Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

CHUNG MỘT TÌNH YÊU

  28/03/2016

Những ngày mùa thu tháng 10, Hà Nội thật đẹp, nắng óng ả nhuộm vàng không gian, gió dìu dịu mơn man trên phố, tâm hồn thư thái, bay bổng hơn. Nhưng rồi email, điện thoại lại đưa tôi trở về với bận rộn của công việc thường nhật, với những câu hỏi được lặp lại trong thời gian này: “Nhi ơi, Sứ quán có lãnh sự sang chưa, năm nay có tổ chức Quốc khánh không?” ; “tình hình hoạt động hai nước có gì mới không, sắp tới có hợp tác gì cụ thể không?”; “Em ơi, có tin tức gì về việc Rumani vào Schengen chưa? Mọi người mong lắm”. Rồi nữa: “Ủy ban Liên chính phủ có họp cuối năm nay như dự kiến không?”…

Bỗng thấy buồn man mác vì thời điểm này chưa đem được tin vui, chưa có gì cụ thể để ríu rít khoe cả. Bỗng thấy như mình có lỗi với những chú, những anh, những em, từng là Đại sứ cự phách, từng là doanh nhân thành đạt ở Rumani về, hay sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng chung một tình yêu, vô cùng nặng lòng với đất nước bên bờ Hắc Hải.

Rồi tâm trí đưa tôi lạc vào quá khứ, trở về thời điểm của hơn 10 năm về trước. Tôi đó, bỡ ngỡ, lớ ngớ, thậm chí không biết Rumani nằm cạnh những nước nào trên bản đồ thế giới. Giờ đã có thể kể rõ từng địa danh của đất nước nơi hàng nghìn người Việt Nam đã từng gửi gắm tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình. Những địa danh đó cho đến nay tôi vẫn chưa có hân hạnh đặt chân tới, nhưng thuộc làu từ những câu chuyện, những kỷ niệm của rất nhiều cô chú anh chị em kể cho nhau nghe với tất cả những gì thân thương nhất.

Vào làm ở Đại Sứ quán Rumani, mà một từ tiếng Rumani không biết, nay đã có thể xưng xưng vênh váo “sunt jumătate Vietnameză, jumătate Romancă”, lại còn biết lý lẽ một tí “nu sunt frumosă, sunt foarte cuminte”, hoặc ngược lại… Ấy thế mà đôi khi vẫn phải bối rối hỏi đồng nghiệp ở Sứ quán với ai thì cuối thư viết “cu stimă”, với ai thì “cu drag”. Nhưng đã hiểu tại sao không nên viết “Cu respect”, vì “in limba română, se intelege Cur espect, iar cuvantul CUR nu este elegant”, mà nên viết “Cu mult respect”. Vẫn còn nhầm be bét “te pup”, “te iubesc” vì không có đối tượng thực hành cho thạo, chịu chết nếu phải dùng ở ngôi thứ khác, không biết chia động từ ra làm sao cả. “La revedere, drum bun!” thì nói nhanh lắm rồi, vì người sang thì ít mà người về thì nhiều.

Rất nhiều kỷ niệm của những năm gắn bó với tòa nhà số 5 Lê Hồng Phong, với bốn đời Đại sứ đến rồi đi, xin được kể vào một dịp khác. Trên hết, tôi thấy mình thật may mắn khi được biết đến một đất nước xinh đẹp, ân tình, được hòa mình vào dòng chảy hữu nghị phát triển không ngừng mà Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani và hàng trăm hội viên đang cùng bồi đắp, được thấm dần một tình yêu chung qua mỗi người mà tôi có dịp tiếp xúc.

