Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

BỐN DẤU HIỆU ĐÃ XUẤT HIỆN CỦA MỘT CƠN BÃO LỚN KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

  04/02/2017

Giai đoạn tiền khủng hoảng, giống như bầu trời trước bão, luôn có đầy đủ dấu hiệu cảnh báo cần thiết. Vậy tại sao các dấu hiệu của khủng hoảng tài chính vẫn luôn không được đánh giá và nhìn nhận đủ mức?

Đó có phải là nguyên nhân khiến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và cả bản thân chúng ta vẫn luôn lúng túng, thậm chí vấp phải sai lầm trong dự báo và đối mặt với khủng hoảng?

Có nhiều cách hiểu về khủng hoảng tài chính (khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ, đổ vỡ bong bóng thị trường tài sản), nhưng khái quát lại, khủng hoảng tài chính là trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị các tài sản tài chính, các tổ chức tài chính và sự đổ vỡ của hệ thống tài chính.

Đáng buồn là, kể từ khi ngành tài chính hình thành thì khủng khoảng tài chính đã trở thành một sản phẩm tất yếu của nó. Các ngân hàng, định chế tài chính, cũng như các thực thể tham gia vào thị trường và mọi chính phủ đều thừa nhận khiếm khuyết này của hệ thống. Cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính (về trình độ thị trường, quy mô và tầm ảnh hưởng), khiếm khuyết này không giảm bớt mà ngày một lớn bởi các định chế tài chính ngày một lớn và phức tạp, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng và khó kiểm soát rủi ro trong khi thế giới ngày một phẳng và không còn ranh giới…

T 1970 cho đến 2008 (Laeven & Valencia, 2008), thế gii chng kiến 124 cuc khng hong ngân hàng có h thng, 208 cuc khng hong tin t và 63 cuc khng hong n quc gia.

Trong đó, hai cuộc khủng hoảng tài chính thế giới gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 và khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ 2007-2008; mỗi cuộc khủng hoảng cách nhau 10 năm và cách thời điểm hiện nay 9 năm.

4 dấu hiệu của khủng hoảng tài chính

Nhìn lại lịch sử diễn biến của khủng hoảng, phân tích nguyên nhân và đặc tính của nó chúng ta có thể nhận thấy các dấu hiệu tương đồng một cách đáng kinh ngạc, giống như các dấu hiệu của bầu trời trước một cơn bão lớn.

Theo một nghiên cứu của IMF dựa trên các cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong lịch sử về dấu hiệu, diễn biến và nguyên nhân, trước khi xảy ra khủng hoảng, các dấu hiệu sau (hoặc cùng nhau hoặc một hay một số trong đó) thường xuất hiện:

Thứ nhất, tín dụng mở rộng quá mức và/hoặc giá tài sản tăng quá cao, dấu hiệu này thường đi kèm với chính sách tiền tệ mở rộng, dòng vốn giá rẻ ồ ạt cung vào thị trường qua hệ thống tài chính. Khi dòng vốn dễ dãi và rẻ được cung ứng ồ ạt, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh bất thường. Tăng trưởng tín dụng tăng thường đi kèm với tăng trưởng kinh tế cũng bùng nổ theo. Nhưng hệ lụy là dòng tiền không thể hấp thụ hết vào khu vực sản xuất sẽ chảy vào những khu vực có tỷ suất sinh lời cao và rủi ro cũng cao như các thị trường tài sản (bất động sản, thị trường chứng khoán), nhiều trong số đó mang tính đầu cơ ngắn hạn, tạo bong bóng tài sản. Khủng hoảng sẽ xẩy ra khi dòng vốn giá rẻ đột ngột đảo chiều, thị trường tài sản đổ vỡ (giảm giá mạnh, mất thanh khoản).

Thực tế cho thấy, dấu hiệu đầu tiên này cũng là dấu hiệu phổ biến và cơ bản nhất, xuất hiện tại mọi cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Ví dụ, tại cuộc khủng hoảng nợ của các nước Mỹ La-tinh năm 1982, do dễ dàng vay nợ giá rẻ từ nước ngoài trong nhiều năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng trưởng tín dụng nhanh với quy mô lớn, nhờ đó kinh tế tăng trưởng cao trong những năm này. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập kỷ 70, dòng vốn đảo chiều, lãi suất tăng vọt, chính phủ các nước Mỹ la tinh mất khả năng trả nợ.

Gần đây hơn, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 cũng chứng kiến hiện tượng tương tự, dòng vốn giá rẻ – qua hệ thống tài chính – cung quá mức vào thị trường, dẫn đến bong bóng tài sản tại các nước Châu Á năm 1997, hay bong bóng giá nhà ở và nợ dưới chuẩn của Mỹ năm 2008-2009.

