Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P8: THẮP SÁNG BIỂN KHƠI

  16/12/2022

VIII. THẮP SÁNG BIỂN KHƠI

        Cuối năm 2002, tôi được TGĐ Petrovietnam bổ nhiệm làm TGĐ Liên doanh Điều hành Chung Lam Sơn (LSJOC) triển khai Hợp đồng ký kết với Petronas tại lô 01/97 và 02/97, ngoài khơi đông nam Việt Nam. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi đâu nữa cả. Mỏi chân rồi. Nhưng hình như số phận chưa cho tôi dừng lại.Thằng bạn Quang Bô cũng chia sẻ tâm tình và khuyên tôi nên thay đổi. Hình như những biến động cuộc đời tôi thường gắn với những con số 2 như thế: Tôi sinh ngày 22-2. Năm 1972 tốt nghiệp ĐH ở Romania về nước và bắt đầu vào Ngành Dầu khí từ đó. Năm 1982, đi Na-Uy. Năm 1992 từ Viện Dầu Khí về lại PetroVietnam và Tháng 12-2002 tôi nhận tờ quyết định điều động ấy. Vũ Ngọc An đã có lần trăn trở về “một con hổ đang ngủ, chưa có ai đánh thức” trong quán nước chè góc phố Ngô Quyền và tôi đã bật cười:” Hổ đang ngủ hay ngoẻo rồi?”.” Tao đã nói trường hợp của mày,  biết nó nói thế nào không? Nó công nhận mày có trình độ, thông minh, ngon lành nhưng mắc hai tội lớn là Biết nhiều và Lưỡi sắc quá!”. Tôi mỉm cười cám ơn thằng bạn đã quan tâm. Tôi hiểu đó là một mệnh đề mở, nó hoặc anh bạn lãnh đạo kia, do tế nhị chưa nói hết phần chốt (để phải tự hiểu?) ở phía cuối:”...nên không thể dùng”. Có điều tôi chẳng thấy thế làm buồn. Trong cuộc đời, chẳng ai được hay mất tất cả. Thường thì được cái này mất cái khác. Quan trường được nhiều thứ, kể cả bổng lộc, vênh vang, nhưng cũng cực. Có một lần ngồi chờ ở sân bay, nghe một thằng bạn chức sắc tâm sự:“Tôi chán lắm ông ạ. Bây giờ họp giao ban, không khí thật nặng nề. Bọn mình lớn tuổi nó còn ngại một tý chứ bọn trẻ bị nó chửi như chửi chó!”. Tôi nghĩ buồn và bỗng thấy thương nó.Từ hồi cha sinh mẹ đẻ tôi đã thích sống phóng khoáng, tự do. Cả đời tôi, chưa có người nào dám xúc phạm tôi, kể cả những người tai to mặt lớn. Tôn trọng nhau thôi, bởi nếu không thì liệu chừng, có thể nhất là bét. Tôi rất ngấm lời cụ thân sinh ra Bác:”Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ", (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, nên lại càng nô lệ hơn). Bởi thế cuộc ra đi cũng có thể trong người cảm thấy có điều gì ngột ngạt, cần có một sự thay đổi. “ Change We Need”, nói như kiểu Obama vậy.

        Tôi tham dự buổi liên hoan tất niên cuối cùng với Phòng TDKT như truyền thống hàng năm và cũng là buổi chia tay. Nói là cuối cùng vì PV vừa có quyết định  tách Phòng  ( Department) thành hai Ban ( Division): Ban Tìm kiếm Thăm dò và Ban Khai thác Dầu khí. Tôi nói đùa: “Vui này biết ngỏ cùng ai/ Một Phòng đã hoá thành hai Sư Đoàn” (chữ Division trong tiếng Anh còn có nghĩa là Sư Đoàn).Tôi nâng cốc chúc và chào tất cả anh em, bè bạn và mừng cho anh Đắc tới lúc sắp về hưu mới có được hai niềm vui trọn vẹn (mua được nhà ở Mỹ Đình và con cái đều giỏi, ngoan, xuất ngoại cả). Bạn bè, đồng nghiệp và những người thân yêu lưu luyến nắm tay, chúc tôi ra đi “chân cứng đá mềm”.

