Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

CHUYỆN ĐOÀN TÀU LẠC

  06/12/2018

Mùa thu năm ấy, chiều hoàng hôn, ngày 3 tháng 8 năm 1969, tại ga Hàng Cỏ của thủ đô Hà Nội ( Nay là Ga Hà Nội ), giữa những đoàn tàu trên sân ga có 1 đoàn tàu liên vận chuẩn bị chuyến đi về phương Bắc.Trời se lạnh, nắng dịu nhuộm vàng sân ga. Ông mặt trời dần khuất sau dãy núi xa mờ phía tây Hà Nội để lại ráng chiều ánh lên màu vàng nhạt rồi chuyển dần sang màu xám sẫm như đang gọi màn đêm buông xuống. Trời đã nhá nhem tối. Trên sân ga, bên cạnh đoàn tầu liên vận, quanh các cửa lên xuống của các toa tàu có từng đoàn người túm tụm cười cười nói nói pha lẫn dòng nước mắt và có cả tiếng ai đó khóc sụt sùi tay nắm bàn tay.Trời tối sân ga càng đông người hơn. Nhìn kỹ thấy họ là những cô cậu thanh niên tuổi trăng tròn vừa tốt nghiệp phổ thông trung học đến từ khắp mọi miền của Tổ Quốc cùng với những người thân đưa tiễn họ đi nước ngoài du học. Sân ga càng tối hơn, người đứng gần nhau mà khó nhìn rõ mặt.Tuy vậy vẫn nghe rõ những lời dặn dò của các bậc phụ huynh, các anh chị, bạn bè và cả những lời thân thuơng của mối tình thời hoa phuợng. Đáp lại những lời dặn dò là những lời hứa sẽ cố gắng học tốt để sau này về góp phần dựng xây Tổ Quốc và ai đó nghẹn ngào hứa sẽ đợi chờ nhau…   Đúng 20 giờ. Đèn điện sân ga bật sáng, tiếng còi tàu rú vang, đoàn tàu liên vận bắt đầu chuyển bánh.Những bàn tay nắm đã buông nhau ra rồi vẫy vẫy, những người khác với cánh tay liên hồi xua xua trong không khí thay lời tạm biệt. Có những người chạy theo đoàn tàu và nói gì đó với người thân. Chắc hẳn khi đó chỉ có gió mới nghe được những lời thân thương lưu luyến đó. Buổi chia tay xa người thân, xa Tổ Quốc ra đi trong cảnh bịn rịn ấy còn đọng mãi trong lòng chúng tôi.

Ngày ấy, đất nước Việt Nam đang trong những ngày gian khổ và khốc liệt của chiến tranh. Trước khi ra nước ngoài chúng tôi được Bộ giáo dục và Trung học chuyên nghiệp cho học chính trị, xác định tinh thần, giao nhiệm vụ và phân chia ngành nghề sẽ được đào tạo ở nước bạn. Mỗi chúng tôi đều hiểu và ghi nhớ sâu sắc trong tim là ra đi làm nhiệm vụ học tập, chỉ tập trung cho học tập mà thôi.

Đoàn tàu năm ấy chở đoàn lưu học sinh chúng tôi đi châu Âu gồm khoảng 500 người cùng đi từ Hà Nội, đến Mạc Tư Khoa. Trong đó có một số đi Ba Lan, một số đi Liên Xô, còn lại là đi Rumani. 

