Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG NĂM THÁNG KHÓ QUÊN

  18/01/2016

Sau một cuộc hành trình dài, không còn nhớ bao nhiêu ngày, qua các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô bằng tàu lửa, tôi đã đặt chân lên đất Rumani xinh đẹp. Một đất nước Đông âu xa xôi nằm trên bờ Hắc Hải, đã gắn bó với đời tôi, không bao giờ quên

          Tháng 8 năm 1966. Mùa thu, lá vàng rơi, cây trơ lá bơ vơ nhìn trời mây. Không khác gì Hà Nội.

          Mùa đông, tuyết rơi, những bông tuyết bay như mưa, phủ lên cây cối một màu trắng tinh khiết, làm cho các cô gái chàng trai Việt Nam lần đầu thấy tuyết vừa lạ lẫm, vừa thích thú, đua nhau chạy ra công viên Grozăvesti vui chơi thỏa thích. Kết quả tất cả đều bị cảm phải nghĩ học vài ngày. Đó là bài học đầu tiên khi xa nhà.

          Mùa xuân, ngạc nhiên chưa? Cả một rừng hoa hồng, trắng, vàng, đỏ. Hai bên dòng sông Dimbovita vàng rực hoa cúc, cho đến bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn tưởng tượng được màu hoa ấy và thấy cả tàu điện số 13 và 14 chạy dọc bên bờ sông, chở chúng tôi đi học hằng ngày.

          Hè tới, bãi biển costinesti vui chơi thỏa thích, đùa với sóng, nước trong xanh một màu ngọc bích, mặc dù Hắc Hải là biển đen, cái gì đối với tôi cũng mới mẻ, cũng làm xao xuyến lòng người.

          Năm dự bị ĐH đã qua đi một cách nhanh chóng, chúng tôi lớn thêm đôi chút về tằm nhìn và nhận thức.

          Mười chúng tôi được phân công học ngành địa chất, Trường ĐH TH Buc.

         Từ trái qua:

1. Trịnh Long

2. Trần Công Bổng;

3. Nguyễn Xuân Khiển;

4. Dương Văn Cầu;

5. PhạmVănHải ;

6. Pham Thúy Phượng;

7. Nguyễn Thế Trai;

8. Lê Thị Tuyết Minh

9. Tạ Trọng Thắng;

10. Lê Đình Khôi là người chụp tấm hình này

Bước vào năm thứ nhất Facultate de Geologie- geografie Universitate Bucaresti.

Học –học và học, hết thi mùa hè lại thi mùa thu. Rồi đi thực địa. Lần đầu tiên đi núi. Dãy Carpat hùng vĩ. Một ngày khó quên trong hơn hai ngàn ngày du học, trên ngọn đồi vùng Baia Sprie. một buổi sáng mùa hè bình yên, hoa nở, chim hót năm 1969, thầy giáo hướng dẫn thực tập Constantinescu (sau này là Tổng thống Rumani), hái một bông hoa dại màu tím rất đẹp và đố tôi biết tên nó là hoa gì?. Thật thà tôi nói không biết. Các bạn Ru vô cùng ngạc nhiên vì sao tôi lại không biết tên một loài hoa nổi tiếng, bông NU MĂ UITA. Trời, tôi không tin, trên đời này lại có một loài hoa mang tên như thế! Kinh ngạc và thú vị, từ đó tôi luôn để ý tìm kiếm loài hoa này khi đi thực địa và không bao giờ quên. Nu mă uita ơi! Đừng quên nhau hoa nhé!

          Năm tháng thoi đưa. Năm thứ nhất khó khăn qua đi một cách chậm chạp. Lần đầu tiên ngồi trên ghế giảng đường, thầy giảng gì cũng không hiểu. Phải đọc tài liệu, tra tự điển, không có tự điển Việt –Ru, phải tra tự điển Ru –Pháp rồi Pháp –Việt, việc học khó khăn gấp đôi gấp ba người khác, kết thúc năm thứ nhất tôi phải thi lại 3 môn, mọi người có mùa hè, còn tôi thì không. Gánh nặng học tập đè lên đôi vai gầy nhỏ bé của cô sinh viên Việt Nam xa nhà, ôi! Thương quá là thương.

          Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi. Năm thứ hai, thứ ba nhẹ nhàng hơn. Quen thầy, quen bạn, quen cả ngôi trường thân yêu, phòng thí nghiệm nho nhỏ dưới tầng hầm. Những đêm đi học về muộn, lên nhà ăn vắng teo, không còn món gì để ăn, nhịn đói về phòng nấu mì với cá hộp. Từ đó tôi tự nấu ăn, mặc dù nội qui không cho nấu trong phòng, không sao, cô thầy phụ trách căminul thương, thông cảm bọn trẻ Việt Nam không ăn được món Tây cũng làm lơ. (nói vậy thôi chứ chúng tôi món nào cũng không bỏ thừa). Buồn cười nhất là những ngày đầu, các anh chị đi trước phải dạy chúng tôi cách cầm dao nĩa, ăn sao cho không nghe tiếng chóp chép, không được há miệng, khó ghê!, rồi tay phải cầm dao, tay trái cầm nĩa cắt miếng thịt  sao cho không rung bàn,đưa lên miệng bằng tay trái, thật lúng túng và buồn cười, từng chút, từng chút tôi học được kỷ năng sống, giao tiếp từ bạn bè, thầy cô, nhất là các bạn Ru sống cùng phòng: Lucia, Masa Antoaneta, Lia, Geta Sava...Những cái tên thân thương còn đọng mãi trong ký ức. Cảm ơn các bạn, mãi mãi các bạn là người tôi yêu thương nhất. Một điều tôi nên lưu ý các bạn là ở Ru tôi tên là Phani, bởi vì các bạn Ru không phát âm được chữ Phượng, có một chuyện sau này Xuân Khiển nói lại tôi mới biết, có lần Xuân Khiển đón người bạn Ru học cùng khóa sang Việt Nam họp đó là Seghedi Ion, anh chàng này là chồng của Masa Antoaneta ở cùng phòng với tôi, anh ta có nhã ý muốn gặp tôi, Bạn Khiển không biết ai học cùng khóa với mình tên là Phani để chuyển tin nhắn, trong khi đó Khiển biết tôi đang ở thành phố HCM. ( Phượng chứ không phải là Phani).

          Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm ả trôi. Tình hình học tập thuận lợi hơn nhiều khi tôi là cô sinh viên năm 3, năm 4. Ngươi ta nói “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng ai thế nào”. Tình cảm len lỏi trong lòng các nam thanh nữ tú. Làm sao ngăn cản được đây?. Mặc dù Đại sứ quán dặn dò răn đe, nội qui không cho phép yêu đương trong thời gian học tập kể cả Ru lẩn Việt. Tình cảm ngọt ngào vẩn cháy âm ỉ trong tim, tôi cũng không tránh khỏi ngọn lửa tình đó, có lúc tưởng chừng không thể cưỡng lại nổi. Nhưng lý tri và trách nhiêm với Tổ Quốc, quê hương, cha mẹ em trai còn ở Miền Nam chiến đấu bảo vệ đất nước, tôi đã cố gắng tập trung học tốt để hoàn thành chương trình, về nước đúng hạn..

           Năm thứ 4 đi thực địa chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp. Comuna Adamclisi, Judetul Constanta, nơi có mỏ Bentonit, sát với Thổ Nhĩ Kỳ, một vùng hẻo lánh, phải đi tàu lửa đến cảng Constanta, chuyển sang xe ô tô qua Cobadin rồi mới tới Adamclisi. Hồi hộp, lo âu nhưng cô giáo của tôi cô Ilia Mares đã động viên an ủi và đưa tôi đến tận nơi. Bên cạnh tôi lúc đó còn có người bạn đời sau này của tôi cùng đi, an tâm và hạnh phúc, chúng tôi lên đường. Đi từ sáng cho dến tối mới tới nơi. May mắn thay cô giáo đã liên hệ với lãnh đạo Comuna và tôi được trọ tại nhà khách.

