Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KỶ NIỆM 50 NĂM TRÊN CHUYẾN TẦU LIÊN VẬN QUỐC TẾ HÀ NỘI - BUCAREST

  13/05/2016

Tháng 8/2016 này vừa đúng nửa thế kỷ là ngày kỷ niệm 50 năm cuộc hành trình trên con tàu liên vận quốc tế của đoàn du học sinh Việt nam lên đương sang nước bạn Rumani . Tôi là một trong số  trên 250 lưu học sinh trên chuyến tàu liên vận năm  ấy . Nhân dịp kỷ niệm này, tôi muốn ôn lại chặng đường đã đi qua : Ngày ấy chúng tôi đại đa số là những học sinh nông thôn vừa tốt nghiệp cấp III hệ 10 năm được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp triệu tập từ ngày 25 tháng 8/1966  để học chính trị và những quy định của Bộ đối với lưu học sinh . Do khi đó chiến tranh phá hoại của Mỹ  đã  đánh ra miền Bắc nên thời gian tập trung cũng chỉ khoảng hai tuần ở trường Đại học kinh tế Quốc dân ở Hà nội . Việc chuẩn bị cho chuyến đi cũng được gấp rút , như đã nói ở trên là đại đa số chúng tôi là con em cán bộ và ở nông thôn nên khi ra đến Hà nội cũng còn rất nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm nhưng cũng mang nhiều hoài bão và khám phá . Thời gian tập trung cũng trôi đi rất nhanh và vào ngày 5/9/1966  chúng tôi được đưa ra Ga Hàng Cỏ ( Ga Hà Nội ngày nay ) và chúng tôi được mặc những bộ đồng phục gabadin Tô Châu màu xanh xẫm  và đi dày ilich ( dày da ) do nước Bạn viện trợ mà trong lòng cứ lâng lâng khó tả ., cuộc tiễn đưa đầy cảm động và cũng nhanh chóng kết thúc , Đoàn tàu đã bắt đầu lăn bánh sau tiếng hú dài , những tiếng gọi những cái vẫy tay khuất dần theo nhịp tàu xình xịch lăn bánh và nhanh chóng rời xa nhà Ga .Sau nhiều giờ chạy chúng tôi đã tới Ga Đồng Đăng – Lạng Sơn . Tại đây Đoàn được nghỉ để làm thủ tục xưất cảnh và đoàn tàu lại tiếp tục lăn bánh , con tàu từ từ qua các địa danh gần biên giới , khi tiếng còi tàu bắt đầu rú lên một hồi  lanh lảnh là lúc chuẩn bị tiễn biệt biên giới Viết – Trung . Tàu chạy chậm và được loa phóng thanh trên tàu thông báo chuẩn bị qua cửa khẩu Hữu nghị Quan . Tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều dõi mắt qua khung cửa sổ của toa tàu để chiêm ngưỡng Hữu nghị Quan một địa danh đã đi vào lịch sử . Bất kể ai cũng đã được đọc hoặc nghe kể về các giai thoại của  các Trạng nguyên , Bảng nhãn như :  Giang văn Minh, ,Mạc đĩnh Chi , Lê quý Đôn , Phùng  Khắc  Khoan ( Trạng Bùng ) .  v..v  khi đảm nhận sứ mệnh đi sứ trong các lần bang giao của các triều đại phong kiến trước đây .Đây thật sự là dịp may hiếm có đối với tôi và cả đoàn có dịp chiêm ngưỡng những dấu ấn và những hình ảnh về một vùng biên cương tổ quốc .Những hình ảnh Hữu nghị Quan ngày ấy luôn khắc sâu trong tâm trí tôi mãi cho tới ngày hôm nay mặc dù nó đã trải qua nửa thế kỷ , Tàu tiếp tục đến Ga Bằng Tường thuộc nước CHND Trung Hoa . Tại đây chúng tôi được chuyển lên tàu Liên vận Quốc tế với khổ đường tiêu chuẩn 1435 . Các toa tàu vừa cao , to hơn , mỗi toa lại được chia làm các coupon và có các giường tầng để cho hành khách nằm mỗi giường được trải đệm và bọc ga trải giường trắng tinh . Đây là lần đầu tiên đối với tôi và chắc các anh em cùng đoàn cũng vậy . Mỗi coupon có đủ bộ ấm chén trà và phích nước  . Rời Bằng Tường đoàn tàu chạy êm với tốc độ khá cao trên 100km/giờ ở thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước . Nhân viên phục vụ trên tàu khá chu đáo , Tàu cứ lao vút về phía trước và bỏ lại các Ga xép , thỉnh thoảng dừng lại ở các Ga chính của các thành phố lớn như : Nam Ninh, Quế Lâm , Liễu Châu  ( Thuộc Tỉnh Quảng Tây ) Dương Châu , Trường Sa  ( Hồ Nam )  qua  sông Trường Giang rộng lớn nối hai bờ Trường Giang là Thành phố Vũ Xương  ở  phía nam và Hán Khẩu ở bờ Bắc  nay được hợp nhất là thành phố Vũ –Hán , rồi Trịnh Châu  ( Hồ Bắc ), Ga  Hàm dương , Trịnh Châu qua Trịnh Châu là sông Hoàng Hà rộng lớn rồi Khai phong, Lạc Dương  ( Hà Nam ), Thạch gia Trang , Bảo Định  Sơn  ( Hà Bắc  ) và  Ga  Bắc Kinh  .

