Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH TỪ HÀ NỘI ĐẾN BUCAREST (Phần 1)

  24/08/2016

1-Ngày ra đi :30-8-1965

 Năm 1965,cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam bước sang một giai đoạn mới: đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân,toàn quốc chìm trong khói lửa .Phong trào tình nguyện nhập ngũ sôi động trong toàn quốc.  Sân trường tôi luôn có một bục sân khấu treo ảnh Nguyễn văn Trỗi ,học sinh nô nức tình nguyện xin đi bộ đội với nhiều lá đơn viết ,hoặc ký tên bằng máu .Tôi đã hai lần viết đơn tình nguyện nhưng chưa được chấp nhận . Năm học cuối cùng của trường Trung học đã  kết thúc ,nhiều bạn bè tôi đã lên đường nhập ngũ. Tôi và một số ít các bạn khác(1) được chọn đi học để xây dựng đất nước sau chiến tranh ,điều đó khiến tôi rất buồn .Mặc dù đó là một chủ trương đặc biệt thể hiện niềm tin  tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta ,thể hiện một tầm nhìn sáng suốt của Hồ Chủ tịch . 

Đầu tháng 7-1965, chúng tôi tập trung tại trường Đại học Sư phạm Hà nội ,tổng số khoảng 2400 học sinh.Tôi không rõ tỉnh Hà bắc có bao nhiêu học sinh vì khi đó Bắc giang có Cấp III- Ngô sĩ Liên của chúng tôi , và Bắc ninh có cấp III- Hàn Thuyên (Vốn có nguồn gốc là một trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Chỉ biết trường tôi lúc đó có 4  học sinh mới tốt nghiệp (Dũng ,Tương ,Mai và tôi* )và có hai anh thuộc các khóa trước(Đỗ Thiện Trị và Nguyễn Ngọc Minh * ) .Sau này có bổ xung thêm vài bạn nữa. Theo kế hoạch , chúng tôi học chính trị , thời sự và được phổ biến nhiệm vụ đối với lưu học sinh - những hạt giống của cách mạng với sứ mệnh xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh,thời gian khoảng một tháng , sau đó sang Liên xô học Đại học. Hiệp định giữa hai nước đã ký với cả phần viện trợ đào tạo. Nhưng sau một tháng , chúng tôi cũng chưa đi được , lý do là Liên xô khi đó không nhận lưu học sinh chưa qua chương trình học tiếng Nga một năm ở trong nước như thông lệ,mà chúng tôi thì vừa mới tốt nghiệp cấp III hệ 10 năm .

Nhà nước tiếp tục vận động , thuyết phục các nước bạn ,còn ban quản lý đoàn tiếp tục bổ xung chương trình học tập cho chúng tôi trong những ngày chờ đợi .Chiến tranh đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ đã leo thang ra các tỉnh miền Bắc,đến Thanh hóa ;khi đó ta đã bắn rơi 500 máy bay Mỹ!Theo kỷ luật thời chiến ,thường thì chúng tôi không được ra phố chơi ,chỉ ở trong khuôn viên nhà trường .

Chúng tôi chờ đợi .Riêng tôi thì lúc nào cũng bình thản ,chỉ mỗi tội đói ăn ,mặc dù xuất ăn của chúng tôi đã là đặc biệt ưu tiên .Khi đi tập trung , thầy tôi chỉ còn 9 đồng vét túi cho tôi hết .Mỗi ngày tôi ăn thêm một bát miến ,hoặc phở  ở căng tin mất 3 hào , qua một tháng thì hết tiền. Ngày nào tôi cũng chỉ tập thể dục  chứ không dảm đá bóng …vì đói .  Rồi có tin các nước Trung quốc , CHDCND Triều tiên đã nhận đào tạo lưu học sinh Việt nam .Đầu tháng tám , một số bạn tôi và nhiều bạn khác lục tục lên đường sang Trung quốc(Dũng ,Mai *) và Triều tiên(Tương ,Minh *) .Trường tôi  chỉ còn lại tôi và anh Trị .Khi các bạn đi ,đều gặp tôi động viên chờ đợi để đi đợt sau.Đồ đạc của các bạn đi Trung quốc chỉ có một bọc gói trong tấm vải mưa ,cắp nách .Bạn Ngô văn Tương  đi Triều tiên đã cho tôi  chiếc mũ cát bằng lie trước lúc chia tay .

