Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NĂM 2020, VIỆT NAM SẼ ĐẠT KIM NGẠCH XUẤT KHẨU 215 TỶ USD

  12/08/2017

Đến năm 2020, Việt Nam chấm dứt nhập siêu và bắt đầu có thặng dư từ 2021...

Nông sản sẽ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt. Đây là đề án cho Bộ Công Thương xây dựng nhằm mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016-2020 và 2021-2030.

Chấm dứt nhập siêu

Đề án đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Theo thống kê, năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,6 tỷ USD. Như vậy, năm 2020, theo đề án, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 215 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu 3,7 tỷ USD. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016- 2020. Giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đến năm 2030, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 9% -10%/năm thời kỳ 2021-2030. Mỗi năm có ít nhất 200 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu.

Các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu: Dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện, cáp.

Mặt hàng được cho là sẽ có lợi thế cạnh tranh cũng được đề cập như nguyên phụ liệu dệt may, da giày; nhựa và sản phẩm nhựa; phân bón; hóa chất, chè và mật ong.

Đặc biệt đề án cũng nhắc đến việc tái cơ cấu phương thức sản xuất từ nhỏ, phân tán sang quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến bảo quản, tiêu thụ...

Đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa. Với hàng hoá xuất khẩu, chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp sang sản phẩm đã chế biến, giá trị gia tăng cao.

Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam về xuất khẩu

Đề án nêu rõ mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia chung Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.

"Phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng”, đề án cho hay. 

Theo đó, Nhà nước sẽ có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực (dệt may, giày dép, điện tử, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, dụng cụ). Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp FDI liên kết với doanh nghiệp trong nước trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

Ưu tiên và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành có tiềm năng xuất khẩu mà doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Đặc biệt, đề án nhấn mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu bằng những phương pháp xúc tiến thương mại, đàm phán ký kết và triển khai các hiệp định song phưng và đa phương, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời thúc đẩy công tác vận động để Việt Nam sớm được các nước công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm bổ sung và hỗ trợ thị trường xuất khẩu, tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.

BẠCH DƯƠNG (vneconomy)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 32
  • 4803
  • 22,476,460