Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

35 NĂM - NGÀY TRỞ LẠI

  03/11/2015

Thấm thoắt 35 năm đã đi qua, cuộc đời bao biến đổi, lòng vẫn hằng mơ có dịp trở lại thăm chốn xưa, đất nước Rumani xinh đẹp, ở đó có trường Dầu-Khí- Địa chất Bucuresti. 

            Ước mơ đã thành hiện thực, Hội hữu  nghị Việt nam-Rumani tổ chức chuyến trở lại Rumani cho những người từng học tập và làm việc ở đó.Đoàn có 29 người do anh Tống Văn Nga nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng, cựu sinh viên Bách khoa Bucuresti làm trưởng đoàn. Trở lại Rumania vào những ngày giữa thu, tháng 8 năm 2007. Từ sân bay Otopen về khách sạn Ambasador trên đại lộ Stephal Cel mare (trung tâm Bucuresti), Sắc vàng của lá đã khoác lên các hàng cây ven đường, cảnh sắc chẳng khác gì ngày đầu đến Rumani khi ấy là mùa thu 1966. Hai bên đường  ngổn ngang đào bới, hỏi ra mới biết là Rumani đang phải làm lại đường cho hợp với chuẩn EU.

          Chiều ngày đầu tiên trở lại kí túc xá (Căminul studentesc Regie), ở đó tập trung sinh viên các trường đại học Bách khoa, trường Dược và trường Dầu khí Bucurest. Nhớ đến nao lòng, cảnh xưa với những công viên của kí túc xá cùng hoa hồng, cỏ xanh, với những vòi phun nước tự động tưới cho cỏ hoa khoe sắc.

Đi xe về thăm nơi ở, bây giờ không còn tuyến xe điện số 13, 14 chạy dọc sông Đâmbovitia, mà được thay bằng xe bus. Nước sông trong veo, đầy ắp ngọt ngào (Đâmbovita apa dulcea). Thì ra bây giờ là sông hai đáy. Nước sạch bên trên và nước thải chảy ngầm phía dưới.

          Có phải đây là nhà ăn sinh viên ? những năm xưa hàng ngàn sinh viên ăn tại đây, hàng ngày 3 lượt xếp hàng, với cái vé ăn  1 tháng giá 420 lei. Sao bây giờ thay đổi không còn nhận ra . Nhà ăn đã biến dạng sau vụ hỏa hoạn, tường còn phủ đen, trơ trọi. Dưới chân cầu thang có quán cóc bán đồ giải khát lèo tèo. Quang cảnh vắng vẻ, không có vẻ là nơi tụ hội cùa học trò (có thể vì sinh viên đang nghỉ hè, chỉ có ai phải thi lại mới còn ở kí tuc xá). Công viên thì cây cối um tùm, đường đi bị cỏ, gai chen lấn. Lần theo lối cũ, tìm mãi mới thấy dòng chữ khắc trên tường (Complexul Studentesc Regie). Lòng ngậm ngùi, thật đúng như cách đây mấy trăm năm cụ Nguyễn Du mô tả:

 “…Xập sè én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giầy

Cuối “đường” gai góc mọc đầy

Đi về nào những ngày rày năm xưa…”

          Cuối cùng tôi và anh Đỗ Đông Ngọc cũng tìm ra cái nơi mà mình từng ở -Blocul L bây giờ đã đánh số khác, bắt đầu đều là chữ P (Chỉ ĐH Polytechnic) và tiếp sau là các số của Bloc.

          Không có phòng thường trực, phòng sinh hoạt chung mà trước kia từng tranh nhau xếp nghế nhận chỗ mỗi khi TV tường thuật bóng đá hay xem thi ca nhạc quốc tế tranh giải con hươu vàng(cerbul de au), giờ nơi ấy là kho chứa đồ. Chẳng thấy ai trong cổng. Nhìn quanh thấy có một bà tuổi trung niên đang mơ màng trên chiếc ghế tựa  phía ngoài, chúng tôi chào và hỏi bà:

  • Đây chính xác là Blocul L ?.
  • Bà ta lắc đầu mà rằng : Niciodata exista blocul “L” aici.  (Chưa bao giờ có Bloc L ở đây).
  • Noi locuiam  aici 6 ani doamna! (Thưa bà chính chúng tôi đã từng sống 6 năm ở đây mà).
  • Când ? (Khi nào ? )
  •  1966-1972.
  • Dumnezeul! N-am nascut atunci (Trời đất ! khi ấy chưa sinh ra tôi).
  • Putem vizita camera, locul care noi locuiam (chúng tôi có thể thăm lại phòng, nơi mà chúng tôi từng ở.
  • Poftiti! (xin mời).

