Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

TRỞ VỀ

  26/10/2015

Tháng 8 năm 2005 tôi được mời đến Bucaret dự “Tuần văn hoá Việt Nam ở Rumani” và hội thảo về bản dịch “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ sang tiếng Rumani do nhà văn, nhà ngoại giao Lupeanu dịch và xuất bản.

Tham luận đọc tại hội thảo tôi có nhắc lại những kỷ niệm và ân tình sâu nặng của nhân dân Rumani dành cho chúng tôi, những sinh viên Việt Nam được sống và học tập ở Rumani. Tự đáy lòng mình, tôi cảm nhận và hiểu sâu sắc câu ngạn ngữ Rumani. Khi tôi đọc tham luận bằng tiếng Rumani khá trôi chảy và mọi người xúc động thật sự khi tôi tỏ lòng mình: “Cea mai bună pinea din lume est a mamei, si pentru mine est a poporului Rômân.”

            (Bánh mì ngon nhất trần gian là bánh mì của mẹ và đối với tôi còn là của nhân dân Rumani) - là tự trái tim mình, không phải ngoại giao hay nói cho phải lẽ.

Tháng 8 năm 1973, đất nước đang những ngày chiến tranh khốc liệt. Chúng tôi, sau 5 năm được nhân dân Rumani nuôi cho ăn, dạy cho học, đã đến ngày tốt nghiệp. Tổ quốc yêu thương trong chiến tranh bom đạn khốc liệt đang kêu gọi. Không kịp chào tạm biệt bạn bè, không kịp chào tạm biệt những nơi chúng tôi đã sống, đã đi qua trên đất Rumani. Không kịp chia tay người yêu (trong lén lút vì sứ quán cấm yêu) chúng tôi hối hả về nước với mong muốn chia bom đạn và đói nghèo với nhân dân. Lứa chúng tôi ra đi lên tầu liên vận cũng vào tháng 8 năm 1968. Hầu như không ai về thăm nhà trong suốt 5 năm. Tổ quốc ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Tết Mậu Thân, Bác Hồ qua đời (1969). Cơn bão lụt thế kỷ 1971, nước sông Hồng mấp mé cầu Long Biên đang oằn trong bom Mỹ, B52 rải thảm nhấn chìm Hải Phòng, Hà Nội trong bom đạn... Chúng tôi không ai dằn lòng được nữa mà hối hả lên tầu về nước, bỏ lại Rumani thân yêu với 5 năm tuổi hoa niên của mình, chưa kịp thấm sâu ơn huệ của nhân dân Rumani đã dành cho mình... Để rồi luyến tiếc, rồi nhớ nhung day dứt suốt những năm tháng về sau này.

            Chúng tôi về Hà Nội toả ra khắp mọi miền Đất nước. Nhiều người đi thẳng ra mặt trận. Tôi vẫn hát Doina trong những chiến hào ngập máu và lửa đạn trong những đêm chờ giặc. Tôi vẫn hát và nhảy điệu Horea trong những đêm lửa trại mừng chiến thắng, vẫn nằm đọc thơ tình Eminexcu giữa hai đợt bom B 52 của giặc. Rumani vời vợi nghìn trùng nhưng sâu thẳm trong lòng tôi những thành phố: Bucuresti, Cluj, Iasi, Timisoara, Sibiu, Mamaia, Conxtanta... Những nông trang, cánh đồng cứ hè đến cúng tôi lại đến lao động (không lấy tiền công) những nhà máy thực phẩm, đồ hộp bị ngập lụt, chúng tôi đến vận chuyển cá hộp, thịt hộp giúp công nhân. Chúng tôi nhớ thầy giáo, cô giáo, nhớ bạn bè Rumani và bạn bè quốc tế, nhớ cả những trận cãi vã đến phát khùng vì lúc đầu bất đồng ngôn ngữ. Những cửa hàng thực phẩm, quầy bán rau quả với những bà bán hàng to béo hay bẳn gắt vu vơ nhưng thấy sinh viên Việt Nam là vui cười xởi lởi, không cho sắp hàng mà lại chọn cho những thứ tốt nhất. Ở ga xe lửa, ở rạp chiếu phim, ở bất cứ nơi nào đông người, chúng tôi đều được ưu tiên. Sau này nhớ lại thấy xấu hổ, vì tính trẻ con của mình lúc đó. Được ưu tiên cứ vô tư nhận nhưng cũng cảm động với cách cư xử của người dân Rumani dành cho.

