọn Mũi Cà Mau rồi vòng lên phản ánh phần lãnh hải phía Tây Nam.Biển xanh và Lửa đỏ. Hai ngọn lửa mảnh mai như 2 dải lụa tạo thành chữ V-Việt nam, Victory (thắng lợi). Tôi gửi bản thảo đi. Gửi cho vui chứ hồi ấy có ai nghĩ gì tới thi thố. Anh Hà Quốc Quân đôi lần còn nhắc:”Tôi còn nhớ mấy lần lên Vụ Kỹ Thuật đều thấy ông hý hoáy phác thảo Logo Petrovietnam trên tờ giấy milimet đỏ””. Sau này, do không có chuẩn hóa, các nhà thầu nước ngoài vào đọc tài liệu xong khi gửi Báo cáo Minh giải địa chất và đánh giá Tiềm năng dầu khí, đều có logo của Công ty họ. Riêng logo của PetroVietnam, thì được phóng tác tùy hứng, khi giống cái càng cua, khi giống như hai bắp chuối chụm lại và cứ thế tùy tiện dùng cho các Hợp đồng, các tài liệu văn thư v.v cho mãi tới bây giờ.

         Tôi được Văn Phòng bố trí ở tại căn hộ 32, Nhà B3 Giảng Võ cùng với các anh Lê Xuân Cảnh, Phạm Huy Thông, Nguyễn Hữu Lợi, Trần Khắc Tân và Trịnh Minh Hùng (biệt phái). Đặng Trần Giao ở cùng nhà nhưng tầng dưới.Về sau có thêm và Ngô Anh Tuấn. Bốn đứa Giao, Hùng, Liệu và tôi trong nhóm “Đại Bàng”( như cách Đỗ Việt gọi) như thế chỉ còn Liệu là vắng mặt. Căn hộ lắp ghép 28m2 mới bàn giao thiếu tất cả các tiện nghi trừ mấy cái giường cá nhân vênh váo.Ăn uống tự lo lấy.Tiêu chuẩn thực phẩm mỗi tháng đươc 6 lạng thịt, mà mua được cũng phải xếp hàng hoặc chen mửa mật. Mua được mớ rau muống già đến lợn ăn cũng ngắc ngứ mà cũng khoái chí đến mức ca lên réo rắt:” cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau”. Thẻ thương binh của Búi Ngọc Biểu trở nên thực sự có giá và phát huy tác dụng vô cùng. Được ưu tiên mà. Anh hay thông cảm và cho bạn bè mượn để đỡ xếp hàng. Nhưng để mua được đâu phải dễ. Cứ phải giả vờ nheo mắt méo mồm, nhưng có lần cũng bị lộ và bị cô bán hàng đuổi ra không thương tiếc. Xếp hàng giữa mùa hè cực lắm. Có một lần chị Cần kể với anh em trong Vụ chuyện anh Giao xếp hàng mua thịt. “Chờ mãi, chờ mãi, anh ấy đi xếp hàng từ sáng sớm mà tới quá 12 giờ trưa  mới thấy về. Mặt phờ phạc, nhễ nhại mồ hôi. Tôi lục trong làn ra thấy được một miếng thịt bèo nhèo, nên có ý chê bai. Không dè anh ấy nổi giận ném vèo miếng thịt đi. Tôi sợ quá bèn bò vào tít gầm giường lôi được miếng thịt đầy bụi và mạng nhện ra, lùi lũi đi làm cơm, chẳng dám nói thêm một lời nào nữa.”Thời ấy, lấy được vợ bán gạo, bán thực phẩm là một kỳ tích. Chả thế mà có một giáo sư trường Mỏ - Địa chất yêu được cô bán gạo mà cả trường ngợi ca thán phục. Cái gì cũng khan hiếm. Nước phải xách tay từ dưới nhà lên tầng bốn. Do vậy việc sử dụng nước cho cái chu trình khép kín nấu nướng, tắm rửa, vệ sinh…phải khoa học kinh khủng. Ngay chuyện bài tiết nhẹ nhàng (malenkii toalet, như người Nga vẫn nói) cũng phải thật nắn nót cho trúng lỗ. Đứa nào sơ ý khiến âm thanh không tồ tồ đều đặn là chết liền với ông anh Lê Xuân Cảnh. Còn những chuyện “nặng” hơn thì “tuyệt đối cấm kỵ, mặc kệ chúng mày tự xoay sở” .Quả thực hồi ấy có lần tiền bối Phạm Huy Thông bày cho chiêu “ném chéo phi tang” song tôi quyết không học được vì…kinh quá! 

