Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DÀU KHÍ VÀ TÔI - P2: XUỐNG THÁI BÌNH

  23/11/2022

2. XUỐNG THÁI BÌNH

       Thế là “tan đàn sẻ nghé”, mỗi đứa một nơi. Đạp xe về thăm nhà, biếu bà và bố mẹ được cân đường mua theo tiêu chuẩn tem phiếu rồi buộc một ba lô lương thảo, tôi và mấy đứa bạn bè nhằm Thái Bình thẳng tiến. Đi từ sáng theo đường Phủ Lý, Nam Định, song khi qua được Phà Tân Đệ cũng đã 9 giờ tối.Tầm tã dưới trời mưa, sấm chớp nhằng nhịt, vừa đi vừa í ới gọi nhau cho khỏi lạc. Tới thị xã Thái Bình, rẽ phải qua bệnh viện Việt nam- Bulgaria, chúng tôi về tới Đoàn 36K, Chợ Đậu Thái Bình đã quá 10 giờ tối. Đói, mệt, lạnh vì ngấm nước mưa.Chẳng còn nhớ cái dạ dày lép kẹp ấy được an ủi bằng những vật liệu gì, chỉ biết rằng đêm đó tôi ngủ say như chết…

       Tôi được điều về Giếng khoan 36, Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình do anh Thuần làm đội trưởng.Tổ Kỹ thuật gồm 6 người: 2 kỹ sư mới tốt nghiệp ĐH Mỏ-Địa chất (Chiến; Cung); 3 trung cấp địa chất (Hạnh, Thu, Sâm) và tôi. Anh Nguyễn Tiến Hạnh làm Tổ trưởng,chịu trách nhiệm mọi mặt từ mô tả, lấy mẫu gửi phân tích đến tổng hợp báo cáo. Tất cả lực lượng còn lại theo ca, bốc và chuyên chở mẫu về kho; đo các thông số.. Hồi ấy khoan cấu tạo có độ sâu hầu hết khoảng 1200m.Lấy mẫu 100% từ mặt đất tới đáy giếng.Mẫu có đường kính to như cái phích đựng nước. Chỉ cần xếp 2 thùng mẫu thôi cũng đủ cho 2 người trẻ tuổi thở tới mang tai khi kéo được xe mẫu về kho chứa. Cứ hết đợt lấy mẫu này lại tiếp đợt lấy mẫu khác.Ống mẫu không hom khi tính toán đã nuốt vào lòng gần hết chiều dài lập tức được ngừng bơm dung dịch để khoan khô. Mười centimet khoan khô này sẽ làm thành cái nút đảm bảo giữ an toàn cột mẫu trên khi kéo cần. Và rồi ống mẫu lửng lơ, hai gã thơ khoan lực lưỡng thi nhau đập, cho tới khi nghe tiếng “òng ọc” thân quen vọng ra trước khi làm sàn khoan tung tóe những bùn. Cảnh tượng không khác gì trâu…ỉa.“Địa chất đâu! Hót ngay!”.Bọn thằng Bá, thằng Lược thợ khoan cười khoái trá.Chúng tôi hì hục rửa, xếp mẫu theo thứ tự và ghi etiket. Việc mô tả “phớt lục phớt hồng, đôi chỗ xen kết hạch sidêrit..” v.v. đã có anh Hạnh lo, chúng tôi không được chạm vào.Cấm kỵ.Việc của đám kỹ sư trẻ chúng tôi là bốc mẫu lõi, lấy mẫu sà-lam (mẫu vụn) và thỉnh thoảng nhìn máng dung dịch, ngó nghiêng vào giếng khoan ghi ghi chép chép đường kính bọt khí xuất hiện. Trong lúc chuẩn bị tiếp cần lại sử dụng “thiết bị” đo mực nước thủy tĩnh ( tự chế bằng lon sữa bò “Mộc Châu”, khoét hẳn một bên nắp, còn phía đáy bên kia đục thủng một lỗ nhỏ xíu, luồn qua một sợi dây lấy từ bao xi măng nối dài tùy ý). Đơn giản vậy song cái thiết bị Made in Vietnam ấy công hiệu vô cùng, vì chỉ cần nghe tiếng “bộp!” vọng từ giếng lên khi ống bơ chạm nước là ta có ngay Mực nước thủy tĩnh rồi!

