Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P5: VÀO VIETSOVPETRO

  29/11/2022

           5. VÀO VIETSOVPETRO

           Vietsovpetro hoạt động trên một địa bàn rộng lớn suốt từ lô 09, 15, 16 thuộc bể Cửu Long và các lô 04, 05 thuộc bể Nam Côn Sơn, được khảo sát địa chấn và tiến hành khoan thăm dò, sau chỉ giữ lại ba mỏ Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng. Gọi là Xí nghiệp Liên doanh nhưng dưới nó có Cục Khoan, Cục Khai thác, Cục Vận tải, Cục Vật tư và Viện Nghiên cứu Thiết kế Dầu khí Biển (NIPI), nghe có khác gì một cơ quan Bộ hoặc Tổng Cục. Ngày 26/6/1986, XNLD Việt Xô khai thác tấn dầu đầu tiên và Việt Nam cũng lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu Dầu. Hồi ấy quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô tốt lắm. Tình đồng chí, anh em thấm cả trong lòng những chuyên gia đầu tiên ấy. Để có những tấn dầu đầu tiên sau đúng 5 năm thành lập, Vietsovpetro đã làm hết sức mình bằng cả trí tuệ và mối tình Xô Việt. Những cái tên tuổi TGĐ Mamedov, Arjanov, Cục trưởng Khoan Phuntov, Viện trưởng Aresev và bao chuyên gia Liên Xô có công đầu ấy cần được ghi nhớ. Các tên tuổi như Ngô Thường San, Nguyễn Giao, Nguyễn Ngọc Cư, Đặng Của, Trần Ngọc Cảnh, Phùng Đình Thực, Trần Lê Đông, Trần Hồi v.v đều đã từng lăn lộn và trưởng thành từ cái nôi của ngành Dầu Khí này. Bao người đã dồn tâm huyết, mồ hôi, công sức, có người hy sinh cả tính mạng khi đang làm việc. Có cả những người mất vì tai nạn giao thông, thậm chí có cán bộ chết vì ăn phải trứng và gan cá nóc do anh em lính tráng không biết là cá độc ưu ái, kính nhường.  

          Tôi vào đúng thời điểm VSP bắt đầu khai thác tầng dầu Mioxen và lần đầu tiên phát hiện dầu trong Móng Granit nứt nẻ (11/5/1987). Cùng đi với tôi dạo ấy còn có cả Đinh Văn Ngà và Nguyễn Hữu Lợi. Lợi vào làm trưởng phòng Thương Mại; còn Ngà vào chắc có thể cũng giống như tôi, vì “ăn lá dâu IFP ở Pháp” từ mấy năm trước nên đây cũng là một dịp tốt để nhả tơ. Tôi vào Phòng trữ lượng còn Ngà làm ở Phòng Kinh Tế, của NIPI. Phòng Trữ lượng của chúng tôi trừ Pustovoi-Trưởng phòng , Trần xuân Nhuận- Trưởng ĐVLGK và tôi- Trưởng ĐCDK, còn lại toàn anh em trẻ. Nguyễn Quốc Thập, Phạm Tuấn Dũng, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Thành Trung đều trưởng thành từ đây. Đó là một tập thể tốt và đoàn kết. Cả phía các cán bộ kỹ thuật lành nghề Liên Xô như Pustovoi, Sadrina, Aresev và đội ngũ kỹ thuật trẻ Việt Nam đã làm việc hết mình. Niềm vui được nhân đôi từ điệu hát Xẩm xoan của Khuất Duy Tiến lúc ấy: “Đất nước Liên Xô phóng lên trên trời một anh thiếu tá họ Phạm tên Tuân/ cùng Go-bác-cổ/ bay vào “vũ tru”/ đất nước Liên xô ngày nay hơn hẳn Hoa Kỳ/ Tang tinh, tàng tình, tang tính, tang tinh…”. VSP thực sự là Cái nôi đào tạo cho các kỹ sư mới vào nghề. Thực tế cho thấy những cán bộ trẻ sau khi có vài ba năm công tác ở VSP chuyển sang các công ty dầu khí nước ngoài đều có khả năng bứt phá rất tốt.

