Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH TỪ HÀ NỘI TỚI BUCAREST- Tiếp theo 2

  28/08/2016

2-Tàu liên vận .

“Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường ,

Song song đôi mặt như gương với hình .

Bên kia biên giới là mình,

Bên ni biên giới cũng tình quê hương “.

Những năm tháng ấy, quan hệ giữa ta và Trung quốc còn tốt nên chúng tôi được đón tiếp như người thân từ tiền tuyến trở về hậu phương. Ở ga Bằng Tường chúng tôi đã được tiếp xúc với những khuôn mặt tươi cười, thân thiện.Tôi không biết lấy một từ tiếng Trung nên cứ im như thóc, nhưng trong đầu thì lại vang lên những vần thơ Tố Hữu …

Đây là đoàn tàu liên vận quốc tế, với chúng tôi lúc ấy rất sang trọng. Mỗi toa tàu chia làm nhiều khoang ,mỗi khoang lắp hai dẫy giường tầng bằng gỗ thông vàng óng; chăn đệm trắng tinh, sạch sẽ  vô cùng; trên trần lắp quạt điện có thể đảo chiều. Các khoang không có cửa, mà  thông ra hành lang chạy dọc toa tàu, đối diện với mỗi khoang là một cửa sổ hai lớp trong kính ngoài chớp; cạnh cửa sổ có một bàn và hai ghế gấp lên được, để ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh trên đường. Chúng tôi cứ 6 người một khoang theo từng tổ; sau khi xắp xếp chỗ nằm và hành lý, đoàn tàu khởi hành đi lên phía bắc. Cũng vẫn là đầu máy chạy bằng hơi nước nhưng tàu chạy khá êm với tốc độ cao hơn nhiều so với ở ta. Trên loa vang lên những bài ca “Việt nam–Trung hoa”, ”Đông phương hồng “ và vài điệu dân ca khác với tiếng đàn hồ réo rắt. Tôi không biết tiếng Trung nhưng bài hát Trung quốc thì lại biết hát vài bài bằng tiếng Việt .

Bữa ăn sáng đầu tiên trên tàu là một bữa ăn ngon. Những nhân viên trên tàu rất chu đáo ,gọi chúng tôi sang toa ăn để ăn sáng .Trông họ  đẹp trai, trắng trẻo và khỏe mạnh , nhiều người trong số họ còn nói được tiếng Việt. Đã lâu hầu như không ăn sáng nên hôm ấy , trong tiếng lịch xịch của bánh sắt chạy trên đường ray tôi đã ăn một bữa sáng thật ngon với một bát miến , trứng ốp và thêm một bánh bao ! Anh nhân viên còn hỏi có cần thêm nữa không ?!

          Tàu chạy trên đất Quảng  Tây . Phong cảnh hao hao như vùng núi Lạng Sơn ta . Tôi ngồi bên của sổ ngắm nhìn núi đồi vùn vụt chạy về phía sau, rất nhớ nhà, nhớ bạn …nên đã hát bài “Hoa mộc miên “!  

Nhật ký của anh Trị ghi:

Ngày 31-8-1965(tức ngày 5 tháng Tám Ất Tỵ)

Con tàu xuất phát từ Bằng Tường -Quảng Tây  nhằm hướng Bắc Kinh vùn vụt lao đi,băng qua một vùng đồi núi hao hao như vùng đất tỉnh Lạng Sơn nước ta, ban đầu là những núi đá vôi có điểm những mảng xanh của cây rừng , tiếp theo là những núi đất ,và đồng ruộng hẹp, cây cối khá giống Việt Nam nhưng cây tre thì rất ít  . Dân cư có vẻ thưa thớt và cũng trồng lúa nước như ở ta .Trời nắng ,những nông dân mặc quần áo màu xanh, đội mũ rộng vành đang làm đồng.Thi thoảng nhìn thấy một vài làng quê với những căn nhà lợp ngói ống(ngói âm-dương) màu xẫm , điểm xuyết vài căn nhà tranh .Trên cánh đồng , thấy có đàn trâu đang ăn cỏ và những tấm lưng trần bóng nhoáng của nông phu.Tàu đến Nam ninh thì đến giờ ăn trưa, từng tổ lần lượt sang toa ăn để ăn cơm .

