Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH VỀ THĂM THẦY GIÁO CŨ - VIỆN SỸ, GIÁO SƯ GHEORGHE BUZDUGAN, NGƯỜI THẦY ĐẦY ÂN NGHĨA CỦA TÔI

  05/05/2017

Tháng 9 năm 1965 , trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ác liệt, chúng tôi gồm 99 học sinh vừa tốt nghiệp lớp 10 (lớp cuối cấp 3 lúc bấy giờ) được cử sang Rumani học đại học, theo học bổng do Chính phủ Rumani cấp. Chúng tôi được phân về học tại ba trường đại học danh tiếng của Rumani tại Bucuresti là Trường Đại học Bách khoa Bucuresti, Trường Đại học Xây dựng Bucuresti, Trường Đại học Dầu khí Bucuresti. Tôi được phân về Trường Đại học Bách khoa Bucuresti học Khoa Cơ khí, chuyên ngành Máy và thiết bị hóa chất. Sau một năm học tiếng Ru, chúng tôi bắt đầu học chuyên môn chung với sinh viên Rumani. Tôi và anh Trần Văn Duyên được phân vào một lớp( grupă) với 25 sinh viên Ru và nghe giáo sư giảng tại giảng đường (curs) cho hơn 250 sinh viên Ru.

    Ngày ấy, Nhà nước chọn những học sinh giỏi ở phổ thông đi học nước ngoài, nên khi học chung với sinh viên Ru, mặc dù có khó khăn về mặt ngôn ngữ nhưng chúng tôi đều có kết quả học tập giỏi và xuất sắc ở tất cả các khoa, luôn được các giáo sư khen ngợi và đánh giá rất cao.

    Trường Đại học Bách khoa Bucuresti của tôi nói chung và Khoa Cơ khí của tôi  nói riêng là một trong những trường danh tiếng ở Rumani. Chúng tôi đã được các Giáo sư, Viện sĩ rất nổi tiếng của Ru giảng bài: Như Viện sĩ Radu Voina giảng Cơ học, Viện sĩ Gheorghe Buzdugan giảng Sức bền Vật liệu, Giáo sư Tutunaru giảng Nguyên lý máy, Viện sĩ Manea giảng Chi tiết máy,…

    Trước khi đi học nước ngoài, tôi là một học sinh giỏi toán của Tỉnh Hà tây đi thi học sinh giỏi toán toàn  Miền Bắc, nên khi học các môn kỹ thuật cơ sở có sử dụng nhiều kiến thức Toán đối với tôi  rất hấp dẫn. Hai thầy có ảnh hưởng nhiều nhất với  công việc nghiên cứu khoa học của tôi sau này  là Viện sĩ Radu Voina và Viện sĩ Gheorghe Buzdugan..

GS VS Buzdugan Gheorghe

    Tôi học và đọc thêm rất nhiều tài liệu của hai thầy với niềm đam mê thật sự và tất cả các kỳ thi tôi đều đạt kết quả xuất sắc. Riêng với Viện sỹ Gheorghe Buzdugan thì có một chuyện mà khi tôi sang Nghiên cứu sinh thầy vẫn nhớ.

    Chuyện như thế này: Thầy chỉ đạo cho các phụ giảng, hàng tuần  phải ra bài kiểm tra cho sinh viên, (phụ giảng của tôi là bà Lucia Fetcu) và ghi lại kết quả báo cáo thầy. Một năm học của tôi với hai kỳ, mỗi kỳ 13  bài kiểm tra thì tất cả các bài kiểm tra  tôi đều được điểm 10. Thực ra những bài kiểm tra này không quá khó đối với tôi, nhưng tôi là sinh viên duy nhất của cả khoa  được toàn điểm 10. Đến cuối mỗi kỳ, thầy đều quyết định miễn thi viết cho tôi và  tôi chỉ phải  thi vấn đáp (oral). Khi vào thi vấn đáp thầy không hỏi theo câu hỏi tôi đã gắp mà hỏi ngoài lề để thử kiến thức của thằng trò, da vàng, mũi tẹt. Rất may là tôi đọc rất nhiều tài liệu tham khảo nên tôi tự tin và diễn đạt rất trôi chảy.