          Từng ấy thời gian, tôi cũng được tham dự nhiều cuộc họp. Thường người Tây ngồi ở các hàng ghế trên, người Ta thì ngồi mãi phía dưới. Ý kiến chủ yếu là của người Tây, còn người Ta loáng thoáng. Sự thiếu tự tin về chuyên môn và hạn chế về ngoại ngữ nhất là đám anh chị em “non-russian” và bản tính tự ti của người Việt do tháng năm dài nô lệ đã dẫn tới sự phân cách đó. Mới thấy việc nắm vững chuyên môn và ngoại ngữ là điều vô cùng quan trọng. Sau này khi có nhiều Công ty nước ngoài vào, quen dần nhưng vẫn còn nhiều người thiếu tự tin như thế khi đứng trước một người ngoại quốc. Tôi nói đùa với anh em trẻ: “Các cụ có câu ‘Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng’, mình là chủ sao lại sợ người lạ chứ. Chẳng lẽ mình không bằng con chó, con gà. Nhưng để có sự tự tin và kiêu hãnh ấy mình phải lăn lộn, phải khổ luyện để có ‘chưởng lực đầy người’mới được”. Nhiều anh em đã tự tin và sau này trở thành những chuyên gia giỏi.  

          Ngày làm việc bên văn phòng, chiều về Khách sạn Mai Anh nằm đối diện bên kia đường nấu nướng, nghỉ ngơi. Tôi thường lảng tránh tối đa những cuộc thì thầm thế sự, bày mưu tính kế liên tục diễn ra quanh mình do không khoái mấy trò ấy. Ngà và tôi nấu chung bếp. Ngày nghỉ hai đứa thường lang thang cho đỡ nhớ nhà. Khi thì ra Mũi Nghinh Phong trèo lên ống tay Đức Chúa mà ngắm biển; khi thì vòng ra phía sân vận đông Lam Sơn, leo lên Vĩnh Nghiêm Thiên Tự rồi theo đường lên tới trạm radar trên đỉnh Núi Lớn. Cứ thế đi mãi cho tới sườn núi bên kia, phía Thích Ca Phật Đài. Quay về chơ Bến Đình, đôi khi hứng chí quyết định mua một góc quả mít về đập phá. Lương được 130 đồng, gửi 100 đồng về nhà, còn thì tiêu “xả láng”. Cuộc sống tuy còn nghèo nhưng cái nhìn về tương lai thì đầy trong sáng. Thấy Trần Khắc Tân gầy gò, dựa vào họ Trần làm tầng Chuẩn (datum) tôi đã liên kết “thô-mịn-thô”, nhịp trùng với tên Nguyên thủ và dự báo cho anh một tương lai xán lạn. Sau đúng thế. Anh đã trở thành Trưởng phòng TKTD của PVEP với cơ thể béo tròn. Cả Trần Văn Kim cũng vậy. Tôi là người cổ súy mãnh liệt để nó đưa Thị Qúy từ Thái Nguyên vào Vũng Tàu. Hồi chiến tranh, có một gia đình cán bộ về sơ tán, không ngờ có người con gái sau này trở thành một đại phu nhân. Sau này, trong chương trình đền ơn đáp nghĩa hắn và mấy cậu dì họ Hồ cùng liên đới vợ chồng đều được thơm lây. Có một lần Công đoàn VSP tổ chức đi tham quan Đà Lạt. Thư ký Công đoàn XNLD Nguyễn Văn Tam có ý trao tôi làm thủ lĩnh chuyến đi. Lần ấy tôi đón vợ vào chơi và dự kiến đi cùng. Vợ tôi đoạt “vô địch say xe nhiều năm liền” nên tôi cố tìm cách thoái thác, chỉ nhận “chức phó khiêm tốn” đi trên chuyến xe số 2. Trần Thanh làm đoàn trưởng và đi xe số 1. Ai ngờ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Xe tôi bị lật nhào trên đèo Di Linh do thằng cha lái xe trẻ tuổi lần đầu lên Đà Lạt, phóng nhanh và quẹo phải bất ngờ. May mà xe đổ về phía ta-luy dương. Cửa kính vỡ tan. 16 người bị thương. Phụ xe bị văng ra đường bất động. Vợ tôi bị thương ở đỉnh đầu.Tôi bế vợ tôi từ chiếc xe đổ bước ra. Trời mưa. Áo tôi đầm đìa máu làm bao người hết hồn. Kiểm tra lại lần nữa, tôi thấy mình không hề có vết thương nào cả. Ngay lập tức, một số phải đưa đi cấp cứu bệnh viện gần đó. Số còn lại bắt xe khác  tiếp tục đi. Bất ngờ có tiếng kêu:”Anh ơi, cái xương em làm sao ấy”. Hóa ra cô Minh bị gãy xương quai xanh lúc nào không biết. Thương mà cũng buồn cười. Tối tới Đà Lạt. Xe đưa ngay đám thương tích nhẹ hơn tới bệnh viện chưa trị. Thế mà ngay sáng hôm sau, những bệnh nhân quấn đầy bông băng, có cả cái cô Minh gãy xương mỏ ác bị bó bột cứng đờ vẫn xin ra Viện để tham quan Đà Lạt. Chuyến đi “bão táp” ấy cuối cùng kết thúc vẫn có hậu: Không có ai bị trọng thương cả. Thời tiết mấy ngày tham quan thật đẹp và mọi người đều vui vẻ. Còn vợ chồng tôi thì nghĩ thật may là không mang con cái đi theo lấn ấy.