Trong vòng nửa tháng đã đi trên 1500 học sinh .

Tôi còn nhớ cứ khoảng 9 giờ sáng ,tôi và anh Trị lại ngồi gõ bát lẩy Kiều.Chúng tôi đều rất thuộc Truyện Kiều.Tôi lẩy một lúc , rồi đến lượt anh Trị. Lẩy Kiều mỏi mồm mà chưa đến giờ ăn trưa.Anh Trị là học sinh giỏi của trường tôi ,nhà ở  Phi mô , Lạng giang ,cách thị xã 8km,học trước tôi hai khóa .Khi tôi học lớp 8 đã biết anh là một sinh học giỏi ,đã đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, không đoạt giải gì .(Các năm học cuối cấp II và cấp III, tôi đều được vác bút đi thi học sinh giỏi văn Miền Bắc, cũng đều không đoạt giải gì !)  Chẳng hiểu sao anh không đi học Đại học ,mà ở nhà làm kế toán Hợp tác xã nông nghiệp .Nghe nói đạt thành tích lao động tốt nên cấp trên và nhà trường chọn đi cùng đợt với tôi. Vì thế tôi và anh Trị có một sở thích giống nhau là đàm luận văn thơ .Lại cùng là con nhà lao động , làm khỏe , ăn khỏe và tất nhiên là …học cũng khỏe . Tôi tuy là “trai tỉnh lẻ “nhưng lao động từ thuở nhỏ .Gia đình tôi đông anh em ,bố mẹ là dân thường không có thành tích gì .Thời đó ,lý lịch là thước đo đạo đức và  năng lực của mỗi người ,mà với tôi ,từ lần đầu tiên được khai lý lịch ,ở mục thái độ chính trị của cha mẹ ,thày tôi đã đọc cho tôi ghi như sau :”Cha :,tên… ,tuổi… Thành phần : dân nghèo ;nghề nghiệp: làm thuê ;không tham gia đảng phái chính trị nào ; tài sản :không có gì ;trước cách mạng tháng Tám :còn nhỏ ,Sau c/m tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp không làm gì cho ta ,không làm gì cho địch…;Mẹ :  cũng ghi như thế ” .Với bản lý lịch “sạch như chùi” thế , lại chẳng quen biết ai ngoài các thày cô và bạn đồng học cũ , nên trong những ngày chờ đợi , tôi luôn xác định nếu được đi thì học , nếu ở nhà thì vào bộ đội. Đối với tôi , học tập là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời , nhưng tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ có thể học tập được trong bất kỳ hoàn cảnh nào .

Chiều ngày 29 tháng Tám , danh sách đợt vét đi Đông Âu đọc trên loa có tên tôi và anh Trị , đi Rumani; tôi cũng không nhớ là bao nhiêu học sinh. Đây là đợt thứ 9. Khi đó Đoàn chỉ còn lại khoảng dăm ,sáu trăm học sinh.Nghe nói sẽ học Đại học ở trong nước.  Chúng tôi được phát quần áo:  một bộ comple,hai sơ mi trắng, hai may-ô cộc tay ,hai quần đùi , một bộ đồ dệt kim mặc trong nhà , một đôi giầy da,hai đôi tất chân…kèm theo một chiếc va ly giả da .Thật oách ! Từ bé chưa bao giờ tôi có . Mọi người nhanh chóng chuẩn bị . Sáng 30-8 cả đoàn cuốc bộ từ Trường Đại học Sư phạm tới Bưu điện Cầu giấy (nơi có mộ của Henri Rivière). Trước khi đi anh Trị bảo tôi :“Tớ đã lấy trộm một cái cọc màn , tý nữa hai thằng khiêng hai va ly chứ nếu sách thì cũng khướt đấy !”.Quả nhiên trên đoạn đường khoảng 2 km ấy , tôi thấy các bạn khá chật vật với chiếc va ly của mình , nhất là các bạn nữ . Đến Cầu giấy , chúng tôi  lên tầu điện vào thành phố .Chuyến tầu điện kéo ba toa bánh sắt chạy trên đường ray ,như tàu hỏa nhưng nhỏ hơn với một cái cần dài nối với đường cáp điện phía trên .Loại tầu này có từ thời Pháp thuộc ,vừa chạy vừa rung chuông leng keng . Gần trưa , tập trung tại Trường Đại học Kinh –Tài(nay là trường ĐH Kinh tế quốc dân ) , ăn cơm , ghép đoàn chính thức mới biết mang máng là đoàn đi Đông Âu có khoảng 200-300 lưu học sinh  ,đoàn Rumani có khoảng 100  người.  15 giờ , cả đoàn lại cuốc bộ đến Ga Hàng-cỏ.Tới ga đã khoảng 16 giờ .Theo nguyên tắc thời chiến ,nhất cử nhất động đều làm theo mệnh lệnh,đi theo đoàn ,đội ,không đi lẻ .

