Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ CÁC THẾ HỆ LÃNH ĐẠO LIÊN BANG XÔ VIẾT

  24/01/2016

Đối với Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển biến thành người đi đầu phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa.

Lenin

Trong lịch sử Đảng CS Liên Xô, Lenin là tấm gương về lãnh tụ. Lenin tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Trên con đường đi tìm chân lý, Người đã nhiều lần bị bắt, bị lưu đầy, sau đó lưu vong ở nước ngoài. Trải nghiệm cách mạng gian khổ đã khẳng định quyết tâm, ý chí của Người quyết lật đổ chế độ chuyên chế Sa hoàng, phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng Cộng sản. Lenin kiên định tin theo và theo đuổi CNCS, điều này gắn chặt với quá trình không ngừng học tập và nghiên cứu Chủ nghĩa Marx của Lenin, giúp Người có sự quan sát và dự cảm sâu sắc về đặc trưng tình thế cách mạng và xu thế phát triển của thời đại bấy giờ.

Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, ở nước Nga có hai chính quyền cùng tồn tại. Một là chính quyền Xô Viết đại diện cho công nhân, binh sĩ. Hai là chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Khi đó Lenin đang ở nước ngoài. Người kiên quyết thực hiện chủ trương: thành quả cách mạng mà giai cấp công nhân giành được không thể giao lại cho giai cấp tư sản, và Đảng Bolshevik cần giành lấy chính quyền. Trong khi đó, một số lãnh đạo trong Đảng Bolshevik lại không đồng ý với lập trường của Lenin. Nhóm Kamenev cho rằng, Đảng Bolshevik chưa trưởng thành đến độ xây dựng được chuyên chính vô sản, bởi vậy cần phải ủng hộ chính phủ lâm thời.

Tháng 4/1917, Lenin về Nga. Tại Đại hội đại biểu ở Petrograd, Lenin trình bày Luận cương tháng Tư, trong đó đưa ra quyết sách chuyển từ giai đoạn I là cách mạng dân chủ tư sản sang giai đoạn II là cách mạng XHCN. Nhóm Kamenev và Zinoviev phản đối chủ trương của Lenin. Nhiều người trong Đảng lúc đầu không hiểu ý đồ chiến lược trong Luận cương tháng Tư.

Ngày 21/4/1917, Ủy ban Petrograd của Đảng Bolshevik thảo luận Luận cương của Lenin. Molotov kể lại trong hồi ký: Tôi chưa bao giờ phản đối Lenin, nhưng cho dù là tôi hay bất kì ai đó luôn sát cánh bên Lenin đều không hiểu rõ ngay ý tứ của Người. Tất cả những người Bolshevik khi đó đều nói về cách mạng dân chủ tư sản, nhưng Lenin lại nói về cách mạng XHCN. Khi đại đa số các đồng chí trong Đảng vẫn chưa lĩnh hội được chiến lược do mình nêu ra, Lenin đã hết sức kiên nhẫn, nhiệt tình trình bày một cách sâu sắc, căn cứ vào tính khách quan, mục tiêu chiến lược và sách lược, phản bác quan điểm sai lầm của người phản đối. Qua cuộc luận chiến, các đồng chí nhất thời chưa hiểu ra, đã thay đổi thái độ. Cuối cùng, Luận cương tháng Tư của Lenin đã được toàn Đảng chấp nhận, để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.

Trong Đảng Bolshevik, uy tín của Lenin cao hơn rất nhiều người khác, song Người luôn duy trì nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phát huy trí tuệ tập thể và sức mạnh tập thể. Năm 1921, Lenin đã viết thư cho Phó ủy viên T.Ư phụ trách ngoại giao của Liên Xô: “Đồng chí đã lặp lại không dưới một lần rằng, Trung ương chính là tôi, nhưng như thế là đồng chí đã nhầm. Đồng chí tuyệt đối không nên viết ra những lời như vậy!”.

