Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

Hành trình 10 ngày về thăm Trường Tổng hợp Alexandru Ioan Cuza, Iasi - Romania và thăm 3 nước EU

  07/11/2015

Phóng sự của Ngô Văn Toàn

CSV ĐHTH Iasi Khoá 1967-1972

Từ ngày 21/10/2015 đến ngày 30/10/2015 Đoàn đại biểu thay mặt cho Chi Hội Hữu nghị Trường Tổng hợp Alexandru Ioan Cuza (UAIC) Thành phố Iasi, Rumani đã thực hiện thành công chuyến đi trở lại thăm trường cũ và trao tặng Kỷ Niệm Chương của Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị Việt Nam cho 2 vị giáo sư của trường đã trực tiếp giảng dạy cho sinh viên Việt Nam từ những ngày đầu tiên có lưu học sinh Việt Nam đến học tập tại Thành phố Iasi, Rumani.

Giai đoạn chuẩn bị: Trước hết chúng tôi thông báo cho đông đảo các bạn thuộc Chi Hội và mời mọi người cùng tham gia chuyến đi trở lại Rumani, thăm thành phố Iasi, thăm lại trường UAIC và trao tặng Kỷ niệm chương cho các giáo sư. Đồng thời chúng tôi cũng thông báo cho văn phòng Hiệu trưởng nhà trường về việc này. Thông qua việc liên lạc thường xuyên với các bạn học Rumani cùng khóa tốt nghiệp nên đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi có mối liên lạc với nhà trường.

Sau một thời gian , cuối cùng có 3 người đăng ký đi thăm Rumani là : anh Ngô Văn Toàn, anh Đinh Hồng Việt và anh Hàn Mạnh Tiến (cùng vợ và con trai). Với thành phần này có thuận lợi đặc biệt cho chúng tôi là vì về phía bạn có Nhóm các bạn Rumani cùng khoa toán khóa tốt nghiệp 1972  (Promotia Matematica Iasi 1972) thường xuyên liên lạc với các bạn Việt Nam đã 2 năm nay qua Facebook sẽ giúp đỡ về nhiều hoạt động trên đất Rumani.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi đề nghị nhà trường cấp giấy mời để làm VISA vào Rumani. Việc này được nhà trưởng UAIC ủng hộ ngay và chúng tôi có được giấy mời (do Hiệu trưởng ký) vào ngày 6/7/2015. Theo ý kiến của chúng tôi là sẽ tự túc hoàn toàn nơi ăn chốn ở trong thời gian lưu trú tại Rumani, tuy nhiên nhà trường UAIC đã ghi rõ trong giấy mời là trong thời gian lưu trú tại thành phố Iasi, Đoàn đại biểu Cựu sinh viên Việt Nam được ăn ở tại Nhà khách Gaudemus của nhà trường. Gaudeamus là nhà khách đặc biệt dành riêng cho các đoàn khách của nhà trường. Tuy nhiên khi đến nơi, chúng tôi lại được bố trí ăn ở tại một nhà khách cao cấp nhất là  AKADEMOS  ngay bên cạnh thư viện Mihai Eminescu của thành phố. Nói là nhà khách nhưng Akademos hoạt động giống như một khách sạn 4 sao.

Việc làm VISA quả thực có phức tạp do Sứ quán Rumani tại Hà nội không có cán bộ lãnh sự làm visa nên người có nhu cầu làm visa phải sang Sứ quán Rumani tại Bangkok Thái lan để thực hiện làm visa. Điều này cũng có ít nhiều phiền toái. Một ý tưởng xuất hiện là tìm cách xin Visa Schengen vào EU sau đó sang Rumani. Thế là chúng tôi tìm một số phương án kể cả phương án thuê dịch vụ để vào EU bằng Visa Schengen. Có một lối thoát cho đoàn là anh Hàn Mạnh Tiến là Chủ tịch Hội Các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thành lập một văn phòng đại diện tại thành phố Bari, Cộng hòa Italia có thể xin cấp giấy mời vào EU. Công việc thành công và chúng tôi đã visa Schengen vào EU được làm tại Hà nội, tuy nhiên đề chắc ăn, tôi vẫn xin một văn bản của Sứ quán Rumani rằng với visa Schengen chúng tôi được phép vào Rumani như là visa do Sứ quán Rumani cấp.