          Lam Sơn JOC là Liên doanh đầu tiên và duy nhất phía Việt Nam đảm trách cả hai chức vụ quan trọng nhất, Tổng Giám đốc và Giám đốc Thăm dò ngay tự phút đầu (Thông thường những vị trí quan trọng này đều do người nước ngoài nắm giữ cho tới khi họ tìm ra phát hiện thương mại bởi vì họ là người phải chi tiền và gánh chịu hết rủi ro trong suốt Giai đoạn 1 ).Đó là sự tin cậy từ hai phía, song với tôi, nó cũng đầy trách nhiệm. Tôi đã để ý tới hai gương mặt: Hoàng Ngọc Đang ở BP và Nguyễn Văn Quế ở JVPC. Đang đã bị tôi thuyết phục nhưng hiềm nỗi hắn vừa bảo vệ Tiến sỹ xong, giờ đi ngay hơi ngại. Còn Quế thì chính tôi vừa giới thiệu cho Vũ Ngọc An ( vì đâu nghĩ mình vào), nên thật khó. Nghe đâu An biết tin ấy giận lắm và tôi đã phải tới CLJOC “guarantee” là sẽ không lấy Quế nữa để “bảo vệ tình bạn”. Và hắn cười, bắt tay rõ chặt. Ngày 7/1/2003 Hợp đồng lô 01/97& 02/97 được ký kết. Đó là món quà tặng sinh nhật vợ tôi vào ngày hôm sau. Ăn Tết xong, 12 tháng Giêng tôi lên đường. Tôi mượn tạm hai phòng làm việc của Petronas làm trụ sở tạm thời và bắt đầu “chiêu hiền”. Cũng may, tháng 3/2003, Đang cũng rời được BP để “đứng dưới cờ đại nghĩa” Lam Sơn, nói như kiểu Ngô Xuân Khoa, Admin Manager của LSJOC hồi đó. Các công việc như Nhân sự, soạn thảo Chính sách Quy chế, Trụ sở làm việc và nhất là Chương trình Công tác và Ngân sách (CTCT&NS) hàng năm phải trình gấp MCM phê duyệt. Anh Đỗ Văn Hà, vị chủ tịch UBQL đầu tiên ấy tỏ ra rất trách nhiệm và có uy tín. Ngày 20/6/2003 chúng tôi khai trương Trụ sở làm việc của Lam Sơn JOC tại Sun Wah, 115 đại lộ Nguyễn Huệ, Quận I, Tòa nhà đẹp nhất Tp Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Nhiều người ái ngại cho LSJOC vì đây là một hợp đồng khó, bởi họ thấy một hợp đồng khác “ngon ăn” đã có người đã xí trước rồi. Phía nước ngoài cũng cam kết vẻn vẹn 1 giếng khoan cho Giai đoạn 1 do đánh giá rất hạn chế về tiềm năng dầu khí trong khi các Nhà thầu khác thường có cam kết công việc tích cực hơn nhiều. Nhưng đó là chuyện vặt, với tôi trên đời này chẳng có gì là khó cả nếu anh quyết tâm làm. Tôi không nhìn vùng biển 11.000km2 mà LSJOC quản lý là một rìa bể trầm tích nông choèn mà phía nước ngoài đã từng làm bao năm và hoàn trả. Dưới mắt tôi cái “nương dâu” như mắt thường vẫn thấy, ngày xưa đã từng là “biển cả”. “Trải qua một cuộc bể dâu” mà nó thành như thế. LSJOC đã phải thuyết phục phía Petronas rất lâu để có thêm ngân sách thu nổ thêm địa chấn phần phía Bắc. Để củng cố niềm tin cho phía đối tác, tôi đã phải bao phen ra PV thuyết khách. Cũng may những người tham gia quyết định như Phan Thị Hòa, Đỗ Đình Khải, Nguyễn Ngọc Sự. Đỗ Văn Hà… đều là những người đã biết và tin tưởng tôi. Họ hoàn toàn ủng hộ. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất, PV đồng ý đóng góp 2,5 triệu USD chung với Nhà thầu để thu nổ thêm 700 km2 tại khu vực phía bắc lô 01/97 trong Giai đoạn 1. Trong thời gian ở Hà Nội, tôi liên tục giữ liên lạc với LSJOC và cả CLJOC nhằm có được một chiến dịch thu nổ tối ưu nhất. Graem Bone (phụ trách về ĐVL) và Nguyễn Văn Quế ( khi ấy là cố vấn kỹ thuật) của CLJOC rất phấn khởi khi nghe tin tôi báo tin chiến thắng. Như thế có nghĩa là LSJOC và CLJOC sẽ thu nổ chung trên một diện rộng gần 1500km2 tại phía bắc lô 15-1 và 01/97 với những điều khoản hợp đồng thuận lợi, tiết kiệm cho mỗi bên ít nhất là trên 1 triệu USD thời ấy. Graem Bone cám ơn rối rít và hứa sẽ chiêu đãi tôi một bữa thịnh soạn(!). Kết quả của đợt khảo sát địa chấn ấy đã cho hàng loạt cấu tạo tuyệt đẹp như Sư tử Nâu, Hổ Xám South, Hổ Xám v.v. và chứng minh giả thuyết ban đầu là đúng: Chúng tôi đã bắt gặp tầng sinh dày hàng ngàn mét. Một hệ thống dầu khí lý tưởng đã được khẳng định. Giếng khoan đầu tiên được đặt tên là Thăng Long-1X đã kết thúc thắng lợi. Đó là những giây phút tuyệt vời của tất cả chúng tôi. Rồi Đông Đô, Hổ Xám, Hổ Xám South, Hồ Tây cũng cho những cảm giác nghẹt thở và mừng vui tới tột cùng! Chúng tôi đã trực tiếp lấy dầu lên từ thẳm sâu lòng đất dưới đáy đại dương. Xin kính dâng Tổ Quốc mẹ hiền, kính dâng Thăng Long ngàn năm thương nhớ.