Nhớ nhất là dịp Đại sứ quán Rumani tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tất cả các cô chú, anh chị tôi liên hệ xin đóng góp ảnh đều vô cùng nhiệt tình, say sưa, lục tìm hết những gì mình có. Vẫn nhớ bức ảnh to nhất là của chú Nga, chụp Đại hội của Hội, và nhiều bức được chọn lọc từ tập ảnh mới có, cũ có, nhiều bức đã nhòe đi theo năm tháng nhưng chứa đựng bao kỷ niệm, nhận tận tay của chú Huynh, Giáo sư Hoàng Chương, anh Du, chú Phạm Viết Đào, hay gửi qua email của Dr Lê Văn Truyền, anh Bùi Trọng Đỉnh, anh Hoàng Hữu Nghị, anh Tuấn Anh Petroconsult, đã thực sự làm nên thành công của triển lãm, cho thấy quan hệ Rumani và Việt Nam gần gũi, mật thiết trong mọi lĩnh vực. Lễ khai mạc mới đông vui làm sao, nhà triển lãm nói lâu lắm rồi mới có một triển lãm ảnh mà lại đông như vậy. Rồi hôm đưa ảnh vào triển lãm trong TP Hồ Chí Minh thành công tốt đẹp cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của chị Đoàn Thị Minh Giang, anh Nghị, của chi Hội…  

Nhớ những sự kiện được tổ chức ở nhà riêng Đại sứ, thời gian bao giờ cũng kéo dài hơn dự kiến. Đại sứ Trần Xuân Đảm-UVTV Hội luôn nhiệt tình “cứu” cháu Nhi trong việc dịch trực tiếp tiếng Ru. Đại tá-nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, dù bận rộn mấy cũng thu xếp đến dự. Nhớ những lần Đại sứ quán tổ chức sự kiện âm nhạc tại Nhà hát lớn, tuần phim, những suất chiếu phim Rumani tại các liên hoan phim châu Âu và Pháp ngữ đều được các cô chú đi xem rất đông. Mọi người cười nghiêng ngả với “Nea Marin Miliardul”, xuýt xoa nín thở với “Mircea”, “Dacii”,... Chú Phạm Văn Hồng Iasi lần nào cũng “khủng bố” bằng những tin nhắn “xin đăng ký 40 vé” khi mà bên EU chỉ phát cho Sứ quán 80 vé. Phải rất yêu mến Rumani mới chịu cảnh tắc đường của Hà Nội, Sài Gòn, ăn sớm bữa cơm chiều để cho kịp giờ chiếu những bộ phim xưa cũ.

Nói về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, quả thật là kết quả còn khá hạn chế do thời buổi khủng hoảng hiện nay, phần nữa do địa lý xa xôi, lại thêm việc Phòng Kinh tế của Đại sứ quán tại Hà Nội đã ngưng hoạt động từ vài năm nay. Nhưng rất mừng là năm nay (2014), vẫn có những cầu nối âm thầm đóng góp. Chú Nguyễn Văn Thụ, Phó chủ tịch Hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và anh Nguyễn Mậu Phương hiện đang công tác tại Tập đoàn Thiên Ân, một trong những doanh nghiệp sáng lập Tổ hợp các nhà thầu Việt Nam IMEC-VAMI, hè vừa rồi đã có buổi làm việc với Đại sứ Valeriu Arteni về dự án tham vấn cho Chính phủ Việt Nam mua thiết bị của Rumani cho nhà máy nhiệt điện, thay thế cho thiết bị của Trung Quốc và mời chuyên gia của Rumani trong lĩnh vực này sang Việt Nam. Thật cảm động khi anh Phương ngỏ ý nhờ giúp hỏi thông tin về nhà máy nào của Rumani cung cấp thiết bị như lò hơi, máy phát điện, thì anh Hoàng Trung Du, Phó chủ tịch Hội, rất nhiệt tình, tranh thủ những ngày lưu trú ngắn ở Rumani đã xuống tận nhà máy để liên hệ, lấy thông tin về giúp cho IMEC-VAMI. Mới đây anh Du cũng giúp phối hợp cùng Đại sứ quán kết nối được doanh nghiệp ROMVAC của Rumani chuyên sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh dành cho gia súc gia cầm với Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO của Việt Nam.