       Hồi ấy ở cơ quan Tổng cục cuộc sống vẫn còn thiếu thốn lắm. Với tài xoay sở của chị Liên, chị Trúc cũng thỉnh thoảng có thêm mấy chú vịt còi, bát phở “không người lái”. Bữa cơm trưa đựng trong cặp lồng nhiều khi chỉ là mấy cọng dưa. Có hôm chẳng có gì để ăn, không ngủ được, bọn Lợi, Hùng Béo và tôi rủ nhau ra “chiêu đãi” tranh ảnh ở ĐSQ Trung Quốc gần đó cho quên đói. Thỉnh thoảng anh Cự, anh Giao đi họp nước ngoài về cho Vụ chút quà là mọi người hân hoan hẳn lên. Chị Khuyên, chị Cần vội xé báo ra chia cho mỗi người một thìa nhỏ mì chính “Ajinomoto chính hiệu”( hoặc hơn thế dăm ba hạt nếu còn thừa) còn ba gói thuốc lá 555 lập tức được bán đi để đổi lấy con gà hay con vịt và ít bánh phở liên hoan cả Vụ.. Những lần Công ty Đời sống của ông Đại kiếm được mấy con lợn giết thịt thì cả khu 10 Điện Biên Phủ vui như ngày hội. Ma-cà-Túy khi ấy đã thực sự như một nhà ảo thuật và MC nổi tiếng rồi. Với con dao bầu và bàn tay vấy máu, anh cắt phăng con lợn thành những xuất 5 lạng, 1 cân, 1 cân rưỡi, 2 cân chính xác tuyệt vời, gần như chẳng bao giờ phải thêm hay bớt cả. Kể tình những kẻ ranh mãnh vẫn có thể nhận thấy ngay rằng khi chia những xuất cho VIP, cán cân thường chổng ngược lên tới 3- 4 kí nhưng anh vẫn điềm nhiên ném bẹt xuống tờ giấy báo để chờ sẵn đó và hô: “Của anh X. hai cân, xong rồi!”. Đời sống vật chất là thế nhưng tuổi trẻ vẫn còn nhớ những đêm trăng trực chiến, hát hò và nướng sắn nơi Phòng tuyến Sông Cầu, những lần làm cỏ lúa í ới ở Núi Gôi (nơi Thủ lĩnh của PV.Trans Bùi Thọ khi xưa đã từng bị “lưu đày”) và những ngày chung tay mở mang sông Kim ngưu, Tô Lịch. Mọi người nói hồi ấy “Xướng Liên Miên ”* chứ không như sau này chỉ còn “Thỉnh Thoảng Sương Xướng”*…

          Ngày 9/9/1977 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khi đốt Việt Nam( Tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Company, gọi tắt là PETROVIETNAM), trực thuộc TCDKVN để làm việc với các Công ty Dầu khí nước ngoài). Các Hợp đồng Thăm dò được ký cho lô 15 với Deminex (Đức) , lô 04 & 12 với Agip ( Ý) và lô 28&29 cho Bow Valley ( Canada) được ký vào thời điểm đó. Anh Đào Duy Chữ hồi ấy sử dụng business card với chức danh Managing Director của PetroVietnam oai lắm. Nhưng rồi  anh cũng gặp hạn và rời ngành dầu khí. 

          Chuyến đi công tác miền Nam đầu tiên của tôi vào năm 1977. Đó là dịp đổi tiền. Sài Gòn phồn hoa, nhộn nhịp xe đò, xe lam, xe máy ban ngày và thỉnh thoảng trong đêm vẫn còn tiếng súng. Cũng nhờ thế của của ông Thiện nhà mình mà  hồi ấy quân dầu khí nhà mình oai lắm.“Ăn Lý Tưởng, Ngủ Hoàng Gia, Làm Tòa Đại Sứ” ( Bếp tập thể đặt tại tầng trệt khách sạn Lý Tưởng, đường Đỗ Quang Đẩu; ngủ tại khách sạn Hoàng Gia, Ngã Sáu Phù Đổng; làm việc tại Đại Sứ Quán Mỹ cũ, 7 Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn). Lần đầu tôi đặt chân lên đất Sài Gòn, uống ly sinh tố mà thấy lâng lâng thế. Hời ấy anh Ba Văn Dự mới chuyển ngành cứ ngày ngày ra chợ Muối gần đó lo những món ăn thanh cao đạm bạc cho « nhà hàng » Lý tưởng. Phương tiện đi lại của mọi người chủ yếu là đôi chân vạn dặm.Tôi lang thang dạo Thảo Cầm Viên, chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập lòng dạt dào cảm xúc. Bước vào Đại sứ quán Mỹ, trụ sở của Công ty Dầu Khí Nam Việt nam, tôi gặp lại anh San, khi ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty. Anh em tay bắt mặt mừng. Hai lính trẻ vừa tốt nghiệp ở Bacu mới về là Nguyễn Văn Đức và Cao Mỹ Lợi cũng rất nhiệt tình trình bày tài liệu. Anh Kha, anh Thọ, anh Hoàng Thành cũng đã vào cả đây. Toàn là người quen cũ. Thật vui.

           Vài ngày sau, chiếc xe Jeep của công ty đưa chúng tôi về Đồng bằng sông Cửu Long.Lần đầu tiên xuống miền tây. Xe chạy băng băng giữa hai bên đường nắng bừng hoa giấy. Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…những cái tên chỉ nghe trên radio, trong sách vở, báo chí giờ đây đã hiện ra trước mặt.  Tôi đã từng có những đêm ngủ tại Cái Cam ( Vĩnh Long), Bình Thủy ( Cần Thơ) với Đoàn 21,22; đã đi dọc những dòng kênh xanh bạt ngàn dừa nước, những rừng đước ngập mặn ven bờ ; đã từng bị lật bobo khi tới thăm đội khảo sát của Đỗ Chí Hiếu ở Trà Vinh; đã từng xuống tận cửa Định An, nhìn lũ bạn bè tát cá cạnh nền giếng khoan Cà Cối; từng ngồi uống rượu chua bên giếng khoan Phụng Hiệp, nghêu ngao đờn ca tài tử miệt vườn Cần Thơ, lang thang giữa Trà Vinh mất điện, khốn đốn tìm nơi bài tiết cùng Xuân Dịnh giữa bến Ninh Kiều sau khi tự thưởng một ly rau má…để rồi khi trở về mang đầy nỗi nhớ Miền Tây.