          LSJOC đã ghi được những kỷ lục về Độ sâu tầng Móng và tầng cát kết chứa dầu nông nhất; lần đầu tiên phát hiện ra tầng chứa dầu Miocene Trung tại bể Cửu Long, tỷ lệ giếng thành công cao nhất (8 /9 giếng), lưu lượng dầu lớn nhất trong tất cả các lô có hoạt động thăm dò của Petronas tại Việt Nam. Nhưng Vinh quang cũng thường đi cùng Cay đắng. Để có được những thành công ấy đòi hỏi con người đứng đầu phải có kiến thức, có trách nhiệm và bản lĩnh. Là người trực tiếp  theo dõi và điều hành, căn cứ vào tình hình thực tế thi công, trong những trường hợp cấp bách anh phải ra quyết định, thậm  chí có khi khác hẳn phương án đã được phê duyệt để có thành công. Đã có lần tôi làm như thế và suýt phải trả gíá bằng cả sinh mạng chính trị của mình cho dù quyết định thay đổi ấy đã mang lại thành công vang dội.

          Đội ngũ Việt Nam của LSJOC cũng ngày một trưởng thành. Có những người đã rời cái nôi xưa trở thành những cán bộ đầu ngành, nắm trọng trách ở PV, ở các JOC hoặc chuyên gia đây đó.Tôi đã giữ lời hứa và tạo điều kiện đề Hoàng Ngọc Đang ra đi sau ba năm anh em ngọt bùi chia sẻ. Đang chắc chuyên môn, hiền lành, tốt tính, có “kinh nghiệm trận mạc” lại trẻ hơn tôi gần chục tuổi, nó còn những cơ hội khác. Đang đã ra Hà Nội làm Phó Ban TKTD, rồi trưởng ban TKTD (PV). Tôi phát hiện ra từ hồi ở Lam Sơn JOC hắn nghe tay bác sỹ liều mạng cắt phăng cái nốt ruồi kiêm mụn cơm ở gần khóe mắt, mọi việc sau đó cái gì cũng may mắn, hanh thông. Trần Mạnh Cường về thay Đang. Cường trước làm cùng Phòng TDKT với tôi, đã có vài năm lăn lộn ở CLJOC với chức danh Senior Geologist.vNhanh nhẹn và nói năng ngon lành nên đã lọt mắt xanh của Trưởng Ban Quản lý Hợp Đồng, PV sau khi về LSJOC ít ngày. Căng quá. Nhưng đó là cơ hội của anh em. Và tôi ủng hộ. Sau mấy tháng miệt mài cùng đám G&G thiết kế và bảo vệ xong 2 giếng khoan, Trần Mạnh  Cường ra Hà Nội làm Phó Ban Quản lý Hợp Đồng, sau chuyển về chỗ cũ làm Phó Ban TKTD (PV). Lê Văn Hùng từ BP về thay Cường. Hùng là một trong những gương mặt địa chất trẻ sáng giá. Hùng đã từng lăn lộn hết các bể trầm tích ở phía Nam qua các nhà thầu UNOCAL

(Thềm Tây Nam), Hoàn Vũ JOC ( Bể Cửu Long) và BP ( Bể Nam Côn Sơn). Hồi gặp nhau lần đầu ở UNOCAL tôi đã biết hướng đi của chàng trai có dáng thư sinh này sẽ theo hướng ấy. LSJOC đã khoan thêm 7 giếng trong 2 năm sau đó, chả bù cho Giai đoạn I, nói “vã bọt mép” mà  phía PCOSB vẫn cứ ì ra đấy. Khoan nhiều nên mọi người đều vất vả nhưng vui. Ngô Xuân Khoa là GĐ hành chính của LSJOC, đứng dưới cờ từ hồi Lam Sơn tụ nghĩa. Hắn là kỹ sư Hóa, tốt nghiệp cùng khóa với tôi ở Rumani, trước làm ở Thái Nguyên sau về Hà Nội, nghe đâu đã từng làm trợ lý cho một tay VIP nào đó ngoài Thành phố và đã từng có vài năm chu du đất Tiệp. Năm 1992, Jamaha (Già-mà-ham, tên Nhật của hắn)  ra một quyết định gây “sốc” cho Thị Hà, vợ hắn: Đi Nam, làm cho bọn dầu khí Hàn Quốc KNOC. Tôi biết hắn qua mấy lần vào họp với lũ ChimDangSun này. Gã luôn gây huyên náo mỗi khi đến Công ty bằng những ngôn từ hơi bị…choáng(!). Tính hắn phổi bò, giỏi thiền và cúng tế. Nhìn hắn vận đồng phục quần trắng- áo the - khăn xếp tiến thoái nhịp nhàng, miệng khấn lầm rầm rồi phủ phục, nện trán bôm bốp xuống sàn đến rớm máu  thì tôi dám cả quyết rằng dù khó tính đến đâu cũng chẳng có thần linh nào nỡ khước từ lòng thành đó cả.Và tôi đã tận dụng triệt để sở trường đó của hắn vào dịp Khai trương Công ty và tất cả những lần “Mở Lỗ”.          

             Những trợ thủ như Syed Nasrudin, Adam, Amiruzan, Shaharudin (PhóTGĐ); Zulkifli, Ali, Farimin (GĐ Khoan); Wahab ( GĐ Tài chinh-Kế toán), mỗi người một cá tính, có cả những ý kiến trái chiều và không thống nhất lúc ban đầu nhưng sau một thời gian sống họ đã hòa đồng và làm việc hết mình vì một gia đình LSJOC đoàn kết và thắng lợi. Syed Nas, Adam cho mãi sau này từ trung Đông vẫn gửi thư về, nhớ thời ở Lam Sơn ghê lắm..                        