          Những ngày làm việc tại mỏ đá Bentonit –Diactomit, Maitră Constantin dẫn tôi đi các hầm lò, giúp tôi lấy mẫu đất, gửi mẫu về Buc. Để cô giáo gửi đi làm thí nghiệm R. Thấy tôi ở nhà khách ăn uống kham khổ, vợ chồng ông Constantin mời tôi về ở cùng, coi tôi như con gái vì ông bà không có con. Hàng ngày đi thực địa, chiều về nhà ông bà ăn cơm, tôi giúp bà đi nhặt trứng gà, chọn trứng lớn để bán, còn trứng nhỏ để dành ăn dần, tôi còn hái táo, chires, nhổ củ cải đỏ, giúp bà mọi việc vặt trong nhà, y như một người con gái của bà và đó cũng là lần đầu tiên tôi được sống trong một gia đình thực sự, vô cùng hạnh phúc khi ở bên người, vì tôi rời khỏi gia đình từ lúc lên 9, khi chưa biết gì. Tôi gọi bà là Tanti Neli (Nezlovenu Constantin). Chuẩn bị cho buổi cơm chiều tôi đi lấy bánh mì ở lò về ăn với súp, bà thường hỏi tôi ăn mấy cái trứng opla, tôi ăn 2 còn ông 5 bà 4, bà bảo tôi ăn như vậy là quá ít, không lớn được đâu, không có sức khõe để học tốt. Tối ngủ bà lấy rất nhiều gối tấn xung quanh để tôi không bị lạnh, ngủ sẽ ngon hơn. Hết tháng thực tập trở về Buc. Hàng tháng tôi đều nhận được một thùng đồ ăn gồm gà quay, trứng, táo, lê mùa nào thức ấy. Giống như các bạn Ru được ba mẹ tiếp tế khi đi học.

          Khi biết được tin tôi tốt nghiệp, sắp về nước bà đã gửi cho tôi một cặp gối, một cái chăn len, để về nước lấy chồng, giống như bà mẹ chuẩn bị cho con gái ra ở riêng, bà còn gửi riêng cho ba tôi một cái chăn màu đỏ bà nói vì ba tôi là Đảng viên CS  và bà cũng là Đảng viên CS.

          Trường phổ thông trung học Adamclisi còn mời tôi đến nói chuyện với các em học sinh, động viên các em chăm chỉ học hành. Các em đã dẫn tôi đi khảo sát các con đèo, các thung lũng vì tôi không quen địa hình còn các em là người địa phương nên rất quen thuộc. Trong số các cô bé đó, tôi thân với một em tên là Coca Vizireascu, mẹ em làm ở Bưu điện Adamclisi tôi thường gọi bà Tanti Lenuta, bà mất ngày 11 tháng 3 năm 1988. Năm 1988 tôi có liên hệ được với Coca, biết em có chồng, 2 con trai, bé lớn tên Adrian khoảng 11 tuổi, bé nhỏ tên Sorin khoảng 6 tuổi, em là cô giáo dạy tiếng Pháp, chồng em lái tàu lửa ở Cobadin, em không để lại địa chỉ. Tôi không thể liên lạc được với em, tôi tha thiết muốn biết tin tức gia đình em. 

          Tôi được biết Tanti Neli đã qua đời, chắc ông Constanti cũng không còn nữa,vì khi tôi còn ở Ru ông cũng ngoài 50. Xin ông bà, gia đinh Coca nhận ở tôi một tấm lòng biết ơn sâu sắc, vì những năm tháng ở Ru tôi đã được gia đình coi như con gái, sống trong tình thương yêu đùm bọc. Chúc gia đình Coca hạnh phúc, khỏe mạnh, thành đạt, các con vủa em học giỏi trưởng thành, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

          Mười chúng tôi (8 nam 2 nữ) bây giờ đã thành ông bà nội ngoại, có cuộc sống an cư lạc nghiệp, các con đã trưởng thàng, các cháu ngoan ngoãn, học giỏi.

          1/ Xuân Khiển ở Hà Nội

          2/ Pham văn Hải ở Hà Nội

          3/ Lê Đình Khôi ở Thanh Hóa

          4/ Trần Công Bổng ở Vinh

          5/ Trịnh Long ở TP HCM

          6/ Lê Thị Tuyết Minh -TP HCM      

          7/ Dương Văn Cầu -TP HCM

          8/ Phạm Thị Thúy Phượng- TP HCM

          Riêng hai anh Thắng và Trai đã ra đi vĩnh viễn tôi xin chân thành chia buồn cùng gia đình các anh. Vợ chồng tôi Cầu – Phượng hiện sinh sống ở 50A/5 Đỗ Tấn Phong phường 9 Quận Phú Nhuận, có 3 con 2 gái 1 trai, 3 cháu ngoại ( 2 trai 1 gái). Chúng tôi chúc đại gia đình Lưu Học Sinh Rumani mạnh khõe, hạnh phúc, thành đạt và giữ mãi những kỷ niệm tươi đẹp, một thời để nhớ để thương.

Phạm Thúy Phượng

Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Bucarest

Khóa 1966-1971

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 31
  • 3377
  • 22,482,038