         Về Sài Gòn trời vừa tối. Nghỉ lại một đêm tại Khách sạn  Hoàng Gia và sáng hôm sau lại tếp tục hành trình về Miền Đông. Lần đầu tôi được tận mắt nhìn xa lộ Sài Gòn- Biên Hòa rộng thênh thang, có thành cao phân cách. Hóa ra nó là “sân bay trá hình” mà trước đây tôi vẫn thường nghe?!. Xe tới Ngã ba Vũng Tàu thì rẽ phải thẳng tiến về Ô Cấp. Con đường heo hút. Hai bên đường lác đác mấy ngôi nhà lợp tôn xiêu vẹo, hầm hập nắng trời. Trụ sở dầu khí đặt tại khu trường Thiếu Sinh Quân cũ. Đoàn 21 do ông anh Lê Quang Trung làm thủ lĩnh làm việc tại đây, còn ở thì mãi tận khu Gia Binh xa lắc ( đoạn giữa đường Bình Giã bây giờ). Vũng Tàu hồi ấy, ngòai khu vực trung tâm Bãi Trước, khu Lam Sơn, khu Trường Thiếu Sinh Quân dọc đường Lê Lợi, còn thì xơ xác lắm. Chỉ có phi lao và cát trắng. Dấu ấn chiến tranh còn đầy nhưng phong cảnh đẹp vô cùng. Sau này cứ mỗi lần trở lại là thấy Vũng Tàu đổi thịt thay da khác hẳn phút ban đầu.

         Có một chuyện vui khi tôi trở lại Thái Bình. Công ty Dầu khí I đang khoan giếng 106 ở Đông Cơ, Tiền Hải. Hôm đó trời mưa to gió lớn. Khi tôi và anh Trần Văn Giao khoác áo mưa bước lên sàn khoan thì gặp hai kỹ sư trẻ. Hai gã, một cao lớn ít nói, một nhỏ thó nhanh nhẹn niềm nở tiếp các cán bộ Tổng Cục : «  Em là Cao Tất, thằng này là Vũ Khánh  vừa tốt nghiệp ở Bacu về. Các anh ở Tổng Cục à? Trên ấy thích nhỉ? À, các anh có biết ông Chiến không? », gã nhỏ thó hỏi. « Chiến nào? », « Chiến KSĐC, bạn thân của ông Cơ ấy? », «  Làm gì có Chiến ? », « Chiến dám nói bốc mẫu là bốc cứt trâu ấy mà », « Thắng chứ ?” « Ồ đúng rồi, ông Thắng », « Tao đấy ! » , « Ấy chết, là anh à?!... ». Trời! hóa ra tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Khổ thân tôi, cả hai thằng kỹ sư vừa mới về này cũng đã nghe thiên hạ đua nhau đồn thổi về cái thương hiệu  « bốc cứt trâu » rồi! Tôi thầm nghĩ. Có điều kỳ lạ là chẳng thấy buồn. Sau này tìm hiểu và nghĩ lại, tôi được biết là bản thân anh Trần Cơ cũng chỉ nghe những lời đồn thổi, tâng bốc của đám cơ hội nhằm được sếp yêu hơn và hy vọng tiến thân. Họ chả cần biết tôi phải chịu trận như thế nào và có lẽ họ sẽ hối hận rất nhiều khi biết chính việc làm của họ đã khiến tôi “nổi tiếng”. Sau này về cuối đời, tôi biết anh ấy cũng khổ lắm và thấy chạnh lòng thương.

           Một lần có mấy chuyên gia kỹ thuật ở Schlumberger sang Petrovietnam. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn họ tham quan giếng khoan thông số Phủ Cừ và Viện Dầu khí ( khi ấy còn ở  Hưng Yên). Khi ông Lanata cùng mấy kỹ sư của Schlumberger và tôi đến đoàn 36Y do Đỗ Văn Việt bạn tôi làm đoàn trưởng, tôi thấy hai gương mặt lạ đi theo. Sau tôi được biết đó là hai đồng chí bên An ninh vừa mới tới. Họ cùng ra khoan trường. Lúc ấy đang kéo cần. Bộ khoan cụ được đặt chềnh ềnh trên mặt sàn. Lanata tiến tới ngắm nghía một lát rồi lấy ngón tay quệt nhẹ vào cần ống xem chất lượng dung dịch , rút khăn mùi xoa ra lau tay rồi nhét lại vào túi quần. Tôi ngạc nhiên là ngay sau đó, hai “thám tử” của ta cũng ngó nghiêng, lấy ngón tay quệt vào cần ống rồi lau bùn vào mùi-xoa ( nghĩa là lặp lại y nguyên những động tác ấy). Có lẽ họ sẽ đem về phân tích để theo dõi tiếp. Trở về khu Nhà Thành xưa, trước khi bước lên tham quan các phòng thí nghiệm, nhìn thấy Tòa nhà có kiến trúc đẹp đẽ, lại có mấy dòng chữ Pháp ở phía trên, Lanata rút máy ảnh chụp liền mấy cái. Không dè “hành động khuất tất” này bị phát hiện. Sau khi tham quan xong, ra tới cổng thì ông ta bị bảo vệ giữ lại và yêu cầu thu lại phim. Lanata phản ứng. Sau phải có sự can thiệp của anh Trần Xanh và phía ta đã xin lỗi khéo, vụ việc mới ổn thỏa. Thì ra quân mình, với tinh thần cảnh giác cao độ đã hành động sớm.”Bọn này giả vờ chụp ảnh bên ngoài như thế mang về nước rồi phóng laze vào là thấy hết các phòng thí nghiệm bên trong Nguy hiểm quá!”. Những câu chuyện thuở ban đầu như thế, sau nghĩ lại mà cười ra nước mắt.

