Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI SINH VIÊN.

  14/09/2016

1-Những ngày đầu bỡ ngỡ .

Vài ngày sau đó khoảng giữa tháng 9-1965 ,hơn 50 người chúng tôi dẫn đầu là anh Nguyễn ngọc Hùng ,chuyển về khu ký túc xá sinh viên của trường Đại học Bách khoa (có tên gọi là Complexul studentesc Regie) trên đường Splaiul Independentei bên cạnh  sông Đưm-bô-vit-sa. Các anh Tứ ,Tiến ,Manh ,Hiệp... ,các chị Tư, Tú, Năng ,Huệ ,Nữ Anh ,Mai ,Thọ ,Bình   ... về trường Bách khoa cùng với tôi . Anh Trị ở lại để chuyển về trường Xây dựng  sau .Nam giới chúng tôi ở Nhà L (Blocul L) ,các bạn nữ ở nhà khác .Thật may mắn cho chúng tôi là có anh Nguyễn ngọc Hùng ở cùng .Khối nhà này nằm ở phía Đông –Nam khu ký túc xá. Anh Hùng là người duy nhất biết tiếng Rumani , là kỹ sư  tốt nghiệp khoa Luyện kim trường Đại học Bách khoa Bucaret trước đó vài năm ,nay cùng sang làm nghiên cứu sinh khóa 3 năm để lấy bằng Phó tiến sĩ .Mọi việc liên quan đến ăn ở của chúng tôi đều do anh đảm nhiệm cùng nhà trường bạn lo toan  ,xắp xếp. Cái gì cũng hỏi anh ,chúng tôi có địa chỉ chính thức nên viết rất nhiều thư về nước cho gia đình ,cho bạn bè và tất nhiên cũng hỏi anh cách đề phong bì và ghi địa chỉ thế nào!

Hồi đó ở Rumani có khoảng hơn một chục sinh viên Việt nam đều đang học  tại Bucaret.Tôi chỉ biết có mấy anh chị học Trường Nông nghiệp trong đó có anh Đảm ,vài anh học Trường Dầu khí - Địa chất ,trong đó có anh Phan Từ Cơ đang học năm thứ 3,anh Chiến ,chị Hương mới học xong năm dự bị ... ; Trường ĐH Y khoa  có anh Minh béo cũng đang học năm thứ 3/6.

Khi chúng tôi đến Bucaret ,các anh chị rất vui mừng .Mặc dù việc học tập rất bận rộn  nhưng các anh chị thường xuyên thay nhau đến thăm hỏi ,hướng dẫn chúng tôi như các anh chị em ruột trong gia đình .Các anh chị hướng dẫn cho chúng tôi từ cách đi đứng ,giới thiệu về phong tục tập quán của người Rumani . Các anh đưa chúng tôi đi thăm vài đường phố lớn ,thăm công viên Cismigiu ở trung tâm thành phố. Công viên rất đẹp và rộng ,đi mỏi chân chưa hết Chúng tôi đã chụp ảnh ở đây ,trong ảnh có tôi ,các anh Lập, Hiển, Tứ , Hiệp ,Liên...và các chị Huệ ,Mai ...Đó là y phục chúng tôi được phát từ trong nước ,khi đó so với y phục của họ thì y phục của chúng tôi như “nhà quê ra tỉnh “ thôi .