     Những cán bộ kỹ thuật thuật Hoàng Ngọc Đông, Trần Thanh Long, Trần Hữu Trường Sơn, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Nhị Thủy, Tuy Lê Giang, Mike Wilson, Mike Karson, Mike Allison … nhiệt huyết, cần cù. Nhiều tên tuổi đã trở nên quen thuộc trong làng dầu khí. Những gương mặt rất trẻ hôm nào như Phan Thanh Hải, Marizam,Trang Nhật Minh, Trần Thanh Tùng, Diana lăn lộn qua công việc giớ cũng đã trưởng thành. Những gương mặt Hà Lý, Thu Hương, Hồng Hạnh, Minh Nguyệt, Bảo Phương, Xuân Dung, Thủy Nguyên, Cẩm Trang, Cẩm Vân, Kiều Linh, Thu Quỳnh dịu dàng, duyên dáng với những tà áo dài mang bản sắc Lam Sơn…Và bao gương mặt bạn hữu  Phương Nam. Tất cả đã làm nên một thời để nhớ    

        PVEP lúc bấy giờ do Chánh kỹ sư VSP Phùng Đình Thực được điều lên làm Giám đốc. Anh là người trưởng thành từ Mỏ Khí Tiền Hải C giữa những năm 70’ tới Giám đốc XN khoan, Chánh kỹ sư XNLD VSP đầy tiềm năng thẳng tiến về Hà Nội nếu như trên đường bay ấy nó không bị những “hạt bụi vũ trụ” vướng vào. Việc quẹo sang PVEP chính là khoảng thời gian chệch quỹ đạo bay ấy. Có một lần trò chuyện ở Thanh Đa, khi nghe tôi nói lại chuyện xưa, Phùng Đình Thực chỉ cười, đưa tay với trên giá tập Giáo trình Khai thác Dầu Khí của anh dùng để giảng dạy tại các trường Đại học và thủ thỉ“Quyền lực chỉ là thứ phù du. Cái này, cũng như thơ của bác mới là những thứ có khả năng lưu lại cho đời”. Đó là một người đàng hoàng và tử tế.

         Năm 2001 khi anh Thoảng rời PV, anh San chuyển sang HĐQT, nhưng cũng chỉ giữ cương vị Ủy viên thường trực.Ít lâu sau, anh. Phạm Do, giám đốc Trung tâm Lọc Hóa Dầu (TTLHD) được bổ nhiệm, điều ra làm UVHĐQT rồi sau đó lên làm Chủ tịch. Đây là thời kỳ sóng gió của ngành dầu khí. Chỉ trong 1-2 năm đã có hàng chục cán bộ của ngành bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, điều tra, trong đó có cả những cán bộ giữ vị trí chủ chốt trong Tổng Công ty” (Tuổi trẻ Online, Thứ Năm, 03/06/2004). Phó Giám đốc TTLHD Đình Trương kể rằng ngay cả khi ở cương vị cao nhất ấy, Tiến sỹ Do vẫn giữ nguyên cái phòng làm việc ở số 4 Nguyễn Thông và “bảo lưu” cái ghế Giám đốc ấy cho tới khi anh rời khỏi PetroVietnam. Chức Giám đốc tấn phong muộn mằn phút chót cho Trương chỉ còn ý nghĩa tượng trưng, giải quyết chế độ nghỉ hưu. Nghe đâu có một thời anh đã từng nhận làm con nuôi của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu. Nhưng đến khi Nhà thơ mất, tôi là người yêu thơ và kính trọng Ông đã tới dự Lễ Tang tại Lê Thánh Tông từ sớm, song đến phút cuối cùng chẳng thấy bóng “nghĩa tử” kia đâu cả. Chắc Nhà thơ cũng thoáng buồn. Hoặc sẽ chẳng bao giờ buồn cả vì chuyện này có thể ông đã biết từ rất lâu rồi. Những việc anh đã làm, vô tình hay hữu ý, chắc anh đều biết hết. Chỉ biết rằng sau khi từ giã chính trường, anh khá ngại ngùng mỗi lần trở về thăm lại các đơn vị cũ. 

