Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

MỆNH LỆNH CỦA MÙA XUÂN ĐỔI MỚI

  14/02/2016

Xuân Bính Thân gõ cửa mọi nhà sau một tháng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực - mười nước ASEAN thành một thị trường thống nhất. Hội nhập sâu sẽ giúp người lao động Việt Nam tự tin hướng đến một khái niệm mới - công dân toàn cầu và đòi hỏi phải quyết liệt Đổi mới. 

Hội nhập sâu để vượt lên chính mình

Khi ASEAN trở thành một thị trường thống nhất là khi hàng hóa tự do dịch chuyển với thuế suất bằng 0%, dịch vụ được dịch chuyển qua biên giới theo thỏa thuận giữa các bên và được mở rộng đáng kể, lao động có chứng chỉ của 8 ngành nghề được dịch chuyển tự do, đồng thời vốn đầu tư được "lưu thông" thông thoáng hơn, thị trường chứng khoán sẽ được kết nối giữa các nước ASEAN với Việt Nam...

Trong tương lai xa hơn, người ta đã nghĩ đến khái niệm "công dân ASEAN" với những bước hội nhập sâu hơn nhưng trước mắt, mới qua một tháng, người tiêu dùng đã có thể cảm nhận được ngay sự thay đổi: hàng hóa từ nhiều nước ASEAN đã tràn vào Việt Nam, thị trường nội địa không còn là sân chơi riêng của các doanh nghiệp (DN) trong nước, các DN Thái Lan và các nước ASEAN khác đã sẵn sàng cung ứng hoa phong lan tươi, trái cây, bánh kẹo, quần áo, đồ chơi trẻ em... để bà con Việt Nam vui Tết.

Người tiêu dùng đương nhiên có lợi. Tuy nhiên, vấn đề "phát sinh" là các DN sản xuất trong nước sẽ ứng phó ra sao? Nếu người Việt Nam chỉ mua hàng của các nước ASEAN khác thì DN Việt Nam sẽ gặp khó. Và khi ấy, ai sẽ trả lương cho người lao động Việt Nam? Ai nộp thuế cho ngân sách nhà nước? Lấy tiền đâu để nhập khẩu hàng từ các nước khác? Rõ ràng hội nhập không phải là một "cuộc du ngoạn lãng mạn" mà là sự hợp tác và đấu tranh quyết liệt, là cuộc cạnh tranh để vượt lên chính mình.

Xuân Bính Thân bắt đầu với những cơ hội và thách thức chưa từng thấy. Một luồng gió mới đang thổi mạnh vào nền kinh tế nước ta, đến từng DN, từng gia đình và sẽ đến rất nhanh, vượt qua dự đoán của nhiều người. Ngay trong năm 2015, trước khi AEC có hiệu lực, chúng ta đã thấy gạo và trái cây Thái Lan tràn vào Việt Nam.

Người tiêu dùng ưa chuộng và đón nhận nông sản Thái hơn sản phẩm trong nước không chỉ vì vị ngon hơn mà còn vì ai cũng sợ nông sản Việt Nam bị dư lượng hóa chất, thuốc sâu... gây tổn hại đến sức khỏe. Một nhà khoa học đã gọi đây là "sự đầu độc hợp pháp" người Việt Nam và chúng ta đang tự vác đá ghè chân mình!

Năm Ất Mùi 2015 đã chuyển giao cho năm Bính Thân này những cam kết hội nhập sâu rộng với sự tác động toàn diện tới kinh tế và xã hội: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nền kinh tế, dự kiến sẽ được chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand và sẽ có hiệu lực khoảng 2 năm sau đó; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với 28 nước của Liên minh Châu Âu đã được ký kết ngày 2/12/2015 và sẽ có hiệu lực sau 18 đến 24 tháng sau đó.

Bên cạnh đó, Hiệp định Hợp tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) gồm 10 nước ASEAN với 6 nước đối tác truyền thống là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand cũng đang được ráo riết đàm phán và dự kiến sẽ sớm được ký kết.

Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại theo các điều kiện thuận lợi nhất với 57 nước trên hành tinh này và trở thành một nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trong khu vực.

Cải cách là mệnh lệnh

Hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế là quyết sách sáng suốt và đúng đắn của Nhà nước ta nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận với công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tránh cho Việt Nam phải phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế.

Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm cân bằng quan hệ quốc tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Khi hội nhập, DN Việt Nam sẽ có cơ hội xuất nhập khẩu rộng lớn và có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, làng Vũ Đại trước đây chỉ được biết đến qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao thì nay lại trở thành một thương hiệu cá kho niêu đất, đường hoàng xuất khẩu qua châu Âu bằng con đường thương mại điện tử.

Thêm nữa, Dubai đang là thị trường cây xanh cao cấp rất đáng được khai thác. Xuất khẩu cây cảnh có thể đạt 60 triệu USD/năm, nếu như chúng ta thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ của cây và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Song, để nắm bắt được cơ hội xuất khẩu, thu hút được đầu tư nước ngoài, khoa học - công nghệ tiên tiến, trước hết phải cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu như về dân số Việt Nam xếp thứ 14 trên 209 nước thì về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ xếp thứ 116 trên 194 nền kinh tế. Nếu như GDP/người đạt 2.025 USD năm 2014 thì GNI (Gross Net Income - thu nhập ròng) chỉ còn 1.890 USD/người do các DN chuyển lợi nhuận của họ về nước. Nền kinh tế nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, 70% xuất khẩu của nước ta là dựa vào FDI với phần giá trị gia tăng chỉ khoảng 25-30% của giá trị sản phẩm.

Để cạnh tranh với các DN khác trên thế giới, DN Việt Nam phải nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới khác biệt hơn.

Câu trả lời nằm ở cải cách thể chế. Phải cải cách bộ máy nhà nước hiện nay theo hướng loại trừ triệt để lợi ích nhóm hay các mối "quan hệ” theo kiểu bao che cho DN "sân sau" khai thác tài nguyên, có đặc quyền, đặc lợi; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch; ủng hộ cái mới, trợ giúp sự sáng tạo và đổi mới của DN và trọng dụng nhân tài.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong hai năm 2015 - 2016 và đã đem lại những kết quả ban đầu. Ngân hàng Thế giới (trong báo cáo về môi trường kinh doanh 2016) đã xếp hạng Việt Nam thứ 90/189 nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã xếp hạng Việt Nam theo Chỉ số GCI (năng lực cạnh tranh toàn cầu) 2015 ở mức 56/140 nền kinh tế, lên 12 bậc so với 2014.

Tuy vậy, xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp nhất so với các nước ASEAN-6. Đáng chú ý là các xếp hạng về thể chế của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều so với chỉ số GCI. Xếp hạng về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perception Index - CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng thấp và điểm số không được cải thiện trong ba năm qua.

Để tránh kịch bản xấu là DN chưa đón bắt được cơ hội, chưa xuất khẩu được đã mất thị phần trong nước (vì giá quá cao, chất lượng thấp), các DN Việt Nam phải tái cơ cấu, đổi mới công nghệ và quan trọng nhất là thể chế nhà nước phải thay đổi.

Hội nhập sẽ là cỗ xe thúc đẩy chúng ta phải đổi mới, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau với bao thua thiệt cho DN, người dân và cả đất nước. Cải cách là mệnh lệnh không thể thoái thác, không thể trì hoãn và đây cũng chính là mệnh lệnh của mùa Xuân đổi mới.

GS TS LÊ ĐĂNG DOANH

(Theo DNSG online)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 15
  • 1621
  • 18,009,360