          Nghĩ lại tôi thấy có quá nhiều lần hú vía trong đời song có lẽ do tổ tiên và quý nhân phù trợ, tôi đều thoát nạn: Lần gặp tai nạn ngã nhào từ xe DD văng xuống Đường 5 ngất xỉu vài phút ở đoạn Trâu Quỳ, may mà không có xe ô tô lao tới. Lần cho Chi, vợ Phô đi nhờ từ Thái Bình về Hà nội chữa bệnh. Tới Bình Lục, lái xe Lưu phóng nhanh vượt ẩu đã đâm vào xe tải chở sắt xây dựng đang đỗ bên đường. Tốc độ cao, cây sắt như đạn bắn đâm thủng một lớp thành sắt phía trước, trượt khỏi tôi rồi chệch ra phía sau đâm thẳng vào Chi. Chỉ cần trệch trái, phải 1 cm, thanh sắt đã xuyên thủng người tôi. Vợ Phô đang có thai 3-4 tháng, theo bác sỹ nói, chỉ cần lên xuống 1 cm, cô ấy cũng nguy hiểm vô cùng . Lần ấy tôi đã phải bế một thân hình bất động từ bệnh viện Bình Lục về tới bệnh viện Bạch Mai do Bình Lục mất điện và thiếu phương tiện chạy chữa. Thằng con trai của Chi- Phô từ hồi còn trong bụng đã chứng kiến cảnh mẹ nó như thế. Sợ thật! Lần bay từ Hà nội vào Vũng tàu công tác, đến  sân bay Tân Sơn Nhất thì trời tối đen và cơn mưa bất ngờ ập đến. Không còn nhìn thấy gì nữa. “Pình!”, bánh xe chạm vào đường băng thật mạnh rồi lại bay vút lên cao. Nắp đậy ngăn hành lý văng ra. Trẻ con khóc thét. Cần, em trai của Nguyễn Hữu Lợi hôm ấy ngồi cạnh tôi, tái mặt. Tôi động viên: “Yên tâm! Đi với anh là không sao đâu. Anh cao số lắm!”. Nói đại thế thôi. Nhưng rồi vòng vòng chừng nửa tiếng sau, cơn mưa tan, máy bay lại tìm cách hạ cánh. Lần ấy an toàn. Mãi sau này, tôi bàng hoàng nghe tin Trần Thanh đi xe số 1 an toàn hồi ấy đã chết vì một tai nạn xe máy ở ngay tại Vũng Tàu. Buồn. Mới hay kiếp người thật phù du…

