Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ HÀNH TRÌNH CHO “ROMANIA 40 NĂM GẶP LẠI”

  21/12/2015

Thấm thoắt thời gian đã trôi nhanh, mới ngày nào đặt chân lên đất nước Rumani tươi đẹp khi tóc vẫn còn xanh, ở độ tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu ngày nào mà nay đã kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, tóc các cựu Sinh viên đã điểm bạc.

Nhận được tin của Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, chúng tôi rất háo hức và bắt tay ngay vào chuẩn bị, bao cuộc họp mặt bạn bè cùng lớp, cùng khóa và cùng trường đã được truyền đi, thú thực là từ lúc phát đi những tín hiệu họp mặt và thấp thỏm đợi chờ hồi âm để chuẩn bị cho chuyến đi thực là dài, thời gian trôi đi sao chậm thế. Và những cuộc gặp mặt của những anh bạn như: Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Đăng Liêu, Lâm Văn Lanh, Lê Văn Trương, Lê Tân, Đặng Trần Giao, Bùi Trọng Đỉnh vào tháng 04 năm 2012 tại nhà hàng Bia hơi Hà Nội No 1015 đường Láng là phiên họp trù bị đầu tiên cho nhóm khởi xướng tựu trường sau 40 năm tốt nghiệp IPGG, cả nhóm nhất trí đề ra quyết tâm tổ chức cuộc hội ngộ nêu trên. Thế rồi các tin tức lập tức laị được phát đi, kêu gọi các thành viên khác và hẹn 15 ngày sau sẽ có buổi họp trù bị thứ 2 cũng tại địa điểm trên, mãi đến kỳ họp thứ 3, rồi thứ 4 tại một nhà hàng bên bờ Hồ Tây thơ mộng có thêm các thành viên mới tham dự như: anh Hoàng Trung Du, Nguyễn Thị Phương Hải và một vài anh em khác cùng nhóm trù bị đã nêu ở trên mới gút lại danh sách trên 20 người quyết tâm tham dự và phân công trách nhiệm cho một số trong nhóm trù bị triển khai các bước cụ thể như: tìm kiếm hãng hàng không giá hợp lý và lộ trình chuyến đi an toàn và thuận lợi, tìm kiếm khách sạn ở trung tâm Buc. Và Anh Du đã giúp đoàn trong việc lên kế hoạch và chương trình hoạt động 10 ngày của Đoàn sau này.

Việc lựa chọn ngày lên đường và hoàn tất thủ tục cho Đoàn được chuẩn bị chu đáo, song cũng phải đến phút chót cả đoàn mới thở phảo nhẹ nhõm khi nhận được tín hiệu trước ngày lên đường 1 ngày: Sứ quán đã cấp Visa vào Rumani (Về Visa, đây thực sự là một sự cố ngoài mong muốn của cả hai phía, song cũng thực sự thông qua bài viết này để cảm ơn anh Minh, các anh ở Đại Sứ quán Việt Nam tại Bucaret; anh Đỉnh, anh Du, Ban Châu Âu cùng Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani đã kịp thời tác động và trợ giúp tích cực cho Đoàn).

Hành trình ngày thứ 1(ngày 9/8/2012), trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar, Đoàn chúng tôi rời sân bay Nội Bài, Hà Nội đi Rumani. Sau 14h bay, Đoàn đã đến sân bay Henry Coandă, Bucarest. Điều làm chúng tôi xúc động đó là những bó hoa, những cái bắt tay và cuộc đón tiếp chớp nhoáng của các anh ở Sứ quán Việt Nam tại Rumani và Cộng đồng bà con đang học tập và làm ăn sinh sống tại Bucarest.

Xe bus chúng tôi về khách sạn Duke trên đại lộ Dacia không to, không hoành tráng nhưng tiện nghi, sạch sẽ. Chúng tôi được đón tiếp khá nồng nhiệt, những chai Sâm-banh được mở ra nổ giòn sau những tràng vỗ tay hoan hô làm cho cả đoàn vui hẳn lên và quên đi cái mệt nhọc, uể oải sau cuộc hành trình dài với hơn 14h bay từ Châu Á sang Châu Âu.

Hành trình ngày thứ 2, sau một đêm nghỉ ngơi tại khách sạn, Đoàn đã được đưa đến thăm nhà Quốc hội. Tất cả các thành viên trong Đoàn đều háo hức và các máy ảnh đã được chuẩn bị để hoạt động hết công suất, nhiều pô ảnh đã được chụp ở tất cả các góc độ với mục đích ghi lại thời khắc 40 năm sau ngày gặp mặt, 40 năm đổi thay của Rumani và đặc biệt Bucarest thân yêu, tuy xa xôi nhưng lại rất đỗi thân thương. Rất nhiều anh chị khi vào thăm từng gian phòng lớn cũng đều có chung tâm trạng là quy mô quá lớn, quá đồ sộ khi nghe cô Hướng dẫn viên du lịch người Rumani nêu qua. Hiện tại Chính phủ Rumani chỉ mới đưa vào sử dụng được 5 – 10% diện tích tòa nhà, phần còn lại đưa vào khai thác du lịch. Anh bạn đi bên tôi bỗng nhiên thốt ra lời: “Thật tuyệt vời, thật hoành tráng, có thể so sánh về quy mô của các cung điện dưới các triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử nhân loại như: thời La Mã cổ đại, thời các vua Louise 12 – 14 của nước Pháp mới xây nổi các công trình như: Coloseum, các cung điện Vusai, hay như Sa Hoàng Pie – Đại đế của nước Nga mới có các công trình để đời cho con cháu mai sau thụ hưởng như: Cung điện mùa đông, Điện Hermitas. Và thành phố Saint Petecburg tráng lệ, với hàng triệu m2 đá cẩm thạch để ốp và lát tường trong và ngoài. Palatul Parlamentului cũng đã đủ để chúng ta hình dung được quy mô và sự hoành tráng của nó.