     Đứng trước các thầy vĩ đại như vậy, vượt qua được là rất mừng, tôi đâu hy vọng được thầy nhớ tới.  Anh Tống Văn Nga, học khoa Hóa cùng trường với tôi( Anh Nga sau này về nước làm đến chức Thứ trưởng Bộ xây dựng, và hiện nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani) trong chuyến đi cùng tôi sang Rumani tháng 8/2012, đã nói hồi ấy Trường Bách khoa có hai nhà Bác học lớn là Viện sĩ Nenitescu ở khoa Hóa dậy Hóa hữu cơ và Viện Sĩ Gheorghe  Buzdugan dạy Sức bền vật liệu. Tôi nghĩ có lẽ tất cả nhưng ai đã học cơ khí ở Rumani thì đều đọc sách của Viện sĩ  Gheorghe Buzdugan. Thầy dậy môn Kỹ thuật cơ sở, và các năm sau còn bao nhiêu môn học khác nữa nếu  ký ức chỉ dừng lại đó, nếu tôi không có điều kiện sang làm nghiên cứu sinh của thầy.

   Trong thời gian ở Rumani vì có nhiều bạn Ru, họ gọi tên là Trung hơi khó nên đặt cho tôi tên là Vasile cho dễ gọi, và tất cả bạn bè đều gọi tôi là Vasile.

    Sang các năm sau ( năm thứ 3,4,5) tôi không còn học Sức bền nữa mà phải tập trung vào học các môn chuyên ngành về Máy và thiết bị hóa chất, nên không đọc tài liệu chuyên sâu  của Viện sỹ Gheorghe Buzdugan.

   Qua tìm hiểu tôi được biết Viện sĩ Buzdugan là Giáo sư đầu ngành của Rumani về Sức bền vật liệu, Dao động cơ học, Động lực học máy, và Động lực học nền móng. Viện sĩ sinh tháng 12/1916 ở Cuciulata, Judetul Brasov, tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1943, bảo vệ Tiến sĩ năm 1963 và Tiến sĩ khoa học năm 1969. Viện sĩ là người đứng đầu Trường phái sức bền của Bách khoa Bucuresti từ năm 1949 đến khi về hưu năm 1986, là Viện sĩ thông tấn (1963), Viện sĩ chính thức Viện hành lâm khoa học Rumani (1990). Chủ tịch phân ban kỹ thuật của Viện hàn lâm khoa học Rumani và là Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học kỹ thuật Rumani.

   Khi là sinh viên tôi chỉ biết Viện sĩ viết nhiều sách quá  mà sách dao động có đụng đến toán ứng dụng, gỉang hay quá nên mê.

   Thời gian ấy học bổng của lưu học sinh rất thấp, nhưng tôi đã cố tiết kiệm nhưng đồng tiền còi để sưu tầm sách của Viện sĩ, vì có ít tiền nên tôi chỉ tập trung vào lĩnh vực hẹp là Dao động cơ học, trong đó có các cuốn sách nổi tiếng:

 - Dao động của hệ thống cơ học ( Vibratia sistemelor Mecanice) do Viện sĩ chủ biên.

 - Tính toán sức bền trong chế tạo máy của Pônomariov (3 tập) do Viện sĩ dịch từ tiếng Nga sang tiếng Ru. Đây là công trình khoa học rất nổi tiếng ở Nga và được giải thưởng Lenin .

  - Socuri si Vibratie của Harris và Crede ( 3 tập) do Viện sĩ dịch từ tiếng Anh. Đây là cuốn sách rất tổng hợp và nổi tiếng về dao động của Mỹ.

   Tôi phải viết tỷ mỉ thế này vì  nhờ những tài liệu này mà tôi đã được Viện sĩ rất quí mến  khi tôi sang nghiên cứu sinh (tôi sẽ trình bày ở bài sau).

    Hai đợt đi trước của Hội hữu nghị Việt Nam- Rumani  sang thăm Rumani do không nắm bắt được nên không tham gia kịp.  Tôi tham gia vào đoàn Thứ ba của Hội sang thăm Rumani vào tháng 8 năm 2012, đoàn gồm 24 người lưu học sinh cũ và gia đình do anh Tống Văn Nga, Chủ tich Hội làm trưởng đoàn. Tôi dẫn cả vợ tôi sang Ru.

    Trước khi đi tôi đã tìm hiểu rất kỹ xem tình hình thầy ra sao. Tôi lại nhờ anh bạn đến nhà ở 36 Phố Nicolaie Bălcescu  Bucuresti tìm hiểu thì được biết Cụ bấy lâu không về đây, nhưng nhà vẫn còn. Hỏi một vài người ở trường, người thì nói cụ đã mất, người thì nói Cụ đang nằm Viện, nhưng không biết bệnh Viện nào. Tôi đã hỏi nếu Cụ mất rồi thì mai táng ở đâu, tôi sẽ đến  thăm phần mộ của Cụ. Cụ thôi làm lãnh đạo Bộ môn từ năm 1986 (về hưu) chỉ làm Giáo sư thỉnh giảng và công tác bên Viện hàn lâm. Từ năm 1986 đến nay đã hơn hai mươi năm, các thế hệ cán bộ và Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Bucuresti đã thay đổi gần hết, nên khi đến hỏi về Viện Sĩ Gheorghe Buzdugan  họ chỉ biết là nổi tiếng , chứ không biết hiện ở đâu.