Bận rộn nhất và vui vẻ nhất là khi các anh chị phân công nhau cùng với đại diện của nhà trường đưa chúng tôi đi mua quần áo .Nhà nước Rumani cấp cho chúng tôi mỗi người một  áo mùa đông , một  áo mùa thu và một khăn quàng cổ. Bạn cử người đưa chúng tôi đến một cửa hàng rất to ở trung tâm để tự chọn.Bọn chúng tôi rất lớ ngớ , chưa biết tiếng Ru ,cũng chẳng biết mặc thế nào cho đẹp, cho đúng .Nhờ có các anh chị bảo ban, giúp chúng tôi lựa chọn cho mình áo rét mỏng mặc mùa thu , áo rét dày hơn để mặc mùa đông . Ngày hôm đó như một ngày hội Các bà,các chị  nhân viên bán hàng sau khi được nhà trường giới thiệu thì rất vui vẻ chọn giúp chúng tôi .Tấp nập ,tíu tít ,ồn ào .Những người phụ nữ Rumani xinh đẹp , da trắng hồng ,dáng người thon thả mặc áo blu trắng nhìn ngắm chúng tôi rồi tự tay lựa chọn .Chỉ khổ mấy anh chị sinh viên cũ cứ phải  luôn miệng dịch cho chúng tôi ,mệt toát mồ hôi .Tôi có cảm tưởng như những người bán hàng đang chọn lựa y phục cho chính con em họ vậy. Cửa hàng đầy ắp những quần áo ,giầy tất ,treo trên mắc ,xếp trên các giá. Tuy không giao tiếp được nhưng tôi cảm thấy rất ấm áp tình người. Những người thấp bé như tôi thật khó chọn .Có những bạn nhỏ người hơn cả tôi thì càng khó khăn hơn .Khổ người tôi chỉ chọn được số nhỏ nhất. Các chị các bà sau khi tìm đi tìm lại ,cuối cùng thì  cũng chọn được cho tôi chiếc áo mùa thu bằng một loại vải pha ni-lông màu xẫm ,chiếc áo dạ mùa đông màu đen dầy và một chiếc khăn len .Tất cả đều lấy ở gian hàng tầng 2 .Những thứ này tôi dùng trong suốt 6 năm học tập ở Rumani ,rồi mang về nước .

Trên tầng 3 của nhà hàng , có một quầy chụp ảnh tự động ,lấy ngay. Một anh sinh viên trường nông nghiệp đưa chúng tôi lên đó ,bảo vào chụp ảnh để làm thẻ mua vé tàu điện theo tháng , sẽ tiết kiệm được nhiều vì vé tháng cho sinh viên được giảm giá .Tôi chui vào cái quầy đó , anh ấn nút và trên cửa máy đùn ra một tờ 6 ảnh màu nhờ nhờ cỡ 4x6 .Hôm đó tôi chưa có cravat ,cũng chẳng kịp chải đầu , nhìn cái ảnh thấy rất hồn nhiên , hơi ngố ,nhưng tôi chẳng để ý gì và trong năm đó cũng như những năm sau này tôi vẫn dùng cái ảnh đó để mua vé tháng đi tàu điện.Sau một ngày trời vất vả vì chạy đi chạy lại ,vì luôn miệng nói hai thứ tiếng ,các anh chị về nghỉ. Hôm sau lại có anh khác đến ,đưa chúng tôi đi mua vé tàu điện tháng .

Tuần lễ sau đó các anh các chị không đến chỗ chúng tôi nữa vì phải chuẩn bị cho năm học mới .Chúng tôi cảm thấy trống vắng nhiều .Những tình cảm của các anh chị dành cho chúng tôi trong những ngày đầu tiên xa Tổ quốc ấy chẳng bao giờ tôi có thể quên được .

2-Ký túc xá .

 Ký t úc xá sinh viên này có tên gọi là “Complexul studentesc Regie” nghĩa là Ký túc xá Sử dụng  Đồng bộ của sinh viên,rộng lớn và hiện đại.  

Hơn 40 anh em nam giới chúng tôi ở Nhà L nằm ở phía Đông –Nam khu ký túc xá .  Đây là khu ký túc xá mới xây dựng theo thiết kế hiện đại , đồng bộ cho sinh viên với rất nhiều khối nhà (gọi là các bloc),nằm trên khu đất rộng bên bờ Đông con sông Đưm-bô-vit-sa. Khi chúng tôi đến ,nơi đây vẫn còn đang xây dựng tiếp những khối nhà khác,các nhà có đóng biển chữ (A,B,C....),nam ,nữ ở riêng nhà.

