Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

SỰ THỨC TỈNH CỦA CON NGƯỜI SAU ĐẠI DỊCH

  06/05/2020

Trước đại dịch Covid-19, toàn cầu hóa là câu nói cửa miệng của phần đông nhân loại. Dĩ nhiên, toàn cầu hóa luôn có hai mặt sáng, tối. Mặt sáng dễ nhận hơn, mặt tối nhiều người biết nhưng nhắm mắt cho qua, vì những lợi ích mà mặt sáng mang lại.

Cho tới khi dịch bùng lên từ Vũ Hán (Trung Quốc), nhân loại choáng váng vì cơn dịch bệnh khủng khiếp này và khả năng lây nhiễm “toàn cầu hóa” nhanh không tưởng của nó.

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/303023/ad3e2_33_600.jpg

Trong những ngày này, nhìn cảnh tang thương trên toàn thế giới mà dịch bệnh mang lại, chúng ta đã phải nghĩ khác. Chưa bao giờ “giấc mơ thế giới phẳng” lại bị một đòn khủng khiếp đến thế. Người ta rồi vẫn sẽ làm ăn, buôn bán để sống, quốc gia vẫn phải kết nối để phát triển, nhưng suy nghĩ của con người sẽ khác.

Trước hết là suy nghĩ về sự bình đẳng. “Tự do, bình đẳng, bác ái” luôn là khát vọng của nhân loại, chứ không riêng của nước Pháp, của cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Pháp.

Cho tới hôm nay, bình đẳng vẫn còn là khát vọng đau đớn của nhân loại, trong khi hố ngăn cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng sâu càng rộng.

Dịch Covid-19 đã phơi bày hố ngăn cách này ngay tại New York (Mỹ), nơi được coi là “kinh đô thế giới” của sự giàu có. Đa số những người chết vì dịch tại New York là người nghèo, người Mỹ gốc Phi hoặc Latin(1). Họ là những người thu nhập thấp phải bất chấp lây nhiễm để ra đường làm việc kiếm sống. Đối mặt hàng ngày với hiểm nguy dịch bệnh, họ bị lây nhiễm trong khi không có tài sản lẫn thẻ bảo hiểm để tự cứu mình. Và họ phải ra đi mãi mãi, như một minh chứng cho tình trạng dễ bị thương tổn của người nghèo.

Một vị tỉ phú ở New York cũng đã chết vì dịch Covid-19(2). Đó là một trường hợp rất hãn hữu, vì những người giàu tới cỡ đó luôn được bảo vệ chắc chắn và cẩn thận trước nguy cơ dịch bệnh. Điều đó nói lên virus corona vô tri vô giác có thể cào bằng mọi sự phân biệt của xã hội loài người. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Trong thực tế, nguy cơ cao nhất vẫn thuộc về những người yếu thế, những người nghèo, những người dễ bị tổn thương. Virus không phân biệt giai cấp, nhưng con người thì phân biệt.

Ở các nước theo Hồi giáo có một loại thuế đặc biệt gọi là thuế zakat. Đây là một loại thuế từ thiện theo truyền thống Hồi giáo, nhưng là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của người Hồi giáo. Thuế được tính 2,5% dựa trên sự dư giả của mỗi người hàng năm.

Với Pakistan, một nước Hồi giáo còn khá nghèo, thì zakat là sắc thuế bắt buộc, do nhà nước thu, và dùng để trợ giúp những người nghèo, những người mất việc không biết ngày mai sẽ ăn gì. Tóm lại là thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội.

Ở Pakistan trong mùa dịch Covid-19 này, rất nhiều người khá giả và giàu có trên toàn quốc đã quyên góp cả bên ngoài mức thuế đã đóng, hoặc quyên góp trước thời gian phải nộp thuế, tất cả cũng chỉ dành phần đóng góp tốt nhất cho những người nghèo không có khả năng tài chính nhằm giúp họ vượt qua dịch bệnh(3).

Có thể coi zakat là một “luật thuế nhân từ” rất độc đáo. Chỉ khi nào sự cho đi mang lại hạnh phúc với người cho thì đó mới thực sự là thiện nguyện, mới thể hiện căn cốt của lòng nhân từ. Tôi rất ấn tượng khi đọc được thông tin này: “Pakistan, một trong số những quốc gia làm thiện nguyện lớn nhất, có ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản một cách khá linh hoạt”(3). Sự linh hoạt ấy đến từ thiện căn (gốc rễ của cái thiện). Đó chính là “chủ nghĩa tư bản mang khuôn mặt người” mà nhân loại muốn được thấy.

Có bao điều ngay trong và sau đại dịch khiến nhân loại có thể nghĩ khác, có thể làm khác, mà mục đích chỉ là để sát cánh với nhau, đoàn kết cùng nhau chống dịch. Sự chia sẻ giữa người giàu với người nghèo trong tai ương ở nhiều nơi trên thế giới nói lên một điều: tình người là bất diệt, tình nhân loại là bất diệt.

Sự chia sẻ giữa người nghèo với người nghèo còn nói lên nhiều hơn: đó là khi lòng nhân từ đi cùng đức hy sinh, là khi con người sống trong niềm hạnh phúc được “bầu ơi thương lấy bí cùng”, được cho đi một cách hồn nhiên và nhân hậu nhất. Ở Việt Nam, bầu và bí đều thuộc dạng quả “nghèo”, là món ăn khá thường nhật của nhà nghèo.

Có thể hy vọng rằng sau dịch Covid-19, nhân loại sẽ nghĩ khác, và sẽ làm khác. Lối sống thân thiện với trái đất có thể sẽ thay dần cho sự vơ vét làm giàu bằng mọi giá, bằng hủy hoại môi trường. Con người sẽ bừng tỉnh, nhận ra những giá trị cốt lõi trong đời sống, nhận ra mình phải đứng về phía nào: phía ánh sáng hay bên hắc ám.

Và ánh sáng chính là phần thưởng cho những ai đứng về phía nó.

(1) https://vnexpress.net/hai-mat-cua-new-york-trong-dai-dich-4087045.html
(2) https://thanhnien.vn/the-gioi/ti-phu-dia-oc-new-york-ban-than-tong-thong-trump-tu-vong-vi-covid-19-1210094.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52258970

Thanh Thảo (TBKTSG)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 8
  • 2550
  • 22,494,925