       Đội Carotaj (ĐVLGK) do anh Đoàn Thám làm đội trưởng hồi đó được trang bị trạm đo di động lắp trên xe, oách và cơ động lắm. Có một lần khi nhìn cái thiết bị đo bán tự động kia run run vạch một đường điện trở thẳng tuột qua chiều sâu gần hai mươi mét than vừa lấy mẫu tôi đã không chịu và cự lại  người đứng máy.. Trạm trưởng Phạm ngọc Diến liếc cột địa tầng thực tế, ngượng nghịu nhìn cái “thiết bị phản trắc” kia rồi cầm bút chì vạch một đường cong to, dài đầy tin tưởng. Anh nheo mắt cười: “Thế là xong, tài liệu khớp không chê vào đâu được!”

      Thỉnh thoảng được nghỉ bù, tôi lại đạp xe từ Tiền Hải về quê. Gần 150km, chuyện vặt nếu như xe không bị thủng lốp dọc đường. Thường tôi đi lối Triều Dương, qua thị xã Hưng Yên, Bô Thời rẽ qua đò Vườn Chuối sang Thường Tín rồi đạp thẳng về Hoài Đức quê tôi.Có lần tôi suýt chết. Nếu cứ đi theo lối Ngã tư Canh như cũ, chắc chắn tôi đã dính trận bom B52 điên cuồng thả bom xuống làng Thìa Yên Bệ. Hơn 60 người chết.Nhà cửa, cây cối tan hoang.Mấy ngày sau thấy mùi hôi thối còn phát hiện ra những xác người, xác trâu bò bị vùi lấp. Hôm ấy trời xui đất khiến thế nào tôi lại đi theo đường An Khánh. Khi hàng lọat B52 nhào qua đầu, tôi chỉ kịp quẳng xe nhào xuống con mương gần đó. Bom ầm ầm trước mặt, cách nơi tôi chỉ vài km. Nghe nói có cuộc họp của Trung Ương dự kiến ở Yên Bệ hôm đó, may nhờ có tin tình báo nên kịp hoãn.Đó là những ngày cuối năm 1972.Cùng năm ấy Hùng Béo lấy vợ. Đầu năm sau (Quý Sửu ) Đăng Liệu cũng làm cái việc “tầy đình” tương tự. Còn lại một mình tôi sống cảnh trai tân lêu lổng cho mãi tới  gần bảy năm sau.