Thứ hai, hệ thống tài chính khó khăn hoặc mất khả năng cung cấp nguồn lực tài chính cho các khu vực khác của nền kinh tế. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống tài chính mất khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán hoặc mất mát niềm tin khiến tín dụng không thể cung ra thị trường. Dấu hiệu này thường rõ nét ngay trước khủng hoảng bùng nổ, cũng như trong và sau khủng hoảng.

Thứ ba, hỗ trợ của chính phủ ở quy mô lớn (như hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn). Đặc trưng của các hệ thống tài chính là rủi ro lây nhiễm cao, niềm tin dễ dàng bị xói mòn khi thông tin bất cân xứng, có thể tạo nên tình trạng “hoảng loạn tập thể” gây đổ vỡ hệ thống. Bởi vậy, Chính phủ thường hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn cho các định chế tài chính lớn đang gặp khó khăn hoặc rủi ro nếu sự đổ vỡ của các định chế đó ảnh hưởng xấu tới hệ thống. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù Chính phủ có hỗ trợ lớn nhưng đổ vỡ hệ thống vẫn diễn ra, tình trạng hỗn loạn vẫn trầm trọng do rủi ro lây nhiễm đã lan quá rộng, ngoài năng lực hỗ trợ của chính phủ. Chúng ta có thể thấy thực trạng này tại cuộc khủng hoảng gần đây nhất năm 2007-2008, Chính phủ Mỹ và Chính phủ của một số nền kinh tế đều thực hiện cứu trợ quy mô lớn nhưng vẫn không thể ngăn chặn đà tiến của cuộc khủng hoảng đó.

Thứ tư, các bất cân đối lớn trên bảng cân đối tài khoản, cụ thể là bất cân đối giữa NỢ và TÀI SẢN (của Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình, ngân hàng thương mại (NHTM)…). Ví dụ, các khoản nợ quá lớn trên bảng cân đối tài sản của NHTM, nằm ngoài khả năng kiểm soát an toàn của họ; hoặc các NHTM cho vay tập trung tín dụng vào những ngành đang có khó khăn, rủi ro tín dụng lớn như BĐS, cho vay đầu tư chứng khoán….; hoặc vay nợ quá lớn trên bảng cân đối của các doanh nghiệp so với năng lực trả nợ và tiềm năng kinh doanh của họ; hay các khoản nợ công ngày một lớn từ các Chính phủ trong khi nguồn thu để chi trả nợ công không tương xứng hoặc thiếu bền vững.

Ngoài ra, còn có các dấu hiệu bất cân đối khác như sự phá giá tiền tệ mạnh và đột ngột, suy giảm mạnh dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong thời gian ngắn, thâm hụt cán cân thanh toán, cán cân thương mại nghiêm trọng và kéo dài…

Nhiều dấu hiệu điển hình cảnh báo khủng hoảng tài chính quy mô lớn đã hiện hữu tại các khu vực và nền kinh tế lớn trên thế giới

1. Dòng vốn với lãi suất cực thấp nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức, thế giới ngồi nên núi nợ khổng lồ chưa từng có

Sau khủng hoảng 2007-2008, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn kỳ vọng và đầy bất trắc bởi các xung đột địa chính trị và niềm tin bị xói mòn. Để khôi phục tăng trưởng trở lại, hầu hết các nền kinh tế lớn đều áp dụng chính sách tài tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp ở mức kỷ lục gần 0% như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE),… thậm chí là mức lãi suất âm áp dụng bởi NHTW Nhật Bản (BoJ). Các gói nới lỏng định lượng liên tiếp được Mỹ, ECB tung ra, trên thực chất đó là tăng mức cung tiền cho hệ thống.

Hệ lụy của chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức như trên là tăng trưởng tín dụng và bùng nổ nợ toàn cầu. Trong báo cáo gần đây, IMF cho biết 8 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế giới đang gánh một núi nợ lên tới 152 nghìn tỷ USD – một con số chưa từng có.

Đáng lưu ý là tăng trưởng nợ ngày một lớn và không có dấu hiệu suy giảm bất chấp các cuộc khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia Châu Âu đã xuất hiện. Nghiên cứu của IMF trên 113 quốc gia trong nửa đầu năm 2016 đã cho thấy mức nợ hiện đang ở mốc kỷ lục 225% GDP toàn cầu, trong đó 2/3 số nợ thuộc về khu vực tư nhân. Nợ phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các nước tiên tiến phương Tây và một số các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc.

Đáng lưu ý, tình trạng tăng trưởng trì trệ (thậm chí kéo dài) tại hầu hết các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã làm giảm khả năng chi trả nợ của các quốc gia cũng như của các khu vực kinh tế.

