Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

40 NĂM - NGHĨA TÌNH KHÔNG PHAI…(tiếp theo và hết)

  22/10/2019

Phần 5:   Một vòng du ngoạn và IASI- thành phố của 46 năm về trước…

     Từ lâu lắm, ước nguyện có được chuyến tham quan dài ngày với nhiều vùng miền trên  đất nước Rumani yêu quý (nhất là thành phố của những kỷ niệm ban sơ-Iasi) vẫn ấp ủ trong tâm, nhưng chúng tôi biết: thực hiện nó thì hoàn toàn không dễ chút nào...

   Vậy mà, các bạn Ru đã hết sức nhiệt tình, chu đáo lên chương trình và chọn phương án tối ưu để biến mơ ước kia thành hiện thực. Sau lễ kỷ niệm, chúng tôi toàn tâm-toàn ý cho chuyến đi này. Ai cũng hiểu: tuổi cao đi một vòng như vậy sẽ hao tốn nhiều sức lực, liệu rằng tất cả có đủ bền, đủ khỏe?...

      Mọi việc đã sắp đặt kỹ càng và 8h sáng 02.6  chiếc xe du lịch 40 chỗ bắt đầu lăn bánh từ sân của khách sạn trong khuôn viên Parcul Sportiv Universitatea. Tất thảy đều vui lắm...

     Ra khỏi thành phố Cluj-Napoca, xe băng qua nhiều cánh đồng lúa mỳ trải dài xanh mướt đang gần mùa thu hoạch. Rồi xe nhẹ lướt qua những làng mạc với nhiều dãy nhà đều tăm tắp bên đường. Hình như các ngôi nhà vùng quê đều có cấu trúc tương đối giống nhau. Thường là mái ngói màu nâu đỏ, chỉ một hoặc hai tầng và đặc biệt trước sân đều có những giàn hoa rất đẹp. Có điều lạ là: tất cả các ngôi nhà đều không quay mặt ra đường mà chỉ có những ô cửa sổ nhỏ xinh khéo léo nép mình sau những tán cây ăn trái hoặc có hoa và lá che ngang...

       Bắt gặp một một vùng đất khô cằn, hỏi cô hướng dẫn viên (trẻ lắm và có nét giống người Nga) thì được biết nơi đây cách nay chừng hai tuần tuyết vẫn còn phủ trắng. Do vậy rất khó trồng các loại cây và hoa màu, chỉ thấy cỏ khô từng đụn lớn- chắc dành sẵn cho gia súc  khi lạnh giá.

       Chúng tôi rôm rả chuyện trò trong nền nhạc Ru-Việt khi du dương-trầm bổng, khi réo rắt vui tai và thỏa thích quan sát phong cảnh dọc đường đi… 

      Điểm dừng chân đầu tiên là Bistrita- thành phố lọt thỏm trong những dãy núi và kề bên thảo nguyên mênh mông. Chúng tôi thăm Bảo tàng tranh, Công viên thành phố, Quảng trường thống nhất có tượng Alexandru Ioan Cuza và Nhà văn hóa “Georghe Cosbuc”, Giáo đường Do Thái và Đài kỷ niệm Holocaustului, Bảo tàng nhân chủng học. 

