Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

MỘT SỐ KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ QUA NHỮNG CHUYẾN ĐI

  03/12/2017

Tình cảm của người Rumani đối với đất nước, con người Việt Nam rất trìu mến , thân thương, cảm động,… đã được nhiều người từng viết bài, nhớ lại, và…có lẽ sẽ không bao giờ kể hết. Đối với tôi, những chuyện về thời kỳ sinh viên, về 2 lần thăm viếng khi đang còn công tác đã có vài lần tôi viết và giới thiệu. Riêng từ khi nghỉ hưu tôi có một số kỷ niệm rất thú vị, xin được chia sẻ cùng mọi người qua 3 mẩu chuyện:

Chuyện thứ 1: Tháng 11 năm 2011, Vợ chồng tôi có chuyến du lịch 2 bờ Đông-Tây nước Mỹ 12 ngày…Trong lúc, xếp hàng rồng rắn theo đường dẫn chờ làm thủ tục check in vào Mỹ ở sân bay, tình cờ tôi nghe được đôi bạn trẻ nói chuyện với nhau bằng tiếng Ru. Tôi nhìn họ mỉm cười và bắt chuyện: Các cháu sang Mỹ du lịch hay học tập? đôi bạn này vô cùng ngạc nhiên Ôi, bác biết tiếng Ru sao? Chúng cháu sang đây thăm người bạn và cũng dự định tìm kiếm việc làm ở Mỹ, chúng cháu mới ra trường, mới chỉ là người yêu, chưa phải là vợ chồng,…Và thế là tôi đã kể cho các bạn ấy biết chúng tôi đã sang du học ở Cluj - Napoca, Rumani như thế nào. Cô nhỏ rất sung sướng khoe rằng, quê cháu cũng ở Cluj- Napoca, bố cháu cũng học cùng trường với bác, sau bác 2 khóa , ở Khoa Điện,… cứ thế, chúng tôi nói chuyện liên miên không dứt như những người đồng hương thân thiết về Cluj- Napoca, về Rumani. Trước khi chia tay và vào các cửa check in khác nhau, tôi chúc các cháu  gặp nhiều may mắn và không quên dặn các cháu chú ý chăm sóc nhau cẩn thận trong khi xa nhà và các cháu cũng rối rít tạm biệt, chúc sức khỏe và chúc chúng tôi có chuyến du lịch thú vị. Chia tay rồi, cứ thấy lưu luyến mãi. Những người trong cùng Đoàn du lịch của chúng tôi cứ tấm tắc khen mấy cháu Ru sao mà xinh đẹp, ngoan thế.

Chuyện thứ 2: Trong Tour du lịch Trên sông Dunarea (từ ngày 13/7-26/7/2017). Sau chuyến bay từ Hà Nội tới Viên (transit qua Doha), chúng tôi lưu lại thủ đô Viên của Áo 2 ngày, mua sắm ở siêu thị và thăm thú các danh lam, thắng cảnh thành phố theo chương trình. Sau đó, chúng tôi được chuyển tới Tàu du lịch River Navigator (như dạng khách sạn di động, ban đêm thì chạy, ban ngày đỗ ở bến chờ) chạy dọc sông và ghé qua các thủ đô, các thành phố của 6 nước ven sông.