Nhớ lại tối hôm đó, đoàn tầu chở chúng tôi đi vào đêm, hướng về phương Bắc và để lại sau lưng quê hương đất nước đang sục sôi chiến đấu và lao động trong thời kỳ chiến tranh ác liệt chống giặc Mỹ. Đoàn tàu cứ lao đi với tiếng xình xịch đều đều, còn chúng tôi không ngủ. Mọi người đã yên vị trong các giường nằm của mình. Phòng của bọn con trai thì rôm rả câu chuyện bắt đầu làm quen nhau. Bọn con gái thì hầu như ai cũng khóc, hình như tiếng thút thít khóc ấy là dấu hiệu đồng cảm đầu tiên làm cho chúng tôi đến gần với nhau. Chúng tôi bắt đầu làm quen và chia sẻ nỗi nhớ nhà nhớ mẹ vv…Đêm đã khuya mà mọi người vẫn thức. Từng đôi bạn giường cùng tầng kể cho nhau nghe về gia cảnh về quê hương mình và cùng thao thức. Có bạn nhớ nhà, nhớ mẹ quá nằm không yên, rời phòng ra ngồi trên ghế hành lang tàu, nhìn vào đêm và khóc một mình…Đêm đầu tiên trôi đi thật nhanh. Trời mờ sáng. Khoáng 6 giờ sáng hôm sau đoàn tàu liên vận đã tới ga Đồng Đăng, ga cuối cùng trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Tiếng hát bài “ Bên ven bờ Hiền Lương”văng vẳng vang lên từ cái loa treo làm cho ai ai đều lưu luyến với mảnh đất thân yêu của Tổ Quốc mình. Tâm trạng buồn và bỡ ngỡ, tiếng khóc vẫn còn nhưng chỉ nghe thấy từ một vài bạn gái...

Đến Ga Đồng Đăng, chúng tôi nhận được thông tin là không được đem tiền Việt Nam ra ngoài biên giới. Ai còn tiền thì “gửi tiết kiệm khi nào về nước sẽ nhận lại”. Những bạn không còn tiền thì chẳng phải băn khoăn. Có một số bạn còn tiền định gửi tiết kiệm thì nhìn thấy các quầy tiết kiệm qúa đông nguời, nếu xếp hàng thì cũng không đến lượt gửi vì tàu sắp đến giờ chuyển bánh nên đành thôi.Thế là tiết mục vứt tiền diễn ra! vất tiền tiếc nhưng vẫn yêu đồng bào của mình nên chỉ ném tiền về phía lãnh thổ Việt Nam để cho ai đó nhặt được là người đồng bào của mình tiêu còn hơn để cho người Tàu tiêu !

 Ngây thơ như thế chúng tôi lên tàu, đi tiếp tới ga Bằng Tường của Trung Quốc và được tiếp đón ở đó. Chúng tôi được ăn sáng bằng bánh bao của Trung Quốc. Món thức ăn mà lần đầu tiên những học sinh nhà quê như chúng tôi chưa thấy bao giờ. Nơi đầu tiên trên đất Trung Hoa chúng tôi cảm nhận thấy bầu không khí lạnh mà nóng của cuộc cách mạng văn hoá với nhiều hồng vệ binh nhỏ tuổi nhưng sắc mặt nghiêm nghị của người lớn với dáng vẻ oai phong. Nghe nói họ có quyền uy lắm. Rồi đoàn tàu chở chúng tôi đi tiếp tới Bắc Kinh thủ đô của nước Trung Hoa láng giềng. Ở Bắc Kinh chúng tôi lưu lại gần 2 ngày. Ở đây, chúng tôi lạ lẫm được nhìn thấy những quả táo Tàu, mua một cân chỉ được mấy lạng mà không hiểu vì sao như vậy. Từ miền quê nghèo khó ra đi, đến đây chúng tôi được tắm chung trong nhà tắm có bồn mà trong đó người có thể nằm vào được và được thưởng thức những món ăn ngon chưa bao giờ biết đến. Đặc biệt là món yến xào và có những con tôm bóc vỏ sao mà to đến thế !

 Chúng tôi tiếp tục lên tàu qua nước Mông cổ với đồng cỏ bát ngát mênh mông để đến Mạc Tư Khoa thủ đô của Liên Xô ngày ấy. Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là những giờ phút đoàn tàu đi qua đất nước Mông Cổ sực “mùi cừu dễ sợ” mà chỉ được ăn lương khô để hành khách không vứt rác làm bẩn đồng cỏ nuôi cừu. Tại thủ đô Ulanbato, đoàn tàu dừng lại khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó đoàn tàu lại băng qua thảo nguyên xanh mướt, qua hồ Baican đẹp nên thơ và đưa chúng tôi tới Mạc Tư Khoa. 