Ngày 16/10 Đoàn lên đường bay sang Italia, dự 1 hội thảo với Phòng Thương mại tại Bari.

Vào ngày  21/10/2015, lúc 20:15’tối  chúng tôi đến Sân bay Iasi. Tại đây chúng tôi được một nhân viên phòng Quan hệ Đối ngoại của trường và 5 bạn học đến đón. Những phút giây thật là cảm động, chúng tôi ôm hôn nhau sau bao ngày xa nhớ. Những giọt nước mắt đầu tiên đã rơi khi gặp mặt lại bạn bè thân quen trên ghế học đường sau 43 năm. Sau khi đã tay bắt mặt mừng, chúng tôi lên xe ô tô của nhà trường về nhà khách Akademos ngay gần Thư viện Mihai Eminescu. Chúng tôi nhận phòng và các bạn Rumani lại một lần làm chúng tôi cảm động khi mang đến rất nhiều thức ăn và hoa quả để chúng tôi ăn tối kéo các nhà ăn, nhà hàng đều đã đóng cửa và chúng tôi cũng chưa có tiền Lei.

Sáng 22/10, có 2 bạn Ru đến đưa chúng tôi đi bộ dạo thăm thành phố từ thư viện Mihai Eminescu nhìn sang tòa nhà Casa Tineretului nay được đổi tên là Casa Studentilor si de Cultură, qua đường nhìn thấy Rạp chiếu phim Republica đã xuống cấp nhiều do chưa có tiền để nâng cấp. Thăm Quảng trường Uniri   đầy kỷ niệm. Sân quảng trường có nhiều chim bồ câu, Khách sạn Uniri 12 tầng vẫn hiên ngang đúng đó chứng kiến những sự đổi thay của thành phố. Tại đây đang đi vào hoàn thiện lối đi bộ ngầm bên dưới đường tàu điện để đi từ bên này sang bên kia quảng trường. Chúng tôi được anh bạn Popa Emilian đưa vào thăm Viện Nghệ thuật nơi anh đã làm việc 15 năm ở ngay sau dãy nhà cao tầng phía đông quảng trường. Tiếp đó Đoàn đi bộ trên phố Stefan Cel Mare hướng về Cung văn hóa Palatul Culture , ở đó có phố đi bộ rất ấn tượng, tuy nhiên do Cung văn hóa  đang phải tu sửa lại nên chúng tôi đã không thể vào thăm không thể chụp hình kỷ niệm. Tại đây chúng tôi cùng các bạn Ru ngồi nghỉ ngắm cảnh trong 1 quán cà phê bên đường và lại bồi hồi kể lại cho nhau nghe bao kỷ niệm còn vương vấn. Tiếp đó đoàn trở lại dạo chơi trên đường 23 August nay đã đổi tên là đường Carol I lên đến cổng trường thì được bạn học Rusu Gheorghe (nay là giáo sư nhà trường) đón đi ăn trưa lại nhà ăn Puskin. Cantina  Puskin xưa kia thường diễn ra Lễ hội những đêm Giao thừa Việt Nam  nay đã đổi tên là Cantina-Restaurant “Titu Maiorescu”. Tầng trên vẫn là nhà ăn cho sinh viên còn tầng dưới có khu vực là nhà ăn cho giáo viên và một phần là kinh doanh Restaurant – thật là kinh tế. Sau khi ăn trưa, chúng tôi nhẩn nha dạo quanh các cămin ký túc xá Puskin, nơi đây như vẫn còn phảng phất những bóng hồng nữ sinh  Việt Nam trong những năm 1966-1978. Vườn cây ở đây đã cao to hơn rất nhiều so với trước đây nên các tòa nhà cămin bị che khuất, trông như nhỏ lại.