Khi còn ở trong khách sạn ở Viên, nghiên cứu Chương trình tour tôi thấy có tên thuyền trưởng là Sandu, tôi nghĩ có thể đây là người Rumani nên khi lên tầu, ổn định xong phòng ở, tôi la cà ra chỗ lễ tân, lân la hỏi chuyện. Người tôi tiếp xúc đầu tiên là anh Trưởng phòng, đẹp trai, rất trẻ, người Thổ Nhĩ Kỳ, anh ta rất niềm nở, tiếp chuyện. Qua anh ấy, tôi được biết, ngoài thủy Đoàn và nhân viên khoảng 30 người, tầu có khoảng 120 khách du lịch. Bao gồm, Đoàn chúng tôi ( Đoàn Hà Nội-14 người), còn có một Đoàn Việt Nam khác (Đoàn từ TP HCM-25 người) lên tầu sau chúng tôi 1 ngày, Đoàn khách từ Mỹ: 50 người, Phần lan: 20 người và một số khách nước khác. Tôi hỏi, có phải Thuyền trưởng của tầu mình là người Rumani không nhỉ?Anh ta ngạc nhiên, sao ngài biết?thì tôi thấy tên có vẻ là người Rumani! Anh ta nói: đúng thế, nhưng ông ấy vừa luân chuyển sang làm Thuyền trưởng tầu khác cùng Công ty được một tuần. Thế ở đây có còn người Rumani nào làm việc không?Anh ta vui vẻ trả lời, có chứ. Ở đây có nhiều công dân của các nước khác nhau làm việc: Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Đức, … và cả Rumani nữa. Riêng Rumani có 9 người làm ở lễ tân, quầy Bar, nhà ăn, máy tầu, kể cả thuyền trưởng vừa luân chuyển.

Những người “Đồng hương” Rumani (ảnh BTĐ)

Thông thường, tất cả các thuyền viên, nhân viên trên tầu đều nói tiếng Anh, nhưng khi trao đổi riêng với nhau, họ vẫn nói bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi bắt đầu để ý, lắng nghe và dò hỏi xem ai là người Rumani. Một cô gái tóc vàng, mắt xanh, xinh xắn, miệng luôn nở nụ cười mỗi khi mang đồ ăn cho bàn chúng tôi. Tôi hỏi vui, này cháu gái xinh đẹp, trong nhà ăn này có ai là người Rumani không? Cô nhỏ rướn cặp lông mày lá liễu và mở to đôi mắt xanh, dạ có, chính cháu đây, cháu là Angela! Tôi nhanh chóng chuyển sang chào hỏi và nói tiếng Ru, cô bé tỏ ra rất xúc động và mừng rỡ. Đồng thời Angela cũng chỉ sang một anh bạn trẻ khác, tầm thước vừa phải cũng là người Ru. Đang làm việc nên chúng tôi chỉ tranh thủ chào hỏi.Những ngày sau đó, chúng tôi nói chuyện, đối xử với nhau như những người đã thân quen từ lâu. Đáng nhớ là đồ ăn trên tầu đã rất phong phú rồi (chủ yếu ăn kiểu tự chọn) tuy nhiên có nhiều bữa, khi muốn ăn ciorbă, thêm loại bánh mì yêu thích, mù tạt,… là mâm chúng tôi và cả Đoàn Hà Nội (14 người) được 2 cháu này vui vẻ phục vụ ngay (kể cả trong menu bữa đó không có món sup?). Trong suốt 9 ngày lưu lại trên tầu, chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ, khi thì ở lễ tân (1 cô gái da ngăm đen, to con), khi ở quầy bar (2 bạn trẻ đẹp trai pha chế cocktail và phục vụ bàn), nhà ăn (Angela và bạn trẻ vừa kể), lúc sáng sớm còn chưa làm việc (các kỹ sư máy tầu, điện,..) ở trên boong tầu,.. Tôi thường tâm sự, tìm hiểu về cuộc sống, thu nhập, hoàn cảnh của họ, giới thiệu với họ về Việt Nam,… thấy họ là những kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên người Rumani trẻ trung, khiêm tốn, làm việc rất nghiêm túc, chuyên nghiệp và thật đáng mến.  Mỗi khi gặp vợ chồng tôi, họ đều chào hỏi bằng tiếng Rumani.Thân thiện, với chúng tôi, với đoàn Hà Nội cứ như là người nhà vậy. Lúc chia tay, chúng tôi lên bờ để vào Rumani, các bạn ấy và chúng tôi nắm chặt tay nhau, lòng đầy cảm xúc, lưu luyến nói lời “hẹn gặp lại”.

 Chuyện thứ 3: Trở lại Rumani lần thứ 3 (26/7/2017- 6/8/2017) có câu chuyện rất đáng nhớ đối với chúng tôi.