Các khối nhà mới xây dựng đều giống nhau .Mỗi khối nhà đều cao 4 tầng ,chiều rộng khoảng 12m ,dài chừng 100m nằm dài theo hướng nam bắc .Bốn xung quanh nhà đều có đất trống, trồng cây ,trồng hoa ,cỏ và đường đi lại rải nhựa . Bên trong ,mỗi tầng đều chia làm hai dẫy phòng cách nhau một hành lang rộng chừng 2 m.Ở đầu nhà ,tầng I là sảnh vào ở phía Đông –Nam .Ở đây gồm có phòng khách chung với nhiều chỗ ngồi , có một chiếc Tivi (tất nhiên là đen-trắng,vì thời đó chưa có tivi màu ),có phòng làm việc của Trưởng nhà ;phía ngoài là kho sách vì chỉ chứa sách chứ không có phòng đọc .Phía sau là khu phòng thu trả quần áo và phòng máy giặt, sấy khô ,là ; kho đồ dùng ,dụng cụ .Giữa nhà ,liền kề với sảnh chung  là cầu thang lên các tầng chiếm gọn một nửa khoang .Các khu chung kể trên chiếm gần 1/3 tầng I .Còn lại đều là phòng ở cho sinh viên . Trên mỗi tầng đều có WC công cộng , có phòng của người phục vụ tầng, phòng để dụng cụ gần họng xả rác phía đầu nhà .Tất cả các phòng đều có cửa kính to gần hết tường bao , bên trong lắp rèm vải dầy.

Phòng ở của chúng tôi ở tầng II .Mỗi phòng ở dành cho 2 sinh viên. Đó là một căn phòng có kích thước bên trong khoảng 3,2m x 4 m ,có của mở ra hành lang ,đối diện là cửa sổ lắp kính suốt chiều rộng căn phòng , có rèm dầy.Qua cửa vào là 2 tủ đựng quần áo nằm ở một bên ,bên kia là chậu rửa , có gương soi ,nơi để rửa mặt, đánh răng, ...và lấy nước uống từ van vòi .Tiếp tới là giường ngủ (tất nhiên là giường đệm lò so) , tiếp nữa là bàn học  kê sát cửa sổ ,mặt bàn bằng chất chất dẻo chống cháy, có một đèn bàn ; trên tường có giá sách và một cái đài để nghe tin tức , ca nhạc theo đài phát thanh TW. Hai sinh viên hai bộ như thế kê hai phía , giữa là lối đi lại rộng chừng 1,5 m .Giá sách rộng khoảng 80 cm ,cao chừng 1 m, có 4 ngăn ,treo lên tường bằng những bu lông chìm .Sàn nhà lót bằng chất dẻo màu xanh nhạt rất sạch .Phòng ở nào cũng vậy .Mỗi tầng có hai bà phục vụ lau dọn nhà , thay chăn, ga, gối .Quần áo của sinh viên thì tự mình phải mang xuống phòng giặt là để các chị các bà giặt, sấy, là  ,kể cả bít tất và mùi xoa nếu muốn .Sinh viên không phải nhúng tay vào bất kỳ một việc gì ,ngoài việc học tập ,nghỉ ngơi .Tất cả các loại giáo trình ,sách in cho học tập đều có thể mượn ở kho sách dưới tầng I ,học hết môn mới trả hoặc gia hạn mượn thêm nếu cần học lại  .Có thể nói tất cả các loại sách học trong ngành của mỗi sinh viên đều có đủ cho mọi người mượn.Tôi chưa hề cảm thấy thiếu bất kỳ quyển sách nào mà các giáo sư dùng để giảng bài cho chúng tôi lại không mượn được ở kho sách của ký túc xá .