Đến Bắc Kinh đoàn được đón tiếp và đưa về Khách sạn Bắc Vĩ . Tại đây chúng tôi được ăn ngon và tắm rửa  sau mấy ngày đêm ăn ngủ trên tàu . Bữa ăn đầu tiên chúng tôi được K/S phục vụ  phải trên 10 người ngồi quanh một bàn tròn to tướng thức ăn có hàng chục món thật thịnh sọan , thật choáng ngợp và thơm ngon hợp khẩu vi , lần đầu tiên được thưởng thức các món cơm Tàu , Thật buồn cười và ấu trĩ khi nghĩ lại khi ngồi bàn tròn các bạn đói ăn cứ quay mâm để lựa chọn và gắp các món mình thích nên tạo ra nhiều hình ảnh phản cảm, thật ngộ nghĩnh . Sang hôm sau cả đoàn được đi thăm Cố Cung , cả một vùng kinh đô của nhiều trăm năm của các chế độ phong kiến phương bắc , rồi lại được đi thăm Di Hòa viên vv và vân vv. Trên đường đến Cố Cung hai bên đường tràn ngập cờ , biểu ngữ , khẩu hiệu của Cách mạng văn hóa . Chúng tôi được các bạn tặng rất nhiều tuyển tập Mao Trạch Đông với bìa Nilon đỏ đẹp sặc sỡ , lại cả Huy hiệu Mao chủ Tịch , Đâu đau cũng vang tiếng ca .” Đông phương hồng “  để ca ngợi Mao Chủ Tịch , rồi từng đoàn Hồng vệ Binh mặc đồng phục và đeo băng rôn đỏ có mặt ở khắp nơi . Rời Bắc kinh đoàn tàu tiếp tục lao về phía bắc qua các cánh đồng , các nông trang rồi các thành phố  như  Liêu Ninh , Kiết Lâm , Hắc long Giang  rồi tới Ga Mãn Châu Lý . Đến Man Châu Lý vào nửa đêm . Tàu dừng lại để làm thủ tục và nhà Ga làm nhiệm vụ đổi các bánh xe dưới toa để chuẩn bị chạy trên tuyến Bai Can – Amua – Mascơva  xuyên Siberi . Lại lần đầu chúng tôi đặt chân tới ga biên giới Nga – Trung .Ga biên giới với Nga có tuyến Mãn châu lý – Baikan , tuyến thứ 2 giữa biên giới Nga- Trung qua   Ga  Na –ut –skin ( nautskin ) Tuyến thứ ba trên tàu liên vận quốc tế xuyên Siberi  chạy qua Mông cổ qua ngoại ô Ulan-bato rồi qua biên giới Mông cổ -Nga và xuyên Siberi.Rời  Trung Quốc nhiều anh chị em không cầm được nước mắt vì bịn rịn không nỡ chia tay thời gian trên tàu tuy ngắn ngủi song do các đồng chí phục vụ trên tàu rất nhiệt tình chu đáo và thân thiện nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ về tình hữu nghị trong sáng ở thời điểm đó.Sau này tôi cũng có dịp qua Rumani và cũng trên tuyến đường liên vận ấy và qua cửa khẩu Nautskin vào những năm đầu thập kỷ 70 và đã có những cảm xúc và ghi lại những dấu ấn mùa thu Siberi  qua bài thơ  :

                  Nửa đêm đến Nautskin

                 Trời mùa thu êm đềm

                  Ôi nước Nga đẹp quá

                  Gặp rồi nay thấy lạ

                  Rừng Bạch dương bao la

                  Như reo đón mừng ta

                  Từ xứ sở cách xa

                   Nước Nga muôn vạn dặm

                   Rừng taiga mênh mông

                   Cánh rừng thưa trải rộng

                   Đẹp thay rừng taiga

                   Ôi đẹp thay nước Nga .