Sau khi rời tàu River Navigator lúc sáng sớm, Đoàn chúng tôi vào Rumani qua cửa khẩu đường sông Turnul Magurele, về Bucarest chụp ảnh kỷ niệm tại Tòa nhà Quốc hội, thăm chớp nhoáng Quảng trường Cách mạng, Khải hoàn Môn, Nhà hát lớn,… rồi Đoàn vội ra sân bay Henri Cuandă để kịp chuyến bay lúc 14 giờ. Vợ chồng tôi, tách Đoàn, tạm biệt họ và tiếp tục ở lại Rumani thêm 11 ngày nữa.

TGĐ Radu (người đứng giữa)

Chiều hôm đó, tôi tranh thủ đến thăm và mang quà của Hội tặng Đại sứ quán (10 cuốn Tuyển tập thơ “Rumani-Tình yêu và nỗi nhớ”).Đại sứ Trần Thành Công đã vui vẻ đón tiếp và nhận sách. Chúng tôi tranh thủ trao đổi một số công việc trước đây đã bàn, rồi việc Đại sứ tham gia trao KNC cho các GS ở Cluj- Napoca, ở Ploiesti,…những việc đó có ý nghĩa rất lớn. Trong thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani sẽ còn tiếp tục triển khai trao tặng Kỷ niệm chương và mong Đại sứ cũng sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ…Đại sứ rất hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp hành động. Đại sứ cho biết có bố trí chỗ ở cho chúng tôi, nhưng chúng tôi đã cảm ơn vì đã đến ở nhà cô cháu trên đại lộ Unirii. Do thời gian có hạn, Đại sứ có khách chờ làm việc tiếp, tôi xin phép Đại sứ được sử dụng một chút phương tiện và thời gian của cán bộ ĐSQ để làm lịch cho những ngày tiếp theo. Nhờ sự giúp đỡ của cháu Nga (con Bác Trần Xuân Đảm- Cựu Đại sứ ở Rumani) hiện là Bí thư thứ 3 của ĐSQ, chúng tôi bố trí một lịch trình rất khẩn trương, kín khít. Nơi muốn đi thì nhiều, quĩ thời gian thì có hạn. Được cháu tư vấn, để đỡ mệt, do quá trình đi đã dài, di chuyến giữa các thành phố, chúng tôi quyết định đi bằng máy bay; trong thành phố đi bằng taxi,… chỉ đi bộ ở các địa điểm thăm quan. Qua mạng, chúng tôi đã đặt vé máy bay, khách sạn nơi ở sẵn và cứ thế thực hiện. Từ Bucarest, chúng tôi đã bay về thăm Cluj-Napoca, đi thăm mỏ muối Turda, thành cổ Alba Iulia (cũng may gặp được anh bạn Rumani cùng Trường, học sau tôi 18 khóa, bỏ nghề kỹ sư đi lái taxi, phục vụ mấy ngày liền rất nhiệt tình, cho tôi biết nhiều thông tin về các thầy bạn cũ); bay về thăm thành phố Iasi, đi thăm Tulcea, Constanta. Ở đâu cũng có những kỷ niệm rất tuyệt vời.Nhưng đáng nhớ và vui nhất là khi về thăm Di sản thiên nhiên thế giới- Vùng Dự trữ sinh quyển Tulcea.