       May mắn thay, các bạn đã đặt ăn tại một nhà hàng dân dã ngay trên khoảng xanh của thảo nguyên hút tầm mắt ấy. Xa xa, lốm đốm những chấm trắng là đàn cừu đang khoan thai gặm cỏ. Mấy chú chó to lớn trông thì khá dữ nhưng thật hiền cùng đàn chó nhỏ tung tăng bên cạnh 3 cháu bé con chủ nhà hàng. Chúng cứ mặc cho người lạ vuốt ve tấm lưng mềm mại, thỉnh thoảng lại còn ngửng mặt dụi dụi vào tay ra chiều nũng nịu. Hay thật, lần đầu tiên tận mắt nhìn cỏ non trên thảo nguyên, tận tay chạm vào bầy chó trông cừu- chúng tôi như lạc vào thế giới của “Mẹ Thiên Nhiên”- mát lành đến nao lòng… Món ăn thì thật tuyệt. Không rườm rà nhiều thứ, tất cả thực đơn đều là thịt cừu với phomai sốt. Đặc biệt là món bột ngô trộn phomai- nó thơm phức, tan ngay trong miệng và để lại vị béo bùi khó tả- chúng tôi đã thưởng thức hết một đĩa to và cả đĩa tiếp thêm. Độc đáo hơn nữa: đĩa, chén, dĩa ... đều bằng gỗ. Cả thứ nước uống cũng có mùi thơm rất lạ... Chúng tôi cứ ngất ngây...

     03.6- Đoàn tham quan Tu viện Moldovitei. Không gian trầm mặc, những mảng tường được trang trí bằng các bức họa đã rêu phong cho người thưởng ngoạn hiểu rằng nơi đây được xây dựng từ xưa lắm- tận thế kỷ thứ 14-15. Bà sơ chủ trì thuyết giảng say sưa về xuất xứ của  Tu viện và giáo lý. Đặc biệt, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra điều kỳ lạ: các bức tranh đủ màu sắc được vẽ trên tường phía ngoài Tu viện có thể biến đổi màu sắc đậm nhạt tùy thuộc vào thời tiết trong ngày (nắng, không có nắng hoặc mưa)

    Rời Tu viện, xe đến “Muzeul Oului” tại Vama khi đã gần trưa. Thật ngoài sức tưởng tượng: vô số kể các chủng loại trứng với hoa văn và kích cỡ khác nhau. Mỗi loại trứng là một tác phẩm nghệ thuật đẹp đến lạ lùng- biểu tượng cho sinh sôi và phát triển. Chúng tôi miên man ngắm. Nhiều dãy kệ lớn trưng bày bộ sưu tập trứng từ các lãnh thổ: châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ… Và, đặc biệt có năm tác phẩm Phật giáo từ Huế-Việt Nam hội tụ tại đây được thể hiện trên chất liệu gỗ quý dạng trứng khá tinh xảo. Người phụ trách Bảo tàng là một phụ nữ còn trẻ, xinh đẹp và vui tính có cái tên rất lạ: Doamna profesoara Letitiei Orsivschi Heiser. Bà đề nghị chụp hình chung với cựu sv Việt Nam cùng chiếc nón lá trên đầu trông thật ngộ nghĩnh. Cũng như vị giáo sư của ĐHBK Cluj-Napoca, bà đã tới thăm Việt Nam, hết lời ca ngợi đất nước và con người Việt Nam với những tính từ đẹp nhất...

      Tiếp theo, đoàn tới thăm Tu viện Voronet, Lâu đài Cuza với Bảo tàng “Alexandru Ioan Cuza”.

      Sau một đêm nghỉ tại Campulung Moldovenesc chúng tôi sẽ về Iasi- thành phố của buổi đầu lên lớp làm quen với tiếng Ru nhẹ và trong như gió để chúng tôi đem lòng yêu mến ngay từ khi nghe những từ thường có nguyên âm “e” “u’“a” sau cuối...

      04.6  Lại qua nhiều cánh đồng trù phú bởi mượt xanh lúa mỳ chưa chín, xe từ từ lăn bánh vào trung tâm thành phố. Chúng tôi không còn giữ được tâm trạng đang rất xốn xang, cứ nghiêng sát cửa sổ nhìn ra. Iasi đã đổi thay rất nhiều so với 46 năm về trước- khang trang, sạch và đẹp…

     Sau bữa tối, chúng tôi tranh thủ dạo quanh một vòng trung tâm và ghé Palatul Culturii- một công trình kiến trúc đồ sộ hết sức độc đáo. Không vào được bên trong, chúng tôi say sưa ngắm không chán mắt diện mạo phía ngoài. Vậy cũng đủ cho trí tưởng tưởng còn đang dành chỗ cho sáng mai được về lại caminul 3 và 7 tại phố Tudor Vladimirescu