      Ngày lại ngày thoảng trôi, tôi cứ lặp đi lặp lại những công việc đơn điệu vô tận như thế với những lần bốc mẫu, những ca đêm áo bảo hộ dính bùn, chân đi ủng, ngả lưng trên chiếc máy bơm dự phòng, mũ nhựa úp lên mặt che muỗi và ánh điện, mặc kệ cho tiếng máy bơm ầm ầm bên tai, cứ thế “tẩm bổ mắt” cho tới khi ống mẫu được kéo lên.Và “chát!chát!”.Rồi“ọc! ọc!”.Tôi vội chồm lên. Công đoạn “bốc cứt trâu” như ngôn từ của lũ khoan hay nói kia lại bắt đầu. Dưới ánh đèn pha, âm thanh và cảnh nhầy nhụa của khoan trường mới thấy cách ví von kia thật khéo. Nói thế thôi, từng ấy thời gian ở khoan trường, tôi cũng học được nhiều thứ, nhìn thấy nhiều điều., cả điều hay lẫn điều bậy bạ. Gần đó có gã Lạp Điên lực lưỡng, khỏe như trâu, thường trần truồng vượt sông Hồng sang Xuân Thủy giữa mùa đông giá rét rồi lại quay về bờ Tiền Hải, cười hềnh hệch, vô tư. Đám thợ khoan ranh ma tận dung phần cơm độn ngô thừa cho Lạp ăn no rồi sai hắn vác hết đất sét từ xe tải bỏ vào cối dung dịch gần đó. Hắn cười, nhe hàm răng trắng tởn rồi hì hụi làm, không cần người hối thúc.Có lần Thu, Sâm bị bọn khoan lừa gọi ra nhận thư nhà, trông thấy “giống má” ấy thét toáng lên rồi bỏ chạy.Nhà tôi trọ ở liền kề khoan trường. Suốt ngày đêm nghe tiếng ầm ầm của máy, tiếng ông ổng của thợ, tiếng chan chát của kim loại va chạm. Đôi khi trong đêm còn nghe cả tiếng lè nhè, não nuột của mấy gã thợ khoan “đạo” Bài ca đường 9 ”Ai chả biết chồng cô đi bộ đội vào Nam, ai chả biết là cô mua cái xe Phượng Hoàng…”.Nhưng về sau, những âm thanh hỗn độn ấy đã hóa thành một thứ không thể thiếu trước khi tôi bước vào giấc ngủ. Thời gian rảnh, bọn tôi, Chiến và Tào địa hóa từ Chơ Đậu xuống lại chơi Remi hoặc đi chợ Mèn “đập phá” nửa ký cá khoai hoặc vài cân cá đuối rẻ tiền, kiếm thêm ít lá lốt mọc ngòai bụi tre về nấu canh chua thù tạc cùng ông chủ Kim. Một thời sống giữa lòng dân vô tư, say khướt. Ôi, cái xứ cói của những người dân quê gọi mẹ bằng “bầu”, cỗ bàn nhất thiết phải có bí ngô và mọi thứ kể cả lúa ngô, phân bón đều được vận chuyển bằng đầu này, chẳng hiểu sao tới giờ tôi mãi nhớ. Cả những lần về Giao An (Xuân Thủy) , sang Hồng Tiến hoặc Quang Bình ( Kiến Xương), thấy bạn bè xăm xăm mang chậu ra ao múc một chậu nước đục ngầu phù sa, nhặt lên những cánh bèo tấm, bỏ mấy con hến vào trong đó rồi giải thích: “Yên tâm, chỉ nửa tiếng nữa là cỗ máy lọc nước này sẽ làm cho nước trở thành trong vắt, tha hồ nấu cháo, pha trà nhé!” mà cứ thấy bâng khuâng. Tôi nhìn các bạn tôi, những chàng kỹ sư trẻ, học hành tử tế, đào tạo bài bản cả trong nước lẫn nước ngoài, bao năm hì hục đắp nền khoan hoặc làm những công việc đơn giản như chưa bao giờ giản đơn hơn thế mà cứ se lòng.Người ta nói đó là“rèn luyện ý thức lao động, quan điểm lao động”.Nói rất hay. Người ít học hoặc kẻ trí trá, cơ hội đều có thể sang sảng thuyết giáo và thăng tiến. Một lần Hùng Béo khênh xi măng sơ ý đánh rơi liền bị một anh chàng thợ khoan nhiếc mắng“chây lười, thái độ lao động không nghiêm túc”.Thằng cha 90 cân “to nhất Tổng cục” này tức không chịu nổi, chỉ mặt gã nói toẹt:”Im mồm đi! Mày nhớ rằng những thứ mày làm được và khoe khoang, nếu thích tao chỉ vảy tay một cái là xong, còn những thứ trong đầu chúng tao có bây giờ, mày có cố cả đời cũng không bao giờ có nổi đâu!”.Tôi cũng bị một lần như thế.Lần ấy khi sang thăm Hùng Béo, Việt Dova ở GK.32 Hồng Tiến, trong khi anh em mải vui nhậu nhẹt, một anh trung cấp kỹ thuật vô duyên chen vào “thuyết giảng” về ý nghĩa của từng milimet địa tầng và lịch sử hình thành trái đất, sau đó cao hứng, lão phê phán luôn cả lớp kỹ sư trẻ chúng tôi là thiếu kinh nghiệm, tây hóa và không có ý thức cải tạo lao động. Tất nhiên, tôi đã “phản biện” rất tự nhiên và hài hước làm anh ta khá tẽn tò.Không ngờ sau này khi tôi được điều về Đoàn 36B, anh này tố cáo với cấp trên và cấp trên của anh ta đã nâng thành “quan điểm lao động” khiến tôi phải lao đao trả giá. Có điều mãi về sau, tôi gặp lại khi anh ta đưa con lên Hà nội thi Đại học, trông anh thật là tiều tụy. Có thể thời gian khiến anh ấy đã quên đi chuyện cũ, bởi lúc ra về, anh ấy nắm tay tôi lắc mãi, rồi tần ngần thốt lên điều mơ ước:”Giờ mình già rồi, chỉ ước thuê được mấy sào ao của Hợp tác xã để ngày ngày đi hót cứt trâu về nuôi cá…”

