Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P6: RA VIỆN DẦU KHÍ

  03/12/2022

          6. RA VIỆN DẦU KHÍ

           Tôi ra Hà nội vào cuối 1989 song không thể trở về chốn cũ do không dâng được “Bình Ngô Sách”(!). Cũng có một người bạn cũ đồng ý nhận tôi về PV1, nhưng lại là ”PV-1 Hải Phòng”(!). Xa quá.Thế là tôi về Viện Dầu Khí theo lời mời rất chân tình của anh Nguyễn Giao. Anh Giao biết rõ sự việc và luôn là một người tử tế. Trong thâm tâm, tôi nghĩ chỉ ở đây một thời gian nên tôi nói với anh đừng giao tôi bất cứ trọng trách gì. Ngà may mắn hơn đã về đơn vị cũ. Vốn hiền lành, được đào tạo từ IFP, lại thêm mấy cú chuyển lòng vòng suýt chết của Hiếu Sẹo ( sau may mà có người giải cứu!) Ngà đã “lên voi” tới chức Phó TGĐ PetroVietnam để rồi “xuống chó” ít năm sau. Nhưng lúc nào hắn cũng tươi như hoa, bình tĩnh lý giải và tìm thấy cái vui cho mình. Câu phê trên công văn cho nhân viên cấp dưới“Chị Lan Xờ-lờ xong Bờ-cờ tôi ngay!”( Chị Lan x/l xong b/c- xử lý xong báo cáo tôi ngay!) đã làm hắn nổi tiếng một thời và được bao đám thanh niên nể phục.

         Hồi đó Công ty dầu khí Total vào ký hợp Đồng ở lô 106- Vịnh Bắc Bộ, đã làm địa chấn và chuẩn bị khoan. Họ tuyển wellsite Geologist. Trong gần 20 ứng viên dự tuyển, tôi là người duy nhất được lựa chọn song cuối cùng tôi đã khước từ vì một lý do riêng. ”Em chả thấy ai như bác cả, lương cao thế mà còn chê”, Hồi ấy  thằng em Đương, cùng phòng đã nói với tôi như vậy. Song biết làm sao được. Tính tôi là thế. Năm 1990, tôi tham dự khóa đào tạo tại Shell Trainning Center, Hà Lan. Cùng đi có Hoàn, Đối, Lê Quân (VDK) và Đặng Sinh, Admin Manager của Shell Vietnam. Đó là một “chuyến đi bão táp” vì Phạm Văn Thành, phó phòng Kỹ thuật PV đã chết ở Hà Lan do máu trắng vào dịp ấy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Paris. Chuyến đi về hai đêm và tham quan một ngày ấy đủ kịp để chúng tôi có được những bức ảnh tháp Eifel, Nhà thờ Đúc Bà, Khải Hoàn Môn, cung điện Elize và   sông Sein thơ mộng. Chuyến đi sẽ vui biết mấy nếu Thành đừng ra đi như thế. Mới hai tuần trước, nó còn bàn kế hoạch cho chuyến đi Paris này…

          Năm 1988, Công ty Dầu khí I Thái Bình giải thể. Hầu hết lực lượng lao động được tạo điều kiện chuyển vào Vũng Tàu. Anh Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc Công ty được điều lên Tổng Cục, và được đề bạt Vụ Phó Vụ KHKT ít tháng sau Từ tháng 4-1989 đến tháng 9-1991, chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ,   Chính sách Đổi mới và Mở cửa bắt đầu kéo theo những biến động lớn trong Ngành Dầu khí. Ngày 6/7/1990,  Chủ tịch HĐBT ký Quyết đinh 250/HĐBT sáp nhập Tổng cục Dầu Khí và Tổng cục Địa chất vào Bộ Công nghiệp Nặng. Tổng cục Dầu Khí  chính thức bị xóa sổ từ đó và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập cùng với tên giao dịch nước ngoài là PetroVietnam. Trong Quyết định này, Petrolimex và Petechim được sáp nhập vào PetroVietnam, nhưng do hành động chần chừ, cơ hội đã tuột mất. PTS Trần Ngọc Cảnh, Viện phó NIPI, Vietsovpetro được điều ra và bổ nhiệm làm Trưởng Phòng, anh Đắc làm Phó Phòng KHKT của PetroVietnam. Trước đó anh Đắc được mời sang làm Cục phó Cục Tài Nguyên nhưng cương quyết “kháng chỉ”, chỉ có Phạm Dương, Lâm Linh là hí hửng lên cái “Cu-ta-ngu” ấy rồi phải hút chết mới tháo thân về lại được Viện Dầu Khí. Nhưng chưa đầy hai năm sau, có Quyết định  lại đặt PETROVIETNAM trực thuộc Hội đồng Bộ Trưởng ( Quyết định 125.HĐBT ngày 14/4/1992  )  kéo theo việc TCT Trương Thiên được điều lên làm Thứ trưởng, rồi sau đó làm trợ lý cho Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.  

