Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NGƯỜI CAO TUỔI TẬP THỂ DỤC THẾ NÀO KHI TRỜI LẠNH

  12/12/2022

Ngồi tại chỗ sau khi thức dậy, khởi động kỹ, tập trong nhà đều đặn và lắng nghe cơ thể là bí quyết giúp các cụ khỏe mạnh khi trời lạnh.

Trung Tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia ngày 12/12 dự báo thời tiết 10 ngày tới ở Bắc Bộ tiếp tục rét, ở vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

ThS.BS Nguyễn Thu Yên, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết thời tiết lạnh, rét ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người già. Các hoạt động thể lực thường giảm bớt để tránh rét, giảm hiệu quả kiểm soát chỉ số đường huyết, mỡ máu. Bên cạnh đó, người cao tuổi dễ có xu hướng tập luyện không đúng cách trong những ngày lạnh khiến cơ thể ốm, chấn thương; nguy cơ mắc thêm các bệnh hô hấp, tim mạch, xương khớp.

Có 5 lưu ý bác sĩ Yên đưa ra về cách tập thể dục khi trời lạnh giúp người cao tuổi giữ sức khỏe trong ngày lạnh.

Ngồi tại chỗ sau khi thức giấc

Nhiệt độ thường giảm thấp vào nửa đêm và sáng sớm. Trong khi đó, cơ thể được ủ ấm do nằm trong chăn sau một đêm, có thể bị sốc nhiệt khi vội vàng bước xuống giường sau khi ngủ dậy. Lúc này, các mạch máu có thể bị co lại, gây thiếu oxy và nguy cơ tai biến.

Do đó, bác sĩ Yên khuyến cáo người cao tuổi nên ngồi tại giường sau khi thức giấc, dùng hai tay xoa vào nhau, xoa lên mặt cho ấm, tập vài động tác tại chỗ cho cơ thể thích nghi dần, sau đó mặc quần áo ấm rồi mới bước xuống giường.

Khuyến cáo này đặc biệt áp dụng cho nhóm người bệnh đái tháo đường và tim phối hợp do thời tiết lạnh sáng sớm là yếu tố thuận lợi gây đột quỵ.

Tập luyện hàng ngày

Tâm lý tập luyện thất thường vì ngại trời lạnh sẽ làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết và huyết áp ở người cao tuổi. Do đó, các cụ nên tập ít nhất 5 ngày một tuần, tốt nhất là tập luyện hàng ngày. Trong đó, mọi người có thể áp dụng các bài tập kháng lực 2-3 lần một tuần, gồm kéo dây thun, nâng tạ vừa sức. Thời gian tập thể dục trong ngày có thể chia nhỏ, ví dụ đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần khoảng 10-15 phút.

Người cao tuổi cũng nên tránh ngồi lâu, nên đứng lên đi lại mỗi 20-30 phút. Ngoài ra, mọi người có thể thực hiện các hoạt động khác tốt cho cơ thể như làm vườn, đi cầu thang bộ, làm việc nhà...

Tập trong nhà

Người cao tuổi không nên tập ngoài trời vào sáng sớm do có thể nhiễm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp, viêm phổi, đột quỵ. Mọi người nên chọn tập trong nhà, ở nơi kín gió nhưng thông khí, đồng thời cần mặc ấm khi tập luyện, với nhiều hình thức như: tập thể dục tại chỗ, tập tạ, đi bộ trong nhà, tập yoga, tập dưỡng sinh, máy chạy bộ hoặc tập các bài tập theo các hướng dẫn của chuyên gia.

Người già nên phối hợp từ hai hay nhiều hình thức luyện tập nhằm làm tăng sức mạnh được tối đa các khối cơ cũng như các khớp trong cơ thể.

Người cao tuổi tập thể dục với tạ đơn và bóng trong nhà. Ảnh: DCStudio on Freepik

Khởi động kỹ

Vào mùa đông, người già, có bệnh nền cần khởi động kỹ hơn, có thể tăng gấp đôi thời gian so với bình thường. Việc này giúp hệ thống tuần hoàn bơm đủ và kịp thời máu giàu oxy hơn đến các cơ bắp, đồng thời tăng cường khả năng lưu thông máu, các nhóm cơ giãn ra, giảm thiểu chấn thương trong quá trình tập.

Lắng nghe cơ thể

Mọi người cần theo dõi các dấu hiệu của cơ thể để chọn hình thức và thời gian luyện tập phù hợp. Người cao tuổi không nên tập luyện vượt quá khả năng cho phép, đặc biệt nhóm có bệnh nền như tiểu đường, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xương khớp nặng. Lý do là những bài tập có thể không mang lại lợi ích sức khỏe, ngược lại gây thêm chấn thương hoặc bệnh tật.

Chi Lê (VNEXPRESS)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 3386
  • 22,087,926