Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

65 NĂM QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT NAM- RUMANI

  24/10/2015

 Hai nướcViệt Nam và Rumani đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/02/1950. Kể từ đó đến cuối năm 1989, quan hệ giữa hai quốc gia là quan hệ giữa hai nước trong hệ thống XHCN. Từ 1990 trở đi, hệ thống XHCN sụp đổ, Rumani thay đổi thể chế chính trị, hai nước tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống sẵn có trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Trong 25 năm qua (1991-2015), đặc biệt là những năm gần đây (2008-2015), các hoạt động hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Rumani đã không ngừng được tăng cường và phát triển. Việt Nam và Rumani có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt; thị trường hai nước có thể bổ sung cho nhau.

 Rumani là thị trường lớn nhất tại khu vực Nam Âu (với 21 triệu dân và có qui mô diện tích lớn đứng thứ 7 ở Châu âu), là cửa ngõ đi vào các nước EU với hơn 500 triệu người tiêu dùng, là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, là nơi giao thoa của các quốc gia EU, vùng Balkans và Cộng đồng các quốc gia độc lập CEI. Hơn thế nữa Rumani còn nằm ở vị trí đầu mối của 3 hành lang kinh tế Châu âu (corridor 4,7 và 9), là nơi thuận lợi cho vận tải biển đi các nước trong khu vực EU.

Rumani có thế mạnh trong các lĩnh vực: dầu khí, hoá dầu, kiến trúc, xây dựng, cảng biển, y tế, chế biến nông sản... và có nhu cầu nhập từ Việt Nam sản phẩm nhiệt đới, hàng tiêu dùng...Rumani coi Việt Nam là một đối tác truyền thống và đầu cầu quan trọng trong hợp tác với khu vực Đông Nam Á. 

Việt Nam là một thị trường lớn với hơn 90 triệu dân, có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Á, là thành viên của nhiều cơ chế thương mại khu vực và quốc tế. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên của ASEAN (ASEAN sẽ trở thành khu thương mại tự do từ 2015). Việt Nam cũng là thành viên của APEC, WTO...; Việt Nam cũng đã tham gia nhiều Hiệp định tự do thuế quan (FTA);  hợp tác kinh tế song phương với nhiều nước và hiện nay, đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA song phương với EU và một số đối tác lớn khác để mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

Môi trường chính trị-xã hội ổn định, nền kinh tế mở đang phát triển năng động, nguồn lao động dồi dào, Việt Nam đã và đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh về hàng nông sản nhiệt đới, may mặc, da giày. Có hơn 3.000 cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Rumani và đang tích cực đóng góp trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, là hội viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Rumani, cầu nối hữu nghị giữa 2 nước.

      Từ sau 1990, Việt Nam và Rumani đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới: Hiệp đinh về Thương mại và Thanh toán (4/12/1991 tại Hà Nội). Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1/9/94 tại Bucarest). HĐ về Vận tải đường biển (1/9/94 tại Bucarest). HĐ về Tránh đánh thuế trùng và Ngăn ngừa trốn thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản (8/7/95 tại Hà Nội). HĐ xử lý nợ Việt Nam - Ru-ma-ni (15/11/97 tại Hà Nội). HĐ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật (16/10/03 tại Bucarest). HĐ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực Vệ sinh Thú y (16/10/03 tại Bucarest). Thoả thuận về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (16/10/03 tại Bucarest).

       Những năm gần đây, hai nước cũng đã có nhiều Đoàn cấp cao thăm và làm việc, điển hình như:

Rumani thăm và làm việc tại Việt nam: Thủ tướng (Nicolae Vacaroiu - tháng 7/1995), Tổng thống (Emil Constantinescu) và 3 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Công thương (nhân dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ VII tháng 11/1997); Tổng thống (Ion Iliescu - tháng 2/2002); Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện  (Korodi Attila – 4/2011 và 11/2011).

Việt Nam thăm và làm việc tại Rumani: Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (4/1991); Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (8/1994); Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu (9/1995); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (12/1998 - nhân dịp chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ tại Bucarét); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (16-17/10/2003); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (9/2006 - nhân dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 11 tại Bucarét, có tiếp xúc bên lề với Tổng thống Bơ-xê-xcu); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (1/2007); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (6/2009). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2013).

         Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008), Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với VCCI tổ chức đoàn 40 doanh nghiệp tháp tùng. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Rumani được tổ chức nhân chuyến đi này tại Bucarest, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Rumani đã ký  thỏa thuận hợp tác song phương tạo căn cứ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế giữa hai nước.

        Trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Từ ngày 3-7/9/2013),  Phó chủ tịch đã làm việc với  hạ viện và các bộ ngành Rumani. Tại các buổi gặp, làm việc, Phó chủ tịch đề nghị hai nước phối hợp, chia sẻ quan điểm và ủng hộ nhau trong các cơ chế của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế; mong muốn Chính phủ và nhân dân Rumani tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam học tập, sinh sống và làm việc; tìm hiểu kinh nghiệm của Rumani về cách thức điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng quốc gia với vai trò giám sát của Quốc hội, vai trò của Ngân hàng quốc gia trong giám sát nợ công, giảm thâm hụt ngân sách, khắc phục khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng; mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư Rumani tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là những ngành, lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

        Có thể đánh giá khái quát kết quả quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Rumani trong 65 năm qua bằng các số liệu cụ thể như sau:

         Từ năm 1950 đến 1989, Rumani đã viện trợ cho ta 66 triệu rúp, xoá nợ 25,5 triệu rúp, cho vay vốn dài và trung hạn 200 triệu rúp. Việt Nam đã hoàn tất trả nợ Rumani ngày 11/3/2002.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây, Rumani đã có nhiều ủng hộ và đóng góp thiết thực về vật chất và tinh thần cho Việt Nam, đặc biệt, đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn kỹ sư, tiến sỹ và công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, cơ khí chế tạo, điện, nông nghiệp,...

       Nhiều công trình đã được hợp tác hỗ trợ như Xi măng Hải Phòng, Mỏ than Anthracite Khe Chàm,...; nhiều sản phẩm đã từng được nhập vào và khá quen biết ở nước ta như đầu máy Diezel, toa xe trong ngành đường sắt, xe tải nặng Roman, sản phẩm hoá dược, thép chế tạo và máy công cụ,...

Kim ngạch thương mại từ năm 1995 đến 1999 đạt hơn 10 triệu USD/năm, từ năm 2000 đến 2002 đạt khoảng 20 triệu USD/năm, năm 2003 đã tăng lên 40 triệu USD (do ta mua một số thiết bị dầu khí của Bạn), năm 2004 đạt 26 triệu USD. Kim ngạch trao đổi hàng hoá hai chiều tăng khá nhanh trong giai đoạn 2005-2014:

   Kết quả trao đổi thương mại Việt Nam-Rumani giai đoạn 2005-2009 :

                                                                          Đơn vị: triệu USD

Kim ngạch

2005

2006

2007

2008

2009

Việt Nam xuất

15,4

50,5

32,317

66

76,623

Việt Nam nhập

10,3

7,3

8,997

13

17,961

Tổng giá trị XNK

25,7

57,8

41,314

79

94,585

(Nguồn : Tổng Cục Hải Quan)

Kết quả trao đổi thương mại Việt Nam-Rumani giai đoạn 2010-2014:

                                                                                           Đơn vị : Triệu USD

Kim ngạch 

2010

2011

2012

2013

2014

VN xuất khẩu

70,7

74,4

80,6

90,2

85

VN nhập khẩu

32,1

29,0

24,9

25,5

40

Tồng giá trị XNK

102,8

103,4

105,5

115,0

125

Nguồn : Tổng cục Hải quan  (Riêng năm 2014:Nguồn Thương vụ VN tại Rumani).

Thực tế cho thấy 5 năm gần đây (2010-2014) kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước tăng lên khá nhanh, nhưng mới chỉ đạt mức trên dưới 100 triệu USD/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani chiếm phần lớn, đạt khoảng 80-90 triệu USD/năm. Trong khi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của vào thị trường EU đã tăng liên tục những năm gần đây: Năm 2011 đạt 16,55 tỷ USD, năm 2012 đạt 20,3 tỷ USD, năm 2013 đạt 33,78 tỷ USD,  chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam;...