Dưới thời Lenin, T.Ư Đảng do Người lãnh đạo là tổ chức của những nhà chính trị có niềm tin mãnh liệt vào CNCS. Volovsky - nhà cách mạng Nga cùng thời với Lenin - đánh giá về Lenin như sau: “Ông rất giỏi trong việc tập trung kinh nghiệm và tri thức của từng người giống như tiêu điểm của thấu kính vậy, đồng thời biến chúng thành tư tưởng chung, khẩu hiệu chung trong phòng thí nghiệm trí tuệ phong phú của mình”.

Stalin

Sau khi Lenin qua đời, T.Ư Đảng cần một người chèo lái mới, và trong các ứng cử viên có Trosky, Bukharin, Zinoviev, Stalin. Trosky không có một cương lĩnh hoàn chỉnh về xây dựng CNXH, thậm chí ông còn cho rằng CNXH không thể xây dựng thành công ở Liên Xô. Bukharin có một hệ thống phương án và chương trình xây dựng CNXH nhưng lại thiếu khả năng lãnh đạo. Zinoviev không thật sự nổi bật trên cả hai phương diện lý luận và tổ chức. Stalin mặc dù có những khuyết điểm nhưng ông có niềm tin chính trị kiên định và ý chí thép, năng lực tổ chức và khả năng vận dụng tổ chức hơn hẳn người khác.

Stalin tham gia cách mạng rất sớm; từ năm 1902 đến năm 1913, từng tám lần bị bắt, bảy lần bị lưu đày, sáu lần trốn thoát khi bị lưu đày. Cuộc đấu tranh đã tôi luyện nên tính cách kiên cường của Stalin. Từ lúc tham gia cách mạng cho đến khi qua đời, niềm tin cách mạng của ông không hề lung lay. Trong suốt thời gian cầm quyền, điểm xuất phát và điểm đích của ông đều vì sự lớn mạnh của đất nước, vì sự sung túc của nhân dân.

Uy tín của Stalin ngày càng tăng cao, quyền quyết sách tối cao trong Đảng dần dần tập trung vào tay ông. Mặc dù Stalin cho rằng sùng bái cá nhân là có hại, thậm chí không thể tha thứ, thậm chí ông nhiều lần tỏ rõ căm ghét sự sùng bái dành cho ông, nhưng trong sinh hoạt chính trị của Đảng và Nhà nước, có lúc ông quá tự tin vào trí tuệ của mình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đối với những người không cùng ý kiến trong tập thể lãnh đạo, có lúc Stalin dùng “bàn tay sắt”, thậm chí đã sử dụng phương thức đấu tranh tàn khốc. Kết quả là nhìn bề ngoài nội bộ Đảng có vẻ không có mâu thuẫn, mọi người đồng thuận, song nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã bị vi phạm. Nghị quyết được nhất trí thông qua, song trên thực tế đã biến thành phục tùng ý chí của cá nhân lãnh tụ.

Mặc dù có những khuyết điểm nhưng không thể phủ nhận được đóng góp to lớn của Stalin đối với nhân dân Liên Xô và Đảng CS Liên Xô. Kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Stalin, Thủ tướng Anh khi đó là Churchill, phát biểu ý kiến tại Hạ viện, đã đánh giá về Stalin: “Trong những năm tháng thử thách ác liệt, chính Stalin - vị Thống soái thiên tài, kiên cường, bất khuất đã lãnh đạo đất nước mình. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của nước Nga. Stalin là nhân vật kiệt xuất nhất. Ông đã sống cuộc đời mình trong những năm tháng phức tạp, khó lường, khắc nghiệt, tàn khốc. Ông đã để lại cho thời đại chúng ta những ấn tượng đáng kính. Lịch sử và nhân dân sẽ không bao giờ quên một người như thế”.

Khrushchev

Sau khi Stalin qua đời, Đảng CS Liên Xô từng có thời kỳ đã nhấn mạnh trở lại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, nhưng sau khi Khrushchev giữ chức Bí thư thứ nhất ĐCS Liên Xô vào năm 1957, quyền lực của Ban Chấp hành T.Ư một lần nữa tập trung vào Khrushchev. Khrushchev làm công nhân mỏ ở Ukraine, rồi trưởng thành trong chiến tranh cách mạng và chiến tranh Vệ quốc.