Chúng tôi ra ngoài ban công tầng cao của tòa nhà Quốc hội nhìn ra xung quanh, những tòa nhà của các Bộ nằm trong tổng thể kiến trúc của tòa lâu đài Quốc hội, trước đây là cung Cộng hòa, như: tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại thương, Bộ Lao động, Bộ Tư pháp…Mỗi một tòa nhà đều được thiết kế theo kiến trúc cổ thế kỷ 18 -19 vừa to bừa bề thế của các lâu đài thời kỳ hưng thịnh của các Cường quốc Tư Bản thế kỷ 19. Nhìn xa cả đại lộ Unirii vừa to vừa thẳng tắp (chiều rộng đại lộ là 150m, dài mấy km) hai bên đường rợp bóng cây xanh và những dãy nhà cao 9 – 12 tầng được xây cất cùng thời gian, cùng thiết kế tổng thể của tòa nhà Quốc hội (Nhìn tổng thể mới thấy tầm nhìn của vị thủ lĩnh cộng với ý chí quyết tâm cao của người lãnh đạo mới có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn. Thực sự đáng là một trong những điểm nhấn của Bucarest sau 40 năm ngày gặp lại. Tất cả các công trình gồm:

-Tòa nhà Quốc hội

- Cung điện (2 tòa nhà sinh đôi) trên khu đất cũ là sân đua ngựa Cotrochen đại lộ Independentei;

- Công trình cải tạo và làm sạch đẹp sông Dâmbovita;

- Công trình mạng lưới giao thông ngầm (Tàu điện ngầm) của Bucaret.

Những công trình trên là dấu ấn khó phai mờ của Đoàn cựu học sinh IPGG – Bucarest sau 40 năm ngày gặp mặt.

Đúng 17h chiều 11/8 xe của Lar- Tours đón tại khách sạn Duke và đưa đoàn đến trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở  34 A, Rosseti, Buc. Tại khán phòng lớn của ĐSQ VN đã bày sẵn hoa và trái cây trên bàn. Anh Bùi Quang Minh tham tán công sứ, anh Nguyễn Văn Thu tham tán thương mại và các anh em khác trong Đại sứ quán cũng có mặt.

Trong buổi hàn huyên ấm cúng tại ĐSQ, các anh tại ĐSQ đã giới thiệu qua tình hình ở Rumani. Anh Thu tham tán thương mại là cựu sinh viên của Cluj, cũng là cựu tham tán nhiều khóa liền ở Rumani nói chuyện rất nhiều về tình hình kinh tế, xã hội và thương mại 2 chiều giữa 2 nước. Anh đã nêu rất nhiều vấn đề về tiềm năng của 2 phía, về tình hữu nghị thắm thiết giữa 2 dân tộc Việt – Ru và tình cảm thấm đượm tính nhân văn của các cựu sinh viên Việt Nam đã học tập trước đây ở Rumani. Song những gì thực tế mà 2 nước đã và đang tiến hành ký kết các hợp đồng thương mại, dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng của 2 phía. Các anh trong ĐSQ và tham tán thương mại tại Rumani đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả thương mại 2 chiều mỗi năm cũng chỉ đạt trên 100 triệu USD. Cán cân xuất siêu nghiêng về phía Việt Nam song các mặt hang ta xuất sang chủ yếu là nông, hải sản và dệt may.

Anh Tống Văn Nga trưởng đoàn đã giới thiệu tóm tắt các thành viên Đoàn tham quan Rumani thứ 3 cho các anh ở ĐSQ VN tại Bucaret. Cuộc trò chuyện thân mật bị đứt quãng do phía bạn được biết có đoàn của Hội hữu nghị Việt Nam- Rumani sang thăm nên đã tới ĐSQ VN để chúc mừng.

Anh Tống Văn Nga, anh Đặng Trần Giao, anh Hoàng Trung Du và chị Tuyết- thư ký Hội hữu nghị VN- Rumani cùng các anh ở ĐSQ ra đón các ông ở Hội Hữu nghị tương hỗ Rumani- VN, Chủ tịch cộng đồng các doanh nghiệp VN tại Bucaret, Chủ tịch Hội phụ nữ VN ở Rumani. Nhân dịp này Hội hữu nghị VN- Rumani cũng đã trao quà kỷ niệm cho các tổ chức hữu nghị nêu trên. Cuộc tiếp kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ thì tất cả thành viên của Đoàn và khách xuống tầng trệt của ĐSQ để liên hoan cocktail.