Bữa cơm đầu tiên khi xa Tổ quốc trên tàu hỏa ,là một bữa cơm khá lịch sự :cơm gạo hạt t , rất trắng ,ăn no thì thôi ;mỗi mâm bốn người có một đĩa thịt ngỗng hầm ,một đĩa sào ròn , một đĩa cần tây sào nấm ,một đĩa  thịt lợn sào lẫn ngó sen chua ngọt ,một bát canh to;đồ uống mỗi người một chai nước chanh .Xuất ăn của mỗi người là 3 NDT/ngày ~7 Đồng VN.Ngoài ra mỗi người chúng tôi còn được phát 2NDT để tiêu vặt khi tàu chạy trên đất Trung hoa .

Những bữa ăn trên tàu rất đầy đủ và ngon ;thường thì ăn sáng có cốc sữa , hoặc trà, bánh bao ,hoặc bánh mì với trứng ốp lết ,hoặc là cháo gạo hay miến .Bữa trưa và tối ăn cơm với các món ăn ngon...như cỗ .Chỉ có điều , thức ăn đa phần có vị chua , ngọt, các món sào nhiều dầu mỡ , không có nước mắm mà chỉ có xì dầu. Tôi không quen, nhưng với sức trai đến từ một vùng đói kém thì mỗi ngày ba bữa vẫn ăn rất ngon miệng .Thêm vào đó những  nhân viên phục vụ  rất quan tâm , bao giờ cũng hỏi han ân cần .Ăn trưa xong, mặc dù thời tiết khá nóng nực nhưng  tôi vẫn ngủ một giấc say sưa, sau trọn một ngày đêm không ngủ .

Buổi chiều ,tàu chạy qua một vùng non xanh nước biếc , thi thoảng vượt qua một con sông nhỏ .Trong tiếng lịch xịch của đoàn tầu , hòa với những điệu nhạc dân ca Trung quốc ,chúng tôi ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh :xa xa núi bạc cây xanh ,giống như tranh thủy mạc, điệp điệp,trùng trùng  .Chúng tôi đã cách biên giới quê hương chừng ba bốn trăm km. Trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ nhà .Tàu đỗ ở ga Liễu châu lấy nước,và khi bữa cơm chiều kết thúc cũng là khi con tàu vượt qua đất Quảng tây ,sang Hồ nam ,là vùng đồng bằng Hoa Nam  ,nơi mà tôi đã đọc được ít nhiều trong  “Đội du kích đồng bằng”,cũng là nơi có “đốm lửa nhỏ cháy lan dần rộng khắp Hồ Nam ,Thành ngọn lửa hôm nay Trung Quốc... “

Ngày 1-9-1965 (6 tháng Tám Ất Tỵ )-Nhật ký của anh Trị ghi lại như sau:

Tàu chạy suốt đêm qua,sáng nay vẫn còn chạy trên địa phận tỉnh Hồ Nam ,quê hương Bác Mao .Bây giờ tàu đang chạy dọc theo một dòng sông khá đẹp ,trên sông tấp nập thuyền bè .Nước sông xanh biếc in hình những dẫy núi phía bờ bên kia . Giữa sông có một bãi cát bồi giống như ở sông Hồng quê nhà .Người ta đang xây một cây cầu. Vùng này dân cư trù phú .Tôi thấy có hồ sen hoa trắng ,ven đường nhiều ruộng lúa đã chín vàng .Đặc điểm của người dân vùng này là đàn ông thường cởi trần ,đàn bà tóc cắt ngắn ,họ miệt mài làm việc trên đồng .