Đầu giờ chiều các bạn đưa chúng tôi tới thăm Bảo tàng của trường. Bảo tàng này là một trong những địa điểm nhấn đáng tự hào của Trường, nơi ghi lại biết bao dấu ấn từ ngày thành lập trường cách đây 155 năm. Chúng tôi vô cùng xúc động và rất ấn tường khi được xem lại tập Anbum chứa đầy các tấm ảnh chụp năm 1972- khi chúng tôi tốt nghiệp tại trường. Những tấm ảnh đen trắng được bảo quản cẩn thận trong điều kiện khí hậu ôn đới hãy còn tươi tắn không một chút phai mờ, đây là hình ảnh những chàng trai cô gái tuổi 23,24 tươi cười hớn hở chụp ảnh kỷ niệm tại bậc thềm cửa chính tòa nhà Trường Tổng hợp năm 1972. Sau khi tham quan Bảo tang, chúng tôi đi bộ thăm Công viên Copou. Lúc này công viên rực sắc màu vàng của mùa thu. Hầu hết lá cây trong vườn đã ngả sang màu vàng óng ánh trong như mật ong riêng cây sồi nơi nhà thơ Mihai Eminescu ngồi đó làm thơ thì vẫn một màu xanh lá. Tượng đá 4 sư tử - patru lei nằm im lìm ngắm người qua lại. Tôi đến ngồi ghế băng cạnh gốc sồi già nói chuyện với mấy ông bà già rằng chúng tôi từ Việt Nam vừa trở lại đây sau 43 năm thì các cụ quá ngạc nhiên và vô cùng cảm kích như khi nghe chuyện cổ tích.

Ngay đối diện Công viên. Chúng tôi vào thăm siêu thị  Super Magazin, một điểm shoping nổi tiếng trước kia  nhưng đã thay đổi rất nhiều, Tòa nhà được phân chia thành các kios nhỏ cho thuê bán hàng rồi, đâu còn hình ảnh một  Super Magazin rộng rãi đầy hàng hóa như xưa. Bên cạnh khu Magazin là một Bệnh viện thành phố, tôi vẫn nhớ nơi đây có một số bạn đã vào điều trị trong đó có tôi phải vào cắt ruột thừa năm 1968.

Lên Tramvai đi ngược lên Tưrgusor Copou, chúng tôi đến nhà ăn Cantina Tưrgusor Copou cùng háo hức chạy vào thăm và lấy máy ảnh ra chụp hình kỷ niệm thì bị một bảo vệ chạy ra ngăn lại dứt khoát không cho phép. Hỏi ra mới biết Cantina đã bị chuyển giao cho Đại học Nông nghiệp rồi nên quyền là của họ. Tôi nói chuyện với ông bảo vệ là chúng tôi đã ăn cơm ở đây suối 5,6 năm cách đây 43 năm, nay trở lại chỉ muốn vào thăm và chụp ảnh kỷ niệm, tuy vậy nguyên tắc vẫn là nguyên tắc, không được.

Thật bồi hồi khi bước chân vào Cămin C1, nơi mà chúng tôi đã sống suối thời gian là sinh viên. Do có bạn Rusu giới thiệu nên chị Quản trị và anh bảo vệ rất nhiệt tình mời mọi người cứ tự nhiên vào thăm bên trong mọi nơi mọi chỗ. Tôi ngó vào phòng thường trực chỗ ông Poarta ngồi trực,  thấy mọi thứ vẫn như cũ nhưng bên trong các phòng đã được chỉnh chang nâng cấp cả rồi. Không còn nhà tắm, phòng rửa mặt chung nữa, mỗi phòng đều có công trình phụ riêng biệt, mỗi phòng có 3 giường, giá thuê có mấy cấp 180, 250, 300 lei/tháng (giá quy đổi 1 leu=6.000 đồng). Chúng tôi đã chụp mấy bức hình để kỷ niệm. Trời đã trở về chiều chúng tôi chia tay các bạn Ru và trở về nhà khách bằng phương tiện Tramvai, thật là thú vị. Các bạn thấy đấy chỉ 1 ngày mà chúng tôi đã đi bộ một quảng đường thật là dài thăm được rất nhiều điểm thú vị. Trước khi về nhà khách, tôi và Việt ghé qua Librarie của trường mua một ít giấy màu về bao gói các món quà để ngày mai trao tặng phẩm.  

