Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

CHUYẾN ĐI TRONG MƠ

  24/11/2015

                                              Lê Xuân Hương

                       Cựu sinh viên ĐHBK Cluj-Napoca, khóa 1969-1975

Tháng 8 năm 2010 chúng tôi có dịp được trở về thăm đất nước Rumani, thành viên của đoàn gồm các cựu lưu học sinh đã học tập tại Cluj-Napoca, Iasi, Bucuresti, Ploiesti cùng một số người thân trong gia đình của họ.

Mùa thu Rumani vẫn như gần 40 năm về trước, khi chúng tôi còn là những các nam thanh nữ tú, vẫn lá vàng, nắng hanh mà nay hầu hết các thành viên trong đoàn đều đã vể hưu. Tuy vậy chuyến trở về này làm tất cả chúng tôi đều rất háo hức.

 Đón chúng tôi tại sân bay Bucuresti ngoài các anh Nhụ, anh Du là các cựu lưu học sinh như chúng tôi còn có anh Sandu, anh Sava những người bạn đã gắn bó sâu nặng với con người và đất nước Việt Nam. Sau 40 năm gần như không gặp các bạn đồng liêu người Việt, không có điều kiện nhiều để nói tiếng Việt nhưng các anh ấy đều vẫn nhớ tiếng Việt rất tốt. Còn chúng tôi, có những người trước đây nói tiếng Rumani rất tốt được ví như người Ru mà bây giờ tiếng nhớ, tiếng quên.

Bucuresti vẫn đẹp rỡ ràng với những kiến trúc cổ kính và tân thời nổi tiếng được ví như Paris thu nhỏ nhưng bị xuống cấp nhiều vì lẽ không đủ kinh phí  tu bổ làm chúng tôi đau lòng như chính việc đó xảy ra với Việt Nam vậy. Hồ Herăstrău, Tòa soạn báo Scântâia, cổng chiến thắng Triumf, công viên Cismigiu vẫn như xưa tuy có phần nhợt nhạt thiếu sinh khí.

Là sinh viên tốt nghiệp trường Bách khoa Cluj, về lại Cluj thân thương, khác với Bucuresti, Cluj không thay đổi theo hướng xuống cấp, vẫn sạch đẹp như xưa. Con đường từ ký túc xá Observator xuống Trường bách khoa Cluj, con đường từ Hasdeu xuống thư viện trung tâm thành phố nếu không nói là một trăm phần trăm như xưa thì cũng tới chín mươi chín phần trăm không hề thay đổi. Đến nhà văn hóa sinh viên mà bên ngoài vẫn y xưa cũ, nhưng bên trong đang được nâng cấp. Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa Cluj vẫn y nguyên năm nào. Còn nhớ, nơi đây năm 1969 chúng tôi học năm dự bị đại học chẳng có gì khác xưa, cứ như tôi lại ở đây như hơn 40 năm trước vậy. Đất nước Rumani đã nuôi chúng tôi 6 năm tuổi trẻ, đồng thời cho chúng được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Hai đức tính mà tôi đã học được từ mái trường này là trung thực và làm việc nghiêm túc. Học nhiều từ thầy Bota Octavian của tôi, một Domnisor (trai tân) hồi đó đã trên 50 tuổi và khó tính nổi tiếng nhưng rất nhân hậu. Nay thầy không còn nữa, ảnh của các giáo sư, trưởng phó khoa đã khuất được vẽ lại, còn ảnh các vị còn sống được chụp treo trân trọng ngay lối vào của Khoa, vì vậy không cần hỏi tôi cũng biết được ai còn, ai mất. Tôi cho là tôi rất may mắn vì thầy tuy khó tính nhưng dạy bảo sinh viên tận tình. Tôi vẫn còn nhớ thầy dạy tôi phải chú ý cải tiến hoặc tính toán tối ưu cả những chi tiết rất nhỏ. Có mấy ai được như tôi lúc đó,  mỗi lần lên thông qua đồ án là thầy lại có túi nho, hộp kẹo, hoặc món quà nho nhỏ dành cho tôi. Có lẽ thầy quí tôi ở chỗ chăm chỉ học tập và làm việc hết mình.

