Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

MÔ HÌNH NÀO CHO PHÁT TRIỂN 5G TẠI VIỆT NAM?

  08/04/2019

Việt Nam đã chính thức "khởi động chuyến tàu 5G". Sau Viettel, dự kiến trong quý 2 tới, VNPT và MobiFone cũng sẽ được cấp phép thử nghiệm 5G. Một vấn đề quan trọng được đặt ra là mô hình phát triển 5G sẽ như thế nào để phù hợp với thực tế tại Việt Nam. 

Mô hình phát triển 5G ở đây, trước mắt là lộ trình thử nghiệm, như về tần số, địa điểm, dịch vụ. Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đức Trung, Việt Nam sẽ tiến hành triển khai 5G trong 1 năm, chia thành 3 giai đoạn: thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019-2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020). 

Có thể tiếp cận 5G kiểu "hình tháp ngược" 

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, giấy phép thử nghiệm của Viettel có thời hạn một năm, trong quý 3/2019, Viettel sẽ thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội và Tp.HCM. Trong giai đoạn thử nghiệm, Viettel sẽ đánh giá về mặt kỹ thuật, băng tần, vùng phủ sóng, ảnh hưởng của độ nhiễu, ứng dụng. 

Giống như Viettel, VNPT và MobiFone cũng có kế hoạch lựa chọn hai đô thị lớn Hà Nội và Tp.HCM làm nơi thử nghiệm 5G. Theo thông tin bước đầu, cả ba nhà mạng lớn sẽ có tổng cộng khoảng 44 điểm thử nghiệm tại Hà Nội và 52 điểm tại Tp.HCM. Các điểm thử nghiệm sẽ được tập trung ở các quận nội thành. 

Mục tiêu giai đoạn thử nghiệm của các mạng là đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện tại. Từ đó, các nhà mạng có thể lên kế hoạch, thiết kế và triển khai mạng 5G thử nghiệm trên dải tần trung bình (<6Ghz) và dải tần siêu cao (mmWave) khi ứng dụng công nghệ MassiveMimo. 

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương (Qualcomm là một trong những hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới và công ty đi tiên phong phát triển công nghệ mạng 5G), cho biết, hiện 5G mới được triển khai ở một số nước và cũng chưa triển khai ở phạm vi lớn nên khó có thể lấy kinh nghiệm thành công ở các nước để xây dựng mô hình cho Việt Nam. 

Cho nên, theo ông Nam, Việt Nam muốn đi đầu về 5G thì cần phải… tự làm tự nghĩ. Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, 5G tại Việt Nam cần phát triển theo giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, 5G và 4G sẽ tồn tại song song, rất lâu. 4G vẫn là nền tảng rộng để cung cấp những dịch vụ di động cho mọi người. 5G sẽ tập trung vào những hotspot, những thành phố lớn trước, ở những nơi mà nhu cầu dùng cao. Nhu cầu sử dụng video 8K trên điện thoại di động sẽ bắt đầu từ những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng. 

Kết nối mạng có thể triển khai ở những thành phố lớn trước để cung cấp những dịch vụ cần tốc độ cao, hay những địa điểm triển khai dự án thành phố thông minh (Smartcity)… Sau đó khi công nghệ đã chín muồi, giá thành của thiết bị 5G đi xuống, nhà mạng bắt đầu mở rộng đầu tư vào các giai đoạn sau. 

Theo ông Nam, 5G ở Việt Nam tóm lại sẽ phát triển theo hướng, đầu tiên tập trung vào một số các ngành như thành phố thông minh (Smartciy) hoặc những người có nhu cầu rất cao, hoặc những ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), ôtô tự lái. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện một sự tiếp cận được khuyến nghị cho 5G là cách tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố, và khi đó 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband. 

Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng IoT diện rộng - Massive IoT, và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Và cuối cùng, sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực. 

Có thể hiểu, cách tiếp cận 5G trên giống như mô hình hình tháp ngược. Tức là sẽ lựa chọn ở những nơi, những ứng dụng, những người thực sự có nhu cầu và nhu cầu cao, sau đó mới mở rộng, lan dần ra các ngành nghề, các ứng dụng, các địa bàn khác, và bước cuối cùng là 5G - nền tảng kết nối - sẽ hiện diện ở mọi lĩnh vực và khắp cả nước.