Ngày 23/10 chúng tôi chuẩn bị tất cả tài liệu, quả tặng đưa lên ô tô và cùng vào Aula Magna Mihai Eminescu . Chúng tôi được Hiệu trưởng nhà trường tiếp trong khoảng 20 phút trước khi nghi Lễ trao tặng Kỷ niệm chương bắt đâu. Hiệu trường chào mừng và chúng tôi giới thiệu từng người sau đó Ngài Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Radu Miron 87 tuổi (là người được tặng Kỷ niệm chương) bước vào, toàn thể mọi người kính cẩn đón chào ngài Viện sĩ. (ở Rumani người có chức danh Viện sĩ rất được tôn kính). Sau khi hỏi han chuyện trò, Viện sĩ Radu Miron  tỏ ra rất quý trọng các sinh viên Việt Nam. Nhân tiện anh Hàn Mạnh Tiến có đưa ra cho Ngài Radu Miron xem một quyển Sổ Carnet Studentesc ghi điểm thi  thời sinh viên của mình còn lưu giữ được đến bây giờ. Trong sổ có ghi môn hình học được thầy Radu Miron cho  điểm 9. Thầy giáo già cười vui vẻ, rút bút ra nói rằng: tôi cho điểm 10 vào đây và đây là kỳ thi cuối cùng - Examen final. Tất cả mọi người có mặt đều bị bất ngờ và cùng vỗ tay hoan hô, anh Tiến thật là may mắn.

Vào lúc 11:15 chúng tôi vào phòng khánh tiết Aula Magna Mihai Eminescu cùng lãnh đạo nhà trường tổ chức Lễ trao Kỷ niệm chương cho 2 vị giáo sư. (phần này đã trình bày trong bài viết Lễ trao tặng Kỷ niệm chương cho 2 vị giáo sư . . . ). Sau Lễ trao tặng Kỷ niệm chương chúng tôi cùng ra sảnh . . . để nâng cốc sâm banh chúc mừng các thầy giáo, chúc mừng bạn bè, chúc mừng tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Buổi chiều chúng tôi được Chủ nhiệm khoa Toán mời tham dự vào một buổi hội thảo chuyên môn (seminar) do khoa Toán tổ chức. Tại đây chúng tôi, từng người được mời lên giới thiệu về bản thân đã làm việc ra sao và thành đạt như thế nào . . . sau đó chúng tôi vào thăm văn phòng khoa Toán và văn phòng bộ môn xác xuất mà trưởng bộ môn là giáo sư Chirita Stan một người bạn cùng phòng ở cămin ký túc xá với tôi 45 năm về trước. Bước vào Giảng đường I.3 nới cánh đây 45,46 năm chúng tôi thường lên nghe giảng, tranh nhau chỗ ngồi gần bảng để nghe được rõ viết được hết bài , lòng cư lâng lâng dâng trào một cảm giác khó tả thấy mình trẻ lại như ngày nào còn là sinh viên. Những bức ảnh kỷ niệm lại được ghi lại để làm kỷ niệm.

Ngày 24/10, buổi sáng nhà trường bố trí cho chúng tôi đi thăm Vườn Sinh Vật Botanică. Mấy hôm nay tại vườn Botanică đang trưng bày hoa quả thực đẹp để chuẩn bị cho một Triển lãm hoa vào tuần tới. Trời mưa phùn lất phất , dưới cái rét 4-6 độ mà chúng tôi vẫn vui vẻ cùng dạo chơi nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về các loại cây, các loại hoa , các loại quả đang được trưng bày. Ở đây có nhiều loại cây thuộc vùng nhiệt đới như cây chuối, cây xanh cây si cảnh, một số loại cây xương rồng vùng nhiệt đới . . . Một đoàn các cháu học sinh tiểu học được thầy cô đưa tới để học thực hành tại chỗ, các cháu tíu tít xin chụp hình cùng những “ông già” Việt Nam , thật là cực vui và cảm động. Chúng tôi dạo quanh, ngắm nhìn rừng cây lá vàng, lá đỏ trải rộng suốt đến tận chân đồi.