Đi dạo trong công viên trung tâm, hồ nước với những thuyền thiên nga đạp nước, những cây liễu rủ quanh hồ, không khí trong lành với rất nhiều cây đã là cổ thụ từ hơn 40 năm về trước nên đến bây giờ cây vẫn như vậy. Lên Cetătui trên đồi nhìn xuống toàn cảnh Cluj-Napoca, sông Somes vẫn còn nước, tuy không nhiều nhưng không ít hơn trước kia (không như sông Ngàn Phố quê tôi, xưa ăm ắp nước quanh năm, nay chỉ còn trơ lại đáy sông trắng xóa cuội và cát). Khu trung tâm thành phố vẫn vậy, nhà thờ, hiệu sách vẫn ở đúng vị trí cũ. Chỉ có khác là con đường từ nhà thờ trung tâm đến nhà hát, trước kia chúng tôi hay đi học qua thì nay đã thành phố đi bộ với các quầy uống bia ngoài trời.

Gradină Botanică Cluj, vườn thực vật lớn thứ hai Nam Âu, vẫn sạch, đẹp. Tôi đã đến rưng rưng đúng vị trí mà năm 1969 tốp nữ Bách khoa Cluj đã chụp ảnh với nhau, chỉ khác là lúc đó tôi ở tuổi  17 còn nay đã gần 60. Cùng anh Sandu và chồng tôi ngồi trên băng ghế trong vườn thực vật, nói chuyện tâm tình, ngắm nhìn cảnh vật, con người… thấy lòng nhẹ nhõm, hạnh phúc lâng lâng.

Một lần nữa tôi lại được chia tay với Cluj tại sân ga tàu hỏa để vế lại Bucuresti, điều mà nhiều lần tôi đã mơ ước và tưởng chừng không còn thực hiện được đã thành hiện thực. Trên sân ga bây giờ vẫn như 40 năm trước,  lại vẫn là anh Sandu, câu nói của anh khi đón chúng tôi ở sân bay Bucuresti hôm nào “Năm ngoái tôi bị ốm tưởng không còn gặp được các bạn nữa” cứ nằm mãi trong đầu tôi như tâm tình của một người trong gia đình chứ không phải của một người nước ngoài sống xa chúng ta 18.000 km.

Về lại Bucuresti, tới thăm nhà anh Sava. Nhớ tiếng Việt và muốn nghe ai đó nói tiếng Việt nên anh Sava yêu cầu tôi nếu không nói liên tục thì phải hát. Anh đưa cho tôi một quyển bài hát có lẽ xuất bản từ những năm 1960, đã là giấy đen, nay qua từng ấy thời gian còn ngả màu thêm nữa. Tôi đã hát bài “đường cày đảm đang”, anh Sava cũng hát theo và còn nhiều bài nữa. Tuy không hát hay nhưng trân trọng những tình cảm quí giá của anh, tôi đã hát cho anh Sava nghe nhiều bài. Bài cuối cùng là bài “Người ơi người ở đừng về” hát cùng anh Sava mà tâm trạng ai cũng nặng trĩu phút chia tay.

Rời  Rumani, vợ chồng tôi lại lên kế hoạch cho chuyến trở về tiếp theo. Lần tới sẽ ở lại lâu hơn, vẫn còn nhiều nơi ở Cluj lẽ ra phải đến và phải đặt bàn chân trực tiếp mà chúng tôi vẫn chưa thực hiện được được do thời gian quá ngắn. Nhưng trong rủi có may, để năm sau chúng tôi còn lý do trở về.

Vũng Tàu, ngày 25 tháng 10 năm 2011

LXH

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 24
  • 4224
  • 22,050,198