        Các cụ hay nói “cái răng cái tóc là góc con người”, nhưng tôi thấy “cái Họ cái Tên làm nên sự nghiệp”, nếu so với hai thứ răng, tóc trên kia, nó không phải là “góc” mà chiếm “già một nửa”.Từ lâu tôi đã nghiệm ra rằng ngoài Số phận ra, hầu hết những người mang “Họ Ngũ cốc hay Sản phẩm của ngũ cốc”; có Tên bốn  chữ , nhất là có chữ “IÊ” ở giữa đều thành đạt. Thêm dấu nặng nữa thành chữ “IỆ” thì tột đỉnh vinh quang . Này nhé, Họ Ngũ cốc: Đỗ Quang Toàn, Đỗ chí Hiếu, Đỗ Văn Hà, Đỗ Văn Hậu, Đỗ Văn Đạo , Ngô Thường San, Ngô Văn Sáng ( đấy là chưa nói tới những cái tên nổi tiếng như Ngô Quyền, Đỗ Phủ, Đỗ Mười, Đậu Ngọc Xuân…); Sản phẩm ngũ cốc : Hồ Sỹ Thoảng, Hồ Đắc Hoài, Hồ Tế.. ( chưa kể tới những cái tên như Hồ Chí Minh, Hồ Quý Ly mang tầm đất nước hoặc Hồ Diệu Bang, Hồ Cẩm Đào bên Trung Quốc). Còn tên 4 chữ cái thì Cảnh, Hiệp, Liễn, Liệu, Nhậm, Hùng, Dũng, Kính... ai chẳng biết. Vần “IÊ” ư, nó đã rất nổi tiếng trong ngành từ thuở ban đầu: Nguyễn Văn Biên, Đinh Đức Thiện, Trương Thiên v.v.đấy là chưa nói tới những Lý Thường Kiệt, Võ Văn Kiệt v.v. Anh Hoài hồi ấy nghe Tổng kết quy luật ấy giật mình: “Trời, đúng thật! Tớ phải về nói với anh Thoảng khéo phải đổi tên là Hồ Sỹ Thiểng”(!). Có một lần có một thằng tây hiếu kỳ hỏi tôi:” What does DO VAN mean?”, Đo ván? “KNOCK OUT”, tôi buột miệng. “But DAO, HAU, HA?”, “Religion, Back, River!”, tôi dịch phăng phăng sau mới giật mình: chết cha! Hóa ra nó muốn dịch họ và tên mấy vị quan chức Đỗ Văn Đạo Đỗ Văn Hậu và Đỗ Văn Hà !!.Ở Hà Nội có một thời công ty thăm dò khai thác tất cả những người lãnh đạo tên có dấu “Nặng” đều giữ cấp trưởng như Liệu, Đạo , Hậu, Thập. Không dấu chỉ có thể làm cấp Phó như Giao, Liêm, Trương, Vinh. Dấu “Nặng” mà có thêm Mũ (^) thì tuyệt hảo, nhưng chỉ có Mũ (^) mà thiếu dấu “Nặng” thì cũng không thành như “Lâm” chẳng hạn. Cứ xem chuyện ấy mà suy, mình hoàn toàn nằm ngoài “quy luật” nên vất vả cũng là lẽ thường tình. Giỏi giang như thằng bạn thân của tôi, kiến thức thông tuệ, ngoại ngữ đầy người, miễn chê về tướng tá, bao phen cứ nghe đồn sẽ điều ra PV làm Trưởng Phòng TDKT, Trưởng phòng HTQT, rồi Giám đốc này khác mà cuối cùng khi về cũng chỉ là PGĐ của một công ty, trong khi có những thằng bạn khác chỉ về hưu chậm hơn 2 tháng hoặc lâu hơn chút xíu đã “Ô-tô-mát” trở thành Phó TGĐ (Vice-President in English) của một Tổng Công ty hoành tráng. Có số hết. Tôi nói với thằng bạn:” Sướng khổ tại tâm. Mày nghĩ sướng thì mày sống sướng, nghĩ khổ thì sống khổ. Làm đến bậc công khanh mà trong lòng vẫn tức tưởi vì có kẻ tài cán chẳng hơn gì mà đã lên hàng Thái phó thì cũng chẳng sướng gì. Giàu thì mày  chưa bằng Thạch Sùng, nhưng biệt thự, nhà đất, gia đình như thế cũng làm khối  kẻ  hờn ghen; Sang thì chắc không thể sánh hàng Tứ Trụ , nhưng mỗi lần hết giờ làm việc, bước lên xe con cho tài xế vinh dự đưa về cũng khiến bao người lác mắt. Chẳng có gì đáng để ta buồn!”. Tôi có một thằng bạn thân thuở sinh viên. Hắn tốt bụng và thật thà Nhưng có thể nhà hắn gần Trương Xá nên lắm lúc cũng nóng tựa Trương Phi, đòi “cắt gân đốt nhà” nhiều kẻ. Hắn thường khiêm tốn tự xếp  mình vào hàng “mũi dãi” so với bạn bè. Nhưng tôi biết đó là kiểu “mũi sư tử dãi yến”, Mu-Sư-Da-Y theo cách gọi của Nhật. Một lần nghe hắn trách than thái quá về chuyện con bé thứ hai chậm lấy chồng, tôi phải dùng phương pháp Quát: “Khổ gì mày nói tao nghe. Cứ kêu hai con vịt  giời nhưng thử hỏi có đứa nào được như mày. Đứa đầu có chồng Giám đốc, xe cộ nhong nhong; đứa sau chậm một tý nhưng tao thử hỏi trong cả lũ đi học lứa mình có đứa nào có con tý tuổi đã làm Tiến sỹ ở Mỹ rồi về làm việc ngay ở Headquater của “địch” tại Luân Đôn không?”. Hắn thừ người rồi ngoác miệng :” Ừ, đé..có thằng cặ..nào thật!”. Bây giờ đứa con gái hắn lấy chồng, một thằng Mỹ “made in Vietnam” tử tế và tôi không thấy hắn phàn nàn gì nữa. Sướng rồi.