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang thị trường Rumani là cà phê robusta hạt xanh, hàng gia dụng, máy tính, phụ tùng máy vi tính, tivi mầu, cá tra, cá basa[1]; cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su; túi vali giầy dép; quần áo, hàng dệt kim.

Mặt hàng nhập khẩu từ Rumani gồm thép tấm các loại, phôi thép, nhựa gia dụng, hóa chất, dược phẩm…

        Về đầu tư: Tính đến 31/12/2011, Rumani có 3 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,4 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam sang Rumani: Chưa có dự án nào.

     Trong một số lĩnh vực khác, quan hệ hợp tác giữa hai nước bước đầu cũng có những kết quả đáng khích lệ :

      Trong lĩnh vực lao động: Từ năm 2008, các doanh nghiệp Việt Nam như Vinaconex-Mec... đã đưa gần 500 lao động sang làm việc có thời hạn tại Rumani, tuy nhiên đến nay các lao động trên đã về nước. Ta đã trao dự thảo Hiệp định Hợp tác lao động cho Bạn. Hiện nay, Tập đoàn Hyundai đang đưa hàng trăm công nhân Việt Nam sang làm việc tại Nhà máy liên doanh đóng tầu Constanta.

     Trong lĩnh vực hợp tác địa phương: Một số địa phương của ta và Bạn đã thiết lập quan hệ như tỉnh Lào Cai với tỉnh Hu-nê-đoa-ra (Hunedoara), thành phố Đà Nẵng với thành phố Ti-mi-soa-ra (Timisoara), tỉnh Bến Tre với tỉnh Tulcea, thủ đô Hà Nội với thủ đô Bucarest. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dự án hợp tác cụ thể nào.

     Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục - đào tạo: Từ năm 1992, Bạn đã khởi động lại việc cấp học bổng cho ta. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao, theo đó hàng năm, Bạn cấp cho ta 10 học bổng đại học và trên đại học. Hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2012 - 2014. Từ năm 2006, Chính phủ Rumani đã thiết lập chương trình cấp học bổng đào tạo tiến sỹ cho các nước Pháp ngữ trong đó có Việt Nam. Tháng 10/2006, Petrovietnam và công ty Petroconsult của Rumani đã ký hợp đồng đào tạo nhân lực và vận hành thử nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, 60 cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã được tu nghiệp 1 năm tại Rumani và 56 chuyên gia Rumani từng làm việc tại nhà máy trong giai đoạn vận hành thử. Ngoài ra trong giai đoạn 2003-2009, Rumani đã đào tạo cho Petrovietnam 35 kỹ sư dầu khí. Hiện nay khoảng 150 lưu học sinh ta đang học tập tại Rumani.

       Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Nhiều tác phẩm của Rumani đã được các hội viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Rumani dịch và xuất bản bằng tiếng Việt: Kịch Một đêm giông tố, các tiểu thuyết Tình yêu hoang dã (2001, tái bản 2002), Trở lại bến xưa (2003), Truyện cổ tích Rumani (1994, tái bản 2001), Tuyển tập thơ tình Mihai Eminescu (2000), Tuyển thơ trữ tình Rumani (2002), 75 bài thơ tình tuyệt bút Rumani (2005),…Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được phối hợp dịch sang tiếng Rumani: Thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký trong tù, Tập thơ Thao thức với thời gian (2006), Nhật ký Đặng Thùy Trâm,…

Tóm lại, kết quả quan hệ hợp tác nhiều mặt (kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đào tạo,…) giữa hai nước vẫn còn rất khiêm tốn so với quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng của cả hai bên.

        Sở dĩ còn có những hạn chế như trên là vì các doanh nghiệp còn ít thông tin về nhau, việc quảng bá của các doanh nghiệp 2 bên về năng lực, về sản phẩm còn ít. Môi trường pháp lý tuy đã được cải thiện nhưng chậm được sửa đổi, còn thiếu nhiều các hiệp định hợp tác về ngân hàng, hải quan, du lịch,...