       05.6   Dưới sự hướng dẫn hết sức nhiệt tình của Doamna Profesoara Pelicia sinh sống và giảng dạy tại Iasi, đoàn tới thăm Công viên Copou nơi đặt trang trọng bức tượng nhà thơ lớn Mihai Eminescu. Rồi đoàn vào thăm thư viện của ĐH Tổng hợp- một thư viện mà chúng tôi chưa nhìn thấy ở bất kỳ đâu- đẹp lộng lẫy như cung điện. Đến Copou chúng tôi nhớ về cái Tết xa nhà đầu tiên trên đất bạn và là nơi có nhiều tiết học Analiza Matematica. Thêm một lần được thấy không gian xanh trong lành giữa các loại hoa với thật nhiều tiếng chim ríu rít và khi đi dọc hành lang gặp những sinh viên năm nhất- chúng tôi như về lại thuở xa xưa- khoảnh khắc ngọt ngào qúa đỗi…

    Ngay sau khi rời thư viện, các bạn đã sắp xếp cho 2 bạn Mates Bârsan đưa chúng tôi về lại Tudor

     Không còn thấy Cantina ngày trước, thay vào đó là hai tòa nhà cao tầng. Lối vào KTX được lát gạch thoáng để vẫn nhìn thấy cỏ rợp bàn chân. Đây rồi, tấm bảng treo ngay cửa ra vào “T3-Caminele Studentesti-T4” (dành cho sinh viên nữ)- chúng tôi thoáng chựng lại. Tâm trạng nao nao khó tả, chúng tôi đi những bước thật nhanh vào trong. Vẫn thế, sảnh rộng thênh thang, những bậc cầu thang cũng thênh thang, hành lang giữa 2 dãy phòng sạch bóng như lau. Thật may, gặp cháu sinh viên vừa mở cửa, chúng tôi lên tiếng muốn được ngó xem một chút và cháu thân thiện mời vào. Hai chiếc giường nhỏ vẫn kê chỗ cũ. Ngay cửa ra vào: một bên là bồn rửa mặt và một bên là tủ áo không thay đổi. Sau tấm rèm cửa sổ, cái bệ rộng băng ngang vẫn đó- nơi mà chúng tôi ngày xưa hay cho vào ly ít sữa và nước để ngoài trời lạnh làm kem, ký ức chợt ùa về… Rồi sau đó, chúng tôi ghé qua “T7-Caminele Studentesti-T8(dành cho sinh viên nam).

     Dọc lối ra Cantina mới, dõi tìm những cây liễu ngày xưa cứ thướt tha trong gió chiều có lúc đã vô tình làm che trái bóng khi chúng tôi kéo nhau ra mảnh đất cạnh Camin để chơi mấy “sec” bóng chuyền. Không còn liễu nữa, nhiều loại cây khác được thay chỗ trên mảng xanh mượt mà của cỏ- đẹp hơn xưa nhiều quá…

       Cantina nằm gần phía Caminul 8. Nhiều khóm hồng nhung đỏ thắm mượt mà dưới cái nắng ban trưa được trồng trên mảnh vườn ngay phía trong cổng ra vào. Vẫn dây chuyền nhận món ăn chạy suốt một hàng, khay nhựa và muỗng, dĩa…cùng các bà, các cô nhanh nhẹn, tươi cười đặt món ăn cho từng người. Chúng tôi xếp hàng lẫn trong nhóm sinh viên và tưởng như mình đang về lại tuổi 18 năm nào… 

   Buổi chiều đoàn tới thăm quan Thánh đường Mitropolitana, Nhà hát quốc gia Vasile Alecsandri, Tu viện Sfintii Lerarhi, Cung Roznovanu …,