Khrushchev từng có tình cảm trong sáng với cách mạng nhưng lại thiếu tu dưỡng về chủ nghĩa Marx. Molotov đã đánh giá về Khrushchev: “Ông ấy chưa từng mặn mà với những khái niệm như thế nào là chủ nghĩa Lenin, thế nào là chủ nghĩa Marx và cũng chưa từng nghĩ đến. Ông ta bế tắc về lý luận, chính vì vậy ông ta đi ngược lại với học thuyết về nhà nước và học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx. Tại Đại hội 22, ông ta đã nêu ra lý thuyết sai lầm “Nhà nước toàn dân”, “Đảng toàn dân”. Cương lĩnh mà ông ta ra sức chủ trương thông qua tại Đại hội đã hủy bỏ cốt lõi của Chủ nghĩa Marx là chuyên chính vô sản. Ông ta cảnh báo mọi người không được hấp tấp, nhưng ông ta lại đẩy sự hấp tấp đến mức cực đoan, tuyên bố rằng “Liên Xô về cơ bản phải xây dựng xong CNCS trong vòng 20 năm”. CNCS của ông ta chẳng qua chỉ là khoai tây cộng với thịt bò mà thôi”.

Bắt đầu từ thời Khrushchev, Đảng CS Liên Xô dần dần đi xa rời một số nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx, khiến Liên Xô bắt đầu chệch hướng, tạo mầm mống cho sự sụp đổ. Khrushchev phê phán tệ sùng bái cá nhân, chủ trương xét lại các sai lầm của Stalin, nhưng ông ta là một phần tử hai mặt, nhiều mưu mô, tham vọng.

Tháng 3/1939, trong 20 phút phát biểu ý kiến tại Đại hội Đảng lần thứ 8, ông ta đã 32 lần ca tụng Stalin là thiên tài, người thầy, vị lãnh tụ vĩ đại nhất của nhân loại, vị tướng bách chiến, bách thắng... Hơn mười năm sau, chính Khrushchev lại là người nguyền rủa Stalin là hung thủ, cường đạo, tên độc tài lớn nhất trong lịch sử nước Nga... Ông ta trút mọi ngôn từ dơ dáy lên Stalin, phủ định công lao của Stalin với lịch sử và nhân loại. Nguyền rủa của ông ta với Stalin thực chất là sự lăng mạ nhân dân và Đảng CS Liên Xô, phủ định một số nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx - Lenin, CNXH. Khrushchev phản đối sùng bái cá nhân nhưng chính ông ta lại ra sức sùng bái cá nhân.

Khi giải quyết những vấn đề trọng đại liên quan vận mệnh của Đảng và đất nước, Khrushchev thiếu tư duy tỉnh táo và sự suy xét sâu xa, thường xuất phát từ ý muốn chủ quan, bồng bột nhất thời, thậm chí dùng biện pháp mạo hiểm cấp tiến để đạt mục đích. Năm 1961, Khrushchev tuyên bố tại Đại hội 22: Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện công cuộc xây dựng CNCS, sẽ cơ bản xây dựng xong xã hội cộng sản trong vòng 20 năm. CNCS mà Khrushchev đề cập không phải là lý luận khoa học của chủ nghĩa Marx, và hoàn toàn xa rời tình hình Liên Xô lúc bấy giờ. Đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là CNCS của ông ta vẫn chỉ là ảo ảnh.

Ngày 14/10/1964, Khrushchev từ nơi nghỉ về Moskva chủ trì Hội nghị Đoàn chủ tịch T.Ư Đảng CS Liên Xô. Tại Hội nghị, các thành viên trong Đoàn chủ tịch đã chỉ trích, phê phán những sai lầm của Khrushchev trong chính sách đối nội, đối ngoại và ép ông ta tự nguyện về hưu. Khrushchev buộc phải ký vào văn bản từ chức. Nhà cải cách thô lỗ không có tố chất của một lãnh tụ đó đã bị hạ bệ, mãi cho đến khi qua đời ông ta vẫn không hiểu nguyên cớ do đâu. Nhà lãnh đạo mới thay thế là Brezhnev.