Hình ảnh sân ga Hàng-cỏ vào lúc chiều tà ngày 30 tháng Tám 1965 cho đến bây giờ vẫn in đậm trong ký ức tôi .Anh Trị vét túi còn một hào , mua hai cốc si rô ,tôi và anh mỗi người uống một cốc rồi xách valy lên tàu hỏa .Chúng tôi chẳng có ai đưa tiễn nên chỉ đứng bên cửa sổ nhìn xuống sân ga .Một số  bạn Hà- Nội có người thân đưa tiễn .Một bà mẹ tay xếp những quả chanh vào va li cho con miệng căn dặn đủ điều , nào là bên đó người ta phải nhập khẩu chanh ,quý  hiếm lắm , con cố mang theo …Rồi nước mắt lưng tròng , bà căn dặn con trai cố giữ sức khỏe , học giỏi chăm ngoan để trở về xây dựng đất nước…Cũng có bạn khác giới đưa tiễn nhau , nhưng chỉ cầm tay và …khóc .  Một nỗi nhớ nhà da diết trào dâng trong lòng ,Hà nội –Bắc giang chỉ cách nhau 50 km mà không có cách nào báo tin cho gia đình biết mình đã được lên đường đi du học !

Xẩm tối tới thật nhanh , đoàn tầu chạy bằng hơi nước hồng hộc khởi động , lăn bánh .Những cha ,mẹ, anh ,chị, em, bạn bè, …của các bạn vừa đi theo đoàn tầu vừa vẫy tay , miệng nói với theo ,lưu luyến đến cảm động .Chúng tôi cũng vẫy chào tạm biệt Thủ đô thân yêu trong khi chiến tranh đang đến rất gần.Tôi nhẩm trong đầu câu thơ của Nguyễn Bính “…Những bàn tay vấy những bàn tay ,Những đôi mắt lệ nhìn đôi mắt ,Buồn ở đâu hơn được chốn này …“Những bài thơ của Nguyễn Bính tôi khá thuộc nhưng thời đó tôi chẳng bao giờ dám đọc to !

Tàu chạy liên tục , không dừng tại các ga lẻ,trong toa chỉ có đèn điện mờ.Tôi bảo anh Trị : “Yên trí , tới ga Bắc giang thế nào tôi cũng nhờ được anh công an nào đó nhắn về cho gia đình biết chúng ta đã đi .Người nhà sẽ báo cho cả gia đình anh .”

Tôi có  anh rể làm công an ở Bắc giang , nên nghĩ là sẽ nhờ công an trên đó nhắn tin về nhà . Nhà tôi ở ngay trung tâm thị xã , rất dễ tìm .