Tại đây các chị em trong Đại sứ quán, Chi hội hữu nghị hai phía đã miệt mài chế biến các món ăn VN- Rumani. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị các món ăn nguội đặc sản của VN như: Giò chả, nem, bánh chưng…(thật đáng tiếc các thùng rượu Vodka lúa mới, Hà Nội mới đã bị gửi trả lại khi làm thủ tục lên máy bay của hãng Qatar Airways).  Chúng tôi lại có dịp được thưởng thức các món đặc sản của Rumani như; Mămăligă, Sarmala (thịt băm cuốn lá bắp cải đun nhừ), món mici (thịt băm với gia vị nướng). Hương vị ngây ngất kèm với các cốc rượu vang đỏ sẫm mang đậm chất đồng quê của thung lũng Valla Prahovei, rồi rượu T,uică đậm mùi nhựa mận thơm ngon nhưng cũng dễ làm cho chúng ta ngây ngất, rồi thì âm nhạc và các giọng hát lại được cất vang. Cả khán phòng vui nhộn hẳn lên khi anh Nguyễn Quyết Thắng lên trình bày những bài thơ về Hắc Hải, về Rumani của anh viết từ thủa sinh viên. Anh đã khuấy động cả khán phòng với những vần thơ đầy ngẫu hứng và những bài ca mà anh yêu thích một thời…

 Buổi giao lưu kéo dài tưởng như không muốn ngắt,  nhưng vì thời đã quá muộn và các thành viên trong Đoàn cần phải về nghỉ để ngày hôm sau dậy sớm để tiếp tục cuộc hành trình. Thời khắc chia tay, tất cả chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng  trong không khí hết sức cảm động. thấm đượm tình nghĩa của cộng đồng người Việt Nam tại Rumani.

 

Hành trình ngày thứ 3:

Sau khi ăn sang xong, 8h sang xe 30 chỗ ngồi của hãng Lar – Tours đã chờ sẵn ở trước của KS Duke để đón Đoàn đi Constanta. Xe chạy ra khỏi thành phố , lướt nhanh qua những đại lộ chạy dài bên bờ sông Dâmbovita để rồi tiếp nối tới xa lộ E81 cao tốc với tốc độ quy định tối thiểu 120km/h. Quãng đường từ Bucaret Constauta dài 280km chạy qua cánh đồng trù phú của Rumani là Baragan. Qua Bô-rô-gan anh em chúng tôi lại chạnh lòng vì đã từng tham gia gặt lúa mì 10 ngày để dành tiền cho đồng bào quê nhà chống Mỹ. Cảnh tượng cả cánh đồng lúa mì, ngô và hướng dương bạt ngàn khi xưa nay cỏ dại mọc cao hơn lúa mì. Tác giả Nguyễn Quyết Thắng đã viết thay lời cho những cảm nhận của chúng tôi:

Ta đi dọc cánh đồng Bărăgan, xưa kia mầu mỡ

Rực rỡ hướng dương, bạt ngàn ngô lúa

Bucarest mến yêu

Con đường ven sông Dâmbovita quấn quýt, tầm xuân nay không còn nữa

Thành phố đổi thay, xã hội đổi thay, dang dở vui buồn…

Xe vẫn lao nhanh về thành phố biền, rồi qua thành phố Slobodia nằm trên một nhánh của sông Dunare trước khi đổ ra biển, bên trái của xa lộ, xa xa sừng sững nhà máy điện hạt nhân, niềm kiêu hãnh một thời của phe XHCN. Tới Constanta xe đưa chúng tôi tới khách sạn Regal – Mamaia ngay bên bờ biển, cảnh trí thật tuyệt vời. Thế là 40 năm sau chúng tôi lại có mặt ở Biển Đen (Hắc Hải), ngày mà ngay năm thứ nhất của thời sinh viên chúng tôi đã được thỏa sức để vẫy vùng, để nô rỡn với sóng biếc Hắc Hải. Ở một nơi dành cho sinh viên – Bãi biển Costinesti, không cần nói, không cần nhắc nhở nhưng hầu hết tất cả cựu sinh viên trong Đoàn chúng tôi đều háo hức đi tìm những kỉ niệm xưa, nơi mà chúng tôi đã được nghỉ ngơi trong những nhà nghỉ dành cho sinh viên. Chúng tôi chia thành các nhóm để đi tìm “dĩ vãng”. Rất may là trong Đoàn cuối cùng cũng đã phát hiện nơi còn sót lại một hai ngôi nhà cũ kĩ và lẻ loi trong một loạt những nhà lầu, khách sạn, nhà hàng sang trọng và được tô vẽ muôn màu sắc. Costinesti 40 năm sau đã đổi thay. Bãi biển hiện nay đã được bê tông hóa và san sát các nhà hàng, quán ăn dịch vụ. Xã hội hiện đại đã xóa đi những gì của 40 năm trước còn thơ mộng và rất đỗi tự nhiên. Đến Costinesti hiện nay cảm giác chật trội và nóng hơn rất nhiều so với cách đây 40 năm.

Thế hệ thứ 2 của chúng tôi (con em các cựu sinh viên) thì háo hức tranh thủ thả mình trong biển cả Hắc Hải để cố gắng ghi dấu ấn trong đời là đã đến và được tắm trong Biển Đen. Chúng tôi cứ đi dọc bờ biển để quan sát, và để chiêm nghiệm những suy tư về một thời đã qua và nhớ lại những địa danh như: Mangalia, Maia, eforie de Nord, de Sud, và không thể không tìm đến một vùng lãnh địa một thời được cho là bị cấm không cho bất kỳ thường dân nào bén mảng tới. Địa danh Olimp và Neptune khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho các cán bộ cấp cao của TW Đảng CS Rumani trước đây, nơi đây vẫn còn giữ lại được những tòa nhà, những đường nét kiến trúc và đặc biệt vẫn còn giữ được màu xanh của thiên nhiên, bãi biển tuyệt đẹp và không khí trong lành. Thật tiếc là chúng tôi chỉ được ngắm vì thời gian không cho phép chúng tôi được hít thở không khí và hưởng thụ cảnh vật nơi đây.