                              Tháng 9/1974

Ga đầu tiên trên tuyến Bai can –Amua là cửa khẩu Manchuly thuộc nước CH Tarskaya ( CH tac- ta)( phía TQ gọi là Mãn châu ) sau đó là thành phố CHITA ,rồi Ulan Ude , Ỉrkutsk nổi tiếng với -50oC vào mùa Đông Siberi . Mùa thu ở Siberi thật tuyệt đẹp , những rừng Taiga trải rộng ,  những cây Phong lá đỏ au rực rỡ , xen lẫn là bạt ngàn bạch dương lá đã nhuộm màu vàng óng . Thật là tuyệt vời với bức tranh sơn mài thiên nhiên vừa hoành tráng vừa hùng vĩ . Trên tàu mỗi chúng tôi được trang bị một cốc thủy tinh mỏng trong suốt và được đặt vào một đế có tay cầm mạ bạc trắng có các hoa văn thật trang nhã và đẹp.  Lần đâu tiên chúng tôi được uông nước chè đen pha đường và lát chanh vàng óng trong những chiếc cốc và đế có quai như những đồ dùng trong các cung điện thời phong kiến .  

Chúng tôi tới vagon ăn uống và bắt đâu làm quen với bộ dao dĩa và thìa thay cho đôi đũa  .

Nhiều bạn  đang cố loay hoay với bộ đò ăn mới . Điều làm cho chúng tôi ghi dấu ấn chính là những bát súp ( Salenka  ) màu đỏ ối sực mùi  thơm ngon và một chút váng sữa trên mặt bát súp đó là màu đỏ của củ cải đường . Chúng tôi băt đầu làm quen với các món ăn hãy còn xa lạ khi ở Việt nam . Ấy là các món  : bánh mì  , bơ , pho mát mặn  mùi xà phòng , rồi xúc xích Nga vv và vv ..

Tàu  tiếp tục qua các Ga của các thành phố : Sverobaikalsk, tàu chạy men theo bờ Baikal , ôi sao nó rộng và nước trong xanh , sóng đập vào vách đá mạnh và dữ dội , tạo bọt trắng xóa , các đợt  sóng cao  và có cảm giác như biển cả . Tôi cố phóng tầm mắt nhìn xa song chỉ một màu xanh đậm không thể nhìn thấy được bờ bến . Quả thực quá mênh mông và không khác gì là biển cả ,   tàu chạy suốt gần một ngày trời mà chỉ được một phần ba chiều dài của hồ , Tôi cũng đã từng đọc các trang tiểu thuyết về cuộc chiến tranh vệ quốc  vĩ đại của Nga và xem nhiều bộ phim Nga , thời bấy giờ chỉ có phim Nga và Trung Quốc , về Hồ Baikal , về Siberi song đây là lần đầu tiên mục sở thị được chứng kiến Siberi, Baikal nó to lớn và hùng vĩ làm sao ? Chuyến đi này tôi đã cố gắng ghi nhớ những địa danh và những hình ảnh nơi mình đã đi qua , Những lần sau vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước khi đi qua Bailkan tôi lại sực nhớ những năm 65 có ai đó khi đi qua Baikal đã để lại hai câu thơ :

                 Bailkan sóng vỗ ỳ ào

                 Nghe đâu có một thi hào qua đây .

Và  nghe đâu sau này anh ấy có bài thơ tình bất hủ khiến nhiều lưu học sinh học thuộc và truyền lại cho lớp sau . Tàu liên vận  chạy tốc độ cao qua nhiều tỉnh và các thành phố lớn : Novosibirsk , Omsk ,Tumen , Yakaterinburk , Perm, Kirov , Nhiznui Gorod, và ga cuối cùng của tuyến liên Mascơva –xuyên Siberi là Yaroslavsk ( Ga phía đông Mascơva )