          Hội đồng KHKT TCDK họp lần thứ nhất tại Giảng Võ, Hà nội năm 1977. Anh Đàn và tôi làm Thư ký Hội Đồng. Bao nội dung được đưa ra bàn thảo, bao báo cáo được trình bày. Bộ trưởng Đinh Đức Thiện và Phó Thủ tướng Trần Quỳnh cũng tham dự và phát biểu tại Hội Nghị. Bài nói chuyện của vị Tướng - Bộ trưởng đầy hàm súc, thể hiện một tư duy mẫn tiệp, sắc sảo và tầm nhìn rất xa. Biên bản ghi 13 trang tôi ghi bài phát biểu của ông được Trợ lý Đỗ Ngọc Ngạn đọc lại và hiệu đính chắc còn lưu giữ đâu đó. Giá nghe ông, Tòa nhà PetroVietnam ba nhánh hoành tráng, phía trên có cả sân bay trực thăng do KTS Ngô Viết Thụ ( người thiết kế Dinh Độc Lập)  thiết kế được trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ hồi nào đã sừng sững tọa lạc tại vị trí khách sạn Daewoo ngày nay rồi. “ Tao phải làm cái nhà xứng tầm để 50 năm sau vẫn không bị lạc hậu”, ông tâm sự như thế. Tiếc thay, người kế nhiệm ông đã không nhận ra, mảnh đất đắc địa ấy bị trả lại cho Hà Nội và cơ hội đã mất.

          Cuối 1978, TCT Nguyễn Văn Biên chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm UB Kế hoạch Nhà nước kiêm Viện trưởng Viện Quy hoạch Chiến lược. Một con người   thiên hướng hợp tác đa phương, tiếc thay, cái tư tưởng đổi mới của ông hình thành sớm quá . Bộ trưởng Đinh Đức Thiện kiêm luôn cả hai chức lãnh đạo cao nhất về Đảng và Chính quyền. Hàng ngàn người được điều từ bên quân đội sang. Dầu Khí= Quân đội + Chuyên gia Liên xô đã là công thức chủ đạo một thời . Những việc lấn biển ở cửa Ba Lạt, nhổ sú vẹt làm khu cầu cảng Vũng tàu, ý tưởng dùng trâu trải cáp địa chấn , tái chế choòng khoan bằng việc gắp các hạt hợp kim cứng từ choòng cũ đã mòn gắn lại ở Z.175…đều mang dấu ấn của ông. Ông ghét những những học vị, học hàm kiểu hư danh. Của đáng tội, hồi ấy tôi còn nhớ có một Tiến sỹ (TSKH bây giờ) xuất hiện một thời gian dài, chẳng thấy nói gì, viết gì, làm gì rồi lại lặng lẽ biến đi khiến bao người khó hiểu thật. Chả thế mà một thời gian dài ngành dầu khí “ngừng” đào tạo phó tiến sỹ ( ngày xưa chỉ gọi là “phó” thôi, ngang với học vị “Candidat” của Liên xô) để rồi sau này “tức nước vỡ bờ”, phong trào lại ầm ầm như thác lũ, hàng loạt PTS ra đời, trong đó có cả những đám bảo vệ gấp gáp kiểu “chạy tang” do deadline sắp hết…

           Cùng năm ấy, tòa nhà 4 tầng  phía sau biệt thự 80 Nguyễn Du đã được xây xong. TCDK chuyển trụ sở về Nguyễn Du, một trong những đường phố đẹp nhất Hà nội. Bộ máy lãnh đạo và họp hành tiếp khách đặt ở 69 và 71 Nguyễn Du. Vụ Kỹ thuật chúng tôi làm việc ở  tầng 2, vị trí đẹp nhât của tòa Biệt thự 80 Nguyễn Du, nơi làm việc trước đó của cục Xây Dựng Cơ Bản. Cây hoa sữa trước nhà tỏa hương. Tòa biệt thự được xây từ thời Pháp, rất đẹp. Mùa đông, những tờ giấy nháp hoặc tài liệu cần hủy có thể đốt ngay trong lò sưởi để sưởi ấm mà tịnh không bị hắt xì hơi vì khói. Một lần hai chị Khuyên, Cần vừa hủy giấy vừa khen nức nở đã bị tôi “xạc” cho một trận về ý thức cảnh giác cánh mạng và lập trường quan điểm: “Khen cái gì? Đó chính là âm mưu thâm độc của Chủ nghĩa thực dân cũ. Nó rút đi mấy chục năm rồi mà vẫn làm mình  phục nó . Các bà thấy chưa?”.

         Hồi đó quan hệ hợp tác với Pháp đã bắt đầu tiến triển. Bọn Tào, Thư, Quynh, Thám…sau khi học xong khóa tiếng Pháp ở Bắc Giang đã sang IFP thực tập để tiếp nhận các phòng thí nghiệm; đám Địa Vật lý Mạnh Huyền, Trọng Thành, Văn Toán, Đại khiêm cũng được điều về 23 Nguyễn Đình Chiểu để quản trạm máy SN338. Mạnh Huyền với lợi thế cùng quê  đã “hạ gục” Hoài Hương vào dịp ấy. Không biết có phải do ảnh hưởng mạnh bởi ngôn ngữ Pháp thời đó chăng mà sau này cái tên “ Xăng-nen” (chanel) cứ mãi gắn liền với hắn đến nỗi mỗi lần họp mà vắng hắn là TGĐ Trần Cảnh còn phải nhắc “Sao chưa thấy Xăng- nen đến nhỉ?”