Chiều hôm đó, khi tới thành phố Tulcea, khá mệt, vào khách sạn, vợ chồng tôi nhận phòng và nghỉ ngơi. Chiều tối, đi dạo và ngắm nghía khu vực trung tâm thành phố ngay gần khách sạn một lúc,…Sáng hôm sau, ăn sáng xong, tôi ra lễ tân để tìm hiểu cách thức đi thăm Vùng Dự trữ sinh quyển. Nói vui bằng tiếng Ru với cô lễ tân ca sáng đã cứng tuổi (khoảng trên 40) rằng chiều qua, tôi nói chuyện với các vị bằng tiếng Anh, từ sáng nay chúng ta sẽ nói với nhau bằng tiếng Rumani. Cô ta vô cùng ngạc nhiên và cứ thế ríu rit, chú học tiếng Ru ở đâu, bao giờ,…Từ từ, tôi đã kể cho cô về quá khứ du học của chúng tôi ở Cluj-Napoca, ở Rumani và rất tình cờ lúc đó có môt vị trung niên điển trai, nhanh nhẹn đi vào chỗ lễ tân, chúng tôi được giới thiệu và được biết vị đó là ông Radu-Tổng giám đốc Europolis Group (EG có hệ thống khách sạn, bến tàu, tàu du lịch sông, du lịch đầm lầy, resort qui mô khá lớn). Biết chúng tôi đã từng là cựu sinh viên, đã tốt nghiệp 43 năm ở ĐHBK và ĐHTH Cluj-Napoca nên ông rất trân trọng và xúc động, ôm chặt lấy tôi. Sau khi làm quen và trao đổi qua lại, biết ý định và nguyện vọng chúng tôi muốn đi thăm vùng Delta Tulcii ngay vì thời gian ở lại chỉ có hạn. Ông suy nghĩ chốc lát và trả lời: thông thường, các tour đi trên tầu đều phải được đặt chỗ trước, nhưng hôm nay, các vị là khách đặc biệt của tôi, chờ tôi chút để tôi bố trí. Lập tức, TGĐ Radu bấm điện thoại di động, gọi cho nữ Trưởng phòng Kinh doanh, yêu cầu đánh ngay xe riêng đến đón chúng tôi từ khách sạn, đưa ra bến tầu để kịp đi chuyến 7 giờ sáng, Tour thăm Vùng Đầm lầy. Đồng thời gọi cho ông Trưởng phòng Điều độ, lệnh sáng hôm sau 6g 30 phút, đến Khách sạn Europolis (nơi chúng tôi ở) đón chúng tôi ra một bến tàu khác để đi Tour đường sông, lạch vùng Châu thổ. Yêu cầu nhân viên cả 2 tour phải phục vụ chu đáo, xếp ngồi ghế hàng đầu, nếu hết ghế thì bố trí thêm, miễn phí?! (mỗi tour như vậy nếu mua vé 50 EUR/người, không lớn nhưng thật đáng quí và rất trân trọng). Bất ngờ quá, may mắn quá, nguyện vọng của chúng tôi đã được đáp ứng. Khi lên tầu, toàn khách Tây Âu (Đức, Pháp, Tây Ban Nha,...) cũng tầm lứa tuổi về hưu như chúng tôi, họ có vẻ rất ngạc nhiên vì sao chúng tôi lại biết được cả tiếng Rumani, được thủy thủ Đoàn đối xử VIP như vậy.

Kết thúc ngày thứ 2, TGĐ Radu ra tận bến đón chào và tiếp khách du lịch, chúng tôi được xếp vào mâm “người nhà”. Quá trình trao đổi, chuyện trò tôi bày tỏ sự biết ơn đối với nhân dân Rumani nói chung, những con người cụ thể như TGĐ Radu, các đồng nghiệp của ông nói riêng và tôi đã mời ông cùng đồng nghiệp hãy bố trí sang thăm Việt Nam, gợi ý ông nên tổ chức mở các tour du lịch sang Việt Nam, khi đó, vợ chồng tôi và nhiều CSV khác sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch cho ông và Công ty của ông. Ông vui vẻ cảm ơn, nhận lời và hứa sẽ suy nghĩ về vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã chụp một số kiểu ảnh lúc chia tay để làm kỷ niệm.

Trên đây là 3 câu chuyện hoàn toàn có thực, tình cờ chúng tôi gặp được trong các chuyến đi, nó đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc, khó có thể thể quên được. Tại sao lại dễ gần nhau đến thế, dễ cảm thông, giúp đỡ nhau như người thân đến thế? Phải chăng đó là những tình cảm tự nhiên, chân thành của những con người có cùng suy nghĩ, cùng nói với nhau bằng một thứ tiếng “đồng hương” Rumani, giản dị, hữu nghị và đầy yêu thương?!

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2017

Bùi Trọng Đỉnh

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 13
  • 1655
  • 18,009,394