        Sau này tôi mới biết hoạt động dầu khí đã bắt đầu khởi động từ 1959  -1961, khi Chuyên gia Kitovani và Nguyễn Giao đã tiến hành khảo sát và hoàn thành báo cáo” Địa chất và triển vọng dầu khí nước VNDCCH”;  Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 được TCĐC thành lập (Quyết định 271/ĐC ngày 27/11/1961) do ông Bùi Đức Thiệu làm Đoàn trưởng rồi phát triển thành Liên đoàn Địa chất 36 trực thuộc TCĐC(Quyết định 203/CP ngày 9/10/1969) thế nhưng hoạt động thăm dò dầu khí cho tới thời điểm chúng tôi về vẫn tập trung vào việc khảo sát địa chất vùng rìa , khảo sát thăm dò điện, từ, trọng lực, thu nổ một số tuyến địa chấn 2D chất lượng thấp và mấy chục giếng cấu tạo nông choèn 1200m phân bổ khắp Vùng trũng Hà Nội, An Châu khoan bằng  bộ ZIF-1200 cổ lỗ có từ thập niên 20 của thế kỷ XX được sơn quét lại và viện trợ. Cái điệp khúc Lấy mẫu, lấy mẫu và lấy mẫu.cứ như những khúc “Nam Ai”buồn xứ Huế.Lấy liên tục để rồi sau này không còn chỗ chứa, chẳng có ai trông vì cái ông bảo vệ mù ấy đã xin nghỉ việc. Một quyết định hủy không tiếc nuối khối tài sản địa chất khổng lồ ấy được ban hành sau khi đã “lựa chọn đầy đủ một bộ mẫu chuẩn” (!). Kết quả các giếng khoan thông số trên 3000m như GK 100, 101, 102,103… cũng chẳng có dấu hiệu khích lệ gì.Bao phóng viên mỏi mắt, ngập nửa mình dưới đầm, rẽ bèo tây để đón góc độ đẹp chụp khi thử vỉa cho những tờ báo lớn.Xe cứu hỏa chạy ngược xuôi Giao Thủy để lo phòng cháy chữa cháy.Song cuối cùng đều vô vọng.Khoan mãi mà chỉ thấy cát kết, thấy bột kết, thấy sét kết, thấy hóa thạch, còn sản phẩm cần tìm thì chẳng thấy. Nghe đồn Liên đoàn trưởng Vũ Bột có lần từng than thở với anh bạn Lê Đình Cát của chúng tôi:”Suốt ngày lũ địa chất kia chỉ nhắc hết Anh Kết lại Tôi Kết, còn Dầu khí có thấy quái gì đâu!”. Chẳng thế mà sau này, khi tìm thấy đầu ở GK 61, 63 ông Bột và mấy ông to sung sướng, hả hê đến mức lao vào để “tắm” dầu cho thỏa.     