Khi tàu dừng ở một nhà ga để lấy nước , tôi xuống mua tem thư mà không có , song tôi đã nhờ một  đồng chí nhân viên gửi hộ về nhà 2 lá thư rồi .

10 h tàu đi hết đất Hồ nam ,sang địa phận tỉnh Hồ Bắc . Xa xa là dòng sông Trường giang mênh mông như biển cả , nhìn hết tầm mắt không rõ bờ bên .Trên dòng sông bạc thấp thoáng những cánh buồm đỏ thắm ngược xuôi .Từng bè gỗ , tre lớn men theo bờ sông .Trên bờ là lớp đồi chè xanh nhấp nhô khiến tôi nhớ đến những đồi chè Phú Thọ .Tôi viết  bài thơ sau:

Một dải Trường giang nước mênh mông ,

Mỏi mắt nhìn chẳng thấy bờ sông .

Ngược xuôi bao cánh buồm thắm đỏ ,

Tiếng sóng trên sông ngỡ tiếng lòng !.

 

Năm xưa ai vượt Trường giang ấy

Diệt thù giải phóng đất Hoa Nam .

Năm nay ta đến vui biết mấy

Sóng vỗ mênh mang tiếp tiếp làn...”

 

5 h chiều , con tàu vượt qua cầu Vũ Hán , cây cầu lớn nhất Trung Quốc thời đó mà chúng tôi chỉ được nhìn thấy tranh trên vỏ những chiếc phích đựng nước nóng  Trung Quốc bán ở Việt nam . Cây cầu với hai tầng , tầng dưới là đường sắt , tầng trên là đường xe hơi dài hết tầm mắt , băng qua sông Trường giang mênh mông đã để lại trong tâm trí chúng tôi niềm khâm phục .Thành phố Vũ Hán khá lớn và đẹp với nhiều khu nhà 5- 6 tầng , nhiều ống khói nhà máy vút trên nền trời , và đường phố rộng rãi trải nhựa. Rất nhiều xe đạp và có cả xe ô tô buyt đi lại nhộn nhịp .Trên sông tàu thuyền tấp nập .Tàu dừng ở ga Vũ Hán để lấy nước , chúng tôi xuống ga mua tem thư , phong bì và giấy viết thư .Tất nhiên tôi mua mấy bao thuốc lá thơm “Đại tiền môn “ nữa . Sau bữa cơm chiều , trời mát mẻ hơn nhiều so với hôm trước , nhiệt độ trong toa khoảng 27-28 độ C.

Đêm thứ hai, trên tàu mát mẻ nhưng tôi lại trằn trọc mãi không sao ngủ được .Ban ngày còn ngắm cảnh lạ , chuyện trò làm quen với các bạn mới. Những điều mới lạ làm thời gian trôi nhanh .Ban đêm thì khác , bạn không ngắm nhìn được nhiều , mọi người cần im lặng tránh mất giấc ngủ của nhau nên đầu óc quá tự do để nghĩ .Mới qua hai ngày mà sao lâu thế. Không biết bây giờ chiến sự đến đâu ,thêm bao nhiêu máy bay Mỹ rơi ? Gia đình thế nào ?Các bạn ra sao ?Mai là Quốc khánh chắc  thày tôi sẽ bảo làm cơm cúng “Tết Độc lập “ .Thực ra chỉ là bữa ăn tươi cho gia đình thôi ,nhưng đấy là thói quen của thày u tôi .Tôi cũng đã gửi về một thư ,nhưng tôi chưa có địa chỉ để gia đình gửi thư đi ...Trong những ngày tới gia đình tôi sẽ sơ tán đi đâu ? Trằn trọc khá lâu , các giường bên có bạn đã ú ớ  nói mơ .Mãi sau khi tiếng lịch xịch của bánh sắt  , tiếng gió vun vút bên ngoài cũng trở nên đều đều ,  tôi cũng chìm vào giấc ngủ chập chờn .