Đúng là khi tàu đến ga Bắc giang vào khoảng 7-8 giờ tối  , tàu dừng để lấy nước và chúng tôi được phát bữa ăn tối :Một bánh mì kẹp thịt quay và xúc xích , một chai nước –Một bữa ăn hoành tráng thời đó ! Sân ga đã lên đèn nhưng chúng tôi không ai được xuống tàu .Tôi vừa ăn vừa thò đầu ra cửa sổ tìm kiếm .May quá , có một anh công an đang đi ngang qua chỗ tôi. Tôi vội lấy lá thư viết sắn và cái mũ cát-lie của Tương cho ,gọi anh và nhờ anh đưa về Công an thị xã Bắc giang hộ. Anh công an lắc đầu ,nói rằng anh từ Hà-nội đi theo tàu ! Sân ga vắng vẻ khác thường ,và tàu tiếp tục chuyển bánh trong nỗi thất vọng của tôi. Tôi vẫy chào thị xã thân thương , nơi tôi đã sống và học tập suốt chín năm thời thơ ấu . Nước mắt trào lên đầy mi! Những người thân trong gia đình và bạn bè tôi ,họ sẽ vui mừng biết bao khi được tin tôi đã đi học nước ngoài ! Miếng bánh mì kẹp thịt đắng ngắt trong miệng .Ngày thường tôi sẽ ăn hai ,ba xuất chỉ trong chốc lát  !Tôi quay về chỗ ngồi , anh Trị đã ăn xong tự bao giờ ,đang chờ tin tôi .Lát sau , trong nhịp lắc lư nghiêng ngả và tiếng lịch xịch của đoàn tầu , anh Trị nghĩ ra một sáng kiến .Anh viết hai  lá thư khác , lấy cái mũ lie của tôi , cho vào trong mũ : một thư gửi cho người qua đường nhặt được mũ , một thư nhờ gửi về nhà .Anh nói , tàu đi qua Phố Tráng sẽ qua con đường vào làng , ta sẽ ném chiếc mũ xuống đường , biếu chiếc mũ cho người nào nhặt được và nhờ gửi thư về nhà .

Khi tàu qua đó ,anh đã ném chiếc mũ đúng vệ đường .(Về sau chúng tôi được biết có người họ hàng của anh đi cày sớm đã nhặt được mũ và gửi hộ thư về nhà .Sau chừng hai tuần , gia đình tôi cũng được gia đình anh báo tin cho !Còn chúng tôi , gần một tháng sau đó mới có địa chỉ viết thư về , và hai tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của gia đình ).

Quá nửa đêm , tàu đến ga Đồng đăng .Chúng tôi ngồi trên tàu đợi các anh phụ trách đi làm thủ tục xuất cảnh.Đường sắt không qua cổng Hữu nghị quan .

Tảng sáng hôm sau , chúng tôi tập kết tại ga Bằng tường –Trung quốc trong ánh đèn đêm rực rỡ. Chúng tôi lên tàu liên vận , có giường nằm , bắt đầu cuộc hành trình dài lần đầu tiên trong đời bằng tàu hỏa xuyên lục địa .Cũng là một đoàn tàu sang trọng  mà từ tấm bé  tôi chưa bao giờ được thấy !

      Tôi vẫn còn nhiều tâm trạng ,khi tàu đi trên đất Quảng tây , phong cảnh giống như vùng núi Việt nam ,thấy nhiều cây hoa gạo mọc trên sườn đồi ,tôi đã hát bài “Hoa mộc miên “mà anh Tứ nhắc đến trong bài viết của anh .Tôi thường ít khi nói ra những suy nghĩ của mình cho những người xung quanh biết , chỉ hay đọc thơ thầm , và hát mỗi khi muốn thể hiện tâm trạng của mình. Cây hoa mộc miên chính là cây gạo .

“Mộc miên hoa ơi ,

Mỗi khi qua cầu biên giới , thấy hoa mộc miên nở ,lòng thấy bồi hồi .

Mộc miên hoa ơi ,

Phải chăng xưa ở nơi ấy ,máu hai dân tộc anh hùng hòa trong tiếng kèn chiến thắng chống kẻ thù chung.

Giữa khi hoa mộc miên ,bông trắng bay theo gió triền miên …

Có phải rằng xưa ,nơi đây mọc lên cây hoa mộc miên, đời đời ghi nhớ mối tình giữa đôi ta …..”

Đây là một bài hát cách mạng nhưng rất trữ tình ,nền nhạc phảng phất dân ca Trung quốc ; tôi không nhớ tên tác giả ;tôi cũng không mấy khi hát và chưa bao giờ hát trên sân khấu nhà trường .Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài hát này ,mỗi khi có bạn nào đó nhắc đến“Ngày ra đi” của chúng tôi .

 Hà-nội ,tháng 4-2013

Cao Văn Kỳ

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 30
  • 3146
  • 22,481,807