Brezhnev

Brezhnev xuất thân từ một gia đình công nhân ở Ukraine. Thời Stalin, sau khi học xong, Brezhnev làm quản lý kỹ thuật, rồi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Trong chiến tranh Vệ quốc, Brezhnev làm lãnh đạo trong quân đội. Sau chiến tranh, ông liên tục giữ cương vị lãnh đạo Đảng tại địa phương.

Có thể nói, Brezhnev đã chấm dứt sự hỗn loạn từ những cải cách thô thiển, sai lầm dưới thời Khrushchev. Có người đánh giá Brezhnev là một nhân tài làm việc theo nguyên tắc. Cũng có người cho rằng, Brezhnev xử lý công việc khá chắc chắn nên mới duy trì được sự ổn định của Liên Xô trong 18 năm.

Thời kỳ Brezhnev là thời kỳ ổn định hiếm có trong lịch sử Liên Xô. Trong 18 năm, kinh tế Liên Xô có sự phát triển nhất định, xã hội tương đối ổn định, đời sống người dân được nâng cao.

Nhưng trong thời kỳ này cũng xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt cuối đời Brezhnev, lãnh đạo Đảng CS Liên Xô càng ngày càng xa rời sự thay đổi, phát triển của thời đại, xa rời yêu cầu của quần chúng nhân dân. Trong tư tưởng và hành động, họ tỏ ra bảo thủ, cứng nhắc, duy trì hiện trạng theo kiểu tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, thiếu ý chí cách mạng tiến công. Đầu những năm 1980, xã hội Liên Xô xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng tương đối nghiêm trọng, một số mâu thuẫn ngày càng bộc lộ rõ.

Tuy nhiên, xã hội Liên Xô khi đó tương đối ổn định, chế độ y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng có chất lượng khá cao. Nhân tài khoa học chiếm ¼ thế giới, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường có vị trí hàng đầu trên trường quốc tế. Đây là lý do khiến ngày nay không ít người cho rằng, thời kỳ Brezhnev là thời kỳ người dân có được đời sống tốt nhất.

Sau khi Brezhnev qua đời, Đảng CS Liên Xô trải qua thời kỳ quá độ tạm thời dưới sự lãnh đạo của Andropov và Chernenko. Đến tháng 3/1985, quyền lãnh đạo Đảng CS Liên Xô chuyển vào tay thế hệ lãnh đạo thứ năm do Gorbachev đứng đầu.

Gorbachev

Gorbachev sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng nông thôn Stavropol. Ông tốt nghiệp đại học ở Moskva. Thời trẻ, khi Gorbachev hình thành thế giới quan, cũng là thời kỳ Khrushchev phủ định hoàn toàn Stalin, phủ định lịch sử của Đảng, chủ trương Đảng toàn dân và Nhà nước toàn dân.

Đối với Gorbachev, điều này để lại một ấn tượng làm lung lay, thậm chí sụp đổ niềm tin vào lý tưởng Cộng sản. Tháng 3/2001, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Ngọn hải đăng Nga, Gorbachev nói: “Chúng tôi là những đứa con của Đại hội 20 Đảng CS Liên Xô. Lịch sử Liên Xô những năm 1960 đã ảnh hưởng rất lớn tới chúng tôi. Thời trẻ chúng tôi tin theo Đảng, trung thành gia nhập Đảng, nhưng sau Đại hội 20, tư tưởng của chúng tôi bắt đầu có sự thay đổi”.