Một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ là chú Trần Văn Huynh, Nguyên Chủ tịch Hội HN Việt Nam-Rumani nhiều khóa, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng lần nào gọi điện hỏi thăm thì chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng cũng đang bận công tác, nay ở Cần Thơ, mai ở Đà Nẵng, lúc thì ở TP Hồ Chí Minh. Tâm huyết của chú cũng đang dồn cho dự án hợp tác Việt Nam – Rumani trong lĩnh vực sản xuất bê tông nhẹ. Anh Trần Quốc Thái (Viglacera), UVTV Hội thì đang hết sức nỗ lực với dự án phối hợp với anh Phạm Minh Dũng, doanh nhân Việt Nam tại Rumani, đưa một số sản phẩm y tế của Rumani sang thị trường Việt Nam. Các chú, các anh hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh là dầu khí như chú Bỳ Văn Tứ (UVTV Hội), chú Trung, anh Trần Tuấn Anh Petroconsult cũng luôn tận dụng mọi cơ hội để kết nối các doanh nghiệp. Còn nhiều nhiều cây cầu nhỏ nữa mà tôi không biết hết và không thể kể hết…

Thật là vui khi nhìn ai cũng rạng rỡ được gặp lại bạn đồng niên, đồng môn trong các buổi mít-tinh kỷ niệm Quốc khánh Rumani hàng năm do Hội Trung ương và Hội trong TP Hồ Chí Minh duy trì tổ chức. Nhiều Hội Hữu nghị với các nước khác có làm được thế đâu. Mọi người tíu tít hỏi han, chen nhau đóng góp quĩ Hội, người ít người nhiều, những tấm lòng thật đáng trân trọng trong thời buổi khó khăn này và đại đa số hội viên đã về hưu. Nhiều gương mặt tôi không biết hết, nhưng ai trông cũng thật gần gũi, thân thương.

Mỗi dịp gặp, nhìn phần lớn các cô chú sang Rumani học tập khi đất nước đang trong thời bom đạn chiến tranh, nay nhiều mái đầu đã điểm bạc. Mỗi lần bên nhau hồi tưởng lại thời tuổi trẻ, bao ân tình mà đất nước con người của xứ sở bên bờ Hắc Hải dành cho mình không khỏi bồi hồi xúc động. Những giây phút như vậy đã diễn ra tại nhà anh chị Lê Thanh Việt – Cẩm Bình, tại Quán Gió, Khách sạn Bình Minh, tại rất nhiều buổi gặp mặt khác, khi các cựu sinh viên Cluj-Napoca, Iasi, Bucuresti, Ploiesti, Galati,… từ nhiều miền của đất nước về tay trong tay, đầy xúc động, trao nhau những vần thơ chan chứa tình cảm, tri ân tổ quốc thứ hai của mình, những cái ôm thật chặt, những phút lặng đi khi biết có bạn vì bệnh tật đã rời xa.

Thật trân trọng những nỗ lực của anh Phạm Quang Thu đã đưa được rượu vang Rumani về thị trường Việt Nam, của anh Lê Ngọc Quang - chị Iuliana trong việc quảng bá món ăn truyền thống của Rumani tại 27 Cầu Giấy. Vui làm sao khi thấy chú Bỳ Văn Tứ, chú Nguyễn Mạnh Huyền, anh Nguyễn Trường Giang từ TP Hồ Chí Minh xa xôi mỗi khi có mặt ở Hà Nội và càng ngày càng có thêm nhiều hội viên ở Hà Nội đều chọn nơi đó làm điểm hội ngộ bạn bè hoặc đặt mang về, thưởng thức mici nóng hổi thơm lừng, sarmale, cârnati đúng chuẩn hương vị Ru, ciorbă bột mì thanh mát, ciorbă de burtă chua dịu, với những câu chuyện thân tình bên ly rượu vang Ru tưởng như không dứt. Mong sao ý tưởng Casa Românească sẽ được anh Quang - chị Iuliana sẽ dần biến thành hiện thực, với sự chung tay ủng hộ của tất cả.

Tất cả những tình cảm đó được các Đại sứ, cán bộ của Đại sứ quán ghi nhận và hết sức trân trọng, coi đó là động lực để cống hiến hơn nữa cho quan hệ giữa hai nước. Hơn ai hết Đại sứ Valeriu Arteni và phu nhân thấu hiểu những tấm lòng, tình cảm hết sức xúc động như vậy, từ Bắc vô Nam, mỗi nơi Đại sứ và phu nhân tới, mỗi người mà Đại sứ và phu nhân gặp đều để lại những tình cảm sâu đậm. Để đáp lại, Đại sứ và phu nhân cũng luôn dành cho Hội sự trân trọng nhất, những ưu tiên đặc biệt nhất, kể cả ngay trong một ngày vẫn thu xếp tham dự hoạt động của cả Hội Trung ương ngoài Hà Nội và Hội tại TP Hồ Chí Minh. Cũng hiểu vì sao mà chị Carmen Costea, cán bộ của Đại sứ quán nhiệm kỳ 2003-2007, đã xa Việt Nam lâu ngày, mỗi khi có dịp nói chuyện đều nhớ tên và hỏi thăm từng người.