Đến Mạc Tư Khoa, đoàn lớn của chúng tôi chia ra thành 3 đoàn nhỏ đi 3 nơi. Một đoàn đi Balan, một đoàn ở lại Liên xô và một đoàn đi Rumani. Đoàn chúng tôi đi Rumani có trên 60 người, lưu lại ở Mạc Tư Khoa 3 ngày để chờ tàu. Ở Mạc Tư Khoa, thành phố mà trong mơ chúng tôi chưa thấy. Khi đó chúng tôi cảm thấy thành phố này to đẹp không tả nổi và quá văn minh. Mọi thứ chúng tôi nhìn thấy đều xa hoa lạ lẫm…

Ba ngày trên đất Liên Xô đã hết.Tàu lại chở chung tôi đi Rumani, nơi mà chúng tôi được cử đến để học đại học. Cái tên đoàn tàu lạc bắt đầu có từ đó. Chả là theo kế hoạch đoàn tàu liên vận chở chúng tôi đi từ Mạc Tư Khoa đến thành phố IASI (là thành phố đầu tiên của Rumani giáp Liên Xô), ở đó chúng tôi sẽ được tổ chức lưu học sinh Việt Nam đón và sẽ lưu lại thành phố này một thời gian ngắn để học làm quen với tiếng Ru rồi sau đó Đại sứ quán sẽ phân bổ lưu học sinh tới những thành phố có ngành nghề phù hợp.Tuy nhiên, theo kế hoạch đoàn tầu chở chúng tôi đã tới ga IASI và dừng lại ở đó nhưng không có ai là người Việt Nam ra đón. Trưởng tàu người Ru không biết tiếng Việt, những lưu học sinh Việt Nam không biết tiếng Ru. Ngôn ngữ bất đồng vậy nên tây ta chẳng ai nói gì với ai. Đến giờ đoàn tàu liên vận lại chuyển bánh và đi thẳng tới ga Gara de Nord, ga cuối của nước Ru là thủ đô Bucaret. Đoàn tàu lạc ga trong khi Đại sứ quán của Việt Nam tại nước Ru chẳng biết tin gì. Hôm đó vào lúc 7 giờ sáng ngày 20 tháng 8 năm 1969, sau 18 ngày làm bạn với đoàn tàu liên vận chúng tôi đã đến đất nước Rumani xinh đẹp. Tài sản qúi giá nhất của cả đoàn là hồ sơ lý lịch của mọi người được Đoàn trưởng giữ gìn rất cẩn thận (Mọi người đều để valy trên sân ga, riêng đoàn trưởng ôm hồ sơ trên tay còn va ly cá nhân thì đặt dưới sân ga).Tài sản riêng tư thì chúng tôi có mọi thứ giống hệt nhau. Mỗi người có một valy giả da, một bộ quần áo vét màu xanh sẫm (nam với quần âu, nữ với váy trùm đầu gối), một áo sơ mi, một áo lót, một đôi giày đối với nam (xăng đan với nữ). Riêng nữ được ưu tiên có thêm bộ quần áo dài bằng vải lanh hoa hoặc lụa Hà Đông. Trong túi thì chẳng ai có xu nào. Xuống tàu chúng tôi lớ ngớ theo dòng người vào nhà ga và kẻ đứng người ngồi lố nhố nóng lòng chờ nguời của Đại sứ quán ra đón. Chờ mãi nhưng không có ai đến.Thời gian cứ thế trôi đi và chúng tôi tiếp tục ngồi chờ. Ăn trên tàu từ tối hôm trước, sáng hôm đó không ăn gì nên bụng ai cũng bắt đầu biểu tình. Đói và khát. Khát thì bắt trước người tây uống nước lã (mất vệ sinh!) ở vòi, còn đói thì cứ đói thêm…Từ 7 giờ , rồi 8,9…12 giờ vẫn chẳng có ai tới đón. Cơn đói còn nguyên, chẳng ai dám đi xa đoàn vì sợ lạc. Đoàn người ngoại quốc hoành tráng trong đồng phục giống nhau ở nhà ga thủ đô nước bạn, đang đói mà nói thì to, nhìn đồng hồ thi nhau đếm từng “phút” từng giờ ! Đã quá ngọ, ai cũng đói nhưng hình như đói quá thành ra no. Không ai kêu đói nữa vì kêu thì cũng vẫn phải nhịn. Trong túi không tiền, ngôn ngữ không biết cứ tiếng mẹ đẻ mà xài oang oang…Khi nào khát nước lại ra vòi uống trừ bữa.Trời đã về chiều, khoảng 14h chúng tôi thấy có một anh người Việt Nam tay cắp cặp đi vào nhà ga. Cả đoàn mừng vui chạy ùa tới vây quanh người đó, riêng đoàn trưởng vẫn ôm khư khư bọc hồ sơ lý lịch của đoàn. Chúng tôi quá vui vì có người đến đón. Nhưng niềm vui bị vụt tắt vì người thanh niên đó không phải là người của Sứ quán. Đoàn trưởng đã nhờ người đó báo Đại sứ quán cho người ra đón chúng tôi.(Người thanh niên ấy đã là ân nhân của đoàn chúng tôi. Sau này chúng tôi muốn tìm gặp lại anh để hàn huyên và bày tỏ lòng biết ơn nhưng không ai gặp được anh ấy). Sau khi người thanh niên ấy đi rồi chúng tôi càng sốt ruột nhưng vẫn phải chờ và chờ …Đến chiều tối, khoảng 16 h giờ hơn có người của sứ quán ra đón chúng tôi. Ai cũng vui nên quên hết đói.