Từ năm 1993, trong một năm rưỡi, Gorbachev nhiều lần nói chuyện với nhà hoạt động xã hội Nhật Bản Daisaku Ikeda. Họ cùng xuất bản cuốn sách Đối thoại, bài học tinh thần của thế kỷ XX. Trong đó, Gorbachev không chỉ chĩa mũi dùi vào Stalin mà còn chĩa thẳng vào Lenin, chĩa thẳng vào Marx, vào chủ nghĩa Marx - một học thuyết đã chỉ rõ quy luật phát triển của xã hội loài người và được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.

Tháng 6/1988, Gorbachev phát biểu ý kiến: Liên Xô cần thực hiện một nền dân chủ không hạn chế (!). Cũng trong tháng đó, cái gọi là Tổ chức Phi chính thức tổ chức mít-tinh tại trung tâm Moskva. Họ giơ biểu ngữ đòi hủy bỏ cơ quan tư pháp và hành pháp của Nhà nước Liên Xô, đòi có quyền tham gia bầu cử vào Xô Viết, công khai chủ trương thực hiện đa đảng.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 tổ chức tại Moskva ngày 28/6 đến 1/7/1988, Gorbachev đọc báo cáo có nhan đề Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội 27 Đảng CS Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ. Ông ta đưa ra một loạt phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng mô hình mới là “CNXH dân chủ nhân đạo”.

Đây thực chất là sự phủ nhận triệt để lý luận cơ bản chủ nghĩa Marx, áp dụng chế độ chính trị của tư bản phương Tây; thực hiện đa đảng qua cái gọi là phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô Viết; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô với tư cách là Đảng cầm quyền, làm lung lay nền tảng giai cấp và nền tảng xã hội của Đảng.

Sau Đại hội này, tính công khai không hạn chế và dân chủ kiểu phương Tây đã nhanh chóng tạo ra một loạt cái gọi là các tổ chức độc lập trong đời sống chính trị Liên Xô.

Ngày 28/12/1987, bài xã luận trên báo Sự thật cho biết: Liên Xô khi đó có trên 30.000 tổ chức đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên tuyên truyền chống Cộng, hô hào thành lập Đảng đối lập và công đoàn độc lập. Ngày 28/6/1988, diễn ra Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng CS Liên Xô và Hội nghị này trở thành bước ngoặt cơ bản thay đổi chế độ chính trị của Liên Xô.

Trước Hội nghị 19, Đảng CS Liên Xô là hạt nhân lãnh đạo của đất nước, Bộ Chính trị là cơ quan quyết sách tối cao, Ban Bí thư giúp Bộ Chính trị xử lý công tác chính trị, tổ chức hằng ngày. Sau Hội nghị 19, bộ máy lãnh đạo Liên Xô tiến hành cải tổ, giải tán 23 ban trước đây trực thuộc T.Ư Đảng. Các cuộc họp của Bộ Chính trị ít dần, thậm chí mấy tháng không họp.

Bộ máy tối cao của Nhà nước cũng khởi động cơ chế phân quyền nhằm làm suy yếu và để tiến tới phủ nhận vai trò của Đảng. Đảng CS Liên Xô mất quyền kiểm soát tình hình. Ngày 25/5/1989, Liên Xô tổ chức Đại hội Đại biểu nhân dân lần thứ nhất, thực hiện phương án cải tổ của Gorbachev, một loạt thành viên phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng, tiêu biểu là Yeltsin, được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô.

Tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ nhất, gần như mỗi thời khắc, mỗi vấn đề đều có sự đấu tranh gay gắt. Hàng triệu công nhân Nga ngồi xem truyền hình trực tiếp. Những gì họ nhìn thấy là một cảnh hỗn loạn. Từ tháng 10 đến tháng 12/1989, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ hai, các đại biểu của đoàn nghị sĩ khu vực như Sakharov, Popov một lần nữa kêu gọi đưa việc sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp vào chương trình nghị sự.

Hội nghị toàn thể T.Ư Đảng CS Liên Xô tháng 2/1990 là hội nghị quan trọng của quá trình thực hiện đa đảng. Yeltsin đại diện cho “phe dân chủ” phát biểu: cần phải chuyển chế độ độc đảng sang chế độ đa đảng, đồng thời chuẩn bị phối hợp hành động với các chính đảng khác. Gorbachev hoan nghênh quan điểm này, ông ta nói, cần sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, cần hủy bỏ quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô trong Hiến pháp.