     Tạm biệt Iasi thân yêu! Thành phố đã cho chúng tôi những cảm xúc thật mới mẻ khi tâm hồn còn trong veo, trong vắt và tặng chúng tôi những ngày tháng bình yên đẹp đẽ. Cảm ơn các bạn của chúng tôi- những người bạn chân thành-hồn hậu đã tìm mọi điều kiện để chúng tôi được một lần trở lại. Nặng nghĩa với nơi này và hôm nay chúng tôi đã toại nguyện khi được đặt bàn chân lên từng thước đất trên con phố mang tên Tudor Vladimirescu của 46 năm về trước…  

         06.6 Tiếp tục về Brasov, xe qua địa một danh đặc biệt: Preijmer- ở đây có nhà thờ mang tên Biserica Fortificata. Tương truyền rằng: trong giai đoạn loạn lạc, cả làng Preijmer đã rút hết vào khu vực nhà thờ, mỗi gia đình được chia một căn liên kề và mang đúng số nhà thực có ở ngoài làng. Lại có quy định nghiêm ngặt mang nặng tính nhân văn: những cặp vợ-chồng trước khi làm thủ tục ly hôn sẽ vào cùng ở trong một phòng, cùng dùng chung chỉ một chiếc muỗng, chỉ một chiếc tô trong thời gian 2 tuần để suy nghĩ lại. Thế mới hay: dân tộc Rumani từ xa xưa đã biểu lộ ý thức coi trọng yếu tố gia đình- nền tảng của xã hội- mọi gia đình đều yên thì quốc gia sẽ vững bền. 

    Brasov- thành phố du lịch rất đông du khách. Chúng tôi thăm khu trung tâm và các địa danh như: Nhà thờ đen, Thành cổ, Pháo đài, Bảo tàng Muresenilor, Lâu đài Tesatorilor… Tới đây bỗng nhớ lại khi còn là sinh viên đã từng được đến, chúng tôi thấy thú vị vô cùng...  

     07.6  Tại Sinaia, đoàn tới thăm Lâu đài Peles Pelisor nổi tiếng. Lâu đài này mới mở cho khách thăm quan phía bên trong sau năm 1990.  Thật ấn tượng về độ tinh xảo, rất cầu kỳ trong trang trí nội thất và kiến trúc. Tiếp theo, đoàn tới thăm Lâu đài BranRasnov.

      Từ đây về Sibiu, chúng tôi gặp nhiều căn nhà nhỏ ven đường với những hàng rào tượng trưng rất thoáng và thấp. Thật thú vị khi bất ngờ phát hiện trên trụ của hàng rào vẫn còn gắn hộp thư xinh xắn bên cạnh chú mèo ung dung nằm sưởi nắng- chi tiết mà ngày xưa chúng tôi thấy quá lạ, quá hay…

      08.6  Sibiu- thành phố lịch lãm vừa tổ chức Hội nghị các nước Liên minh Châu Âu, trong đó có đề cập đến việc ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU. Chúng tôi đến thăm Nhà hát quốc gia Radu Stanca, Nhà biểu diễn Balet, Tháp Sfaptului, Quảng trường nhỏ, Quảng trường lớn, Cầu Mincinosilor, Nhà thờ Evanghelica, Công viên Sub AriniNatural Dumbrava, Vườn thú, Bào tàng Satului “Astra”.

     09.6  Alba Iulia còn có tên gọi “Marii Uniri”- thủ đô của thời kỳ thống nhất đất nước  (liên quan đến mốc thời gian để hiện nay Rumani chọn ngày 01/12/1918 là ngày Quốc Khánh)- một thành phố nổi tiếng với nhiều tượng bằng đồng. Thật may mắn, tối hôm đó thành phố bắn pháo hoa và ngày hôm sau biểu diễn nghi lễ đổi gác của lính nhà vua thời đó. Rồi đoàn tới thăm Thành cổ Alba Carolina, Tường thành “Traseul celor 3 Fortificatii”, Bảo tàng National al Unirii, Thánh đường Reintregirii Neamului, Cung điện Principilor và Nhà thờ Romano-Catolica... 