Phía đông nam  khối nhà chúng tôi ở có một khu vườn cây với những hàng bạch dương khá to ; phía tây nam là con sông Đưm-bô-vit-sa  chứa toàn nước thải nhưng không có mùi hôi ;hai bên bờ sông kè đá ,có lan can sắt chạy dài tít tắp .Thi thoảng có cây cầu nhỏ .Hai bên bờ sông trồng những cây liễu nhưng không dầy lắm. Dọc theo đường bờ kè và đường nhựa là con đường tàu điện chạy bằng bánh sắt trên đường ray có cần tiếp điện trên cao .Sau này tôi mới hiểu tại sao người ta gọi đường phố này là Splaiul Independentei (Spaiul tức là bờ kè, đê bao ; independenta là độc lập ; theo tiếngViệt có thể gọi là Phố “Đường bờ kè Độc lập! “ Thời đó , phía bờ bên kia sông ,chếch về phía tây có nhà máy hơi nước với mấy trụ ống khói bê tông luôn có hơi nước bốc lên mù mịt.Dọc theo đường tàu điện ,từ khu nhà của chúng tôi đi thêm về phía bắc chừng 2-3 km nữa là tới ngoại ô thành phố rồi .

Phía tây Nhà L  là nhà ăn sinh viên quay mặt ra bờ sông , có đường tàu điện chạy qua. Trước sau nhà ăn đều có vườn cây , bãi cỏ .Đây là một khu nhà to ,hai tầng .Nền nhà cao hơn mặt sân khoảng 1m .Tầng I là các nhà kho và các phòng làm việc của Trưởng nhà ,của các đầu bếp và nhân viên nhà ăn.Tầng II là phòng ăn với diện tích khá lớn ,ước chừng dăm bảy trăm mét vuông, bốn bên đều là kính ,có rèm che dầy  .Góc phía đông là nhà bếp ,với đủ loại xoong nồi bằng thép không rỉ sáng bóng, soi gương được.Hơi nước bão hòa và khí gaz được cung cấp theo đường ống cố định ,tôi cũng không biết họ dẫn từ đâu tới .Nhưng ở thành phố này , khí đốt để nấu ăn và hơi nước để chạy lò sưởi ,để tắm giặt ,đều dẫn đến tận nơi sử dụng theo đường ống .Người dùng chỉ việc mở van là có .Góc phía Bắc của khu bếp là các máy rửa bát , nhận bát đĩa từ một băng tải chạy suốt bức tường phía đông của căng tin. Ngăn cách giữa khu bếp và khu ăn là quầy phát thức ăn chạy suốt chiều rộng của căng tin .Diện tích còn lại kê đầy bàn ghế cho người ăn .Những năm sau này , chúng tôi được họp mặt liên hoan đón Tết Âm lịch tại căng tin này .

Đến nhà ăn , mỗi sinh viên lấy một cái khay , đi dọc theo quầy phát thức ăn và lấy các món ăn theo định xuất và dao ,dĩa rồi bưng về bàn ngồi ăn. Tất nhiên là bánh mì thì không hạn chế .Ăn xong lại bưng cả khay và bát đĩa đặt lên  băng tải , tự động chuyển vào khu rửa bát đĩa. Bát đĩa được rửa bằng máy , rồi xếp vào máy sấy khô ,chỉ cần một bà làm việc này là đủ.Các nhân viên nhà ăn đều mặc đồng phục trắng , các bà các chị đều trắng ,đẹp , môi son má phấn .Căng tin này phục vụ ba bữa /ngày cho khoảng trên 10.000 sinh viên .

Đi sâu vào trong khu khoảng vài trăm mét ,tức là phía Tây –Bắc căng tin có khu sân vận động .Ở đây có hai sân bóng đá.Một sân bên ngoài , sinh viên được dùng tự do vì là sân cỏ hoang .Sân bên trong là sân cỏ đạt tiêu chuẩn , cỏ trồng rất đẹp,có khán đài.Sân này dành cho các đội tuyển sinh viên , tương đương hạng B quốc gia trở lên thi đấu .Về sau , khi tôi học năm thứ 3 ,chúng tôi thi đá bóng giải sinh viên quốc tế được vào trận trung kết với đội sinh viên Châu Phi thì cũng được chơi trên sân này .

Đó là nơi ăn ở của chúng tôi .Thực ra có nhiều thứ sau này tôi mới biết chứ những ngày đầu bỡ ngỡ cũng chưa nhận biết được hết  khu sinh viên to lớn và hiện đại này .Đó là một khu ký túc xá nhưng cứ na ná như khu công viên , hay khu liên hợp học tập và nghỉ ngơi vậy .