      Tôi có lần tí nữa bị dao động xin về Hà nội.Có một người bạn mách tôi về Viện các Khoa học Trái Đất do anh Nguyễn Trọng Yêm, con Bộ trưởng Xuân Thủy làm Viện trưởng.Chả là sau khi gặp anh Yêm, vấn đề cơ bản là xong, chỉ còn là thủ tục hồ sơ vặt vãnh. Câu chuyện “Đắc Sở ngày” cũng bắt nguồn từ đó.  Tôi về khai lý lịch và chạy ra Ủy ban xã xin xác nhận. Mãi mới tìm được anh Khóa, Trưởng công an xã đang ngủ say tại nhà ông chú tôi ( ở quê tôi trước đây, nếu không có họ hàng thì chỉ được gọi là “Anh” thôi và sẽ được chuyển vượt cấp thành “Ông” nếu Anh bắt đầu có Cháu, chứ không có giai đoạn chuyển tiếp như Chú, Bác bây giờ đâu). Tôi lay khẽ.Gì đấy!”, anh nói qua hơi rượu.“Dạ, em xin anh xác nhận lý lịch”.Anh bực mình vì bị quấy rầy nhưng cuối cùng cũng ngồi dậy, đi ra một lát và trở vào. “Đưa xem nào”,  anh bảo tôi sau khi đã rít một hơi sâu rồi phả ra một làn khói thuốc lào vô tận. Tôi vội xếp ngay ngắn 2 bản Lý lịch lên bàn và nhìn anh viết những dòng chữ nguệch ngoạc: “đắc sở ngày… tháng…năm….UBHC xã đắc sở chứng nhận phần khai trước cách mạng, trong kháng chiến, sau hòa bình của anh nguyễn văn thắng ”“Dạ, tên em là Nguyễn Quyết..”,“Làm gì có họ Quyết”, anh lừ mắt nhìn tôi.Thôi đành, tý nữa tẩy rồi chữa vậy. Anh viết tiếp “…khai trên là thực. vậy chứng nhận phần khai trước cách mạng, trong kháng chiến, sau hòa bình của anh nguyễn văn thắng khai trên là thực”.Anh đặt bút xuống dòng và viết tiếp“ đắc sở ngày…tháng…năm….”,“Anh viết ngày tháng năm ở trên rồi ạ”, tôi nói khẽ.Lại một quả lừ mắt nữa, và lần này thì sâu thẳm. Anh đặt bút ký và viết tên mình: vương trí khóa rồi viết tiếp bản thứ 2 mà chẳng cần phân biệt chữ thường hay chữ hoa như bản trước với nội dung, hình thức và 2 lần “Đắc sở ngày…” i xì như thế. May mà tôi có kiến thức về địa chấn và hiểu cái dấu chấm giữa câu kia chính là một Mặt Phản xạ, chứ nếu không thì đã ngất xỉu rồi. Nghĩ thế mà sao vẫn thấy chạnh lòng .Quê tôi, cái làng Giá, cái làng Cổ Sở, có tên trong sử sách từ đời Lê Lý, nổi tiếng ngàn năm bên đất Kinh kỳ, quanh năm rợp mát bóng dừa  ấy nào có xa gì. Nó chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chừng 15 cây số đường chim bay và khoảng 20 cây số đường “chim đi bộ”(!).Mọi thứ đã xong, tôi có thể ung dung về Hà nội Nhưng rồi tôi chợt nhớ tới những điều cha tôi thường dạy :“Kiến ngãi bất vi vô dũng dã” ( Thấy việc nghĩa mà không làm, không phải người anh hùng),“ Xã tắc hưng vong thất phu hữu trách”(Tổ quốc hưng thịnh hay suy vong, kẻ thất phu cũng đều có trách nhiệm) mà tôi đã gạt bỏ cái ý nghĩ bồng bột trong những  phút yếu lòng ấy để vững bước lên đường.

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 1
  • 1462
  • 22,362,957