Dịch vụ 5G nào cho Việt Nam?

5G là tốc độ, nhanh hơn 20 - 30 lần so với 4G, là độ trễ vô cùng thấp, là kết nối được hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật "cất tiếng nói và giao tiếp" như con người, thế nhưng, chưa dễ hình dung về những dịch vụ cụ thể của mạng 5G sẽ được triển khai tại Việt Nam. 

Ông Tào Đức Thắng cho biết, qua tiếp cận với các nhà mạng trên thế giới cho thấy ứng dụng đầu tiên của 5G là Internet trên điện thoại di động (Mobile Broadband). Với 4G, tốc độ lên tới 100 Mbps, nhưng với 5G tốc độ là hàng GB. Thứ hai, do 5G tốc độ cao nên một số nơi người ta đã dùng thay cho cáp (cáp quang). 

Và thứ ba là ứng dụng 5G hỗ trợ cho thực tế ảo và thực tế tăng cường được giới thiệu (demo). Ví dụ như ứng dụng mổ, theo đó hai bác sĩ ở hai đầu khác nhau thực hiện mổ cho bệnh nhân (dựa trên công nghệ tốc độ cao của 5G với độ trễ gần như rất thấp). Hay ứng dụng lắp máy, các kỹ sư ở những điểm khác nhau và thực hiện lắp máy ở chỗ khác. Ngoài ra là ôtô tự lái với nhiều thiết bị 5G gắn trên xe. 

Tuy nhiên, vị lãnh đạo tập đoàn Viettel cho rằng, ở Việt Nam những ứng dụng 5G như ôtô tự lái hay mổ thì vẫn chưa thể phổ biến và còn khá xa. Khoảng đến năm 2022 khi mọi thứ được số hóa nhiều hơn thì 5G sẽ phát huy tác dụng rất mạnh, bởi mọi thứ sẽ được gắn chip, được gắn IoT 5G (trên 1km2, 5G có thể đáp ứng cho 1 triệu điểm kết nối). 

Theo Tổng giám đốc Qualcomm Thiều Phương Nam, trước mắt 5G có thể phục vụ những người có nhu cầu tốc độ cao trên những nguồn truyền thống như smartphone và đây vẫn là một hỗ trợ lớn. Bởi trải nghiệm trên smartphone với tốc độ như cáp quang, trải nghiệm video 8K. Bên cạnh đó, ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong giáo dục, y tế cũng cần tốc độ cao nên việc tăng cường băng thông rộng khá quan trọng với 5G. 

 Ông Nam lấy ví dụ ở Mỹ có những dịch vụ mới trên 5G khá thú vị. Như người dùng đã sử dụng AR, VR để xem những sự kiện lớn như âm nhạc, thể thao. Có thể ngồi nhà để xem những trận bóng đá và cảm giác như mình đang ở ngoài sân vận động. Sự khác biệt giữa 4G và 5G cực kì lớn. Như 4G hình ảnh cho được chất lượng HD nhưng nhìn có thể có sạn và hình ảnh có thể bị trễ. Dịch vụ này, theo ông Nam, có thể sẽ sớm phát triển ở Việt Nam. 

Hay cũng ở Mỹ, tuần trước có thử nghiệm đầu tiên về phẫu thuật từ xa thông qua 5G, ông kể. "Việt Nam nếu muốn triển khai 5G trong 2020 với tư cách là người tiên phong, người đi đầu thì phải chấp nhận một số thử nghiệm để tìm ra những ứng dụng có tính chất đột phá", ông Thiều Phương Nam nêu quan điểm. 

Tất nhiên, những ví dụ mà ông Thắng, ông Nam kể trên chỉ là rất nhỏ về các ứng dụng mà 5G mang lại. 

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, IoT, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries), như các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, sensors, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành, và cuối cùng, tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

THUỶ DIỆU (vneconomy)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 2079
  • 22,086,619