Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÒA BÌNH- ĐIỂM ĐẾN CỦA TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT - RU

  24/01/2016

Trong vòng mười năm trở lại đây, nhiều vị Đại sứ Rumani tại Việt Nam đã đến thăm tỉnh Hoà Bình, bởi đây là một trong những địa phương trên miền Bắc có nhiều nét đặc sắc về văn hoá, lại có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, trong đó có nhà máy thuỷ điện Sông Đà, một công trình điện lực lớn nhất Đông Nam á. Nhưng còn một nhân tố quan trọng khác để thu hút các Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán Rumani đến Hoà Bình là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quách Thế Tản là người đã tốt nghiệp đại học ngữ văn tại Bucarest cách đây 40 năm. Có ai ngờ, anh sinh viên nhỏ bé, hiền lành năm ấy nay lại là một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, rất nhiệt tình với đất nước và con người Rumani, nên cứ mỗi lần Hội hữu nghị Việt-Ru, hoặc Đại sứ quán Rumani tổ chức các hoạt động hữu nghị, hay kỷ niệm Quốc khánh là anh đều có mặt, dù phải đi xa 70- 80 cây số. Ngược lại, khi có vị Đại sứ nào tỏ ý muốn đến thăm tỉnh Hoà Bình thì anh đều nhiệt tình mời và đón tiếp rất trọng thị.

Nhớ lại cách đây gần 40 năm, khoảng (1969 – 1973), khi đó tôi học theo chế độ nghiên cứu sinh, còn anh Tản là sinh viên, nhưng cùng ở chung Cămin GroZoveti, bên dòng sông Dâmbovita thơ mộng giữa thủ đô Bucarest. Ngày ngày anh sinh viên Tản đến trường không bỏ sót một buổi học nào, đêm về lại học. Dường như anh chỉ có biết học mà quên mất những cuộc vui lạ lẫm ở xứ người…Vì thế mà anh đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một lưu học sinh được nhà nước chọn gửi đi đào  tạo tại Rumani. Đến bây giờ đã là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, mà anh Tản vẫn giữ được dáng vẻ như xưa – hiền lành, khiêm tốn và nhiệt tình, ứng xử lễ phép với người hơn tuổi mình. Tản vẫn gọi tôi là anh và xưng em giống như thời cùng sống ở Rumani.

Cũng như lần trước, hôm mồng 3 tháng 9 / 2008 tôi gọi điện cho anh Tản về việc Đại sứ Dumitri Olaru muốn lên thăm tỉnh Hoà Bình. Anh vui vẻ nhận lời và nói sẽ trao đổi với Chủ tịch tỉnh để đón tiếp cho long trọng. Đúng ngày hẹn, chúng tôi đến Hoà Bình tuy hơi chậm vì đường xấu, nhưng Phó Chủ tịch Quách Thế Tản cùng nhiều cán bộ khác của tỉnh đã nồng nhiệt đón tiếp đoàn bằng những bông hoa đẹp và những nụ cười tươi, thắm đẫm tình hữu nghị Việt – Ru. Phó Chủ tịch Quách Thế Tản nói tiếng Ru còn tốt, khiến ông Đại sứ ngạc nhiên vì đã hơn 40 năm rồi không nói tiếng Ru mà vẫn không quên.

Sau vài chục phút, Chủ tịch Bùi Văn Tỉnh tới, càng làm cho buổi tiếp Đại sứ Rumani thêm nồng nhiệt hơn. Chủ tịch Bùi Văn Tỉnh tặng cho Đại sứ Olaru một chiếc cồng, tượng trưng cho văn hoá Mường, đồng thời Đại sứ Olaru tặng cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh những chai rượu Rumani và một số tài liệu về kinh tế và văn hoá Rumani. Chủ tịch Bùi Văn Tỉnh hướng dẫn cho Đại sứ Olaru cách đánh cồng, chiêng và thân mật nói: “khi nào ngài đánh lên một tiếng cồng, là lúc ngài nhớ tới tỉnh Hoà Bình chúng tôi”… Còn Đại sứ Olaru nói: “khi nào ngài nhấp ly rượu xuica là lúc ngài nhớ tới Rumani”…Buổi tiếp thật vui, thật thắm tình hữu nghị rồi chuyển dần từ các thể thức xã giao sang nội dung hợp tác hữu nghị, cụ thể là: Kết nghĩa giữa tỉnh Hoà Bình và tỉnh Prahova- địa phương có thành phố Ploieti nổi tiếng về hoá dầu và cũng là nơi có nhiều trường đại học lớn đã đào tạo cho Việt Nam hàng trăm cán bộ, chuyên gia, trong số đó có nhiều người là cán bộ cốt cán ở Viện Dầu khí và  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hiện nay vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam đến học về ngành dầu khí tại thành phố Ploiesti.