    Qua mạng internet tôi biết trong danh sách Giáo sư thỉnh giảng của Bộ môn Sức bền Vật liệu Trường Đại học Bách khoa Bucuresti, vẫn có tên Viện sỹ Gheorghe Buzdugan, thế nghĩa là cụ chưa mất. Tôi gửi thư trực tiếp cho Giáo sư Ioan Parasanu,  Chủ nhiệm bộ môn hiện tại, giới thiệu về mình, quan hệ với Viện sỹ Buzdugan và nhờ Ông cho biết tình trạng hiện tại và nơi ở của Viện sĩ và có nói mong muốn, tôi  sẽ đến thăm thầy khi tôi sang Rumani công tác. Tuy nhiên tôi không nhận được thư trả lời. Anh bạn Ru của tôi hỏi bạn ở trong trường nhưng khác khoa thì nói cụ đã mất, nhưng khi nào thì không rõ.

    Hôm chúng tôi đến Bucuresti, Hội người Việt tại Bucuresti, Hội hữu nghi tương hỗ Rumani -Việt Nam có tổ chức buổi gặp gỡ với đoàn chúng tôi. Tôi đã gặp Giáo sư Muteanu là thầy cũ của anh Tống Văn Nga và hỏi về tình hình Viện Sĩ Buzdugan thì Giáo sư nói hình như Viện sỹ đã mất cách đây 3 năm (Giáo Sư Munteanu cũng đã về hưu).

    Ngày 14/8 là ngày các sinh viên các trường cũ tự đi về trường. Anh Tống Văn Nga có phân công  tôi đi lên Bộ Ngoại giao Rumani với anh, nhưng tôi báo cáo anh cho tôi đi tìm thầy vì thời gian ở Bucuresti rất ít.

   Từ khách sạn Duke , Vợ chồng tôi đi bộ  ra  Phố Nicolaie Bălcescu số 36. Nhà Cụ ở một căn hộ trong tòa nhà này. Ở Rumani, các cầu thang đều khóa kín, ai muốn lên phòng nào thì phải bấm chuông và người nhà xuống mở. Tôi bấm điện thoại 0213119472, số máy của nhà Cụ, số này ở Việt Nam tôi đã nhiều lần bấm sang, máy rung chuông nhưng không có người nhận. Không vào đươc nhà tôi đứng ở của chờ một người ra để có thể vào. May quá có người ra và tôi đã vào được, nhưng quản trị tòa nhà đi vắng một người bảo 10 giờ quay lại.Thế là tôi tranh thủ xuống trường.

    Hai vợ chồng tôi về  thẳng Trường Bách khoa Bucuresti. Trường vắng lặng vì sinh viên và Giáo sư đang nghỉ hè. Tôi về Bộ môn Sức bền Vật liệu, đúng gian buồng cũ thầy tôi vẫn ngồi ngày xưa, trên cánh cửa vẫn còn dòng chữ Giáo sư thỉnh giảng Viện sĩ Gherghe Buzdugan.Tôi quá bồi hồi xúc động.

   Tôi đã gặp được Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu, chắc rằng Ông đã nhận được thư tôi nên không phải giới thiệu nhiều. Ông Pararasanu tích cực tìm cho tôi ngay. Các giáo sư ở đấy có hỏi tôi tốt nghiệp năm bao nhiêu,về nước bao giờ và đến Bucuresti khi nào. Với vốn tiếng Ru còn khá tốt  nên tôi đã trao đổi khá kỹ với họ về quan hệ tôi với Viện sỹ Buzdugan và mục đích chuyến đi sang Rumani lần này của Vợ chồng tôi. Khi nghe tôi nói tôi tốt nghiệp năm 1971 thì họ rất ngạc nhiên và nói năm đó họ chưa vào đại học.

    Ông Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu cho biết Viện sĩ Buzdugan đang nằm ở Bệnh Viện Elias của Viện Hàn lâm. Bệnh Viện có địa chỉ: Bd. Marasti Nr 17, Sector 1 , Bucuresti Spitalul Elias. Tôi hỏi khoa nào, phòng nào và tình trạng của Cụ hiện nay ra sao thi Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu cũng không biết và nói thẳng hai năm nay tôi không vào. Tôi nhờ Ông ghi lại rõ địa chỉ và liên hệ giúp để tôi có thể vào thăm cụ. Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu khi ấy lại gọi điện cho một giáo sư đã nghỉ hưu là lãnh đạo bộ môn trước ông để hỏi về tình hình Cụ và được biết Cụ hiện nay rất yếu được chăm sóc đặc biệt, không tự ăn uống được. Bệnh Viện không cho người ngoài vào thăm, tuy nhiên Ông ta cũng cho số điện thoại của bệnh Viện.

     Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu đã gọi cho bệnh viện  đặt vấn đề cho tôi vào thăm, nhưng như thông lệ họ từ chối. Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu nói nài nỉ: Người ta ở Việt Nam sang, đi 14 ngàn cây số sang đây để thăm Viện sĩ Buzdugan, cùng đi với họ có Vị Đại sứ Việt Nam đến thăm mà sao ta lại ngăn. Thực tình vì thấy ông Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu

chưa tích cự lắm nên tôi khịa ra là tôi và Ông Đại sứ sẽ đến thăm Viện sỹ Buzdugan chứ khi đi chỉ có hai vợ chồng tôi đi. Giáo sư Tổ trưởng bộ môn Ioan Parasanu đã liên hệ với lãnh đạo bệnh viện nên họ hẹn vợ chồng tôi vào 4 hoặc 5  giờ chiều đến họ sẽ cho vào. Lúc này là 12 giờ trưa ngày14/8/2012.

    Sau này hỏi anh Hoàng Trung Du, phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Rumani thì được biết Bệnh Viện Elias là bệnh viện cho cán bộ cao cấp của Ru như Việt Xô của ta.

    Ba giờ chiều hai vợ chồng tôi mua hoa và đi xe đến bệnh Viện. Hỏi thường trực biết Viện Sĩ Buzdugan nằm ở tầng 3 khoa Tim mạch. Nhân viên ở đó rất nhiệt tình đưa tôi đến gặp bác sĩ phụ trách, do đã hẹn trước nên họ dẫn tôi vào gặp Cụ.Tôi giới thiệu qua với Bác sĩ phụ trách về quá trình tôi học Cụ và bây giờ Vợ chồng tôi từ Việt Nam sang thăm Cụ, tôi hỏi về tình hình sức khỏe của Cụ. Xem thái độ tôi thấy Bác sĩ phụ trách và y tá rất kính trọng Cụ và chăm sóc Cụ rất chu đáo và sạch sẽ. Cả hai người chắc tuổi chưa đến 50. Thú thật là cán bộ của bệnh Viện họ không ngờ sau bấy nhiêu năm mà một người Việt Nam vẫn rất tình nghĩa quay lại tìm thầy. Bác sĩ cho tôi biết Cụ sang tháng 12 này sẽ sang tuổi 97. Cụ yếu thôi chứ không có bệnh gì, anh cứ nói cụ nhận ra. Tôi phải nói thật to Cụ mới nhận ra. Bà bác sỹ hỏi Giáo sư có nhận ra ông này đến từ Việt Nam không? Cụ gật đầu và ứa nước mắt. Vợ chồng tôi cảm động quá òa khóc. Bà bác sĩ tinh ý ra lấy lọ hoa cắm hoa tôi mang đến tặng thầy và để vợ chồng tôi ngồi bên thầy. Thầy tôi yếu quá rồi, chỉ nhận biết được thôi không nói được, không hiểu Thầy còn sống trên cõi đời này bao lâu nữa. Rất may là sự chăm sóc ở bệnh viện này rất chu đáo. Tôi xin phép bệnh Viện cho tôi chụp ảnh Cụ. Nửa giờ sau, tôi xin phép ra về, chia tay Thầy tôi, người thầy đầy ân nghĩa, một nhà khoa học lớn của nước Rumani. Chỉ tiếc rằng đường xá quá xa  không đến thăm Thầy luôn được, nhưng cũng mừng rằng vợ chồng tôi đã kịp gặp đươc Thầy trước khi Thầy vĩnh viễn đi xa. Thầy không có con, nhưng  Thầy chắc cũng mừng vì có  đứa học  trò, đã vượt mười bốn ngàn cây số từ một nước xa sôi đến thăm Thầy.

   Trước khi về nước tôi đã thông báo cho hai anh bạn thân người Ru về tình hình của Cụ và nói tình hình thế nào thì báo cho tôi biết

    Mục đích chính của tôi trong chuyến đi Rumani là thăm Thầy tôi đã được thực hiện.

                                                           Hà nội, mùa thu năm 2012

                                                           Ts. Nguyễn Đình Trung

                      Cựu lưu học sinh Trường Đại học Bách khoa Bucuresti Rumani

                    Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí , Bộ Công Thương

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 5475
  • 21,933,861