           Mỗi người đều có số phận. Những nhân vật như Bì Văn Tứ, người cả đời lặn lội hết Tĩnh Gia đến Tuy Hạ với sự nghiệp “chuẩn bị Nhà máy lọc Hóa Dầu”, Vũ Đình Chiến, nguyên giám đốc Công ty Khí, con trai của vị tướng 2 sao, đầy tiềm năng, tưởng chắc mười mươi thành một VIP của Ngành; Nguyễn Quang Thường, nguyên Phó TGĐ PV, Dương Quốc Hà, nguyên Phó TGĐ VSP v.v thì   lâm vòng lao lý trong khi nhiều người khác lại thăng tiến vù vù, không ai hình dung nổi, đến mức có lần tôi phải dặn bọn đàn em để chúng đề phòng một khi  vận may ập đến:” Hễ thấy cảm giác như có ai túm tóc trên đầu kéo lên là lập tức phái nhảy vút theo nghe chưa? Tao thấy có trường hợp như thế, song do phán đoán nhầm nó lại dùng chiêu Xuống tấn  thành ra bung hết cả mảng da đầu! Phải ghi nhớ nghe không?”. Bọn đệ tử hô vang “Yes Sir!” rồi gật đầu lia lịa. Nhưng nói thế thôi, chúng nó thừa biết rằng chẳng có cái gì là không có nguyên nhân cả.                                           

         Tôi là người ít viết về Dầu khí. Chỉ giản đơn bởi cái mảng đề tài ấy đã có quá nhiều người viết. Không hẳn vì vợ dặn “Chỗ nào có đông người chớ chen vào!”, nhưng quả thực tôi cũng “ngài ngại” vì có nhiều người viết quá. Nhưng cũng có lần phải viết. Số là vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng Cục dầu Khí, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ của PetroVietnam vào Sài Gòn đề nghị tôi viết bài cho Hội nghị Khoa học “mang tầm quốc tế” nhân sự kiện quan trọng này. Quý sinh năm Canh Dần, có lá số tử vi sướng từ bé. Hắn vốn tinh ranh, biết chọn mặt gửi vàng, nhưng không may hắn vớ phải một “Lãn Ông” chỉ quen phiêu du, chinh chiến .mà chẳng quan tâm “đúc rút, tổng kết, nâng lên thành lý luận” vì không có thời gian. Có giây phút nào tĩnh lặng hoặc xuất thần tôi đều dành cho Thơ cả. Sau bao lần thoái thác không thành, nể lời Huy Quý, tôi đành viết. Bài báo được in trong Tuyển tập và trình bày bằng cả hai thứ tiếng trong Hội trường chính : “ Petroleum Exploration in Cuu Long Basin, the Keys of Success” (Thăm dò dầu khí Bể Cửu Long , những vấn đề then chốt quyết định thành công) được làng tây, ta đánh giá cao do kết hợp được cả hai yếu tố khoa học và thức tiễn. Nó cũng là bài viết duy nhất của tôi về ngành nghề dầu khí. Tôi yêu văn chương và thích làm thơ từ khi còn rất trẻ nhưng phải tới ngoài 50 tuổi mới xin được “visa” của vợ cho in mấy tập thơ vì e tôi “ in sớm lại tí tởn”, vợ tôi hay đùa vui vậy. Ba tập Lời Biển, Phù Sa, Ngàn Mây đều do NXB Văn học ấn hành và tập Cúi xuống Bầu Trời in tại NXB Hội Nhà Văn. Tôi không có thơ viết về ngành nghề hay thế sự mà thiên viết về Tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, tình yêu một vùng đất, vùng trời. Bởi Tình yêu là muôn thuở. Với tôi thơ là sự đam mê, giải tỏa và sự sẻ chia :“ Một đời phiêu bạt lãng du/ Thả thơ theo từng ngọn gió/ Hòa vào đất bắc trời nam/ Hòa vào đông tây kim cổ” . Đấy là giây phút cái đẹp được phát hiện, thăng hoa, diệu kỳ lấp lánh.