Hành trình những ngày tiếp theo là những ngày thăm lại trường cũ. IPGG- Bucarest và UPG – Ploiesti.

Sáng sớm 14/08/2012, nhóm cựu sinh viên trường dầu Buc và trường dầu Ploiesti đã lên 2 xe Mescedes 7 chỗ ngồi để đi Ploiesti. Xe chạy từ khách sạn ra khỏi thành phố theo đường E60 (Europa No 60 – ký hiệu theo hệ thống đường cao tốc xuyên Châu Âu), đường cao tốc Bucarest –Ploiesti theo đường cũ là A3. Vậy là sự đổi thay sau 40 năm cũng đã rõ, giữa thủ đô Rumani với thành phố dầu lửa Ploiesti đã có hai đường cao tốc song song với nhau.

Sau gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tới và gặp được đại diện của nhà trường ra đón, dẫn vào một trong những giảng đường của UPG Ploiesti. Tiếp Đoàn gồm:

1. GS. TS. KS Nicolae Paraschiv - Phó hiệu trưởng UPG – Ploiesti

2. GS. TS. KS Iuliam Nistor – Trưởng khoa

3. GS. TS. KS Mikhai Gheorghitoiu – Trưởng Khoa

4. Và các thành viên khác của nhà trường.

Phó Hiệu trưởng đã giới thiệu tóm tắt về lịch sử và các mốc giới quan trọng từ khi trường được thành lập cho tới nay. Trong Đoàn chúng tôi cũng chỉ có 1 -2 đồng đội đã học ở nơi đây 2 – 3 năm cuối, còn lại đa số tốt nghiệp ở trường dầu Bucaret song không khí đón tiếp không vì thế mà đơn giản hoặc kém phần trang trọng, bởi ngoài nhiệm vụ về thăm IPGG Bucarest tôi và các đồng nghiệp khác còn có sứ mệnh thay mặt hàng trăm Kỹ sư, Tiến sĩ của PetroVietnam, Petrolimex đã học tập, nghiên cứu tại đây (sau những năm 1975). Bởi vậy, chúng tôi đảm nhận luôn vai trò thay mặt PetroVietnam đến thăm nhà trường và có một món quà kỷ niệm để nhằm cảm ơn Ban Giám hiệu, các Giáo sư và các trợ giảng của ĐH Dầu khí Ploiesti (UPG – Ploiesti) đã đào tạo và giúp đỡ các SV Việt Nam theo học tại nhà trường nay đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho Nhà nước Việt Nam, đặc biệt cho những thành công của PetroVietnam. Rất nhiều các kỹ sư tốt nghiệp nơi đây đã và đang giữ những trọng trách cao trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Việt Nam. Ban Giám hiệu và trường dầu mỏ IPGG Buc thực sự đáng tự hào vì đã đóng góp một phần không nhỏ cho những thành công của PetroVietnam và các cá nhân đã có thời gian học tập, nghiên cứu tại nơi đây.

Việc sau 40 năm quay trở lại Rumani để gặp gỡ các GS, bạn bè cũ và thăm lại chỗ ngồi, ngồi lại trên những bàn ghế năm xưa là biểu hiện của lòng hiếu thảo, đạo nghĩa thầy trò thấm đượm tính nhân văn của con người Việt Nam. Những cử chỉ và hành động ấy thực sự đã gây xúc động, nó thể hiện lòng chung thủy của người Việt Nam. Rất nhiều suy nghĩ, rất nhiều cảm xúc và mong muốn song không thể diễn tả hết bằng lời, thời gian 40 năm cũng đã làm cho chúng tôi bị mai một, bị quên lãng rất nhiều, nên khi đứng trước những người thầy, người bạn cũ không còn đủ kiến thức tiếng Rumani để mà diễn tả, để bộc lộ hết tình cảm của mình. Tuy nhiên thông qua những khóe mắt, nụ cười và hành động để diễn tả thêm cũng đủ để các Giáo sư, các bạn bè thông hiểu. Vượt lên trên tất cả những khiếm khuyết là các cuộc tiếp đón nồng hậu của các Cựu Sinh viên Rumani ở Ploiesti tại một nhà hàng sang trọng, một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cách không xa thành phố công nghiệp dầu mỏ Ploiesti gần 10 km. Tại đây, những cái bắt tay, những vòng tay ôm chầm và xiết chặt như người thân xa nhau bao ngày không gặp mặt. Chúng tôi vừa ăn uống, vừa hàn huyên trò chuyện với nhau. Rất nhiều bạn bè trong số chúng tôi khi trao đổi với nhau phải dùng các ngôn ngữ pha tạp (Mixtă limba), hai phần ba câu bằng tiếng Rumani và đôi khi chêm ba bốn từ tiếng Anh ..vv và nhiều câu xin lỗi vì tiếng Rumani lâu ngày bị quên lãng mất nhiều quá.