Thời gian trôi đi, năm tháng trôi đi để lại dấu ấn trên từng khuôn mặt, trên từng mái tóc. Thế giới này đầy những biến động khôn lường. Bây giờ chúng tôi mới kịp nhận ra thì có bao nhiêu thứ không còn trên đời này nữa. Hoá ra chúng tôi đã được sống trong một cõi thiên đường mà không biết. Tuổi  hoa niên, đẹp nhất cuộc đời, trước mặt là thế giới huy hoàng đầy mộng mơ, chúng tôi đã có ở nơi này. Học, học, học ... để rồi có được chút gì là kiến thức, tri thức cho mỗi người làm hành trang vào đời, trở nên người có văn hoá, có giáo dục là chính ở nơi này. Với chúng tôi tất cả đều gắn liền với nhân dân và đất nước Rumani. Đảng và Nhân dân Việt Nam sinh ra và dạy dỗ chúng tôi nhưng để nên người như hôm nay không thể quên được rằng Nhân dân Rumani đã nhường bánh mì cho chúng tôi những ngày chúng tôi ăn học ở nước bạn.

Noel năm 1989 tôi náo nức và hồi hộp đi từ Budapest qua ga Teut trở về Rumani. Nhưng hỡi ôi, bao nhiêu việc buồn lòng ập đến. Tôi bị mất cắp giày trên tàu hoà. Rét tê cóng chân, tôi lần mò trên đường phố Bucaret về sứ quán Việt Nam. Rumani đang nghèo, nhếch nhác, các cửa hàng thực phẩm trống rỗng, rượu bia không có, thịt trứng, bánh mì phân phối bằng tem phiếu nhưng cũng không có mà mua. Tôi lang thang, lòng nhói đau và buồn vô hạn và cố gắng tìm hiểu vì sao nhưng không kịp vì tiếng súng nổ ran ở Trimisoara và nhiều thành phố khác. Chưa gặp được nhiều thầy cô giáo, bạn bè và người dân tôi vội vã rời Rumani trong sự ngỡ ngàng và lo lắng, sợ hãi..

Ba mươi lăm năm sau, tôi trở về Rumani, đi thăm lại Đại học Nông nghiệp Nicolai Balcescu, nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Rumani sau chặng đường 13.000 km đi từ Hà Nội, ai cũng còn đượm hơi khói lửa chiến tranh. Tôi ở ký túc xá trường Luật Bucaret với sinh viên để hưởng lại cuộc sống sinh viên như ngày xưa, tôi đến nhiều trường đại học, viện nghiên cứu. Đại  học vẫn đường bệ, uy nghi và hàn lâm như những trung tâm đại học nổi tiếng trên thế giới. Bucaret huy hoàng, tráng lệ, hàng hoá tràn ngập, đời sống nhân dân rất cao, đường phố nề nếp, sạch sẽ và yên bình. Tầu điện ngầm mới có hơn chục năm nay, rất đẹp và tự Rumani làm lấy. Gương mặt ai cũng hồ hởi nhưng cũng có những nét mặt hoài niệm thời xưa mà chưa xa. Hồ cây sồi,  Hồ Herestrău yên tĩnh, thanh bình dập dìu trai gái và người đi chơi rợp cánh chim bồ câu.

Tôi trở về Cluj - nơi tôi học. Hơn 600 km đi hết 6 giờ ô tô, đi một lèo không vé cầu phà, không bắn tốc độ, không bóng một cảnh sát trên đường. Tôi về thăm trường cũ, thăm ký túc xá, ra nghĩa trang thắp hương cho thầy cô giáo đã qua đời, thắp hương cho các chiến sĩ Liên Xô, Rumani đã hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ II. Tôi đã đến những nơi ngày xưa đã đến đã lén hẹn hò với cô bạn người Hungari cùng học một lớp, ăn bánh đúc ngô (mămăliga) và thịt xâu nướng than hồng (mici), ăn táo, lê, mơ, phúc bồn tử mà tôi cho rằng không nơi nào trên thế giới này ngon bằng. Tôi đã đi vào Vườn thực vật (grădina botanică) vốc một vốc đất gói trong tờ báo Luciafarul (Sao Mai) mang theo về nước. Nhà tôi có một chậu hoa hồng mùa nào cũng nở đẹp. Đất trồng là đất tôi mang từ Rumani về.

          Lê Đình Cúc

                                                                                     Cựu sinh viên Tổng hợp

                                                                                    Cluj - Napca (1968 - 1973)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 23
  • 2566
  • 22,481,227