         Một lần PV có mời một đoàn nhà thơ vào thăm một số đơn vị phía Nam, sau đó sẽ ra mỏ Bạch Hổ tham quan để lấy tài liệu viết bài về Dầu Khí. Tôi bất ngờ được PVEP nhờ tiếp giúp “phi vụ” này. Chiều tối hôm đó, tôi gặp các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hoàng Sơn…tại Bình Quới 1. Sau một chầu bia rượu, nghe anh Tâm Công Đoàn giới thiệu về tôi, anh Duật vui vẻ: “Người anh em có thể tặng bọn mình một bài thơ về dầu khí được không?”. “ Không. Dầu khí là đề tài có nhiều người viết rồi anh ạ. Đông người ngại lắm!”,”Thì thơ không dầu khí cũng được?”.Thấy thái độ rất thoải mái và chân tình của mấy nhà thơ, tôi nổi hứng đọc vài bài thơ. Tiếng vỗ tay và hò reo. Khi đọc đến bài Trời đày:“Đã thề chỉ nói lời hay/Lại vui nói hết lời say với người/Đã thề trọn kiếp rong chơi/Lại vô tình vướng sự đời giăng câu…”. Anh Duật đứng lên và oang oang: “Hay quá! Bài này ông phải để làm Tựa ở ngay trang đầu. Này, Dầu Khí mời chúng tôi vào để viết bài, tôi nói thật, chúng tôi chẳng giúp các ông phát hiện ra mỏ dầu quái nào đâu, nhưng hôm nay tôi phát hiện được một Mỏ Thơ rồi. Đấy là Mỏ Thơ NQT!”. Nói xong anh nắm tay tôi lắc mạnh. “ Ông chép tặng mình mấy bài thơ ấy đi”. Đấy là lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Sau đó tôi có tặng anh mấy tập thơ. Ít lâu sau tôi nhận được một bưu phẩm gồm hai cuốn tạp chí Diễn đàn Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong đó có bài giới thiệu thơ tôi kèm gần chục bài thơ do anh tuyển chọn. Cũng vì lần gặp ấy, do “tự ái nghề nghiệp” (Sao cứ phải để người khác viết?), tôi đã viết bài “Người thắp sáng biển khơi” mà bạn tôi, Trần Hồi đã mượn làm tiêu đề cuốn sách “Những người thắp sáng biển khơi” nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Vietsovpetro và nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa đã phổ nhạc đầy ngẫu hứng sau này:”Chiều buông một trời ráng đỏ/ Đêm phơi một biển trăng vàng/ Bình minh sắc màu quyến rũ/Mơ về một thuở hồng hoang”. Lần ấy trở về anh Duật có bài:” Mùa Xuân, nhìn từ giàn khoan Bạch Hổ”. Sau này lần nào qua Sài Gòn, anh cũng ghé thăm tôi. Mấy lần anh rủ tôi vào Hội Nhà Văn, “Anh và Mậu hay Bằng Việt sẽ giới thiệu em…”. Tôi cám ơn anh và cố khước từ thật khéo.“Vào cho vui ấy mà “, anh nói xong rồi buông theo một lời bình mà sau này trong một lần nhậu, có một anh bạn Hội viên đã nổi khùng vì sợ mình bị liệt vào con số “70%” đó. Tôi quen anh được hai năm thì con người tài hoa ấy lâm trọng bệnh và ra đi vào ngày 4/12/2007. Bài thơ “Cây thông đứng giữa trời” nói về anh và thế hệ anh được tôi viết  và đọc qua điện thoại cho anh nghe khi anh yếu lắm:Tin nhắn của anh gửi tôi: “Bài thơ này hay và lớn, anh cố khỏe để đọc”. Không ngờ đó là tin nhắn cuối cùng tôi nhận được.

         Nguyễn Duy lại thuộc một típ người khác. Anh Duật nhận xét:”Duy nó khôn lắm, nó được cả đấy”. Tôi hiểu ý anh ấy muốn nói là một người biết mình, biết người và biết nhân tình thế thái. Anh có nhiều thơ thời chiến và có cả những bài thơ gai góc thời bình. Những Cây tre Việt nam, Đánh thức Tiềm Lực, Kim-Mộc-Thủy- Hỏa-Thổ là những bài thơ anh tâm đắc và chúng cũng làm nên tên tuổi một Nguyễn Duy. Anh là một trong số rất ít nhà thơ tôi gần gũi. Từ lâu anh đã không làm thơ. Trong bài ký của Đi trên đường cái quan, anh viết:” Không phải tôi bỏ thơ mà thơ đã bỏ tôi, vì thế đôi khi tôi phải hú lên mong gọi thơ về”. Anh tâm sự rằng anh không làm thơ nữa vì biết rắng nếu cố viết anh cũng không vượt được cái đỉnh của chinh mình. Thôi thì để thời gian làm những điều cò ích hơn. Anh làm lịch, vẽ tranh, dịch thơ thiền đời Lý - Trần nhằm quảng bá cho thơ. Tôi nhìn những mẹt, những lịch thơ, những bức ảnh đầy chất nghệ sỹ treo đầy phòng khách tại nhà anh ở 264 Lê Văn Sỹ, trong đó có một bức Nguyễn Du ngả người dưới chân tượng đài bên mộ Các Mác ở Luân đôn, tay cầm một cái điếu cày rất dài mang từ Việt nam sang, mắt lơ mơ nhìn làn khói thuốc mà cười phá. Anh kể“Bức ảnh này hồi trước mình phóng to lắm, có một thằng đến gạ mua, mình thét giá cao để nó không mua nổi, ai ngờ nó vẫn gật. Thôi thì bán cho nó, mình sẽ in tấm khác. Ít lâu sau đến nhà ông Sáu ( Võ Văn Kiệt), thấy ảnh mình treo ở đó. Hóa ra ông Sáu qua nhà mình xem ảnh, sau ngầm bảo nó tới”. Tôi quý mến anh bởi cả sự tài hoa và cá tính. Anh hay mời tôi đến chơi, nhất là mỗi khi có khách Tây, khách Mỹ. Họ là những bạn bè, dịch giả và là những nhà nghiên cứu Việt Nam. Tự tay anh nấu nướng. Tiết canh vịt và Ba ba là những món sở trường của “đầu bếp” Nguyễn Duy. Khỏi phải bàn, Nguyễn Duy là một anh chàng bợm nhậu và là nhà ẩm thực nổi tiếng Việt Nam rồi. Nhớ nhất là khi anh đọc thơ. Người bé con nhưng giọng thì sang sảng. Những tiếng “Ai?” gầm lên rồi ”Không Ai!” trùng xuống thì chỉ thấy ở kẻ nhập đồng như anh mới có nổi. Về thơ tôi, chẳng biết khen hay chê mà anh hay nói với người khác rằng  “có những bài đọc thấy gai hết cả người.”.