Quá khứ là quá khứ, dòng chảy hữu nghị luôn chảy nhờ những tấm lòng ấm áp, cuộc sống vẫn đều trôi, công việc vẫn dồn đến. Tôi luôn tự nhủ hãy nhìn về tương lai với nhiều niềm tin và mong ước.

Mong và tin rằng sau kỳ bầu cử Tổng thống mới sắp tới đây Rumani ổn định và thịnh vượng hơn, để Đại sứ quán tại Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động thường xuyên hơn, tạo dịp cho tất cả mọi người gặp gỡ, hàn huyên. Sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp Rumani sang Việt Nam tìm hiểu đầu tư và làm ăn, để các chú, các anh, các chị ở Hà Nội và Sài Gòn tất bật hỗ trợ đoàn, nhiều khi dùng cả xe riêng của mình phục vụ đoàn. Mong sẽ có nguồn kinh phí hỗ trợ để Giáo sư Hoàng Chương thực hiện được kế hoạch đưa đoàn nghệ thuật sang Rumani biểu diễn, để “Một đêm giông tố” của Caragiale tái hiện lại trên sân khấu thủ đô, để chú Lê Nguyên Cẩn, chú Phạm Viết Đào cho ra mắt nhiều tác phẩm dịch hoặc nghiên cứu về văn học Rumani, để có đoàn nghệ thuật dân gian Rumani, hay triển lãm về đất nước con người, về giáo dục Rumani tại Việt Nam…

Ôi cũng phải mong ước gì cho cá nhân chứ nhỉ. “Ajută-te singur si Domnul te va ajuta”, tự nhủ luôn cố gắng hết mình, hãy nỗ lực thật nhiều để đáp lại phần nào tình cảm của các cô chú dành cho Sứ quán, dành cho Rumani, thể nào rồi mối tình đơn phương cũng được đáp lại, sẽ có dịp được choáng ngợp trong Cung Quốc hội, được đắm mình trong biển xanh Hắc Hải, mơ mộng tại Sinaia, nghiêng mình trước lâu đài Peles, run rẩy khám phá Bran, hét thật to trên đỉnh Carpat, … Hy vọng ngày đó không còn xa.

Chắc phải dừng ở đây thôi, lan man quá rồi, dù còn rất nhiều điều muốn kể, nhiều gương mặt thân quen muốn nói tới, nhiều tấm lòng mà tôi muốn sẻ chia, xin dành dịp khác.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng câu chuyện về một vị Đại sứ Rumani có thời gian công tác rất ngắn đó là Đại sứ Niculae Stan, ông sang Việt Nam làm Đại biện lâm thời hai tháng hè năm 2013. Sau buổi gặp mặt cựu sinh viên Cluj-Napoca tại Quán Gió, Công viên Thống Nhất ngày 15/8/2013, lúc ra về Đại sứ thốt lên: “Họ thật tuyệt vời. Tôi ước mình thật giàu để có thể mời tất cả mọi người sang Rumani”. Điều gì đã giúp một Đại sứ sang Việt Nam chỉ có ít tuần, tiếp xúc lần đầu mà đã có sự đồng cảm như vậy.

Chữ duyên đã đưa tôi đến với đất nước này, còn chữ tình của những người tôi gặp đã giữ chân tôi lại, nặng lòng, gắn bó cho tới hôm nay. Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả và náo nức mong chờ buổi lễ mít-tinh kỷ niệm Quốc khánh Rumani sắp tới đây.

Trăiască Prietenia dintre România si Vietnam!

Hà Nội, tháng 10/2014

Phạm Thúy Nhi

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 1
  • 721
  • 22,362,216