Sau một ngày thăm UPG – Ploiesti và bạn bè cùng khóa đang sống và làm việc ở thành phố dầu lửa Ploiesti có trên 160 năm truyền thống khai thác và chế biến dầu lửa. Chúng tôi trở lại Bucarest và 10h sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại sân trường cũ IPGG Bucarest trên đại lộ Gheorghe Magheru. Chúng tôi đến sớm hơn 10h sáng để đi vòng quanh trường cũ và đua nhau chụp ảnh kỷ niệm, cố gắng tìm kiếm những ký ức xa xưa, vì dẫu sao nơi đây cũng đã để lại dấu ấn của 6 năm tìm thầy học đạo, nơi đã để lại tuổi thanh xuân đẹp nhất trong đời.

Bạn bè cũ dần dần cũng kéo đến, chúng tôi vào sân trường cũ, vẫn rợp bong cây, có đôi chút thay đổi cho phù hợp với công năng của Khoa Dược, Khoa Địa chất và Khoa Địa Vật lý của Học viện Tổng hợp Bucarest ngày nay. Các Cựu sinh viên IPGG Bucarest ngày nào đã tập trung tại sân trường cũ, thỏa sức trò chuyện hàn huyên và thăm hỏi sức khỏe, công việc và đặc biệt về gia đình..vv. Khoảng hơn 1 tiếng sau chúng tôi lên tầng 2, vào một trong những phòng thỉnh giảng cũ để gặp mặt với cựu các Giáo Sư. Buổi gặp mặt có sự tham dự của GS Valeriu Stanescu nay đã 86 tuổi, nữ GS Alina Popovici  có tiếng là xinh đẹp ngày nào nay đã là bà lão 80 tuổi, song cả hai GS vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát như xưa. Tất cả chúng tôi đều ngồi vào ghế của mình và GS vẫn lên lớp với chúng tôi như ngày nào cách đây 40 năm. GS vẫn say sưa và nhiệt huyết như thời còn trai trẻ, vẫn muốn truyền đạt lại cho chúng tôi những kiến thức, những kinh nghiệm của bề dày thời gian mà GS đã từng trải. Nữ GS Alina Popovici  cũng vậy, qua giọng nói, cử chỉ không ai có thể ngờ rằng GS nay đã ở tuổi 80. Chúng tôi cũng đã thay mặt hàng trăm Kỹ sư, Tiến sĩ qua nhiều thế hệ đã học tập tại nơi đây và nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra trường muốn thay mặt tất cả Cựu Sinh viên và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một lần nữa bày tỏ sự cảm ơn về những đóng góp của nhà trường, của các GS, các bạn đồng nghiệp Rumani đã giúp đỡ cho các thế hệ sinh viên Việt Nam học tập tại IPGG Bucarest lời biết ơn chân thành nhất và cũng tại đây muốn báo cáo lại các thầy là các học trò của IPGG Bucarest đã không uổng phí công sức của các GS, đã học tập, công tác và cống hiến cho đất nước Việt Nam và đặc biệt cho PetroVietnam trong suốt 40 năm qua để đến nay nhà trường có thể tự hào là các học trò của mình đã thành đạt và đóng góp không nhỏ cho những thành công đó. Từ một nước trước năm 1985 không có một giọt dầu thô, một m3 khí đốt và 100% sản phẩm lọc dầu đều phải nhập khẩu, song đến nay đã là nước xuất khẩu hàng chục triệu tấn dầu thô/ năm và hàng chục tỷ m3 khí đốt phục vụ cho các ngành kinh tế của đất nước. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của các Cựu sinh viên IPGG Bucarest. Và cũng tại đây, xin báo cáo các GS và các bạn bè đồng nghiệp rằng nhiều người trong số các Cựu sinh viên Bucarest và UPG Ploiesti đã giữ các trọng trách cao trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ở các chức vụ Chủ tịch, phó Chủ tịch Tập đoàn và hàng chục các vị trí Tổng Giám đốc các chi nhánh của PetroVietnam và PetrolimexVietnam. Chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ chí tình và quý giá đó, đặc biệt trong hoàn cảnh gian khó nhất của Việt Nam thời bấy giờ.

Cuộc hội ngộ thật đầm ấm, thật chân tình và đã vượt qua bao khó khăn về thời gian, không gian và khoảng cách, không kể Đoàn Cựu sinh viên Việt Nam đã vượt qua trên 10.000km để đến Bucarest, mà ngay các bạn Rumani ở rất xa Bucaret 400 – 600 km cũng cố gắng đến dự. Buổi tối cùng ngày, các bạn Rumani như Mihaela Botez, Rusandra, vợ chồng Cristina Popescu và Dan Carol Popescu đã vượt qua chằng đường 6 tiếng đồng hồ từ thành phố Moiesti để đến họp mặt tại nhà hàng Pescarus bên bờ hồ Herăstrău – Bucaret, có tới gần 70 khách cho cuộc gặp mặt này. Còn có những bạn ở mãi tận Succeava,..vv cũng về dự, vợ chồng cô bạn Lia (Sandu) Roberts cùng chồng là người Mỹ, khi nghe tin có cuộc hội ngộ cũng bay từ Las Vegas - Mỹ về tham dự. Suốt cả ngày trò chuyện hàn huyên song buổi liên hoan nhân ngày gặp mặt vẫn đến đông đủ, vừa trò chuyện hàn huyên vừa chụp ảnh lưu niệm. Buổi liên hoan có cả giàn nhạc sống, nhạc nhẹ, nhạc dân gian và đoàn múa nghệ thuật dân tộc Rumani biểu diễn. Cuộc vui rồi cũng đến hồi kết thúc song nó đã để lại cho chúng tôi dư âm của cuộc sống thật chân tình, thật cảm động, mặc dù 40 năm đã đi qua mà cảm giác của chúng tôi dường như mới chỉ ngày hôm qua đó thôi. Lại những lời hẹn hò, những lời chúc và La Revedere hẹn đến những năm sau…