          Ở Sài Gòn, mỗi lần xuống Vietsovpetro làm việc với JVPC, PTSC Marine hay với Hoàng Quý, Viện trưởng NIPI tôi đều ghé thăm Trần Hồi và Trần Lê Đông (cả hai anh chàng này lẫn hầu hết các chức sắc khác như Đỗ Khải, Văn Tuyến, Hà Ngọc Khuê thực ra đều là bạn cũ). Đông đi học ở Nga-Xô song mấy bố con có cái tên Đông-Phương-Hồng ghép lại đặc sệt khách Tàu này rất khoái câu thơ: “Huế thì cứ mãi mãi xanh/Chỉ riêng có một mình anh bạc đầu” mà tôi viết nhân một lần tới Huế. Hắn khoái vì hợp với tâm trạng và hợp với cái đầu muối tiêu của hắn. Sinh nhật tôi năm nào hắn cũng gọi điện mừng. Hình như hai đứa đã từng thề“tuy không sinh cùng ngày nhưng nguyện sẽ nghỉ ngơi cùng ngày cùng tháng cùng năm” và lời thề đã ứng nghiệm(!). Riêng Trần Hồi tôi biết hắn từ những năm 70 của thế kỷ trước. Anh chàng Phó TGĐ mà ai cũng quý mến này sống rất tử tế và khoáng đạt. Hắn rất trọng các văn nghệ sỹ. Có thể vì thế, ngoài công việc ra, tôi còn được hắn quý hơn một tý. Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy là những người thân của cả tôi và hắn. Trước kia tôi hay lang thang Yên Tử, Đà Lạt, Huế, Mũi Né…và đều có thơ để lại. Có một lần vào năm 2002, tôi vào công tác Vũng Tàu thì bị Trần Hồi trách: “Anh toàn làm thơ ở đẩu đâu, chẳng thấy có bài thơ nào về Vũng Tàu”. Tối về Nhà khách Hoàng Diệu ngẫm thấy hắn trách mình đúng quá. Tôi vùng ra khỏi nhà và lang thang Bãi Trước. Có hai bài thơ về Vũng Tàu cùng nội dung được vết cho hai thể loại ( lục bát và không lục bát) vào đêm đó. Bài thơ nói về sự ân hận về một tình yêu không thành. Câu chuyện được hư cấu vào 25 năm trước đó khi lần đầu tiên người con trai đặt chân tới Vũng tàu và rồi họ phải xa nhau từng ấy tháng năm, để đế khi gặp lại cả hai mái đầu đã bạc:” Thời gian đã đổi thay màu/ Vẫn trinh nguyên một Vũng Tàu ngày xưa/ Núi bồng bềnh, biển đung đưa/ Xin cho làm mái chèo khua thở nào”. Hôm sau tôi tặng Hồi cà hai bài. Hồi ưng lắm. Bài thơ này được ghi dấu ở Vũng Tàu và anh Tạ Đình Vinh đã gửi đăng trên báo  Nhân Dân sau đó.

        Tiệc mừng Sinh nhật tôi được  tổ chức tại Khách sạn Caravel Sài Gòn diễn ra rất vui và đầm ấm.Trên nền phông Giàn khoan và Biển xanh vẻn vẹn vài dòng chữ: Lamson Joint Operating Company- Appreciation Dinner for Mr. NQT, General Manager. Happy Birthday to You!. Chỉ có một số bậc đàn anh và bạn bè thân thiết ở xung quanh T.p Hồ Chí Minh là khách mời. Anh Hồ Sỹ Thoảng, anh Ngô Thường San và vợ chồng anh Nguyễn Xuân Nhậm đều tới dự. Nguyễn Quang Bô, Trần Hồi, Nguyễn Duy, Hoàng Ngọc Đang, tất cả bạn bè cùng CBNV Lam Sơn JOC và vợ con tôi đều có mặt đông đủ cả. Ai cũng đẹp đẽ và thắm tình. Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự giữa hai cha con khi tôi còn thơ ấu: i:

         “… -Lớn lên con làm gì?

  -Con muốn làm người hữu ích

Tôi trả lời thầy tôi

Con tôi đã trả lời tôi

Tổ tiên xưa cũng đã sống thế rồi

Lẽ sống thật là đơn giản!

Song nếu sống hết mình, điều vốn tưởng giản đơn kia sẽ vô cùng lãng mạn

Sẽ nâng cánh ta bay kiêu hãnh suốt cuộc đời

Sướng là khi ngoái lại sau lưng ta có thể mỉm cười…”

Ngày 28/2/2010 tôi ung dung rời nhiệm sở.Tạm biệt Sài Gòn trở về Thăng Long thân yêu sau 6 năm trời xa cách.

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 8
  • 3327
  • 22,087,867