          Giáo sư Hồ Sỹ Thoảng , Viện Phó Viện Khoa học Việt Nam về thay anh Trương Thiên làm Tổng Giám đốc..Đó là một người phong lưu, lịch lãm, theo đường lối trung dung như anh từng bộc bạch:”Đi trước thường sa bẫy, đi sau dễ bị hổ vồ, tớ cứ đi ở giữa, chẳng dại gì ”. Anh một mình về làm chủ  Nhà 69 Nguyễn Du mà không hề mang theo một tùy tùng nào cả. Dưới thời anh,   Phó TGĐ PetroVietnam Lê Chí , thường được nhắc tới như Nhân vật số 2 của Ngành Dầu Khí. Đi đâu xa, anh Thoảng đều ủy quyền cho anh Chí. Khi chuyển trụ sở sang  22 Ngô Quyền, căn phòng đẹp nhất ở tầng 2, góc phố Ngô Quyền- Hai Bà Trưng cũng được dành cho anh Chí. Mọi người đinh ninh ghế TGĐ sẽ chẳng thể là ai khác ngoài anh. Song sự đời không phải thế. Tôi định tiếc cho anh nhưng rồi lại nghĩ phải chăng đó là định mệnh. Giá anh học được đôi điều từ những tấm gương của bao người đi trước, kìm nén bớt giấc mơ đứng trên muôn người mà đừng manh động , thì đâu đến nỗi chết chẹt giữa hai thế lực siêu hình để rồi một đời ôm hận. Còn anh Thoảng vẫn tươi cười và ung dung như một ông quan văn trong sách  xưa vậy. Sau này có lần tôi nói đùa với anh  :”Giá được quyền, em sẽ bổ nhiệm anh ít nhất là chức Phó Chủ tịch Quốc Hội, phụ trách Đối ngoại”,”Không được đâu ông ơi, lá số tử vi  nói tớ không bao giờ lên nổi chức Thượng thư mà!“, anh trả lời tôi và cười ngất.

         Tôi cũng thường có những dự báo hoặc tiên đoán kiểu Trạng Lợn khá chính xác. Hồi ở XNLDDK Việt Xô, một lần tôi nói với Dung làm cùng phòng trữ lượng NIPI, em dâu của Nguyễn Chí Thành:” Nếu anh không lầm, hiện nay họ hàng nhà em có ít nhất là 36,5 người ở Vũng Tàu!”. Thị Dung bấm đốt ngón tay một lát rồi tái mặt: “Sao anh biết chính xác thế ? Đúng! chị Thu đang có bầu” ( Thu là vợ Chí Thành). Một lần khác, 6 thằng đi họp ở Tokyo. Tới sân bay, chuẩn bị tới chỗ lấy hành lý, tôi nói với Vũ Ngọc An:“Tao vừa nghe thấy bọn hàng không nó nói hành lý của mày bị thất lạc đấy”. “ Phét! Mà mất tao càng sướng vì được bồi thường có khi gấp mấy lần!”, An cười ngất. Thế mà cuối cùng An không có hành lý thật!  Đến nỗi ngày hôm sau tôi phải đưa thằng bạn cái áo sơ mi để mặc tạm đi họp. May mà mấy ngày sau, vali của An cuối cùng cũng đến. Nghĩ tới chuyện này tôi lại nhớ Đặng Sinh. Hắn thường bái phục và hãi tôi dự báo lắm. Nhưng đấy là những dự báo mang tính “ngoại cảm”, ăn may, không lý giải được. Còn những dự báo mang tính “khoa học” của tôi thì lại khác. Từ hồi ở Chơ Gạo Hưng Yên, khi thấy Ngô Xuân Nạnh khai Lý lịch, trong phần Họ vả tên Bố, hắn ghi: Ngô Văn Tý, tôi quát: “Bố láo! Sao bố mày là Tỵ mà mày lại khai là Tý hả?”. Thằng cha kinh hãi: “Sao anh biết tên Bố tôi?”. Lần khác gặp Nguyễn Văn Miều lên Tổng Cục, tôi hỏi: Cụ Mỹ hồi này có khỏe không anh?”. “Ủa! Sao mày biết tên bố tao?”. Và cứ thế, những cặp tên oái oăm như Tỵ- Nạnh; Mỹ- Miều; Vực-Lũng, Bích-Báo, Dinh-Dịnh, Kén-Chọn v.v cứ lần lượt được giải mã. Chẳng thế mà có lần vào chấm thi tại Đại học Mỏ-Địa chất, sau khi đoán được sinh viên Thơ là con gái của mẹ Lơ ở Viện Dầu khí, “Giáo sư” Đắc đã reo lên: “Lơ-Thơ! Đúng lý thuyết của ông Thắng!”.Nhưng cũng có lần bị sai,hay nói chính xác là “xuýt nữa bị sai”. Đấy là sau lần đọc thông báo “Cụ Nguyễn Thị Chén, mẹ đồng chí Lý Hạnh và là mẹ vợ của đồng chí Đỗ Văn Giang, do tuổi cao bện nặng đã từ trần…”, trên đường đi xe tuyến từ cơ quan về Cầu Giấy tôi có hỏi: “Hạnh ơi, ông  ngoại em tên là Ấm phải không?”, “ Không anh ạ. À.. à, đúng ..đúng! Nhưng ông em tên là Khay”. Khay-Chén! Hóa ra vẫn tuân theo quy luật!

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 2
  • 1492
  • 22,362,987