Buôi chiều chúng tôi về Cantina Gaudemus tại số 1 Codrescu, đây là nơi mà chúng tôi đã ăn ở trong năm đầu tiên học tiếng Ru. Mọi thứ đã thay đổi, không còn nhận ra được cảnh vật của những năm 1966 nữa. Chúng tôi cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu vì ngay lập tức bị cuốn vào buổi tiệc do các bạn học tổ chức.Các bạn đến khoảng 20 người, chúng tôi góp vui bằng cà phề G7 - 3 trong 1, Lạc rang húng lìu và thịt bò khô. Các bạn Ru rất thích mấy sản vật đặc biệt này được mang đến từ Việt Nam. Thế rồi tíu tít chuyện trò về gia đình, con cháu, về những khó khăn trong cuộc sống từ những năm 1975-1990. Một số bạn cũng cùng hoàn cảnh như ta, trong những năm khó khăn khi gặp nhau hỏi thăm nhà bạn nuôi được mấy con cừu giống như bên ta nuôi thêm lợn, gà trong giai đoạn đó. Thật là cảm động , bạn bè ôm hôn nhau tíu tít, rượu sâm banh, vang nho, rượu Conari được mở ra mọi người cùng nâng cốc chúc mừng sự hội ngộ như trong mơ này. Nhiều bạn đã khóc vì vui, rồi chúng tôi nắm tay nhau cùng hát những bài hát dân ca vùng Môndôva quen thuộc. Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi các bạn Việt Nam lại nhớ và hát được các bài hát dân ca Trandafi de la Mondova, A sa e Mondova mea, Radu Mamii Radule, Căsuta Noastră . . . Rồi hai bên gửi nhau những tặng phẩm làm kỷ niệm. Chúng tôi tặng bạn các sản phẩm là khăn dài Vạn Phúc, calavát, các tranh thêu len, tranh sơn mài …  đặc sản của Việt Nam. Ai ai cũng nâng niu thích thú khi được nhận những món quà bé nhỏ đầy tình cảm từ các bạn bè Việt Nam.

Ngày 25/10 chúng tôi rời thành phố Iasi đầy kỷ niệm, khởi hành đi thăm một số thành phố khác. Anh bạn Emil Pintilie (người bạn cùng phòng cùng lớp với tôi) cấp 2 xe ô tô của gia đình để đoàn đi công du xuống phía nam, qua Piatranemt, Bacau rồi đến Tecuci. Tại Piatranemt chúng tôi lại có cuộc gặp mặt rất thú vị với một số bạn ở đây. Cả đoàn đi cáp treo Telegondola lướt qua thành phố lên đỉnh núi tham quan một điểm danh thắng của thành phố. Rồi sau bữa tiệc tại nhà hàng là cuộc dạo chơi đi bộ trong một khuôn viên lịch sử có tượng Stèan Cel Mare. Xe chạy qua Bacau vào thăm văn phòng công ty nhà anh Emil Pintilie , đến 9 giò tối xe đến tecuci sau chặng đường gần 300 km. Trên đường đi chúng tôi được thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh, những cánh đồng bát ngát thắng cánh cò bay, đất rộng mênh mông , rất ít nhà của. nhìn mãi xa xa mới thấy làng xóm thấp thoáng. Những vạt rừng cây trải rộng sườn núi lá vàng óng ánh nhìn hút tầm mắt. Rồi xe chạy đến khu vực co dân cư, nhà cửa thật gọn gang xinh xắn, chỉ là nhà 1 tầng tưởng rào các nhà thẳng tắp, nhà nào cũng có 1 ghế băng dài đặt trước cổng bên ngoài hàng rào để các cụ già ngồi chơi sưởi nắng – thật là ấn tượng. Chúng tôi được bạn bố trí ngủ trong 1 căn hộ có 2 phòng của gia đình.

Sáng 26/10 đi xe Maxtaxi (minibus) từ Tecuci lên Câmpina Prahova.