           Tôi có thằng bạn Nguyễn Xuân Ngà làm ở Phòng Thông tin Tư liệu bên 23 Nguyễn Đình Chiểu do anh Đào Duy Chữ và chị Phạm Ngọc Bích làm trưởng , phó phòng. Hắn học tiếng Anh ở Cuba về. Đã từng làm phiên dịch cho phái đoàn ba, bốn bên gì đó như lời hắn nói. Một gã gầy gò, lộ hầu và vui tính. Lúc nào cũng oang oang. Chỉ cần nghe nhạc hiệu “tò tí tò te” mà hắn đoán được và hát theo là “Giải phóng Điện Biên…” lập tức hắn tựa King Kong vỗ ngực ầm ầm: “Thấy chưa? Rất sành nhạc!”. Tôi biết hắn từ thuở ở Hưng Yên do hắn yêu Thị Liêm, khi ấy đang học SP 10+3.  Quê hắn ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Hắn chơi rất thân với anh Lê Hàn, người Thanh Miện, đệ tử của vụ trưởng TCCB Trần Ngôn Hoạt vì hắn cùng quê, ngày xưa lại ngủ phòng và cùng làm việc ở TCĐC chuyển sang. Hồi mới sang, hắn ngủ trên bàn.Cũng vì lẽ ấy, từ hồi ở Hưng Yên, thỉnh thoảng về Hà nội tôi thường ghé chỗ hắn ở 80 Nguyễn Du, nơi làm việc của Vụ TCCB lúc bấy giờ. Anh Hàn, sau có thêm anh Hạnh lo về hồ sơ nhân sự. Tôi được coi như người nhà. Có lần vô tình nhìn thấy Danh sách tổng hợp CBNV toàn ngành để mở trên bàn, tôi mới biết hắn  và Đào Bích Thảo là Kỹ sư Anh Văn; Lê Văn Nhắc là Kỹ sư Pháp Văn và chị Võ Kim Tuyên là Kỹ sư Văn hóa quần chúng(!)…Hóa ra thằng này giấu mình cả cái “Tít”. Nó chỉ nói là học ĐH tiếng Anh. Nhưng mà giấu thế nào được những nhà Tổ chức. Tôi ngầm giận hắn cho tới khi hắn thông báo phi vụ Thuốc Lào. Chẳng là chúng tôi sẽ tham dự Hội thảo của Agip ở Vũng Tàu. Theo mật báo từ anh rể hắn, giá thuốc lào ở Sài Gòn lúc ấy lên tới 11 đồng tiền mới trong khi giá ở chợ Đồng Xuân chỉ có 7 đồng. Quá ngon. Tôi huy động hết vốn và khả năng vay mượn mua được 3kg .”Loại hảo hạng đấy!”, tôi nghe mụ bán thuốc lào khẳng định như thế. Ngà trường vốn vì có nhiều thế lực hơn: 5kg. Xong rồi. Đóng vào vali. Tối đó hai tên tủm tỉm bước lên tàu, trên một chuyến đi xuyên việt 72 tiếng. Ơi đường vô xứ Nghệ quanh quanh, ơi miền Trung chang chang nắng, Ơi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang Tháp Chàm, Phan Thiết cuối mùa khô hầm hập lửa. Rồi cũng tới ga Bình Triệu. Xuống tàu.Tôi khoan khoái vung tay hít thở bầu không khí Sài Gòn. Bỗng “Toét! Toét!”, có tiếng còi xé gió phía sau. Tôi ngoái lại. “Anh kia, cho kiểm tra hành lý!”. Chết cha rồi! Tôi thầm nghĩ và đau đớn cúi xuống vali. Nắp vali vừa mở, một mùi thuốc lào do ẩm ướt và nóng bức bao ngày ập ra, sặc sụa mắt mũi. “Gì đây?”, “Dạ, thuốc lào”, “Mang làm gì mà nhiều thế?”. “Dạ, làm quà biếu cho người thân”. Tôi đáp liều và hiểu rằng Tài sản kia sắp tong đời. “Thôi, đậy vào mà đi đi”. Sao? Tôi nghe lầm chăng? Thế là tôi thoát ư?? Hú hồn ! Toàn thân tôi như tê dại sau cơn đấu trí căng thẳng ấy. Tốt rồi. Chắc là có “quý nhân phù trợ”.Chúng tôi về nghỉ tại Khách sạn Lý Tưởng. Vừa nhận phòng xong, Ngà và tôi vác “hàng” ra chợ Bến Thành tìm mối tiêu thụ. Đi mỏi chân nhưng bọn gian thương chỉ trả tới 10 đồng. không được. Quyết không để chúng dìm giá! Mang về để sau tìm mối khác bán vậy. Ngày hôm sau, chúng tôi phải đi Vũng Tàu sớm. Tới nơi lại phải lao vào Hội thảo ngay. Tôi chỉ còn cách gọi thằng em Trần Hoàn vừa đi biển về, tóm tắt nhiệm vụ và giao hắn phi thẳng ra chợ Vũng Tàu với định hướng rõ rệt. Ngồi nghe Địa chất trưởng Macagnani trình bày mà trong lòng tôi như lửa đốt. Có chuyện thật. Bởi một lát sau Hoàn nhờ người gọi tôi ra:”Anh ơi, mốc hết rồi!”,”Sao thế? Mà sao không tống đi, bao nhiêu cũng bán?”, “Em nói rồi nhưng nó không mua”. Trời! Bọn gian thương khốn nạn! Để nặng cân, chúng phun nước quá nhiều. Rồi từng ấy ngày trên xe…Thôi, Trời hại ta rồi! Tôi nhìn thằng em. Nó đưa Tài sản cho tôi. Còn tôi đỡ lấy Tài sản đã mốc meo ấy ném vào thùng rác bên đường mà lòng đau như cắt…Sau hội thảo, tôi xuống Vĩnh Long, Trà Vinh. Vay mượn anh em mua được 1 tạ gạo chở từ Miền tây lên tàu, tới Nha Trang lại mua thêm Xoài, tới Quảng Ngãi mua thêm dừa,v.v và bán hết dọc đường cho tới Ga Hàng Cỏ. Ơn trời, “lãi suất” của phi vụ ấy đã bù được vốn thuốc lào! Và từ đó tôi tự biết câu “Phi thương bất phú” là dành cho người khác. Còn tôi, biết phận mình, thề không bao giờ dính vào nữa. “Nhà ngươi ngoài khả năng làm kỹ thuật ra chỉ còn mỗi cách làm..thơ thôi. Rõ chưa!”, tôi nghe tự Ngàn mây có lời tổ tiên thì thầm như thế.. .       

