Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KỶ NIỆM VỀ CHIẾC MÁY KHÂU LIÊN XÔ

  17/10/2017

Số là những ngày ăn học tại thành phố Iasi - Romania mình vì sự say mê công nghệ mà mua sắm mấy đồ chẳng giống ai. Năm 1968 khi Romania cho ra đời chiếc đài bán dẫn Mamaia 10 transitori thì mình thích vô cùng, bởi vì năm 1954 khi bộ đội kéo quân từ Điện Biên phủ trở về Hà nội có một đơn vị đã đóng quân nghỉ tại làng mình. Ngày ấy, lần đầu tiên được nhìn thấy 1 chiếc hộp (chiếc loa đài) to bằng cái đấu treo trên cành cây xoan đầu nhà, nghe có tiếng người nói và hát véo von thì thật là mê li lắm lắm. Vì vậy mình đã mua ngay 1 chiếc Radio Mamaia  để nghe tin tức và nghe nhạc. Khi có cậu bạn cùng huyện  về nước, mình đã gửi tặng bố mình chiếc Radio Mamaia đó vì Bố mình cũng rất mê Radio và thích nghe tin tức. Thời đó ở Việt nam loại Radio này chỉ được bán cho cán bộ cấp vụ trưởng trở lên với “giá cung cấp“ là 800 đồng (mà vàng cũng chỉ độ 25đ/1 chỉ. Và sau đó mình lại gặp và mua 1 chiếc radio Nhật hiệu SANYO tại hiệu đồ cũ. Vì là “tay chơi công nghệ” nên lại thèm chơi máy ảnh, thế là mình lại vay tiền mua chiếc máy ảnh Liên xô (hình như tên máy là KIEV) giá 1.300 Lei. Có máy ảnh trong tay mình cảm thấy tự hào và hãnh diện lắm, mỗi lần có sự kiện gì như đi chơi công viên, đi Du lịch, lao động ở Bucium … lại tí tách chụp hình và rồi học làm tráng phim, rửa ảnh thâu đêm suốt sáng (làm ảnh nhờ tại Phòng thí nghiệm của nhà trường) rồi dán lên kính cửa sổ thay cho máy sấy v.v.. và v.v… hàng trăm hàng ngàn tấm ảnh đã ra đời làm quà miễn phí cho các bạn bè gần xa. Chi phí cho việc mua phim, mua giấy ảnh và thuốc tráng phim - in ảnh … chắng hề nhỏ, nhưng có làm sao đâu cứ  VLC  ( Vui Là Chính) mà. Chính vì sự “đầu tư” theo sở thích ga lăng  như thế mà đến gần ngày về nước mình mới lo sốt vó. Bạn bè thì chạy đua gom tiền đi mua lấy 1 chiếc xe đạp để mang về sử dụng trong việc đi lại, còn mình … trắng tay; thậm trí còn nợ tiền mua máy ảnh !!!. Rất nhiều người đã mua được xe Spunhich còn mình ngồi ngán ngẩm buồn thiu …. Cuối cùng việc gì đến cũng phải đến, phải bán gấp chiếc máy ảnh được 900 Lei để trang trải nợ và mua một chút quà như tấm vải, cuộn len …

Theo thông tin được phổ biến thì mỗi người khi về nước sẽ được phát 50 Rúp và 50  đồng NDT để chi tiêu khi đi tàu hỏa qua đất Liên xô và Trung Quốc. Lại nghe nói một số người đã mua được máy khâu quay tay tại Moscova với giá 48 Rúp. Vì vậy mình bàn với bạn Việt rằng ta sẽ đổi thêm một ít tiền Rúp rồi qua Nga mua lấy chiếc máy khây quay tay về dùng. Sau đó cũng đổi được thêm hơn 20 Rúp cộng với việc nhà trường cho khá nhiều bánh mỳ, đồ ăn nguội để ăn trên đường nên nghĩ rằng “âm mưu” tiết kiệm ăn uống để mua 1 chiếc máy khâu chắc sẽ thành hiện thực. Kế hoạch được thực hiện khá trôi chảy, từ Iasi-Rumani đến Moscova chỉ sử dụng  thức ăn do nhà trường cấp không đến toa ăn uống ở trên tàu. Đến Moscova cũng chỉ nhăm nhăm đi tìm mua máy khâu quay tay 48 rúp. Mấy thằng dắt nhau đi mỏi chân khắp các bách hóa to (GUM, SUM gì đó ) và cửa hiệu nhỏ tại Moscova cũng không tìm ra, khắp nơi chỉ còn duy nhất 1 loại máy khâu chạy điện giá 53 rúp. Cuối cùng trước khi lên tàu phải “cắn răng” quyết định mua 1 chiếc máy khâu điện loại 53 rúp. Việc này nghe ra thì đơn giản (tiền nào của đấy) nhưng thực ra là một quyết định rất khó khăn bởi vướng 2 lí do: Thứ nhất là tại VN đang chiến tranh, nhà  mình lại ở nông thôn làm sao có điện mà chạy máy. Thứ 2 là bị “lạm phát” mất 5 rúp khấu trừ vào tiền ăn trên tàu. Tuy nhiên vẫn phải nhắm mắt quyết định như thế vì nghĩ rằng cơ hội ngàn năm này không thể nào có được  lần thứ 2 nữa, thôi thì tiết kiệm 1 bữa/ngày vẫn sống được mà, lại nghĩ rằng trên chiến trường các bạn ta có khi phải nhịn đói 2,3 ngày liền để chiến đấu ấy chứ , khó khăn này chưa là gì !!

