Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI ĐÃ MANG TÌNH CẢM VÀ VĂN HÓA CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐẾN VỚI NHÂN DÂN RUMANI

  26/06/2016

"Hồ Chí Minh - Người đã mang tình cảm và văn hóa của nhân dân Việt Nam đến với nhân dân Rumani"

Bỳ Văn Tứ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm chính thức Rumani từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 8 năm 1957. Chuyến thăm nhằm thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nặng tình nghĩa và tính cách nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian thăm các cơ sở kinh tế, xã hội của Rumani, đặc biệt là các cơ sở liên quan đến người lao động. Người cũng đã gặp gỡ và trò chuyện với các tầng lớp nhân dân Rumani, thể hiện tình cảm hữu nghị sâu sắc giữa hai dân tộc.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn đặc biệt trong di sản của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Rumani.

_-*-_

Các cháu thiếu nhi Ru-ma-ni vui mừng chào đón Bác Hồ tại sân bay Baneasa khi Người  đến Bucarest  ngày 17/8/1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Rumani vào tháng 8 năm 1957. Đây là dịp mà Người đại diện cho nhân dân Việt Nam đi cảm ơn nhân dân các nước anh em đã đoàn kết và giúp đỡ nhân dân Việt Nam suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giành được thắng lợi. Mục đích của chuyến thăm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nặng tình nghĩa và tính cách nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Chương trình chính thức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 8 năm 1957. Chuyến thăm của Người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong di sản của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Rumani.

 Ngoài các nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia của nước bạn, các cuộc thăm chính thức Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Ban chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Rumani, và dự mít-tinh của nhân dân Thủ đô Bucarest, Hồ Chủ tịch có một chương trình hoạt động thể hiện phong cách riêng của Người.

Người thăm Viện Lão khoa, đánh giá cao việc quan tâm và coi trọng người già của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Rumani. Thời gian đó, Rumani đã điều chế được thuốc Gerovital (được mệnh danh là “cải lão hoàn đồng”) từ nguồn nguyên liệu trong nước.

 “Kính lão đắc thọ” là văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Điều này cũng nói lên sự tương đồng trong đạo đức xã hội của hai dân tộc Việt Nam và Rumani.

Người đến thăm Cung Thiếu nhi ở Thủ đô Bucarest, được các cháu thiếu nhi Rumani ào ra chào đón, tặng hoa và quàng khăn đỏ cho Người. Người hòa cùng các cháu với nụ cười hân hoan, tươi trẻ, thoải mái như được vui cùng các cháu nhi đồng Việt Nam tại quê nhà. Ngắm bức ảnh đen trắng đã trải qua gần 60 năm, tôi vẫn thấy toát lên sự hồ hởi với tình cảm tươi trẻ của Người cùng các cháu chạy tới; và sự hân hoan của các cháu lần đầu tiên được gặp Người mà đã thân thiết như ông cháu lâu ngày gặp lại. Bức ảnh chụp cảnh các cháu thiếu nhi Rumani đón Bác ở sân bay Baneasa cũng thật cảm động: Người rạng rỡ với nụ cười yêu thương, còn các cháu thì xúm lại bên Người, đứa ôm tay, đứa níu áo vô cùng gần gũi. Tôi có cảm giác, âm điệu bài hát lại vang lên mỗi khi Bác gặp các cháu nhi đồng: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng; Ai yêu các cháu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cháu thiếu nhi Rumani trong chuyến thăm của Người đến Rumani năm 1957.

 

 Các anh, các chị nguyên là lưu học sinh Việt Nam sang nước bạn học tập từ năm 1955, 1956 kể lại: “Số lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở Bucarest cũng được ra sân bay đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng chờ ở vị trí gần khu vực dành cho Lãnh đạo Nhà nước và ngoại giao đoàn. Khi thấy Người bước xuống cầu thang máy bay, với tình cảm tự nhiên và sức hút kỳ lạ, không ai bảo ai cùng chạy ùa ra đón Người, nhưng bị hàng rào danh dự của bạn ngăn lại. Đồng chí Bí thư Thứ nhất của Đảng Công nhân Rumani có mặt ở đó, cảm nhận được tình cảm kính yêu của học sinh Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch, vội ra hiệu cho đội danh dự cho phép. Thế là Bác cháu được xoắn xuýt bên nhau cùng với các bạn thiếu nhi Rumani chạy đến tặng hoa cho đoàn.”

Người đến thăm Nông trang tập thể “30 tháng 12” ở Copaceni, ngoại ô Bucarest, thăm Nhà máy Lọc Dầu số 1 ở Ploiesti, Viện bảo tàng, lâu đài Peles, Nhà máy sản xuất máy kéo, Hợp tác xã nông nghiệp ngoại ô Brasov, chợ Obor, khu tập thể công nhân, sân vận động, nhà máy cơ khí “23 tháng 8”. Ở đâu Người cũng quan tâm đến Văn hóa đi đôi với Kinh tế, Công nghiệp đi đôi với Nông nghiệp mà chủ thể là người lao động. Chăm lo đời sống của người lao động là mối quan tâm hàng đầu của Người.