Chúng tôi ổn định chỗ ăn chỗ ở trong khoảng thời gian mươi ngày. Đoàn chúng tôi từ Hà Nội sang có 99 sinh viên ,đã được xắp xếp về ba trường Đại học tại thủ đô Bucaret:Trường Bách khoa ,Trường Dầu Khí-Địa chất và Trường Xây dựng .Trong ba trường chỉ duy nhất có trường Dầu khí là có sinh viên Việt Nam đang theo học .

Rất may là trường Bách khoa chúng tôi có anh Nguyễn Ngọc Hùng cùng sang làm nghiên cứu sinh . Anh ở một phòng riêng nhưng cùng nhà với chúng tôi và phụ trách chúng tôi trong mọi việc giao tiếp, liên hệ với nhà trường và ký túc xá. Như một người anh trai ,anh hướng dẫn chúng tôi từ cách ăn ở ,đi lại và giao tiếp .”Nhập gia tùy tục “,các cụ ta thường nói vậy .Chúng tôi cần thể hiện cho bạn thấy bản chất tốt đẹp của người Việt nam mà vẫn phù hợp ,hòa đồng được với cuộc sống phương Tây văn minh  . Anh phổ biến cho chúng tôi biết những tập quán thông thường trong cuộc sống của người Rumani : nói năng nhỏ nhẹ ở nơi công cộng ,không cần hỏi về đời tư của họ ,nhất là không hỏi tuổi phụ nữ , không há miệng khi nhai thức ăn,không vào phòng người khác nếu không được mời  v.v... Tôi còn nhớ rõ cả những lúc anh nhắc nhở chúng tôi mỗi khi ra đường , quần áo phải được là phẳng phiu , giầy phải được đánh bóng,nếu mặc comple thì phải thắt cra-vát vv  ....như người Rumani thường  như thế .Những việc thường ngày ấy đối với chúng tôi hồi đó rất lạ lẫm và chưa thành thói quen  .Thời đó người Ru khi ra đường họ ăn mặc rất lịch sự ,đàn ông mặc âu phục ,comple , đàn bà mặc váy hay comple nữ. Ngay cả những bà phục vụ phòng ở ký túc xá cũng vậy ,trước khi tan ca các bà đều thay y phục , tô môi và trang điểm tý chút trước khi ra đường .

Rồi đến những việc chuẩn bị cho năm học mới , nhất nhất đều có anh chỉ bảo .Sau này khi chúng tôi học năm chuẩn bị thì anh càng vất vả hơn .Ai cũng quấn lấy anh để hỏi từ mới. Mấy chục người , chỉ mình anh là biết tiếng Rumani thôi .Nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh bực bội hay cáu gắt với chúng tôi .Mặc dù anh cũng phải lo cho việc học tập của bản thân. Năm đầu tiên làm nghiên cứu sinh , anh cũng phải ôn tập lại kiến thức cũ, rồi phải thi “minimum”nữa .Dáng người cao gầy với khuôn mặt hiền từ của anh không bao giờ tôi có thể quên .Sau này ,khi chúng tôi đã quen với nếp sống sinh hoạt và học tập rồi ,anh mới chuyên tâm vào đề tài nghiên cứu của mình .Tôi còn nhớ đề tài nghiên cứu của anh là chế tạo hợp kim BK dùng làm các lưỡi dao cắt gọt kim loại.Vào những năm 65-70 ,đây là một đề tài mới có hiệu quả kinh tế cao trong công nghiệp chế tạo cơ khí. Khi chúng tôi học năm thứ tư thì anh bảo vệ xong luận án và về nước. Mấy chục năm sau này tôi mới có dịp gặp lại anh .

Trước khi vào năm học mới ,các sinh viên Ru cũng lục tục kéo về ký túc xá. Chúng tôi được bố trí ở chung với sinh viên bạn .Mỗi phòng có một sinh viên ta và một sinh viên Rumani ở chung với nhau .

 

Cao văn Kỳ

                                          

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 5
  • 1543
  • 22,065,660