Đến Ga Moscơva đoàn được hội sinh viên , nghiên cứu sinh VN tại đây đón tiếp. Lần đầu tiên đến mọi thứ đều bỡ ngỡ , từ nhà ga , các đoàn tàu , người qua lại . Ôi sao nó to , nó lớn làm vậy , song mọi sự ngỡ ngàng và lạ lẫm nhanh chóng bị bỏ lại do sự đón tiếp nồng nhiệt . Chúng tôi nhanh chóng được đưa về ký túc xá của Trường Điện Mascơva ( Trường MEI )  và một số sang khách sạn Bông lúa vàng ( zaloto Kolos ) gần khu  Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân toàn liên bang xô viết gọi tắt là khu ( VĐENX – ve đen kha)   và gần tháp truyền hình cao nhất thế giới thời những năm 60 . Tháp Ô Stan –kino . Thú thực lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga quê hương của Cách mạng tháng 10 nơi mà chỉ cách đấy mấy tháng chúng tôi nằm mơ cũng chẳng thấy vậy mà nay thực sư đã tới , thật khó mà diễn tả nổi tâm trạng khi ấy và thời gian cũng đã trôi qua nửa thế kỷ .Điều đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn là nghỉ ngơi và đi tắm rửa  vì thời gian ở trên tàu chỉ được đánh răng rửa mặt và lau người do nguồn nước trên tàu bị hạn chế . Do mới sang châu Âu nên mọi căn dặn cũng chưa quen , chúng tôi vội vã đến phòng tắm tập thể của ký túc xá , do không quan sát và cũng không phân biệt được phòng nào của nam hay nữ nên cứ ùa vào và vô tình đã vào nhầm phòng tắm tập thể chị em Tây  còn ở lại ký túc xá  ,Thật sự kinh khủng khi tiếng la ó , mắng nhiếc phát ra và sau đấy là sự bẽ bàng ,và  xấu hổ và là kỷ niệm khó phai mờ . Sau một đêm ngon giấc đoàn được đến thăm Hồng trường và xếp hàng vào lăng  viếng Lenin đây lại là sự kiện nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi thời bấy giờ .

Để tiếp tục cuộc hành trình , đoàn được chuyển đến Ga phía tây của Mascơva : Ga Kiev    để tiếp tục qua Kiev thủ đô của  CHXHCN Ucraina, qua các nông trang rộng lớn của vựa lúa mì và ngô của Liên xô trước đây , qua Ucraina thì tới Kishinov thủ đô của CHXHCN Moldavi chạy qua Moldavi tới biên giới với miền Moldova của Rumai . Tàu đỗ ở ga Iasi thủ phủ của Moldova , thành phố đẹp và cổ kính , sáng ngày hôm sau đoàn chúng tôi đã tới Gara de Nord của Thủ đô Bucaret vừa kết thúc chuyến liên vận Quốc tế đầu tiên trong đời  . Sau khi làm xong các thủ tục nhập cảnh và thủ tục tiếp đón của trưởng đại diện phụ trách lưu học sinh, sinh viên anh Lâm Quế  rồi xe đưa chúng tôi về cămin ( ký túc xá ) trên đại lộ  Splaiul Independentei – Grozơvesti . Hình ảnh không phai mờ trong tâm trí tôi trong suốt 50 năm qua đó chính là hình  ảnh anh Lâm Quế  Phụ trách Lưu học sinh  đứng trên môt điểm cao ngoài khoác áo dài mùa thu màu vàng nhạt ( áo măng tô )  kiểu châu Âu dõng dạc phát đi như mệnh lệnh trong các phim Nga khi chính ủy đứng trước hàng quân chuẩn bị cho trận đánh  mà tôi đã từng xem khi ở Việt Nam .

Thế rồi những ngày đầu tiên ấy cứ như trong mơ đeo đẳng suôt cả tuần , cả tháng. Ngày hôm sau, chúng tôi được dẫn đến cửa hàng Copil – Magazin Victoria để lựa chọn bộ comple và áo ấm  mũ bịt tai, găng tay, tất và các trang  bị cho  mùa đông ở châu Âu . Chúng tôi đựợc đại diện nhà trường và các anh chị năm trước hướng dẫn và lựa  chọn ….

Thế rồi những ngày đầu tiên ấy, những kỷ niệm ấy từ khi mới đặt chân lên nước Rumani, xứ sở của hoa hông gai và những làn điệu dân ca (Hai dunărea…mea) của miền quê  theo dọc triền sông Danúyp  (Dunărea)  cứ  thấm dần theo năm tháng và nay nó đã trở thành Rumani xứ sở thân thương và là quê hương thứ hai của mỗi lưu học sinh, sinh viên chúng ta . nó sẽ tồn tại trong máu và chảy theo  dòng nhiệt huyết và  theo cùng năm tháng  như dòng chảy của con sông Danúyp  mến yêu  ./.

  ĐẶNG  TRẦN  GIAO   

               CỰU   SV IPGG- Bucaret - 1966- 1972

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 32
  • 435
  • 22,479,095