Đến thủ đô Bucaret, chúng tôi được xếp ở cùng ký túc xá với các anh các chị Việt Nam tại trường Bách khoa Bucaret. Chúng tôi được các anh các chị lưu học sinh các khoá trước đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Sự ân cần của các anh các chị làm cho chúng tôi ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ quê hương nhớ người thân. Bọn con gái chỉ còn thỉnh thoảng mới khóc. Bucaret đã đọng lại trong mỗi chúng tôi những hình ảnh đẹp về phong cảnh, về con người thân thiện và lối sống khẩn trương của người dân bản xứ. Có một kỷ niệm muốn quên nhưng vẫn nhớ, đó là cuộc khẩu chiến giữa các bạn nam tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên) và tỉnh Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Các bạn Hải Hưng gọi các bạn Nghệ Tĩnh là “dân cá gỗ:”, còn các bạn Nghệ Tĩnh thì gọi các bạn Hải Hưng là “dân ăn bèo dâu tranh phần của Lợn”. Câu chuyện bắt đầu từ khi nào chẳng rõ, chỉ biết khi xuống Bucaret một ngày thì xảy ra cuộc “nuy chiến” trong phòng tắm tập thể nam…Quản lý cămin phát hiện và cuộc họp của lãnh đạo đoàn cùng các anh các chị năm trên với các “đương sự” mất  nhiều giờ mới giải quyết xong…Và nhiều những kỷ niệm vui khác của đoàn tàu mà đến nay chúng tôi còn nhớ. Thuở ấy chúng tôi ai cũng vô tư và hồn nhiên.

 Cũng tại nơi này, ở thủ đô nước bạn,chúng tôi đã phải đón nhận tin đau thương vô hạn của của nhân dân Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung, đó là tin Bác Hồ không còn nữa. Chúng tôi đã dự lễ truy điệu Bác trong tang thương và đã khóc rất nhiều. Kỷ niệm đau buồn đó như đã gắn kết chúng tôi gần nhau hơn và càng thấy yêu Tổ Quốc mình hơn. Mỗi người nhớ kỹ hơn nhiệm vụ được giao và những lời dặn dò của cán bộ Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyện sẽ học tập tốt để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao cho.

Chúng tôi lưu lại Bucaret 2 tháng. Sống cùng nhau những ngày đầu xa Tổ Quốc, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Sau đó chúng tôi được phân bổ đi nhiều thành phố trong nước Rumani để học ngoại ngữ và học chuyên ngành.

Thời gian cứ thế trôi đi. Với nhiệm vụ được giao ghi khắc trong tim, mỗi chúng tôi ai cũng chăm lo việc học tập của mình. Cả đoàn không có dịp gặp lại nhau.Tuy nhiên thi thoảng trong các kỳ nghỉ của sinh viên, có một số bạn trong đoàn tàu liên vận ấy gặp lại nhau vui vẻ và cùng nhớ về kỷ niệm ngày đầu tới nước Bạn. Đặc biệt một số bạn khác thân nhau, họ vẫn thường xuyên liên lạc và cùng chia sẻ buồn vui của cuộc đời. Đặc biệt hơn trên đoàn tàu lạc ấy có những người bạn đã cảm thương nhau (để rồi sau này nên duyên chồng vợ). Chẳng mấy chốc đã năm, sáu năm trôi qua kể từ ngày trên đoàn tàu lạc ấy, chúng tôi đã tốt nghiệp đại học...