       Buổi chiều trên đường về chúng tôi ghé thăm Mỏ muối Turda có độ sâu hàng 100 m và như một thành phố ngầm dưới lòng đất. Loại khoáng sản đặc biệt này thu hút khách tham quan không chỉ ở tính chất riêng của nó mà còn cho thấy Rumani rất tiềm tàng những giá trị để khai thác về du lịch. Cuối ngày, xe đưa đoàn về lại ks. trong khuôn viên Parcul Sportiv UniversitateaCluj- kết thúc tốt đẹp chuyến du ngoạn 8 ngày vòng quanh một phần đất nước Rumani.

          Tràn nước mắt tạm biệt nhau, chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi những kỷ niệm tuyệt đẹp trong 2 tuần bên nhau- cùng vui, cùng chia sẻ. Ngày mai các bạn Rumani trở lại nhà còn chúng tôi- nhóm bay về Việt Nam, nhóm bay sang Ba Lan, nhóm bay sang Pháp để tiếp tục công việc của mỗi người…

      Điều thú vị trong chuyến du ngoạn này là đến thành phố nào chúng tôi cũng có các bạn cùng lớp đang sinh sống. Vậy nên, ngoài thông tin thuyết minh và chỉ dẫn của hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi còn có “Thổ Công” tìm cho đoàn nơi đặc sản ngon nhất, thăm ở đâu là đẹp nhất. Qua các bạn, chúng tôi được nghe cặn kẽ về lịch sử, phong tục, truyền thống của từng địa danh. Dọc đường trên xe, chúng tôi cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh đáng nhớ của thời sinh viên và cùng trao đổi những thông tin của nhiều lĩnh vực được cập nhật tại thời điểm này. Đã già dặn hơn xưa nhiều lắm, đã chất chồng nhiều kiến thức và trải qua bao thăng trầm của qúa nửa đời người nhưng sao chúng tôi vẫn vô tư, trong sáng và đặc biệt: vẫn yêu quý nhau chẳng khác những ngày xưa…

      Cho dẫu mai này không còn dịp gặp nhau thêm nữa, nhưng chúng tôi đã có trong trái tim mình hình ảnh thầy-bạn và đất nước Rumani vô vàn yêu qúy. Chúng tôi mong ước sẽ có nhiều giá trị Việt được lan tỏa trên đất nước này. Gần và cần nhất có thể đó là kiến thức về sức khỏe người cao tuổi. Trong một lĩnh vực hạn hẹp đã được tiếp cận, chúng tôi biết có những lương y Việt đã dày công tìm tòi, thử nghiệm và phát triển nhiều phương pháp phòng-chữa bệnh không dùng Tây dược. Ở Việt Nam hiện nay, phong trào Dưỡng sinh-Yoga-Thiền định… đang được đông đảo người dân tham gia- một mặt giúp mọi người ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe chính mình, mặt khác giúp gắn kết cộng đồng từ những chia sẻ về kinh nghiệm và cùng nhau sống có trách nhiệm hơn. Nếu có ai đó, nhóm cựu sv nào đó tập hợp, triển khai một lớp dạy về kiến thức này cho nhóm bạn mình ở Rumani rồi nhân rộng- sẽ quý giá biết bao. Chúng tôi biết các bạn Ru tin tưởng và trân trọng những điều mà chúng tôi chia sẻ qua những lần hai bạn Hiền-Luyên dùng kiến thức đã học và với đôi bàn tay mềm mại-ấm áp đã giúp các bạn đau chân, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tiền đình, cao HA… tìm lại cân bằng. Chúng ta mang ơn nơi đây, nếu làm được những điều ý nghĩa dù nhỏ nhất cũng sẽ ấm lòng biết mấy…

(Nhóm cựu sv BK Cluj-Napoca, tháng 6/2019)      

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 11
  • 2356
  • 18,010,096