         Vai trò công tác Thương vụ còn hạn chế. Điều kiện địa lý xa xôi, chi phí vận tải lớn,...Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục hải quan, thanh toán,...Cả hai bên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

 Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại trong những năm tới, hai nước cần sớm xúc tiến đàm phán ký kết các Hiệp định hợp tác về ngân hàng, du lịch, hải quan...; cần sửa đổi, điều chỉnh các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển đã ký từ những năm 1994-1995 sao cho tương thích với tình hình thực tế là Việt Nam đã gia nhập WTO và Rumani là thành viên EU từ 1/2007. Các tổ chức XTTM hai nước cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm…

Đồng thời để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam sang Rumani, ngoài việc phải tăng cường các hoạt động XTTM, tham dự hội chợ tiển lãm, khảo sát thị trường…doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý bảo đảm số lượng cung ứng hàng ổn định, thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lương sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới…Tăng cường vai trò  cơ quan thương vụ của 2 bên tại tại thủ đô Hà Nội và Bucarest.[2]

Cần sử dụng và phát huy vai trò cầu nối hữu nghị của Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani để từ đó phối hợp với các tổ chức đối tác phía Rumani, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch và các đoàn nghệ thuật của Việt Nam và cá nhân, đặt quan hệ hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ và tay nghề, liên doanh, liên kết kinh tế với các tổ chức và cá nhân tương ứng của Rumani; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trao đổi các đoàn đại biểu nhân dân, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ của hai nước.

65 năm qua dù phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng cũng là thời gian đủ dài để thử thách và chia sẻ mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc và hai nước, nhất là đối với các thế hệ lưu học sinh như chúng tôi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào những tình cảm nồng hậu của thầy cô, bạn bè, người dân Rumani luôn sống mãi trong tim chúng tôi. Mong muốn và hy vọng Uỷ ban liên Chính phủ, các bộ ngành,…hai nước hoạt động tích cực, hiệu quả đề ra nhiều chương trình và đề án hợp tác mới góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.  

Bùi Trọng Đỉnh

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký

Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani

 

Tài liệu tham khảo: Tổng hợp từ các tư liệu, bài viết của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, TTXVN, Bộ GD-ĐT, VCCI, Thương vụ VN tại Rumani và Hội HN Việt Nam-Rumani.


[1] Nhóm hàng thủy hải sản của Việt Nam với mặt hàng tôm sú, mực, cá ngừ, cá tra, cá basa filet đông lạnh (Pangasius) đã trở thành thương hiệu khá quen thuộc đối với người tiêu dùng Rumani. Theo số liệu thống kê của Hải Quan Rumani, riêng năm 2010 Rumani đã nhập từ VN số lượng cao kỷ lục là 12.638 tấn cá tra, cá basa fillets đông lạnh, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản nói chung của VN vào thị trường Rumani năm 2010 lên gần 20 triệu USD.

Năm 2012 Rumani chỉ nhập của Việt Nam khoảng 7.400 tấn thủy hải sản các loại với tổng trị giá gần 10,3 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2013, VN xuất khẩu thủy sản sang Rumani đạt 4,5 triệu USD, trong đó riêng mặt hàng cá basa là 3,8 triệu USD (chiếm 85%),

Theo số liệu của Hiệp hội VASEP, Các công ty nhập khẩu thủy sản của VN tại Rumani hiện nay là các công ty Sea Bell, Ocean Fish, Costiana Impex, Omnitron, Alfredo Foods…Các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Rumani gồm các Công ty Đại Thành, Ngọc Hà, Hùng Vương (Tiền Giang); SaigonSeafood(TP HCM)), Bianfishco, Cafatex Co. (Hậu Giang), Agifish Co. (An Giang)v.v…

[2] Tháng 7/2013, Chính phủ Rumani đã quyết định thành lập Cơ quan Thương vụ tại Hà Nội và cử Tham tán Thương mại sang Việt Nam trong năm 2013.

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 1209
  • 22,362,704