Để có được những giây phút thành công của chuyến đi và gặp mặt bạn cũ ngày hôm nay, thực sự đã trải qua rất nhiều bước chuẩn bị: Khâu đầu tiên là chúng tôi gồm: tôi, anh Nguyễn Quyết Thắng và các anh em khác đã manh nha tìm kiếm mối liên lạc mà lâu nay chúng tôi để mất. Rất may nhờ mối quan hệ với một số bạn bè khác đã tìm kiếm được anh bạn cùng khóa khác lớp với tôi là Constantin Tidaru ở Grupa 270 (tôi ở Grupa 271). Từ chỗ tìm kiếm được email của nhau, chúng tôi đã nối lại được liên lạc. Những ngày đầu tháng 3/ 2012 chúng tôi liên lạc với nhau bằng tiếng Anh vì tiếng Rumani lâu ngày đã mai một gần hết. Anh Thắng đã tìm kiếm được bạn cùng lớp là Mihaela Botez, từ đó chúng tôi đã liên hệ và tổ chức hai đầu cầu cho sự gặp gỡ nhân 40 năm ngày ra trường. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Đoàn, tôi đã tích cực ôn luyện lại tiếng Rumani lâu ngày đã bị lãng quên. Thật may mắn là nhờ hệ thống thông tin hiện đại ngày nay nên trước lúc lên đường vào ngày 9 tháng 8 năm 2012 vốn liếng tiếng Rumani đã kịp thời hồi phục được 70 – 80% vốn cũ, nên khi sang tới nơi cũng đủ để tác nghiệp, đỡ phải dùng ngôn ngữ chân tay….

Hành trình thăm những địa danh du lịch nổi tiếng của Rumani

7h30 sáng ngày 16 tháng 8 năm 2012, xe đã chờ sẵn đưa đoàn chúng tôi đi thăm một địa danh mà không một người dân Rumani hay người nước ngoài muốn tìm

hiểu về đất nước con người Rumani mà lại không đặt chân đến đây. Nó nổi tiếng chẳng khác nào Sapa, Đà Lạt của Việt Nam. Nơi đây gần nửa thế kỷ các cựu sinh viên chúng tôi đã được thụ hưởng cảnh trí trong lành và đẹp đẽ. Đó là thành phố Sinaia với lâu đài tráng lệ, nó không thật kỳ vĩ, không thật hoành tráng nhưng trên lưng chừng núi Carpat có được một lâu đài đẹp hòa trong khung cảnh của núi rừng và đặc biệt là mùa đông nó được khoác ngoài bộ áo tuyết trắng muốt thì thật là nên thơ. Hơn 40 năm kể từ ngày được thăm và nghỉ ngơi ở Sinaia nay có dịp gặp lại thật háo hức. Tất cả vội vàng xuống xe và đi về hướng lâu đài Pales. Vẫn vẻ đẹp và đường nét kiến trúc như xưa, những bức tượng, những hình khối vẫn mang đạm dấu ấn kiến trúc pha tạp giữa Giecman và Roman, lại càng hấp dẫn cho du khách muốn khám phá và nghiên cứu.

Trong đoàn cũng có những con người muốn khám phá và tìm hiểu kiến trúc, nghệ thuật cũng tỏ ra hài long với những bậc tiền bối đã để lại tác phẩm đẹp, nên thơ cho hậu thế thừa hưởng. Du lịch Rumani cũng đã cố gắng duy tu, sửa chữa nhằm thu hút lượng khách ngày càng nhiều du khách đến thăm và nghỉ dưỡng nơi đây. Ngoài lâu đài Pales tựa lưng vào dãy Carpat còn những địa danh du lịch khá nổi tiếng như: Busteni, Azuga, Predial…Nơi mà hầu như các kỳ nghỉ đông các sinh viên Rumani, Việt Nam và các nước khác đều được thăm quan và nghỉ mát ở đây. Các thành viên trong đoàn còn đang say sưa ngắm cảnh và ghi thật nhiều hình về Sinaia, về lâu đài Pales nhưng dù luyến tiếc nơi đây song vẫn phải lên xe để đi tiếp cuộc hành trình. Xe chạy trên tuyến đường E60 hướng đến Rasnov để được thăm lâu đài Bran nơi truyền thuyết có câu chuyện quỷ hút máu người. Nhắc đến lâu đài Bran không ai không nhớ tới câu chuyện Dracula đầy những cảnh tượng huyền bí và kinh hãi. Người ta đã xây dựng và thêu dệt lên hình tượng con quỷ hút máu người không tanh kia để đến nay du khách thập phương của các châu lục đều tò mò đến tận nơi để chứng kiến địa danh nơi con quỷ hút máu người đã tồn tại ở lâu đài này ra sao? Tôi lại có dịp tới thăm và lần này sau khi đã tìm hiểu kỹ nên cảm giác rung rợn khi xưa không còn nữa. Trao đổi với mấy anh bạn Rumani thì họ cho rằng nền điện ảnh Hollywood đã tạo dựng và tô vẽ thêm để kiếm món lợi qua cuốn truyện về Dracula. Ngày nay việc thương mại hóa đề tài này càng được khuyếch trương.