2. Nợ xấu trở thành vấn đề trong các NHTM của nhiều hệ thống tài chính lớn

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản cho vay trong năm 2015 đã đạt 4,3%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra năm 2009, con số này chỉ là 4,2%.

Theo WB, hiện có hơn 3.000 tỷ USD nợ xấu trên toàn cầu, lớn gấp ba lần con số xấp xỉ 1.000 tỷ USD tín dụng thế chấp dưới chuẩn đã dẫn tới khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2009. Trong đó, Các ngân hàng châu Âu đang “gánh” 1.300 tỷ USD nợ xấu, trong đó gần 400 tỷ USD nợ xấu thuộc về Italy. Tại Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các khoản tín dụng có rủi ro ở Trung Quốc cũng lên tới 1.300 tỷ USD, mặc dù những dự đoán của các tổ chức tư nhân đưa ra còn cao hơn con số này. Các khoản cho nợ xấu tại Ấn Độ là 150 tỷ USD.

3. Bất cân đối lớn trên trên bảng cân đối tài khoản của các NHTM tại nhiều quốc gia: Cho vay tập trung tín dụng vào những ngành, khu vực hiện có rủi ro cao

Nhiều NHTM ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và một số nước châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand lại tiếp tục lún sâu vào các thị trường bất động sản vốn đang bị định giá quá mức. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cung cấp khá nhiều tín dụng cho lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đang gặp không ít khó khăn. Chỉ riêng các khoản tín dụng dành cho lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu ước đã lên tới khoảng 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây đều là những ngành đang rất khó khăn do giá cả mặt hàng năng lượng (chủ yếu là dầu thô) và khai khoáng giảm trầm trọng, dự báo tiếp tục suy giảm do cầu thế giới yếu trong năm 2016 và không mấy khả quan năm 2017, cụ thể: giá dầu thô WTI năm 2016 ước giảm 12,1% so với năm 2015 xuống mức bình quân cả năm là 42,78 USD/thùng; giá phi năng lượng giảm 4,1%, trong đó giá lương thực tăng 0,4%, nguyên liệu thô giảm 1,7% và kim loại giảm 11%.

4. Phá giá tiền tệ tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi

Phá giá tiền tệ mạnh và có ảnh hưởng lớn nhất tới khu vực và thế giới trong hai năm qua là Trung Quốc. Năm 2015, đồng Nhân dân tệ (CNY) của nước này đã phá giá tới 4,6% và tiếp tục mất thêm 6% vào năm 2016 (tính đến ngày 9/12/2016) mặc dù đã tham gia vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế kể từ ngày 1/10/2016. Tiếp bước của Trung Quốc, một loạt các quốc gia Đông Nam Á phá giá tiền tệ mạnh trong năm 2015 như Malaysia (22,1%), Indonesia (10,9%), Thái Lan (9,3%), Việt Nam (4,7%), Philippines (4,5%). Năm 2016, thị trường tiền tệ Châu Á có phần ổn định hơn, nhưng đồng PHD của Philippines vẫn mất giá thêm 6,1%, Malaysia là 3% (tính đến ngày 9/12/2016).

Tại Châu Âu, đồng EUR mất tới 10,6% giá trị năm 2015 và cho tới nay (9/12) mất thêm 2,2% nữa. Đồng Bảng Anh sau sự kiện Brexit đã chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất, mất tới 17,3% năm 2016 sau khi đã mất giá 4,2% năm 2015. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính quốc tế, khi giá trị đồng nội tệ bị mất tới 10% thì được coi là khủng hoảng tiền tệ đã xẩy ra tại thị trường tiền tệ nước đó.

Khác với dấu hiệu của một số cuộc khủng hoảng trước là tăng trưởng bùng nổ, giá hàng hóa, tài sản tăng vọt trước khi khủng hoảng xảy ra, lần này, tăng trưởng kinh tế trì trệ, giá hàng hóa suy giảm mạnh, giá các thị trường tài sản bất ổn kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, những dấu hiệu được coi là cơ bản nhất như tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, bất cân đối lớn của hệ thống các NHTM và Tài chính quốc gia (thu/chi và nợ) của Chính phủ các nước, phá giá đồng nội tệ mạnh,.. lại xuất hiện dày đặc với quy mô rủi ro lớn. Do vậy, nếu không có các chính sách, biện pháp ngăn chặn khủng hoảng hoặc giảm thiểu lây nhiễm rủi ro, tổn thất do khủng hoảng gây ra, thì cuộc khủng hoảng (nếu xảy ra) sẽ có sức tàn phá hủy diệt ghê gớm trên diện rộngbởi nó có thể diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế, hệ thống tài chính thế giới đang suy kiệt, các xung đột địa chính trị, bất ổn xã hội ngày một lớn và khó lường.

Tâm Như (T/H)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 2
  • 3573
  • 22,373,856