Sau những năm cống hiến hăng say và lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, những mái đầu xanh năm xưa nay đã nhuộm màu sương gió.Tất cả chúng tôi đã nghỉ hưu. Ai cũng có gia đình và con cháu. Ai cũng là nhà tỷ phú thời gian. Tuổi hoàng hôn nhớ về kỷ niệm. Trong muôn vàn kỷ niệm vui buồn trong đời, có những kỷ niệm đẹp trên đoàn tàu lạc ấy làm cho chúng tôi cùng nhớ về nhau. Sau nhiều năm xa cách, nhờ những lần giao lưu trong các dịp hội họp do Hội Việt- Ru tổ chức mà chúng tôi đã gặp lại nhau. Đặc biệt sân chơi facebook đã giúp chúng tôi gắn kết và gần nhau hơn. Những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân tươi trẻ đã thôi thúc chúng tôi gặp gỡ nhau. Rồi vào một ngày đẹp trời mùa hè 2018, chúng tôi có ý tưởng lập nhóm trên facebook để giao lưu chia sẻ tâm sự. Chúng tôi cũng đã mong muốn được giao lưu với tất cả các bạn nam và nữ trên đoàn tàu lạc đó để biết về nhau hiện sống ra sao và cùng nhân niềm vui chia sẻ nỗi buồn khi có thể. Song do đoàn ngày ấy đông quá, tìm nhau không xuể nên chúng tôi trước mắt chỉ tập hợp các bạn gái trên đoàn tàu lạc.(Nếu sau này điều kiện cho phép,và nếu mọi người cùng muốn giao lưu thì chúng tôi sẽ đề nghị anh Trần Trọng Khánh đoàn trưởng sẽ mời gặp gỡ tất cả các bạn nam và nữ trên đoàn tàu lạc).

Nhóm con gái năm xưa trên đoàn tàu lạc ấy mỗi người một phương nên việc tìm lại nhau không hề dễ. Thế nhưng chúng tôi đã tìm được nhau. Những cô gái trẻ trung xinh xắn ngày xưa, nay đã là những  người phụ nữ lớn tuổi với mái tóc pha sương, da đồi mồi và những nếp thời gian hằn đọng nơi khoé mắt. Tuy vậy chúng tôi rất vui mỗi khi gặp gỡ. Bên nhau như trẻ lại, như được sống ở cái tuổi thanh xuân tràn trề sức thanh xuân. Gặp nhau là ôn lại những kỷ niệm về những ngày sống và học tập trên đất nước Rumani đầy tình nghĩa. Gặp nhau vui, chia tay lại hẹn gặp lần sau. Cứ thế nhóm chúng tôi thực sự là nguồn vui chung của mọi thành viên.

Chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp gỡ tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Rumani vào ngày 25 tháng 11 năm 2018 tại Hà Nội. Gặp nhau để vui để nhớ về những ngày tuổi xuân đẹp nhất của cuộc đời. Hơn nữa ở cuộc vui đó chúng tôi muốn được gặp ngài Đại sứ đương nhiệm Arteni Valeriu và phu nhân để chúng tôi được nói trực tiếp với ngài, qua ngài cho chúng tôi gửi lời cám ơn luôn in dấu trong tim đến toàn thể nhân dân Rumani, tới đất nước Rumani xinh đẹp, quê hương thứ hai đã nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn thành người có tri thức, trong những ngày mà đất nước Việt Nam còn chiến tranh đầy gian khó. Đồng thời chúng tôi xin chúc cho tình hữu nghị Việt Nam – Rumani mãi vững bền và ngày càng phát triển. Chúng tôi cũng xin được gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công đến tất cả mọi cựu lưu học sinh tại trên đoàn tàu lạc năm 1969 và tới tất cả các anh chị các khoá học khác đã từng sống và học tập trên đất bạn Rumani đầy tình nghĩa .

Hà nội ngày 29 tháng 10 năm 2018

Nguyễn Thị Hiền

Cựu LHS trên đoàn tàu lạc năm 1969;

Cựu sinh viên, Trường ĐHBK IASI, Rumani.

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 17
  • 2645
  • 18,010,385