Dưới chân núi bao quanh là các sạp hàng, những ki ốt bày la liệt những hình tượng, biểu tượng và những vật lưu niệm được bày bán vô kể. Người ta khai thác triệt để nhằm kiếm bội tiền. Tôi cũng không ngoại lệ như các khách thập phương khác cũng tìm kiếm một biểu tượng có ghi địa danh lâu đài Bran và quỷ

Dracula- Rumani làm món quà lưu niệm nhằm ghi dấu ấn đã từng tới nơi đây. Khách thập phương xếp hang dài chờ mua vé lên thăm lâu đài khá đông nên cũng mất hàng tiếng đồng hồ mới có thể leo lên lâu đài. Thực ra xưa kia nơi đây là pháo đài, nơi vọng gác có thể quan sát và kiểm soát tuyến đường của các lãnh

chúa thời mà đất nước Rumani còn bị chia cắt bởi các tầng lớp quý tộc. Thăm quan xong lâu đài Bran chúng tôi lại tiếp tục lên đường tiến về thành phố Brasov, từ Rasnov đi Brasov xe chạy mất tiếng đồng hồ. Đến giữa trung tâm thành phố Brasov, cảnh vật của thành phố miền sơn cước này thật yên tĩnh, không khí trong lành, nắng tháng tám mùa thu bên sườn núi Carpat thật tuyệt vời. Giữa thành phố là quảng trường lớn, có nhà thờ mái vòm đen nổi tiếng của Brasov. Chúng tôi không ai bảo ai tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm, nhiều tòa nhà xung quanh quảng trường thành phố thật tuyệt vời, mỗi tòa nhà có một dạng kiến trúc cổ, vừa đẹp vừa bề thế. Thành phố vẫn giữ được nét riêng và có tiếng là sạch, đẹp và hấp dẫn du khách đến thăm nhất là vào mùa đông. Một địa danh hấp dẫn có cả một khu trượt tuyết, có độ dốc và độ dài lý tưởng cho các tay đua chuyên nghiệp. Bởi vậy Brasov được ví von và so sánh với bãi biển Mamaia về mùa hè, Brasov thành phố của mùa đông và với Unique Black Church. Đến thăm Brasov ngoài nhà thờ đen kể trên còn có nhà thờ thánh Bartolomeu khá đồ sộ và có bề dày hàng trăm năm để thu hút du khách. Chúng tôi rất muốn lưu lại thành phố xanh, sạch, đẹp và nhiều địa danh nổi tiếng, muốn tiếp tục tìm hiểu và khám phá song rất tiếc thời gian cho chuyến đi quá ngắn ngủi, dù cho trước đây đã từng đến song mỗi lần đến cảm giác và cảm xúc khác nhau. Tôi vội đưa ống kính têlê hướng lên sườn núi Carpat xa xa in đậm dòng chữ: Poiana- Brasov- Bine ati Venit vẫn hiện rõ và kịp chụp tấm hình làm kỷ niệm.

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Sibiu và được đưa đến khách sạn 4 sao hoành tráng và ở vị trí tuyệt đẹp của thành phố: khách sạn Continental Forum. Ở vùng được cho là sơn cước này nhưng có đến nơi đây mới thấy vẻ đẹp và sự lãng mạn đến nao lòng, chả thế mà rất nhiều kiều dân Đức ở mãi tận Tây Bắc Châu Âu cũng đến đây định cư. Anh bạn người Rumani nhắc tôi rằng Sibiu chính là nước Đức thu nhỏ trong lòng Rumani. Tất cả kiến trúc, phong tục được hòa quyện giữa 2 dòng máu German và Dacia còn in đậm dấu ấn ở Sibiu, buổi tối trước lúc ánh nắng mặt trời tắt vào 9h tối, cả đoàn chúng tôi bắt đầu đi dạo và khám phá, Chúng tôi đi dọc dãy phố trước cửa khách sạn hướng tới trung tâm là các dãy phố đi bộ, hai bên là các quán bia và các quán ăn. Người dân thành phố và các du khách Đức đến đây thưởng thức bia và dự các lễ hội Bia như phong tục tại Đức. anh bạn người Rumani là giám đốc Lar tours kể tỉ mỉ về con người và tập quán nơi đây, đưa chúng tôi thăm quảng trường, nhà thờ và đặc biệt đưa chúng tôi đến thăm chiếc cầu tình yêu. Rất nhiều đôi trai gái sau khi kết hôn ở nhà thờ đã đến đây khóa chặt những ổ khóa tình yêu và thề thốt chung sống trọn đời…Đi dọc các con đường, dãy phố đặc biệt là các nhà thờtheo kiến trúc và phong tục của Đức (Catholic) và nơi đây cũng có nhiều nhà thờ theo dòng chính thống Orthodoc. Đêm Sibiu thật yên tĩnh, thật trong lành, chúng tôi nghỉ tại đây để lấy sức cho cuộc hành trình ngày hôm sau, đến một địa danh mà anh bạn Nguyễn Quyết Thắng ra sức thuyết trình là địa danh nổi tiếng mà cách đây 40 năm anh ấy đã từng đặt chân đến. Đó là thăm một mỏ muối ở thành phố Slănic. Xe đưa chúng tôi không chạy theo đường E60 nữa mà chuyển sang đường 1A từ Sibiu theo hướng Slănic, tức là từ cánh bên phải của dãy núi Carpat chúng tôi phải men theo sườn núi bên trái của dãy Carpat, con đường ngoằn nghoèo uốn khúc để leo lên những đỉnh cao của Carpat , xe chạy chậm lại. Nhiều cua tay áo nên xe bị lắc mạnh và nhiều đến nỗi thế hệ thứ 2 của chúng tôi, một cháu tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu vừa to cao nhưng không tôi luyện đã không chịu nổi những cú lắc khi vào cua tay áo nên đã bị say xe và nôn ọe, xe vẫn chạy đều qua các cánh rừng, sườn núi rồi các thung lũng và sau 4-5 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng tới được địa danh kể trên. Mọi người háo hức mua vé xuống địa ngục để thăm quan- 14lei cho 1 vé cho ai ngoài 60 tuổi và 16lei cho các tầng lớp khác mới được vào thăm. Đi thang máy xuống âm phủ thì anh bạn cùng đi ngẫu hứng kêu lên song với ý thức muốn khám phá, muốn hiểu biết về 1 kinh nghiệm hay 1 giả thuyết mà cách đây gần nửa thế kỷ các kỹ sư dầu mỏ Rumani đã rút ra kinh nghiệm: “Ở đâu có muối mỏ, ở đó sẽ có dầu mỏ”.