          Ít lâu sau, Phòng Cơ Điện được hình thành do ý tưởng của  tướng Thiện và Tổng cục phó Phan Tử Quang. Các anh Nguyễn Tử Thuấn, Lý Vân Đổng và kỹ sư trẻ Phạm Xuân Nguyên mới tốt nghiệp ở Hungaria về là những người đầu tiên của khối Cơ Điện ấy. Sau đó Nguyên chuyển lên Cục Sáng Chế rồi bặt tin. Cho mãi về sau, khi gặp lại ở sân bay Nội Bài, anh em tay bắt mặt mừng, tôi mới biết Nguyên giờ đã là một doanh nhân khá thành đạt. Đó là gã thanh niên ngày xưa đã hết lòng chuẩn bị cho lễ cưới của vợ chồng tôi ở 80 Nguyễn Du.Vào cuối năm 1979, tôi cũng chấm dứt cuộc sống lang thang. Trước đó cũng đã có nhiều người thương yêu mai mối, kế cả vợ chồng ông bạn Trần Cảnh, nhưng có lẽ do tôi cao số, nên không thành. Lẽ ra việc này có thể tiến hành muộn hơn một chút vì lúc đó người yêu của tôi mới học xong năm thứ 2 Sư phạm song do Thầy tôi mắc trọng bệnh, mẹ tôi và cả nhà muốn Người yên tâm trước lúc ra đi. Vợ tôi khá xinh, ngoan hiền và rất đảm. Vợ chồng anh  Hoàng Văn Hanh là ông bà mối. Trước đó một năm, chúng tôi được cử đi học tiếng Anh tại trường ĐHNN. Cùng học hồi ấy có các anh Nguyễn Giao, Nguyễn Lân Dũng ( Bộ ĐH), Hoàng Văn Hanh, Thành “Gicu”, Lâm Quang Ngọc (đạo diễn điện ảnh) …Cô giáo Lê Thu gọi mấy gã gần “băm” chưa vợ như chúng tôi là “Big Boys”. Mấy bà già bạn học thấy cô giáo xinh xẻo bàn nhau “vun” cho tôi. Họ có biết đâu rằng 15 ngày sau khi gặp lũ học trò, cô xuất giá. Anh Hanh chia sẻ nỗi niềm. Sau lần đầu giới thiệu, “cuộc chiến một năm” đã kết thúc có hậu. Đám cưới được tổ chức ở Hội trường TCDK Nguyễn Du. Tất cả mọi người rất vui và chúc phúc cho vợ chồng tôi. Cưới nhau được 2 ngày thì vợ tôi phải về trường. 13 ngày sau đám cưới của con trai, thầy tôi cũng về cõi vĩnh hằng. Một năm sau, vợ tôi được phân về dạy học ở Trường Yên, gần Xuân Mai. Ngày ngày hai vợ chồng đưa nhau ra bến xe Chương Mỹ, cách chỗ ở khoảng 6 km để tôi nhảy tiếp xe bus tới Bến xe Kim Liên, và buổi chiều về theo phương ngược lại. Vợ tôi đón sẵn ở bến xe và hai đứa lại bon bon đạp xe về khu nhà tập thể xây bằng đá ong của trường. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần tới gần nhà, vừa thấy bóng chủ từ xa, con mèo tam thể đã chạy lon ton ra đón. Hết năm học ấy vợ tôi được chuyển về dạy ở Đức Giang, Hoài đức.Tháng 9 năm 1981, đứa con gái đầu lòng Ngọc Hà ra đời. Bộ ba chúng tôi sống trong căn nhà tập thể nền đất, mái lợp giấy dầu, chật hẹp và thấp đến mức với tay gần đến nóc nhà. Mỗi nhà đều có một cái lọc nước tự tạo riêng để lọc  từ cái giếng nước vàng khè giữa khu tập thể ấy lấy nước ăn uống và tắm giặt. Ít lâu sau chúng tôi được chuyển sang dãy nhà ngói thấp tè đối diện. Nếu gặp trân mưa to kéo dài là có thể thấy guốc dép nổi lềnh phềnh trong nhà. Hàng xóm tôi cũng là gia đình chị Bái. Chị dậy Toán. Tôi chưa bao giờ nghe tiếng chị cười. Ngày ngày chỉ thấy bóng chị  lầm lũi đi về, mặt lúc nào cũng cúi nhìn xuống đất. Anh Đắc chồng là y sỹ bệnh viện Huyện Hoài Đức. Vợ chồng anh vất vả như bao người lúc bấy giờ, thêm nữa, thằng bé thứ hai, Mạnh Hùng lại mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Thế là cứ nuôi được đàn gà nào là anh lại bắt con trống mới được bảy, tám lạng  đè ra thiến cho chóng béo để bán, lấy tiền mua thuốc cho con. Có một lần chủ nhật ở nhà, tôi nghe tiếng máy khâu rè rè bên cạnh. Anh Đắc, chồng chị đang may ga giường cho bệnh viện, kiếm thêm. Chợt thằng Tuấn Anh ở phía dãy bếp lợp giấy dầu phía bên kia sân gào to: “Bố ơi, canh có cho mì chính không hả bố?”.Tiếng máy khâu khựng lại. Rồi một tiếng quát vang rền:” Tổ sư cha mày, đừng có mà khôn mồm! Đã có Mỡ lại còn đòi Mì chính!”Chuyện thật mà nghe cứ như đùa. Cười xong, nước mắt lại ứa trào. Anh Liễn có lần nghe tôi kể lại đã khoái chí thốt lên: Hay thật! Tớ mà có 2 chuyện “Đắc Sở ngày” và “Khôn mồm” như của cậu thì đếch cần làm gì nữa!.

            Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, các công ty dầu khí nước ngoài Agip, BowValley, Deminex rút khỏi Việt nam phần do kết quả thăm dò không mấy lạc quan, phần do bối cảnh chính trị và tình hình khu vực không thuận lợi.  Ngày 3/7/1980, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ) ký Hiệp định hợp tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Ngày 19/6/1981 ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) tại Vũng Tàu..Tướng Đinh Đức Thiện chuyển hẳn sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tướng Nguyễn Hòa, người từng được đào tạo tại Học viện Quân sự Frunze (Liên Xô), nguyên Tư lệnh Quân đòan I tiến đánh Sài Gòn năm nào về thay. Ít lâu sau ông được điều vào làm Phó TGĐ thứ nhất VSP cùng một đoàn quân Nam tiến nhằm nắm bắt công việc và học cách quản lý, điều hành nhưng vẫn  được giữ nguyên chức vụ TCT. Các tùy tùng đi theo ông hồi ấy như Nhậm, Liễn, Liệu, Hùng v.v khi trở ra từ “cái nôi” ấy đều vinh hiển cả. Ngoại trừ Hoàng Phổ và Hữu Lợi, có lẽ do tên chỉ có 3 chữ cái nên phải đợi chờ thêm mấy năm sau. Đến khi tướng Nguyễn Hòa rút hẳn khỏi VSP, thủ lĩnh Trần Cơ của Công ty Dầu khí I được điều vào thay thế. Anh có anh rể làm trợ lý cho cụ Lê Chín nên thế mạnh như chẻ tre. Giá như anh đừng động thủ, cứ phe phảy quạt ngà ngắm nhân tình thế thái thì vị trí đứng đầu ngành dầu khí đã cầm chắc trong tay . Đó là do số trời, do tình thế hay là do cách dụng binh lợi hại của vị tướng này khiến mộng ước chính trường của đối phương tan thành mây khói. Nhưng đấy là chuyện mấy năm sau. Nói tới anh Hòa tôi bỗng nhớ một câu chuyện vui. Có lần xuống đưa công văn đánh máy tôi gặp anh Văn Sỳ  bên Vụ Kế Hoạch đang đỏ mặt tía tai, vết sẹo phía bên giật giật:” Sao lại ‘như Que Hàn chỉ thị? Đánh máy thế ả?” “Thế đây chẳng phải Que Hàn thì là chữ gì?”,” Que Hàn mà chỉ thị được à? Đấy là Anh Hòa, rõ chưa!”. Anh điên tiết chỉ cho cô đánh máy “trót” đánh nhầm cái chữ ngoằn ngoèo do chính tay anh viết và khẳng định là “Anh Hòa” (TCT) ấy cho cô này gõ lại. Tôi bắt tay anh chia sẻ. Anh em biết nhau từ lâu. Hồi đến nhà anh ở Cầu Mới, Ngã Tư Sở tìm mãi không ra sau mới biết hàng xóm người ta gọi tên anh là Sỹ. Do kinh nghiệm mách bảo, tôi thường chỉ đưa công văn với nét chữ thảo “rồng bay phượng múa” của mình cho một địa chỉ duy nhất. Cô này mới bên quân đội chuyển sang làm đánh máy nhưng rõ ràng tôi chưa phải lần nào tức giận như anh cả. 

         Cùng thời gian đó, hàng loạt CBNV được cử đi đào tạo ở Liên Xô. Những kiện hàng chứa áo gió, quần bò Cổ Nhuế, kimono đểu, tinh bột nghệ ùn ùn được chở theo, “một lãi mười”, để đổi lấy nồi áp suất, bàn là “hoa dâu”, đài Rigonda, tủ lạnh Saratov, mai-xo... Sự kiêu hãnh của những nhà du hành vũ trụ “đầu đội áp suất chân đi bàn là” khi trở về đất nước thực sự là hình ảnh lung linh thời đó. Nó là một cuộc đổi đời! Cả sau này nữa, khi có chính sách mở cửa, bao nhiêu người đã đi xuất khẩu lao động, kể cả kỹ sư đi làm những việc chân tay, đóng đồ, lái xe kéo…, người ta vẫn kéo nhau đi ầm ầm. Bao nhiêu người đã không chút do dự rời bỏ ngành như thế cho tới khi cuộc sống sau này trở nên dễ chịu.

          Tổ chức cũng có nhiều thay đổi theo xu thế phát triển.Vụ Kỹ Thuật cũng tách thành hai vụ: Vụ Địa Chất và Vụ Khoan- Khai Thác và Cơ Điện. Anh Đặng Cải hùng hồn: “Sau này ngành phát triển, Vụ anh sẽ tách thành hai Vụ: Vụ Khoan và Vụ Khai thác. “Có lý. Em nghĩ xa hơn có thể nó sẽ tách thành ba Vụ”.Anh ngẩn người một lát, rồi khẽ văng ra một câu chửi thề. Và dự báo của anh về sau quả không thành hiện thực. Đó là một người hồn nhiên, nếu được trải đầu ngôi giữa thì trông anh khá giống Hitler. Có lần tôi nói nhận xét ấy, anh không giận mà vui vẻ thừa nhận: ”Ừ đúng, nhiều thằng cũng bảo tao như thế” .