Hai vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh rất vui mừng nhận lời kết nghĩa giữa hai tỉnh Hoà Bình và Prahova. Ông Chủ tịch còn cho biết, Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng Trường đại học Dầu khí tại tỉnh Hoà Bình; như vậy chắc chắn sẽ mời các chuyên gia dầu khí Rumani đến giảng dạy tại đây.

Đại sứ Olaru mời Chủ tịch Bùi Văn Tỉnh sang thăm  tỉnh Prahova, quê hương của ông, cũng là tỉnh ông chọn kết nghĩa với tỉnh Hoà Bình, vì có những nét tương đồng về địa lý, kinh tế và văn hoá. Chủ tịch Bùi Văn Tỉnh nhận lời mời và hứa sẽ đi thăm Rumani nhân chuyến thăm nước Nga trong tháng 11 tới. Và ông đã thực hiện chuyến thăm Rumani đầu tiên vào đầu tháng 11 như đã hứa. Theo thông tin từ Rumani, chủ tịch Bùi Văn Tỉnh đã đến thủ đô Bucarest và tại đây ông đã gặp gỡ một số nhà doanh nghiệp và đoàn chuyên gia kinh tế Rumani, những người chuẩn bị sang Việt Nam. Chủ tịch tỉnh Hoà Bình cũng đã đến Prahova, gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo tỉnh này và ký kết một số chương trình hợp tác kinh tế - văn hoá giữa hai địa phương.

Trở lại chuyến thăm tỉnh Hoà Bình trưa hôm đó, lãnh đạo tỉnh tiếp đoàn Đại sứ Rumani một bữa cơm đặc sản ẩm thực Hoà Bình và một chương trình nghệ thuật dân tộc Mường hết sức hấp dẫn. Sau đó Phó Chủ tịch Quách Thế Tản đưa chúng tôi đi thăm Bảo tàng dân tộc Mường. Lần đầu tiên Đại sứ Olaru cùng chúng tôi thông qua hàng trăm hiện vật do hoạ sĩ Vũ Đức Hiểu thiết kế mà thấy được, cảm nhận được một cách có hệ thống lịch sử và sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình.

Rời Bảo tàng dân tộc Mường, Phó Chủ tịch Quách Thế Tản tiếp tục đưa Đại sứ và chúng tôi đi tham quan Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Qua giải thích của Phó Chủ tịch Quách Thế Tản Tản, Đại sứ Rumani hiểu được lịch sử và tầm vóc lớn lao của công trình thuỷ điện Sông Đà, hiểu được tình hữu nghị sắt son của nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Liên Bang Nga ngày nay với nhân dân Việt Nam. Đại sứ Rumani Dumitri Olaru cũng hết sức xúc động khi đến thăm tượng đài Hồ Chí Minh đồ sộ đứng trên tầm cao mấy trăm mét. Dưới chân tượng đài Bác Hồ là núi đồi, xung quanh là ruộng đồng mênh mông, xóm làng đông đúc và trù phú…Thành phố Hoà Bình cũng hiện lên như một bức tranh đẹp được viền một màu xanh của núi rừng hùng vĩ.

Đại sứ Olaru thắp nhang tại tượng đài Bác Hồ và nói lên cảm tưởng của mình: Tôi đến đây càng thấy rõ tầm vóc lớn lao của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh – con người mà cả thế giới, trong đó có nhân dân Rumani biết tên và kính trọng. Tôi nói với ngài Đại sứ: Chính con người vĩ đại này- Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ đã đến thăm Rumani và đã bắc chiếc cầu hữu nghị vững bền giữa hai nước dân tộc. Vì thế, chúng ta phải có nhiệm vụ gìn giữ, bồi đắp cho chiếc cầu hữu nghị lịch sử này mãi mãi vững bền. Đại sứ Olaru tỏ ra tâm đắc và nói: Bây giờ chúng ta phải hành động, phải thúc đẩy nhiều hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và văn hoá giữa hai nước Rumani và Việt Nam, trong đó có chương trình kết nghĩa giữa hai tỉnh Prahova và tỉnh Hoà Bình.

GS Hoàng Chương

PCT Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 26
  • 3132
  • 22,481,793