Tôi và anh Ngọc lại lên cầu thang như thuở nào.Tới rồi, đây là phòng của anh, phòng 334, còn phòng tôi là 332. Hành lang im ắng, ngoài cửa phòng có 2 đôi dép và cái bếp điện. Anh Ngọc gõ cửa, hai ban sinh viên mở cửa hỏi chúng tôi là ai và cần gì.Tất nhiên là chúng tôi kể rằng trước đây 35 năm chúng tôi là sinh viên và đã từng sống ở đây.

Trước sự ngỡ ngàng của đôi bạn trẻ, anh Ngọc xin vào trong phòng, ngồi vào bàn học, nơi mà trước kia anh đã từng ngồi suốt 6 năm và bảo tôi bấm máy. May mà máy  còn chút pin cho pô ảnh cuối cùng vì anh chưa nạp điện.

Hỏi thêm mới biết là bây giờ sinh viên thuê phòng và phải tự lo hết các khâu phục vụ (không có femei de serviciu 2 người /một phòng như xưa nữa).

      Dạo phố qua cổng trường xưa, bây giờ thấy biển đề “ khoa địa chất và địa vật lý” gắn trên tường phía đường Train Vuia, tất cả các khoa khác đã rời đến Ploiesti, không còn là trường đại học dầu khí-địa chất. Nơi cổng trường, phía trên là những bảng quảng cáo của các hãng ôtô  to đùng, kín cả tòa nhà.

       Phố xá có phần ồn ào hơn xưa, vì số lượng ô tô tăng gấp 10 lần, quảng cáo dán khắp nơi như ở bên mình, cách vài chục mét lại có một cụ già ngồi cùng nắng bụi bên vỉa hè,  với cái mũ để ngửa và mảnh chữ “tôi cần sự giúp đỡ”,  nghĩ mà chạnh lòng. 

      Lại theo lối xưa từng đi bộ từ trường đến bến tầu điện, qua trường đại học Văn khoa, qua công viên Cismigiu, tới bến tầu điện có tầu số 13, 14 chạy dọc đường Độc lập (Splaiul Independentei) để về kí túc xá. Cảnh xưa vẫn thế, nhà cửa vẫn uy nghi cổ kính, giao thông vẫn ngăn nắp an bình. Có vẻ những công trình công cộng ít được chăm sóc hơn vì công viên, vườn hoa ít hoa hơn và ít được cắt tỉa gọn gàng như xưa. Ngay cả nhà Quốc hội mới bề thế vào hạng nhất châu Âu cũng chỉ là tòa nhà đồ sộ, không thấy vườn hoa cây cối xanh tươi. Thì ra từ sau “cách mạng 1989”, những công trình phúc lợi không còn như thời bao cấp nữa, chi phí cho các dịch vụ công có phần hạn chế, chả vậy mà trong thời gian ở đây xem TV thấy có sự công nhân  vệ sinh không thu gom rác vì không nhận được lương.

           Đoàn để ra 2 ngày trong chương trình cho mọi người trở  về thăm trường, tìm thày xưa, bạn cũ. Người về Iasi, người đi Cluj, Timisoara. Chúng tôi về thành phố   Ploiesti. Trường của chúng tôi đã chuyển về đó và đổi tên là Universitatea Petrol-Gaze din Ploiesti.chứ không còn là IPGG (Institutul de petrol-gaz si Geologie) như xưa nữa. Mất 2 giờ xe chạy, taxi đưa chúng tôi đến trường. Do có báo trước, nhà trường bố trí cho ở nhà khách của trường (cămin –hotel). Con gái tôi và các bạn sinh viên của nó đang học tại đây đón chúng tôi, chuẩn bị chốn nghỉ ngơi để ngày hôm sau gặp gỡ nhà trường.

          Qua bao năm, hầu hết các thày đã về thế giới khác, duy còn thầy Niculaie Napoleon Antonescu là chủ tịch danh dự của trường(hiên là nghị sĩ quốc hội Rumani), Hiệu trưởng hiện nay là Prof.Dr.Vlad Ulmanu, các thày hiệu phó là Prof.Mihai Pascu Coloja, Prf.Gheorge Zecheru cùng một số nhân viên hành chính đón tiếp chúng tôi. Mặc dù đang là dịp nghỉ hè nhưng các thày cũng thu xếp về đón chúng tôi. Một thầy hiệu phó là bạn cùng lớp với anh Trần Đức(nguyên tổng giám đốc Petrolymex-Việt nam).

          Tay bắt, mặt mừng, trao nhau kỷ niệm, tiếng Ru sen tiếng Anh lộn xộn nhưng hiểu hết lòng nhau. Hàn huyên toàn truyện quá khứ, hỏi han đời sống bạn bè, ai còn ai mất qua “cuộc bể dâu”. Cùng nhau chụp hình lưu niệm, trong phòng, trên giảng đường, trước cổng trường.., mọi  người trào dâng cảm súc thân thương.