Sáng ra, chúng tôi thức dậy đồng loạt. Tôi tập thể dục bằng cách đánh xà kép trên hai thành giường ,và chống tay trên sàn. Đang mải tập thì nghe thấy có tiếng ồn ào ở khu vệ sinh ,tiếng nhổ phì phì và tiếng làu bàu :”Quái lạ , sao kem đánh răng Trung Quốc hẳn hoi mà hôi thế !” ,rồi tiếng cười phá lên của mấy bạn trong tổ khiến tôi ngừng tập và ra xem , nhìn thấy anh bạn Hiệp với hàm răng đen nhẻm , đang nhổ phì phì .Thì ra hôm trước , khi xuống ga , bạn ấy đã mua một tuýp thuốc đánh răng , lớ ngớ thể nào mua nhầm phải tuýp xi đánh giầy đen. Sáng nay mở ra đánh răng mà vẫn chưa biết đó là xi đánh giầy. Chúng tôi được một phen cười để rồi sau đó có mấy bạn cùng được có xi để đánh bóng đôi giầy da của mình Thực ra khi mua hàng chúng tôi cứ nhìn vào tủ hàng mà tìm , rồi ra hiệu để mua, người bán hàng đưa thứ bạn đã chỉ, bạn đưa tiền và họ trả lại , có biết nói đâu mà hỏi, mà chọn. Bạn Hiệp chính là một bạn trai có mẹ đưa tiễn ở ga Hàng-cỏ , bà đã nhét vào va li cho con mấy quả chanh . Đó là một bạn đẹp trai, trắng trẻo và cân đối , ở cùng tổ với tôi .Nghe nói bạn là học sinh giỏi toán được giải Miền Bắc !

 

Ngày 2-9-1965(7 thángTám Ất Tỵ)-(Nhật ký của anh Trị)

          Hôm nay là Quốc khánh ,chúng tôi ăn mặc gọn gàng và đi giầy (phần lớn đều mặc quần pha len, chiếc quần của bộ comple ) . Sáng nay tàu vẫn còn chạy trên địa phận  Hà nam ,vẫn là một tỉnh thuộc vùng bình nguyên lớn , nhìn ra  bốn phía đều là đồng ruộng ,phẳng đến lạ lùng , chân trời sát với đất bằng , không có núi . Trên đồng vẫn còn những thửa ruộng lúa mì trĩu bông . Nông dân ở trong những căn nhà xây gạchNgười ta dùng bò và ngựa để cày ruộng . Đất đai có vẻ rất phì nhiêu.Ven đường rất nhiều những cây liễu trôi vùn vụt về phía sau .Thi thoảng có những bãi cát trắng tinh khá rộng  gần giống như ở quê của mẹ tôi .Tàu chạy qua một nhà ga , trên ga có một đoàn tàu chở rất nhiều ôtô,cái nọ châu đầu vào cái kia.

Qua đất Hà Nam , sang đất Hà Bắc .Tôi có cảm tưởng như từ Hồ Nam trở đi tàu chạy nhanh hơn rất nhiều . Nửa buổi, tàu dừng ở ga Thạch Gia Trang .Thành phố này là thủ phủ tỉnh Hà Bắc nhưng hồi ấy tôi chẳng có ấn tượng gì. (Tôi đâu nghĩ rằng 7 năm sau tôi đã trở lại sống ở nơi đây gần một năm trời, thực tập sản xuất phân bón Urê . Cũng chính nơi đây , duyên phận đã mang đến cho tôi một người vợ yêu quý để cùng nhau xây đắp một gia đình , cùng nhau sẻ chia mọi nỗi vui buồn  trong suốt cuộc đời ). Chỉ nhớ là khi đó tôi cũng xuống ga cùng các bạn. Anh Trị xuống tàu cùng một chị bạn hồn nhiên ,nói với tôi đó là chị Tư ,tổ trưởng tổ anh. Anh Trị mua một hộp dao cạo râu màu vàng , bên trong có gương soi ; đẹp quá. Tôi cũng mua một hộp; cái hộp dao cạo này tôi đã dùng trong 6 năm ở Rumani !

