Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI- PHẦN CUỐI

  17/12/2022

9. THAY LỜI KẾT

          Người ta thường nhắc tới cái mốc 26/6/1986, ngày khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ đưa Việt Nam vào danh sách các nước xuất khẩu dầu khí trên thế giới, rồi tiếp theo là những mốc 50, 100 hay 150 triệu tấn dầu khai thác được mà ít khi nhắc về quá khứ. Mọi người đang gặt hái thành quả. Những mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Lan Tây...đã mang lại nguồn thu chính và gánh một tỷ phần rất lớn trong Ngân sách Quốc gia. Ngành dầu khí những năm sau này đã mở mày mở mặt và là mơ ước của bao người. Dầu Khí đã thực sự là cứu cánh và ai cũng cần có nó. Vì mục tiêu Ngân sách, các con hổ, sư tử kia nhiều lúc bị “ép sản”, phải “gồng mình”, “dopping” để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng, và đã có con liêu xiêu, đột quỵ.  Tôi giật mình và chợt nhớ câu chuyện cách đây gần 30 năm, khi tôi hỏi một vị giáo sư Na Uy trong lúc ông trình bày về Lập Quy hoạch và Chiến lược :” Thưa Giáo sư, liệu khi lập Chiến lược dài hạn, Na-Uy  có dựa chủ yếu vào dầu khí không?”, “ Không. Mặc dù sản lượng khai thác dầu khí ở Biển Bắc của chúng tôi là 60 triệu tấn/năm, nhưng khi lập Chiến lược dài hạn chúng tôi phải dựa vào tất cả. Dầu khí, Thủy Điện, Đóng tàu-Vận tải Biển, Đánh Cá, Khai khoáng, Nông Lâm nghiệp và nhất là Tài nguyên Con người( HR).Hiện giờ giá dầu thế giới là 32 USD/thùng. Để khai thác được 1 thùng dầu, chúng tôi phải tiêu tốn 15 USD trong khi ở Trung Đông chỉ cần 0,5 tới 2 USD/thùng. Nếu chỉ dựa vào dầu khí, giả sử có một biến cố nào đó, chiến tranh hay một phát minh ra một thứ nhiên liệu mới làm giá dầu giảm dưới 15 USD/thùng chẳng hạn, trữ lượng hàng nhiều tỷ thùng ở Biển Bắc của chúng tôi phỏng có ích gì?”.Tháng 8/1990, Iraq tấn công Kuwait, lời tiên đoán đó đã trở thành hiện thực. Giá dầu từ 32USD/ thùng tụt  mạnh, có lúc xuống chỉ còn 8-9USD/thùng! Cả thế giới, trong đó có Việt Nam đã lao đao vì giá dầu như thế. Người ta hay ví von Dầu khí là mũi nhọn. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình cũng  được đóng góp phần nào vào thành công chung đó. Nhưng ước chi nó đừng độc nhất như cái sừng tê giác mà như quả Dứa, quả Mít, chỉ là một trong nhiều mũi nhọn của một trái thơm, như thế có phải là điều đáng mừng cho đất nước?

          Ngày 29/08/2006,Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty Mẹ-Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Vietnam Oil and Gas Group, gọi tắt là PVN). Các đơn vị “Công ty Con” ở dưới phát triển thành các Tổng Công ty (Corporation): PVEP, PV-Oil, PV-Gas, PV-Power, PTSC, PV- Drilling…có tổng nhân lực tới 35 ngàn người. Nhân sự cũng thay đổi chóng mặt, đến mức người ta sợ chào “nhầm chức danh” phải anh nào hay để ý vặt có khi phiền toái lắm. Danh bạ Điện thoại hầu như thay đỗi không kịp so với tốc độ phát triển ấy. Những bậc tiền bối trước tôi một đời hy sinh vất vả, có những người đã khuất. Những người thế hệ tôi đã sống hết mình, có người danh vọng tột đỉnh nhưng hiện giờ cũng đều đã nghỉ. Những anh em bạn bè xưa quen biết  như Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Quốc Thập v.v đã là những lãnh đạo sắc sảo đầu Ngành; Nguyễn Văn Toàn, Hoàng Ngọc Đang, Đinh Văn Sơn, Nguyễn Văn Quế.. đã thành những trưởng ban chững chạc của PV. Phan Ngọc Trung, Nguyễn Du Hưng, Phạm Như Khánh..  giờ đã là Viện trưởng, Giám đốc ngon lành. Những gương mặt trẻ hôm nào như Trịnh Xuân Cường, Cù Minh Hoàng, Nguyễn Văn Khương, Lê Ngọc Sơn.. giờ cũng đã trưởng thành và là những cán bộ quản ý có uy tín của khối E&P. Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam đã chính thức rời 22 Ngô Quyền, về 18 Láng Hạ, Hà Nội.Thời kỳ vá víu, cơi nới nhếch nhác đã qua rồi. Lần đầu tiên PETROVIETNAM có một trụ sở mới khang trang. Tôi chợt nhớ về cái cái Nhà máy Điện Cơ xưa được gia cố, nâng tầng thành Trụ sở  PetroVietnam 22 Ngô Quyền  với những cây cột đạt kỷ lục to nhất Việt Nam một thời để rồi sau đó lại biến đi không còn dấu tích; về sự hoành tráng của Tháp Đôi Petronas dưới thời Dato Hassan Marican; về cái mô hình Tòa nhà Dầu Khí do Kts Ngô Viết Thụ thiết kế theo ý đồ của Tướng Thiện  từ hơn 30 năm trước rồi cứ ngẩn ngơ tự hỏi liệu căn nguyên của sự nhếch nhác bao năm có phải chỉ vì lý do khách quan hay còn bởi tại con người. Người ta viết sách về “Danh nhân dầu khí”. Có cả những thủ lĩnh bán xăng dầu, khí-gas v.v cũng trở thành “những người đi tìm lửa(!), còn những người đi tìm lửa thực sự thì vẫn lặng lẽ như xưa với niềm vui được góp sức mình dựng xây Tổ quốc. Bây giờ nhiều người đang viết Sử. Viết về Ngành Dầu Khí. Chẳng cần tới một Lê Văn Hưu hay một Tư Mã Thiên để làm gì. Không cần có lời bình, nhưng quả tình tự xa xưa, chưa thấy khi nào và ở đâu, các cựu vương và lão thần lại đua chen viết về Lịch sử của các triều đại mình như thế.

         Có người nói:“Cuộc đời như môt màn kịch, trong đó mỗi một người đều là những vai diễn”. Nhưng nếu thế thì thật là buồn. Sao người ta không thể là chính mình được nhỉ? May thay suốt cả chặng đường dài, dù đi khắp muôn nơi, tôi luôn tránh được những cám dỗ, ác tà để giữ cái tâm mình sáng, làm một khán giả thảnh thơi ngồi xem những màn trình diễn ấy. Và bây giờ xin tạm khép. Có thể đây mới chỉ là những nét chấm phá ban đầu vì còn bao nhiêu điều để nhớ và để viết…

 Hà Nội, tháng 5/2010

Nguyễn Quyết Tháng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 30
  • 405
  • 22,479,065