Tại Câmpina chúng tôi nghỉ tại nhà anh bạn Badiu Vasile là một trong 3 người “đầu trò” của nhóm Promotia Matematica 1972. Chúng tôi được vợ chồng anh Vasile đón tiếp chu đáo, bố trí ăn ở ngay trong căn hộ của gia đình. Bà vợ anh bạn là Victoria rất khéo tay làm các món ăn và còn biết cả thêu len các bức tranh rất đẹp.

Ngày 27/10 chúng tôi thuê xe ô tô đi một cung đường đẹp từ Câmpina qua Sinaia, Predial lên thăm Lâu đài Castel Bran (Lâu đài Dracula). Chắc rằng có nhiều bạn bè đã đến nơi đây, lâu đài vẫn còn giữ được những nét cổ kính, nhiều phòng nhỏ trưng bày các hiện vật sinh hoạt của một gia đình quý tộc thời xưa.

Ngày 28/10 Đoàn rời Cămpina về Bucuresti, ở đây lại được các bạn đón tiếp nhiệt tình, thuê săn khách sạn và chuẩn bị một chương trinh đi bộ trên phố đi bộ ở Piata Uniri trung tâm thành phố. Vì ngày đi học không sống ở Bucuresti nên không có cảm nhận nhiều về sự thay đổi ở đây. Chúng tôi dạo bước trên những con đường rộng rãi, thoáng đẵng, ô tô bây giờ cực nhiều đỗ tràn lan trên các con đường góc phố. Qua khu vực Nhà hát thành phố bên cạnh Tòa nhà 25 tầng Khách sạn Intercontinental mọi người lại dừng lại chụp ảnh. Rồi đi qua các khu nhà lớn với những quảng trường rộng, đáng kể là Tòa nhà Trung ương Đảng CS Rumani cũ nơi có ban công mà nguyên thủ Ceaucescu từng đứng trên đó, qua Tòa nhà Universitatea Buccuresti tuyệt đẹp …..  Các bạn thết đãi bữa trưa tại một nhà hàng HAN lịch sự ngay khu phố cổ. Buổi tối chúng tôi dự tiệc tại nhà hàng Pescăruș trong công viên Herăstrău, cùng nhau ca hát và nhảy múa cùng các diễn viên rất vui nhộn, đầy ấn tượng.

Ngày 29/10 Các bạn tổ chức đi tham quan Cung Hội nghị Palatul Parlament, một công trình đáng tự hào của Rumani. Đây thực sự là một Hoàng Cung được xây dựng trong thế kỷ 20 không kém gì các cung điện của vua chúa ngày xưa nhưng to lớn hơn rất nhiều. Nhiều hành lang, phòng khánh tiết với hệ thống cột và mái vòm trần tuyệt mỹ được những bàn tay khéo léo của những người thợ Rumani tạo dựng nên. Người dân Rumani đã tự hào gọi cung này là Cung điện của nhân dân. Buổi chiều, chúng tôi đến thăm một gia đình người Việt định cư tại Bucuresti và lại gặp chủ nhân và con cái họ chính là những người quen cũ. Buổi tối các bạn chiêu đãi một đêm nhạc Bethoven tại Nhà hát Ateneul Român Filarmonica George Enescu (giá vé 60 Lei = 350.000đ, thật quá rẻ) – thật tuyệt vời,  các bạn đã rất coi trọng văn hóa trong việc tiếp khách.  Buổi tối chúng tôi đi bằng tầu điện ngầm cũng rất thích thú.

Sáng 30 chúng tôi rời Bucuresti bay sang Viên, thăm thủ đô Áo và tối lại đi xuyên biên giới sang ngủ 1 đêm tại thủ đô Bratislava của Slovakia. Như vậy chúng tôi đã có cuộc hành trình 16 ngày qua 4 nước với 8 lần lên xuống máy bay. Trưa ngày 1/11/2015 Đoàn về đến Hà Nội an toàn.

Một chuyến đi đầy thi vị, đáng để nhớ cả đời này, hi vọng các bạn cũng sẽ có dịp làm một chuyến du lịch hay như và hơn thế nữa. 

NVT

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 617
  • 21,934,691