Gần trưa , tàu dừng lại ở một nhà ga ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ nhìn thấy cột ăng ten của Đài phát thanh Bắc Kinh chứ không nhìn được đường phố. Một đoàn đại biểu của sinh viên Việt Nam -Trung Quốc và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ra đón , thăm hỏi sức khỏe và động viên chúng tôi .Tôi có cảm giác chúng tôi không phải là những học sinh mà là những người quan trọng hơn nhiều , là hạt giống , là hy vọng cho ngày mai chiến thắng của quê hương đất nước! Anh Trị ghi lại trong nhật ký như sau:

“...Tàu đưa chúng tôi đi theo hướng Đông -Bắc,qua một vùng núi đất thấp , ven sườn núi có những đàn cừu trắng như bông và những đàn bò đang ăn cỏ .Trên đường thấy nhiều xe song mã ;nông dân cày ruộng bằng cả một cặp đôi bò hoặc ngựa .Nhà ngói  thấp ,cửa kính ,có lẽ mùa đông có tuyết phủ . Chập tối , tàu đi qua gần bờ Bột Hải .Ôi ,biển mênh mông quá ! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển nhưng thật tiếc lại không phải là biển Việt Nam như tôi từng mơ ước . Bột Hải hôm đó không có sóng lớn , mặt biển phẳng lặng, trắng mờ trong sương chiều , có nhiều tàu lớn nhỏ ngoài xa và ven bờ .Bên bờ trái có một mỏm núi đen xẫm nhô ra, nhìn như một con tàu đang sắp nhổ neo ra khơi .Qua khoảng mươi km nữa , tàu dừng ở ga Sơn Hải Quan để lấy nước .Từ đây, chúng tôi nhìn về phía Bắc, thấy Vạn lý trường thành mờ xám , ngoằn ngèo, nhấp nhô, thành một vệt xẫm, như một con trăn khổng lồ dài đến tít tắp.Trong đầu lại vang lên những câu thơ :

Nàng Mạnh Khương xưa ,mùa đông ,

bơ vơ đi , mang áo rét cho chồng ,

 đắp Trường thành Vạn lý ......Văn Thiên Tường ơi ..(Tố Hữu)”.

Tầu đi về phương Bắc trên đất Liêu Ninh .Tối đó trời có vẻ lạnh hơn .Nhiệt độ trong toa khoảng 18 độ C.Đêm đến , khi nằm trên giường tầng 2 , tôi lại trằn trọc như những đêm trước . Ở nhà , tôi vẫn quen thức khuya , nay vẫn chưa quen ngủ sớm nhưng đến giờ đành phải đi nằm. Chúng tôi đã cách xa nhà cả mấy ngàn cây số rồi . Mãi sau , trong nhịp điệu  dập dềnh của đoàn tàu như võng ru , tôi cũng mơ màng thiếp đi, chìm vào giấc ngủ . Khi tôi sực tỉnh , hé mắt nhìn  thấy anh nhân viên Trung Quốc đang kéo chăn đắp cho bạn bên cạnh , rất lặng lẽ , nhẹ nhàng,canh chừng cho giấc ngủ của chúng tôi .Tôi nhìn thấy anh đi  xem xét từng giường một Có lẽ đã quá nửa đêm .Thật cảm động quá , như những bà mẹ chăm cho giấc ngủ của con mình ! Hình ảnh anh nhân viên với khuôn mặt trẻ trung ,tóc cắt ngắn , hồng hào trong chiếc áo trắng ấy  in đậm dấu ấn trong ký ức của tôi.