          Lương soạn thấp, hàng năm chỉ có thể về thăm nhà vào dịp tết hoặc nghỉ phép. Tranh thủ được chuyến công tác kết hợp là khó lắm. Làm ở XNLD Việt Xô hồi ấy còn vất vả . Phương tiện thông tin liên lạc cũng cực vô cùng . Để nói chuyện được với nhau, có lần vợ tôi phải tới 10 Điện Biên Phủ, Hà nội chờ cả buổi. Một lần tôi đã đi xuyên Việt bằng xe tải, đã ngủ đêm bên lề đường ở Nghi Xuân gần quê cụ Nguyễn Du, tới được nhà mặt mũi nhuốm phong trần, râu ria tua tủa. Những lần về thăm nhà tới giờ tôi vẫn nhớ. Hình ảnh mẹ tôi, vợ con tôi ríu rít trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Dầu Khí Chùa Hà. Cảnh mấy bố con ra trước nhà lấy nước ở cạnh dãy nhà A3. Con gái Ngọc Hà dùng một vòi cao su luồn vào vòi nước máy đang dâng thoi thóp, nó đặt xô gần đó, ghé cái miệng xinh xinh vào ống cao su hút thật mạnh. Nước từ vòi ra. Nó đưa vòi vào xô và nhìn tôi mắt sáng long lanh, hãnh diện. Chắc mọi ngày, chúng đều ra đây lấy nước về cho mẹ. Bé Ngọc Mai cũng đã được 4 tuổi. Nó ngoan lắm. Nghe nói nó còn dỗ cả chị đừng khóc khi mẹ vắng nhà nữa đấy. Những lúc bà nội ở quê bận không ra được với cháu, trên chiếc xe Phượng Hoàng, hai đứa con, đứa trước, đứa sau vợ tôi băng băng chở con đi về trên con đường từ nhà tới trường Mai Dịch và ngược lại. Những buổi tối thăm nhà hi hữu như thế, khi nhìn mấy mẹ con ngồi to nhỏ bên bàn học, tôi cứ lặng thầm. Hình như có cái gì ươn ướt cứ lặng lẽ lăn trên má.

          Cuối 1988, Trung tướng Nguyễn Hòa sau khi hoàn thành sứ mạng được giao chuyển lên làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc Hội. Sau vụ việc của anh Trần Cơ không thành, Tiến sỹ Trương Thiên nhẹ nhàng lên chức Tổng Cục Trưởng. Cuối 1989, tôi và Đinh Văn Ngà rời Vũng Tàu. Cả Phòng trữ lượng lưu luyến chia tay. Trần Xuân Nhuận và Nguyễn Quốc (tay vẫn còn xách theo cái radio-casset mới mua để học tiếng Anh) tiễn tôi trước cổng KS Mai Anh. Tôi ra Hà nội, chắc bọn hắn cũng buồn. Quốc vào VSP năm 1986. Thông minh, chịu khó, sống trách nhiệm và có tình. Sau khi tôi rời VSP ít lâu, Thập đã về sài Gòn đầu quân cho Schlumberger rồi BP và trở thành một trong những Nhóm trưởng sắc sảo của BP Việt Nam thời đó. Hắn bảo vệ luận án tiến sỹ rồi chuyển ra PIDC, PVEP, ở đâu hắn cũng thể hiện rõ sự sắc sảo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm với tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng đó là chuyện sau này.  Tôi và Ngà dừng chân ở  “ĐSQ Mỹ” 7 Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn với mục đích thăm thú bạn bè trước lúc ra Hà nội. Không ngờ xẩy ra câu chuyện “Hà Bá đang ngủ” ngoài ý muốn với gia đình một  đồng chí lãnh đạo PV-2 hồi đó.. Trưởng phòng Thương mại Vũ Trọng và nhân viên mới về Trường Thanh được phen cười vỡ bụng. Ít lâu sau XNLD có cơ chế mới. Tiền lương tính bằng đô la được quy ra tiền Việt. Cuộc sống được cải thiện đáng kể. VSP đã trở nên một cái tên đầy hấp dẫn. Mừng cho mọi người, mừng cho bạn bè đã qua thời lận đận.

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng  

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 28
  • 3454
  • 22,482,115