Tại cuộc mít-tinh của nhân dân Thủ đô Bucarest ngày 20 tháng 8 năm 1957, người nói:

  • Các bạn hãy cho phép tôi chuyển lời chào mừng anh em của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Rumani và chuyển lời chào thắm thiết của nhân dân Hà Nội tới các anh chị em Bu-ca-rét …”

Trong bài phát biểu của mình, sau khi ca ngợi những thành tựu của nhân dân Rumani anh em, Hồ Chủ tịch nói nhiều đến đoàn kết:

Sự đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa là sức mạnh của chúng ta… Sự đoàn kết trong nước chúng ta là sức mạnh của chúng ta: Đoàn kết trong Đảng và Chính phủ, đoàn kết giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân. Sự đoàn kết đó sẽ chiến thắng tất cả những khó khǎn nội bộ…

…Các đồng chí sắp kỷ niệm ngày giải phóng Tổ quốc vẻ vang của mình. Tôi xin thay mặt nhân dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam, chúc mừng trước các đồng chí và toàn thể nhân dân Rumani anh em. Hôm nay, chào mừng những thắng lợi của nhân dân Rumani, chúng tôi cũng chào mừng tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc chúng ta…”

Trong những dịp hội họp và sinh hoạt tập thể ở trong nước mà có sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường là kết thúc bằng bài hát “ Kết đoàn”. Những  lời hát sẽ sang lên đồng thanh : “ Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang… Đoàn kết ta bền vững …”. Đoàn kết chính là tư tưởng  nhất quán của Người. Thiên tài của Người chính là xây dựng được khối đoàn kết toàn dân , vượt qua mọi thử thách, giành thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Người đến với nhân dân Rumani cũng bằng thông điệp đoàn kết.

Trong bài diễn văn từ biệt tại sân bay Baneasa ngày 21 tháng 8 năm 1957, Người nói:

“… Mặc dầu chúng tôi ở Rumani trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy như sống ở nhà mình. Các vị lãnh đạo, các đồng chí và nhân dân Rumani đều đối với chúng tôi như anh em ruột thịt. Ở đâu, chúng tôi cũng thấy nhân dân Rumani anh em có một mối cảm tình nhiệt liệt đối với nhân dân Việt Nam…

... Mặc dầu hai dân tộc chúng ta cách nhau hàng nghìn cây số, chúng ta vẫn luôn luôn đoàn kết chặt chẽ với nhau,…”

Những lời của Bác là tiếng nói của trái tim. Bác đã cảm nhận sâu sắc tình cảm chân thành, thân thiết của nhân dân Rumani đố với nhân dân Việt Nam.

Gần sáu mươi năm qua, hơn ai hết, những người Việt Nam đã từng học tập, công tác tại Rumani đều được thừa hưởng tình cảm quý báu này.

Các bạn Rumani còn được chứng kiến sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ Việt Nam ngay trên đất nước bạn. Dù thời gian eo hẹp, Người vẫn đến Đại sứ quán Việt nam ở Bucarest gặp gỡ, hỏi han tình hình học tập, sinh hoạt của anh chị em lưu học sinh, đặc biệt đối với bảy chị em nữ sinh Việt Nam. Người còn chỉ thị cho đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Rumani làm việc với Bộ Giáo dục của bạn xắp xếp lại ngành học cho phù hợp với sức khỏe của từng người. Chị Bích, chị Thủy, chị Phái, chị Hồng và các anh Thuần, anh Hồng … đến nay vẫn nhắc lại kỷ niệm được đón Bác ở Bucarest và được Người quan tâm tới nghề nghiệp của mình. Và các anh, các chị - thế hệ đầu tiên của lưu học sinh việt Nam ở Rumani ấy, đã luôn phấn đấu vươn lên, xứng đáng với tình yêu thương và kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Các thế hệ lưu học sinh Việt Nam sang Rumani học tập sau này cũng noi gương các anh chị đi trước, đã học tốt, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của các giáo sư, bạn bè Rumani mang về đóng góp xây dựng đất nước Việt nam ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt tình hữu nghị thân thiết và chân thành giữa nhân dân hai nước do Hồ Chủ tịch và các lãnh tụ của nhân dân Rumani gây dựng và vun đắp, luôn luôn được trân trọng giữ gìn và phát huy một cách bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các lưu học sinh Việt Nam tại Bucarest năm 1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng với 7 nữ sinh Việt Nam tại Bucarest năm 1957.

 Tác giả xin trân trọng cám ơn Đại sứ Trần Văn Thủy đã cung cấp một số tư liệu và hình ảnh cho bài viết.

Bỳ Văn Tứ

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 31
  • 3324
  • 22,481,985