           Có thể đứa con gái đầu lòng ấy đã giải hạn cho bố nó. Đầu năm 1982, tôi được gọi tiếp đi phỏng vấn tiếng Anh. May mà họ không nói ngay kết quả mà nhận cả 4 hồ sơ.Tên tôi bị lẫn lộn trong số đó mấy tháng trời. Cho tới phút chót, gần như chả ai thèm nhớ nữa thì tôi được thông báo trúng tuyển đi tham dự khóa đào tạo tại Na-Uy.Thủ tục rất nhanh đến mức những người muốn cản phá trở tay không kịp. Ấy là năm 1982, chuyện đi  đào tạo tại một nước tư bản là ghê lắm đâu như bây giờ. Còn nhớ trước đó tôi bị chó cắn hai lần. Nghi là chó dại nên đã phải lặn lội xuống tận ông lang Hào (Thường Tín), phải nhờ vợ Vũ Ngọc An mách nước đến cả Viện Pasteur xét nghiệm. Chẳng hiểu lũ chó mệnh yểu kia khôn hay dại, chỉ biết rằng tôi chẳng việc gì, lại còn được đi Tư Bản. Về sau nhiều gã tổng hợp lại tiêu chí “hai lần chó dại cắn” ấy, ra sức trêu chó và cố ý giơ chân ra mời mà chúng chẳng cắn cho. Bọn tôi được Quỹ Phát triển Quốc tế của Na-Uy (NORAD) tài trợ. Norway có dân số trên 4 triệu người song diện tích xấp xỉ Việt nam và là một trong ba nước có tỷ lệ dọc/ngang dài nhất thế giới ( Việt Nam, Chilê và Na-Uy).Trước kia Norway là một nước nghèo so với những nước ở Bắc Âu. Bằng tài nguyên và trí tuệ của mình, Na-Uy đã trở thành một trong những nước tự chủ và giàu nhất thế giới. Những thời gian học tập và làm việc tại Trường Đại học Kỹ thuật Na-Uy (NTH), những đợt thực tập ở NPD, Statoil, NoskHydro, chiêm ngưỡng “Vòng đời” trong Vườn Tượng Vigland ở Oslo; tuyết trắng mùa đông ở Lilihammer, Midnight Sun mùa hè ở Tromso, những cuộc tiếp xúc với con cháu những Viking thông minh, quả cảm song cũng rất hiền lành và giàu lòng nhân ái đã làm tôi nhớ mãi..“I wish You a Long, Long and Happy Life!”, một bà cụ người Na-Uy đã chúc phúc cho tôi trước lúc trở về đất nước. Cho tới mãi sau này, khi trở lại làm khách mời của Na-Uy , ngồi trên trực thăng bay dọc các  fjord, nhìn những công trình thủy điện, những con tàu hộ tống Giàn Khai thác dầu Condeep ra khơi mà thấy trong lòng trào dâng một niềm cảm phục.

           Tôi bay từ Na-Uy  qua Copenhagen, ghé thăm London ít ngày trước khi về Việt nam.  Đâu dễ có dịp qua thủ đô của một đế quốc già nhất thế giới này mà lại không mất tiền vé máy bay vì tuyến Oslo- Copenhagen -Bangkok- Hanoi hay  Oslo-Copenhagen-London-Bangkok-Hanoi hoặc Oslo-London-Paris-Bangkok-Hanoi có cùng giá vé. Chỉ tiếc là không lấy được Visa qua Paris. “Ở mình, ngoài Bác Hồ ra, đã mấy ai đến được London đâu”, tôi động viên Giáp. Thế là hai anh em qua thủ đô của Vương quốc Anh, ngủ trong Nhà Trọ “Vua George VI” dành cho sinh viên trên đường Kensington tìm được trong Guide Book. Phòng ngủ có mấy giường tầng, một ngọn điện, tắm nước lạnh, không nhà ăn…Thế là tốt rồi, càng “saving cost”. Hai anh em chúng tôi lang thang khắp London. Qua cung điện Burkingham xem Thay gác. Lần ấy thật may, bọn tôi gặp cả Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị ngồi xe tứ mã và đám tùy tùng cưỡi ngựa đi sang Nhà Quốc Hội. Đứng bên bờ sông Thames mơ màng nhìn Tháp chuông Big Ben. Thăm các Viện bảo tàng  trong đó cả bảo tàng Madam Tussaud nổi tiếng, chụp ảnh với Marelyn Monroe ( lần sau đi cùng Ngô Bá Bạt, tôi chụp với Lênin, còn Bạt chụp với Araphat. Về nhà Bạt chìa ảnh ra khoe, ai cũng nể), rồi vòng về Hyde Park, qua cửa hàng lớn nhất Châu Âu Harrod  để “window shopping” trước khi về Nhà trọ…

          Rời thủ đô London về tới nhà, gặp lại vợ con, người thân và bè bạn thấy lòng vui phơi phới. Ít lâu sau cả lũ NORAD fellows chúng tôi ( sáu đưa gồm 2 dầu khí; 2 đường biển  và 2 chỉnh hình ở bên Bộ TBXH) có giấy báo xuống Hải Phòng nhận xe máy từ Nhật mà hồi ở Na-Uy  chúng tôi đã đặt mua.Tất cả mọi người đều nhận được, trừ tôi. Lũ bạn bè nhìn tôi đầy cảm thông và ái ngại. Nguyễn Văn Hậu, giám đốc VOSA Quảng Ninh và Hà Đức Bàng, trưởng phòng VOSCO nhanh nhẹn bày cách viết thư cho Hãng. Thống nhất xong nội dung thư, Hậu rút tập giấy pơ-luya ra và nói:”Mày ký sẵn vào đây để tao về bảo thư ký đánh máy gửi đi cho oách. Yên tâm đi!”. Gần một tháng sau tôi nhận được thư anh Hậu từ Quảng Ninh, phong bì lấy của Tây và được ghi như Tây:

         ”Nguyen Van Hau,

          VOSA Quang Ninh

                                                  To: Mr.NGUYEN QUYET THANG

      &

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 32
  • 348
  • 22,479,008