Rumani là một trong những nơi phát hiện ra dầu mỏ sớm nhất thế giới cách đây gần 200 năm. Có rất nhiều mỏ muối chứng tỏ nơi đây xưa kia từng là biển cả hay đại dương.

Dầu mỏ đã có ở Rumani từ rất lâu, khoảng từ thế kỷ thứ nhất đến thứ 4 trước Công nguyên. Người ta đã có những bằng chứng khảo cổ tìm thấy ở Sucidava, Tomis, Histrisa…Các thời kỳ phong kiến ở các năm 1440, 1517 và 1676 đã được sử dụng ở Prahova, Poeni, Doftana và Păcura.

Năm 1857, Rumani đã được thế giới công nhận là nước đầu tiên có sản lượng dầu khai thác chính thức là 275 tấn.

Thang máy đưa chúng tôi xuống tầng sâu của mỏ muối, cảm giác đi xuống địa ngục biến đâu mất, trước mắt chúng tôi là cả một khoảng trống bao la, hùng vĩ. Chiều sâu nơi chúng tôi đang đứng là -280m, chiều rộng khá lớn phải hàng trăm mét và chiều dài hầm muối dài hàng km. Xuống dây nhiệt độ khá lạnh, may đã mang sẵn áo khoác mới giữ đủ độ ấm. Hiện tại mỏ muối đã ngừng khai thác từ lâu, không hẳn đã hết muối mà năm sâu dưới 280m vẫn còn nhiều muối nhưng không khai thác do chi phí cao không hiệu quả nên đã chuyển sang khai thác tuyến du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là tắm biển (nước mặn) trên núi để chữa bệnh. Anh bạn Quyết Thắng quả quyết phải đến bằng được nơi cách đây trên 40 năm anh ấy đã đến thực tập. Sau khi lên khỏi nơi này, anh bạn giám đốc Lar – Tours kêu lên xe chạy thêm một quãng nữa đến nơi anh Thắng yêu cầu.

Nơi đây chỉ còn rớt lại những phiến đá muối trắng tinh, óng ánh giữa ánh nắng chói chang giữa trưa nhưng thật là tuyệt và xung quanh đây người ta đã biến thành khu nghỉ mát và tắm dưỡng bệnh. Rất nhiều du khách đang bơi lội, nô đùa

bên các bể bơi nước mặn. Những lời chào hỏi tíu tít, họ rất ngạc nhiên khi tháy chúng tôi quần áo chỉnh tề khi đến nơi đây. Họ không biết rằng chúng tôi tới đây chỉ để đi tìm lại cái dĩ vãng của một thời đã qua.

Tôi mạnh dạn mượn câu thơ của anh Nguyễn Quyết Thắng khi nói về cảm xúc

sau 40 năm ngày gặp mặt để kết thúc cho chuyến hành trình: “ Romania – 40 năm sau” và thay cho cảm xúc của Đoàn :

Romania 40 năm xa

Gặp nhau, dâng trào nước mắt

Nơi ta gửi tuổi thanh xuân đẹp nhất

Chắp cánh ta bay khắp bốn phương trời.

Cảm xúc mãnh liệt nhất và ghi dấu ấn cho chuyến hành trình chính là nơi ta đã

gửi tuổi thanh xuân đẹp nhất trong đời ./.

Hà Nội, tháng 9/2012

 

Đặng Trần Giao

CSV IPGG Buc 1965-1971

Phó trưởng Đoàn 3 (Trở lại Rumani Hè 2012)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 23
  • 1417
  • 18,009,156