Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH MẠNH MẼ, SÁNG SUỐT VÀ SỰ NHẤT QUÁN CỦA CHÍNH PHỦ

  16/12/2020

Ý kiến của nhiều chuyên gia nhận định năm 2020 rất khác biệt với 4 năm trước của nhiệm kỳ, nhưng sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục tinh thần “kịp thời, nhất quán, quyết liệt”, có những quyết sách nếu chỉ chậm vài ngày cũng đã có thể khiến tình hình mất kiểm soát.

Hai giai đoạn, một tinh thần điều hành

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xét về mặt kết quả kinh tế-xã hội, 5 năm qua nổi bật hơn so với nhiệm kỳ trước, thể hiện chiều hướng phục hồi mạnh mẽ, quay trở lại đà tăng trưởng tốc độ cao như khoảng 15 năm trước. Nhiệm kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn rất khác biệt về tình hình, nhưng về mặt điều hành vẫn giống nhau ở tinh thần “kịp thời, nhất quán, quyết liệt”.

Cụ thể, nếu nhiệm kỳ 2011-2015 đặt nặng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, thì nhiệm kỳ này vẫn tiếp tục coi trọng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng song hành, ngang bằng với đó là mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, trên cơ sở đó giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Và khác với một số giai đoạn chúng ta thúc tăng tín dụng, bội chi để đẩy tăng trưởng, ở nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định, để thúc đẩy tăng trưởng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô thì giải pháp chủ yếu phải hướng về mục tiêu cải thiện phía cung của nền kinh tế, tức là năng lực và chất lượng sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế.

“Nhiệm kỳ này hoàn toàn không có các chủ trương, giải pháp như mở rộng kích cầu, tăng tài khóa, tăng đầu tư công, khai thác thêm tài nguyên để tăng trưởng. Mà các giải pháp nằm trước hết ở cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân và đây là nhiệm vụ được đặt ra rất nặng ở nhiệm kỳ này”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định. Nhờ đó, sau năm 2016 tăng trưởng hơi thấp, tăng trưởng trong 3 năm tiếp theo liên tục theo chiều hướng đi lên. Điều này cho thấy, tư duy chính sách hợp lý đã kéo theo hành động chính sách hợp lý.

Cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng của nhiệm kỳ. Nhiệm vụ này kế thừa Nghị quyết 19 trước đây, nhưng được mở rộng phạm vi hơn nhiều và chú trọng việc tháo bỏ các rào cản với quyền tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài gần 4.000 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa, hàng nghìn quy định khác là những rào cản cũng được tháo gỡ, môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn. Được tự do kinh doanh hơn, cơ hội kinh doanh mở ra, chi phí kinh doanh thấp hơn, rủi ro kinh doanh giảm đi, điều này khiến người dân và doanh nghiệp tự tin hơn khi bỏ vốn, mở rộng đầu tư.

“Chính vì thế, đầu tư tư nhân luôn tăng trưởng ở mức từ 17 đến 20% hằng năm, cao nhất trong các khu vực kinh tế và tăng trưởng GDP cũng phần lớn dựa vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đây là điểm rất khác so với tất cả các thời gian trước”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cũng trong nhiệm kỳ này, xuất hiện nhiều dự án đầu tư tư nhân có quy mô lớn, cùng với sự hình thành và phát triển của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả. Về thu hút đầu tư FDI, chúng ta chuyển sang huy động các dự án chất lượng, công nghệ cao.

Những quyết định ‘cân não’ của năm 2020

Riêng năm 2020, TS Nguyễn Đình Cung nhận định, tính chất “kịp thời, nhất quán, quyết liệt” tiếp tục được khẳng định trong việc ra các quyết sách kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đây là một điểm sáng nổi bật trong điều hành của Chính phủ, góp phần tạo nên thành công của năm 2020.

Ngay đầu năm, mặc dù trên cơ sở những thành tựu của 4 năm trước, cả nước đang rất lạc quan vào một năm 2020 rất thành công, Nghị quyết 01 cũng vừa ban hành, nhưng trước tình hình dịch bệnh trên thế giới, Chính phủ đã nhanh chóng đánh giá khả năng tác động của dịch bệnh, chuyển hướng ngay, thay đổi các kịch bản điều hành.  

“Có những quyết định nếu chỉ chậm vài ngày, thì có thể chúng ta đã không có cơ hội để kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay nữa, như việc dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại với Trung Quốc và sau đó là với châu Âu. Không dễ dàng để đưa ra những quyết định “cân não” như thế, nhưng nhìn lại, đó là những quyết định đúng lúc”, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng được ban hành kịp thời.

Theo vị chuyên gia, thực tế đã chứng minh rằng việc đặt mục tiêu ưu tiên kiểm soát dịch bệnh khi dịch COVID-19 mới bùng phát trên thế giới là hoàn toàn đúng đắn, mạnh mẽ và sáng suốt, dù đây là quyết định gây tranh cãi ở thời điểm đó. Mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn có những mâu thuẫn, nhưng thực tiễn tới nay đã cho thấy, ở đâu kiểm soát được dịch bệnh thì ở đó có thể duy trì được tăng trưởng và tốc độ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cũng nhanh hơn.

Một ví dụ khác cho thấy phản ứng kịp thời, khi nhận thấy khả năng đầu tư tư nhân và FDI có thể giảm sút do đại dịch, Chính phủ đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết thúc đẩy đầu tư công, từ đó đạt kết quả giải ngân lớn hơn nhiều so với các năm trước, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của năm nay và nhiều năm sau.

Cùng với đó, nhận thấy xu hướng cơ cấu lại chuỗi cung ứng và chuyển dịch đầu tư toàn cầu, Thủ tướng đã cho thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao làm Tổ trưởng. “Chắc chắn Tổ có cách tiếp xúc, vận động đầu tư khác so với trước để thu hút các dự án chất lượng cao và hy vọng sẽ có thành quả trong một vài năm kế tiếp”, TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, vẫn còn những hạn chế trong thời gian qua, như cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kết quả đột phá; đầu tư công được đẩy nhanh nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ cải thiện hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Trong triển khai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhiều cơ quan, địa phương chưa hành động tương xứng với sự kịp thời, nhanh nhạy của Chính phủ, khiến hiệu quả, hiệu lực của việc hỗ trợ giảm đi phần nào. Ngoài ra, sự nhanh chóng trong việc ra các quyết sách trong bối cảnh đặc thù của đại dịch cũng cần được áp dụng thường xuyên hơn trong phát triển kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới.

Nhìn về tương lai, ông Cung nhận định, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đổ gãy, tăng trưởng âm, tức là quy mô GDP và thu nhập của người dân giảm sút, nhiều nước dự kiến phải mất 2 năm mới phục hồi về mức trước đại dịch, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đi lên, tốc độ phục hồi nhanh hơn, đây là cơ sở để kỳ vọng năm 2021, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, thậm chí có thể tới 8%.

Hà Chính (CHINHPHU.VN)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 494
  • 22,187,911