Rồi hết đêm ngày lại đến, tàu vào đất Trung Quốc là có tiền NDT tiêu rồi .

Khi về đến nhà Bố Mẹ rất mừng tưởng rằng thằng con thế nào cũng sắm được chiếc 1 xe đạp hay chiếc xe máy gì đó cho nó vinh quang ai ngờ chỉ thấy một đống sách vở và một ít quần áo. May mà khi tàu qua TQ cũng nhanh trí mua được mấy lọ mì chính cho mẹ và 5 chai rượu sâm nước có con sâm đẹp đẹp bên trong cho bố. Trả lời câu hỏi của bố là sao các bạn mua được xe đạp mà con lại không! mình chỉ váo đống ảnh và nói rằng tiền đã chi hết cho máy ảnh và in tráng phim ảnh rồi (nếu tính giá trị thì đúng là tiền chi cho máy ảnh và làm phin ảnh thừa tiền mua 1 xe Spunhich 1.300 Lei).

Khi mình nói rằng mình còn mua được một chiếc Máy khâu Liên Xô đang gửi theo tàu chậm về sau thì cả nhà mừng lắm. Bởi vì khi đó 1 đầu Máy khâu cũng cao giá chẳng kém gì một chiếc xe đạp. Theo chỉ bảo của 1 ông bác họ là chủ tiệm may duy nhất ở phố huyện thì khi về Hà nội nhận hàng (máy khâu) gửi tàu chậm mình mua 1 bộ chân bằng gang cho máy khâu (mua ở phố Hàng Bông-Hàng Gai) còn bàn thì nằm trong tầm tay sáng tạo của bố mình là thợ mộc bậc cao trong làng.

Thế là ổn, Ông Cụ nhà mình đã 50 tuổi rất thích sử dụng máy khâu (vì nó mới lạ chứ xe đạp thì nhà mình đã có 1 chiếc từ trước năm 1960 rồi). Đầu tiên là học chạy máy, khâu vá nhì nhằng và may quần đùi nam, may các loại quần áo đơn giản (dưới sự tư vấn của ông bác họ chủ tiệm may).

Khoảng năm 1976, 1977 do kinh tế khó khăn Bố mình đã bảo mình đem cái  máy khâu về Hà nội mà may gia công kiếm thêm thu nhập.

Thời đó hẳn mọi người đều còn nhớ, gạo không đủ, cơm trộn mỳ sợi là khá, có lúc còn phải ăn cơm độn mỳ hạt, rồi khoai lang, khoai tây, sắn tươi thay gạo v.v …

Mình tập đạp máy khâu và đi tìm nguồn hàng may thuê quần đùi áo sơ mi rồi may đến quần âu v.v.. May mà được ông chủ tiệm may đo rất nhiệt tình hướng dẫn cách thức may và cách tiết kiệm chỉ khâu v.v…  

Tiến thêm một bước nữa là mình tìm mua sách dạy tự học cắt may, học các công thức cắt may quần áo thông thường , cứ thế tay nghề lên dần nhờ vào chiếc máy khâu mua tại Liên xô năm 1972. Vào những năm đầu thập niên 80 mình đã có thể thiết kế quân áo , cầm kéo pha vải và may quần áo thông thường, may quần áo cho con mặc đi học , cho các cháu . May được cả áo bu dông, sửa áo đại cán … may được cả quần âu, áo sơ mi cho mình và may đo quần áo cho một số anh em trong cơ quan  v..v…

Vào đầu năm 1985, gia đình có kinh tế khá giả hơn nên đã sắm được một chiếc Máy khâu Nhật cao cấp hơn và tạm biệt chiếc máy khâu Liên xô đầy kỷ niệm từ đây. Tôi vẫn rất thích thú mỗi khi ngồi điều khiển máy khâu để may vá thứ gì đó như may 1 cái vỏ chăn, vỏ gối, sửa lại một vài cái áo sơ mi, may 1 bộ đồ ngủ cho mình , may cả túi đeo bằng da v..v… Tuy “hàng may” của mình không được đẹp, hiện đại bằng hàng hiệu nhưng do mình tự thiết kế nên rất hợp sở thích của mình. Mình sẽ đào tạo cho mấy đứa cháu biết về các kỹ thuật cơ bản của máy khâu để các cháu có thể sử dụng máy khâu phục vụ cho sinh hoạt gia đình khi cần thiết.      

Hiện nay quần áo may sẵn đã tràn ngập thị trường, mọi người chỉ việc mua và mặc không mấy ai còn may đo nữa, nhưng 30, 40 năm trước có được 1 chiếc máy khâu thật là hữu ích.

Cuộc đời của mỗi người đều có rất nhiều những kỷ niệm. Riêng đối với tôi kỷ niệm về chiếc máy khâu Liên xô mua trên đường từ Rumani về nước năm 1972 là một trong những kỷ niệm êm đẹp nhất, nó đã giúp tôi học được thêm được một “nghề  tay trái” rất hữu ích cho cuộc sống đầy khó khăn trong thời kỳ đó.

Đến nay sau 8 năm nghỉ hưu rồi thi thoảng tôi vẫn ngồi bên máy khâu để may vá sửa chữa quần áo của mình và sáng tạo mấy sản phẩm theo ý thích của mình.

Thật cảm ơn cuộc đời đã cho ta nhiều kỷ niệm đẹp.             

Hà nội T10/2017

Ngô Văn Toàn

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 12
  • 5713
  • 21,874,432