            Các thày cũng mừng cho sự đổi mới phát triển của Việt nam, lúc mình học nước ta chưa thấy bóng dáng của dầu khí, nay thì oai rồi, đã nhập vào danh sách các nước sản xuất dầu trên thế giới, có cả nhà máy lọc  hóa dầu mới toanh,hiện đại.

          Trước kia mỗi khi đi tầu hỏa qua Ploiesti về đêm thấy điện sáng rực từ các nhà máy lọc dầu thì nay không còn như vậy vì sản lương lọc dầu bây giờ còn một nửa so với khi mình đang học, (chỉ còn khoảng 9-10 triệu tấn/năm) vì đã đóng các nhà máy hết tuổi.

Đón tiếp, gặp gỡ cả 1 ngày, chúng tôi chia tay trở về Bucuresti, trong lòng đầy ắp ưu tư.

          Theo lịch trình, đoàn tiếp tục đi Sinaia, đi vùng duyên hải (Litoral Românesc). Lại trèo Lên   “..đỉnh cao Carpat…”, lại đến với “biển  Đen xưa dào dạt..”.,  lại còn  thăm thành phố cổ Sibiu-Thủ đô văn hóa châu Âu. Ai cũng cảm nhận như trở về nhà, bồi hồi tái hiện bao kỷ niệm, đúng như lời của nhà thơ Chế Lan Viên

 “…Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”

Thăm lại muzeul Peles tráng lệ, nghỉ tối ở khách sạn đỉnh cao 1400, trời se lạnh, rừng thông cao vút không nhuộm sắc thu.Cảm giác ùa về từ những kỳ nghỉ núi của sinh viên ở Pârâul Rece trong những ngày hè xanh mát và mùa đông trắng tuyết

Từ Sinaia  qua Brasov thơ mộng đến với Sibiu.Thành phố cổ ngìn năm, những đường phố trầm mặc, điều đặc biệt là các mái nhà có những lỗ thông khí hình đôi mắt người, đang trầm tư ngắm người đời xô đẩy nhau theo dòng thời gian. Đứng trên “cầu nói dối” ngắm nhìn đường phố cổ, có ngôi nhà cổ treo biển rao bán.

Phố phường văn mimh sạch đẹp, cuộc sống êm ả trôi. Thật là châu Âu, không thể lẫn với các thành phố của châu Á.

Từ Bucurest tới thành phố cảng Constanta, xe chạy trên đường cao tốc với tốc độ 90-100km/giờ, dọc đường dòng xe thưa thớt, hai bên đường cánh đồng hoa hướng dương vào cuối mùa thu hoạch không còn rực rỡ nữa, ít thấy bóng nông dân trên đồng, gây thắc mắc cho những ai mới từ Việt Nam đến đây lần đầu. Nghỉ ở khách sạn 2 sao, giá 40USD/ngày. Đoàn lại đi suốt chiều dài ven biển, ghé thăm chốn xưa.

Từ Mamaia, Costinesti, Mangalia de nord, Mangalia de sud,  Eforia …dừng chân ở khu nghỉ sinh viên Costinesti. Cảnh vật khác xưa nhiều lắm. Không còn là nơi giành riêng cho sinh viên mà là của toàn dân, ai thích thì đến. Vẫn những cô gái vùng Ban căng đang phô “tòa thiên nhiên”dưới cái nắng giũa thu, xưa kia đã từng đốt cháy bao trái tim các chàng sinh viên Việt Nam năm dự bị được đi biển lần đầu. Có ý tìm, nhưng không nhận ra được những dãy nhà trệt 4 phòng mà mình đã nghỉ lần đầu hè 1967.

  Trở lại Bucurest, lại lang thang trên phố, qua bách hóa tổng hợp thắng lợi (Victoria), Cửa hàng thiếu nhi (Magazinul copiilor), chợ Thống nhất (Piata Unirii) nay đã thay đổi..Khách sạn Intercontinental cao 25 tầng, cao nhất thời đó, bây giờ vẫn nổi  bật trên đại  lộ Stephan Cel Mare.

Đến chào Đại sứ quán, gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, bữa cơm thân mật và những bài ca quê hương với “cây nhà lá vườn”. Bùi ngùi, lưu luyến không  muốn chia tay.

 Lịch trình rồi cũng hết, lại phải rời xa Rumani, chắc không còn gặp lại, nghĩ mà oán trách ông thời gian chỉ biết đi mà không biết quay trở lại. Ấy vậy mà hình ảnh đất nước Rumani thân quyen gần gũi cứ mãi mãi trong tim. Nơi ấy đã cho ta những năm tháng đẹp đẽ của cuộc đời, cho ta kiến thức, nghề nghiệp để biết mà làm việc trong suốt gần 40 năm qua trong cái ngành mà trước đó chưa từng có ở Việt Nam, ngành Dầu khí.         

Tháng 9 năm 2011.

  Trương Đình Hợi

   CSV Trường ĐH Dầu Khí Bucuresti 1966-1972 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 3495
  • 22,373,778