 Sáng ngày 3-9-1965 , tàu chạy trên đất tỉnh Cát Lâm . Khoảng 7 giờ , tầu dừng ở ga Trường Xuân , một thành phố công nghiệp nổi tiếng của Trung Quốc với ngành công nghiệp ô tô , và một xưởng phim lớn  .Chúng tôi nhìn thấy mấy cột ăng ten cao vút của Đài phát thanh Trường Xuân , nhiều ống khói nhà máy, đường phố rộng với nhiều xe đạp và cả buýt chạy  điện .Tuy vậy phần lớn nhà cửa đều là hai tầng . Trong ga , một đoàn quân Giải phóng đang lên một chuyến tàu bên cạnh. Những ngôi sao đỏ trên mũ lưỡi trai của các anh , lấp lánh trong nắng ban mai . Ăn sáng ở Trường Xuân .

Từ đây , tàu chạy theo hướng Đông- Bắc, qua vùng đồng ruộng bạt ngàn  những lúa mì , ngô , cao lương. Ngoài đường người ta đã mặc áo rét . Đến trưa, qua Cáp Nhĩ Tân –một thành phố rất to đẹp . Ăn trưa  .

Tàu vượt qua Hắc Long Giang khi trời chiều , đi thẳng lên phía Bắc , đến vùng đồng cỏ rộng lớn hơn. Chúng tôi vừa ăn tối vừa ngắm cảnh bên ngoài cửa kính .Tối hôm đó trời mưa nhẹ . Đêm nay , tàu sẽ đi qua phần đất phía đông của Khu Tự trị Nội Mông , nhằm hướng Mãn Châu Lý tiến tới .

Đêm nào trước khi ngủ được tôi cũng trằn trọc, thả hồn về phương Nam , về với gia đình ,với trường ,với bạn cũ , với cuộc sống cam go nhưng sôi nổi đầy mộng mơ của tuổi học trò. Nhưng đang sức trẻ , sáng nào tôi cũng tập thể dục đều , bám thành giường đánh xà, chống tay ...Một số bạn khác cũng làm theo . Ăn uống tốt nên sức khỏe tăng lên rõ rệt . Ban ngày thi thoảng tôi lại hát cùng những bạn khác .Tôi không biết tiếng Trung Quốc nhưng lại biết vài bài hát Trung Quốc. Ban ngày vui hơn .Thi thoảng anh Trị dẫn các bạn khác đến chỗ tôi chơi . Đoàn chúng tôi gồm những học sinh từ khắp các tỉnh trên Miền Bắc và nhiều bạn học sinh trong những trường chuyên của con em Miền Nam tập kết . Cũng có thể nói là học sinh trên toàn quốc .Tôi mới quen có chị Tư, anh Tiến , anh Tứ và Bùi Thọ Mạnh (Hà nội) ...từ trên chuyến tàu này .Tứ người Hưng yên , quê gốc của gia đình tôi ; Tiến người Hải Dương , nhưng thuở ấy hai tỉnh là một (Hải Hưng). Khi người ta đi xa tổ quốc, người cùng một nước gặp nhau cũng thân thiết  , huống chi là cùng quê !

Chúng tôi giữ nghiêm kỷ luật . Mỗi khi xuống sân ga đều không đi quá xa toa tàu của mình ; luôn để ý xem khi nào nhân viên hỏa xa phất cờ lên toa là có mặt ngay. Tàu chỉ dừng rất ít thời gian , dài nhất cũng chỉ 5 -10 phút. Thành thử các bạn ở những toa khác , chúng tôi không làm quen với họ được .Trường cấp III của tôi  trong đợt đó ngoài tôi và anh Trị ra , còn một bạn nữa tên là Vũ Quý học ở lớp10A, không rõ tập trung ở đâu, cũng được đi Bungari cùng đoàn này.Thế nhưng trong suốt chuyến đi chúng tôi không gặp nhau  lần nào . Mãi sau này , khi học năm thứ nhất ,chúng tôi mới viết thư được cho nhau !

Cao Văn Kỳ

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 1
  • 1374
  • 22,362,869