Ngày 12/3/1990, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba. Đại hội thông qua nghị quyết về lập chức tổng thống Liên Xô và luật bổ sung sửa đổi Hiến pháp Liên Xô. Lời đề tựa, trước hết xóa đi vai trò lãnh đạo của Đảng CS, đội tiên phong của toàn thể nhân dân, đồng thời nội dung trong Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô cũng bị sửa đổi. Điều này thực chất là xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Đảng CS Liên Xô cầm quyền suốt 73 năm kể từ sau Cách mạng Tháng Mười. Hiến pháp sửa đổi còn thêm một chương về Tổng thống Liên Xô. Sau đó bầu Gorbachev làm Tổng thống đầu tiên.

Tháng 7/1990, trong Báo cáo đọc tại Đại hội 28, Gorbachev lại ra vẻ mà nói rằng, Đảng CS Liên Xô thông qua bầu cử, giành lấy và duy trì vị thế của Đảng cầm quyền... Thực chất là che đậy âm mưu của ông ta muốn phá hủy Đảng CS Liên Xô.

Sau Hội nghị toàn thể T.Ư tháng 2/1990 và Đại hội đại biểu nhân dân bất thường Liên Xô, vai trò lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô đã mất đi sự bảo vệ của Hiến pháp. Trong khi đó, các tổ chức phi chính thức của phe đối lập chưa đăng ký nhưng đã hoạt động có tính chất như chính đảng, lại được bảo đảm của Hiến pháp giống như địa vị của Đảng CS Liên Xô.

Sau khi lên nắm quyền, Gorbachev cử Yeltsin làm Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva. Để có vốn liếng chính trị, Yeltsin liền mượn danh nghĩa này để công kích tình trạng tham nhũng của tầng lớp đặc quyền, từ đó ra sức công kích các đồng chí kiên trì đường lối đúng đắn trong Đảng.

Yeltsin chĩa mũi nhọn vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng CS Liên Xô, nhất là Ligachev - nhân vật thứ hai trong Đảng, người kiên trì con đường XHCN. Yeltsin kiên trì công kích sự chậm chạp trong tiến trình cải cách của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đồng thời phê phán tác phong làm việc của Ligachev.

Tuy nhiên, ông ta đã gặp phải sự phê phán của hầu hết Ủy viên T.Ư Đảng. Sau đó không lâu, Yeltsin bị cách chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva, nhưng Gorbachev vẫn để Yeltsin làm Ủy viên T.Ư Đảng và chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng Nhà nước.

Ngày 29/5/1990, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Liên bang Nga, với 535 phiếu tán thành, 502 phiếu chống, Yeltsin trúng cử chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên bang Nga, với kết quả nhiều hơn bốn phiếu so với số phiếu luật định. Từ đó ông ta giành được quyền lực cao nhất.

Tháng 7/1990, Yeltsin tuyên bố ra khỏi Đảng. Ngày 9/6/1991, Liên bang Nga tổ chức tổng tuyển cử tổng thống lần đầu tiên, Yeltsin đã đánh bại ứng cử viên Bacatin do Gorbachev đề cử, trúng cử chức Tổng thống Liên bang Nga. Một tháng 8 ngày sau, tức ngày 20/7/1991, Yeltsin ban bố sắc lệnh phi đảng hóa và tuyên bố nghiêm cấm hoạt động của các chính đảng trong cơ quan nhà nước các cấp cũng như các đoàn thể quần chúng và doanh nghiệp cơ sở, tức là chĩa thẳng mũi dùi vào Đảng CS Liên Xô. Ông ta đã giáng một đòn cuối cùng vào sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô và sự giải thế của Liên Xô.

Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa.

Theo THỜI NAY / NHÂN DÂN ONLINE

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 9
  • 5211
  • 21,873,930