Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NĂM SỬU KỂ CHUYỆN TRÂU

  26/02/2021

Người ta tin rằng trong 12 con Giáp, chỉ có "Năm Trâu mưa thuận gió hòa", nên trên trang đầu các cuốn "nông lịch" ngày xưa, bao giờ cũng in hình con trâu kéo cày.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Người ta thường nói "khỏe như trâu" quả thật không sai! Sức kéo 2 con trâu ghép lại mạnh hơn 4 con ngựa. Nước ta là nền canh nông lúa nước, nên con trâu là sức kéo khó thay thế, nhất là ở miền Bắc, miền Trung. Trong cuộc đua leo núi Fansipan mới đây, một VĐV người H'Mông đoạt giải khi được hỏi "mơ ước gì?", anh ta nói ngay "chỉ muốn lấy tiền thừa mua một con trâu cho gia đình đỡ cực". Thế mới thấy "con trâu là đầu cơ nghiệp", vẫn luôn đúng đối với nhiều nông gia.

Do lông thưa thớt, lớp mỡ dưới da mỏng, nên sức chịu lạnh của trâu kém hơn bò. Ở miền Bắc, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc người ta phải mặc áo cho trâu, thế mà vẫn có cả ngàn con lăn ra chết rét. Trâu là động vật có vú duy nhất không có tuyến mồ hôi, khó thải bớt năng lượng dư, nên chúng cũng không chịu được nóng. Khi kéo xe mà gặp trời nóng, chúng có thể quăng cả người lẫn xe nhảy xuống kênh bơi nhàn nhã. Trâu bơi rất giỏi, có thể vừa tản nhiệt, vừa cõng chú mục đồng trên lưng bơi qua con sông lớn.

Cưỡi trâu đi họp

Từ xưa tới nay, mới chỉ nghe thấy người ta cưỡi ngựa, chứ ít người chọn trâu làm phương tiện đi lại. Xưa kia, ở Trung Quốc có thầy Lão Tử (khoảng 567 trước công nguyên) từ cưỡi trâu xanh ra khỏi ải Hàn Cốc, rồi đắc đạo thành tiên. Sách kinh điển đạo giáo "đạo đức kinh" 5.000 chữ cũng do ông viết khi cưỡi trên lưng trâu. Còn theo "Tây Du ký", sau khi lên cung Đầu Suất trên thiên đình, lão Tử được tôn là Thái Thượng Lão Quân, nhưng vẫn không quên nghề gia truyền của đạo giáo, nên đã kê lò Bát Quái  luyện kim đan. Thỉnh thoảng, Lão Quân vẫn cưỡi con trâu xanh già năm xưa đi du ngoạn.

Ngày xưa miền Bắc thời bao cấp từng lưu truyền câu chuyện tiếu lâm: Một vị cán bộ xã lên huyện họp, báo "một suất cơm, một suất cỏ". Hóa ra anh này cưỡi trâu đi họp! Có sống ở vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ mới biết, vụ chiêm, nước ngập mênh mông, chẳng thấy đường xá đâu cả, cưỡi trâu còn tiện hơn chèo đò.

Con trâu dùng trong chiến tranh chỉ nghe thấy trong thời chiến quốc (476 - 255 trước Công nguyên) bên TQ. Khi xưa, tướng nước Tề Điền Đan từng dùng "trận hòa ngưu" đại phá quân Yên. Trước tiên, Điền Đan dùng kế ly gián để nước Yên bãi chức Nhạc Nghi, rồi trong một đêm, ông ta huy động 5.000 con trâu, cột dao nhọn vào sừng, tẩm dầu đốt đuôi chúng. Đàn trâu bị đốt nóng, tính hung dữ nổi lên, xông vào doanh trại đánh quân Yên tan tác. Đây là một trận đánh có thực được ghi trong sử sách, nhưng tôi vẫn hoài nghi tính chính xác của nó. Vì khi bị bỏng, trâu thường chạy toán loạn, dẫm đạp lên quân mình trước, chứ đâu chịu ngoan ngoãn nghe hiệu lệnh của Điền Đan.

Trâu cũng biết nghe... nhạc!

Chữ "ngưu" ở tiếng Hoa dùng chỉ cả trâu lẫn bò, chứ không phân biệt rạch ròi như trong tiếng Việt. Người ta thường nói "gẩy đàn tai trâu", nhưng thực ra trâu (hoặc bò) cũng biết "thưởng thức" âm nhạc. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, người ta đã phát hiện âm nhạc có thể giúp nâng cao sản lượng sữa bò. Con trâu ngoài sử dụng làm sức kéo, còn để ăn thịt, lột da, lấy sữa. Ví như sữa trâu Murrah tính hiền hòa, có cặp sừng xoắn mỗi năm có thể cho 3.000 lít sữa. Anh hùng lao động Hồ Giáo cũng nhờ chăn trâu mà trở thành anh hùng.

 

Loài vật can đảm

Tục ngữ có câu, "Nghé con nào biết sợ cọp", chứ đừng nói đến trâu lớn. Người ta từng thấy một con hổ Bengal vồ con trâu lạc đàn, nhưng hổ ta đã lầm đối tượng vì đây là trâu rừng. Kết cục, con hổ bị một bầy 17 con trâu rừng xếp thành đội hình vòng cung, vừa húc, vừa đá đến nát bét mới chịu thôi. Tại  tỉnh Vân Nam (TQ), có một ông già bị gấu ngựa tấn công. Đang lúc cầm chắc cái chết thì bỗng dưng 5 cọn trâu ông ta chăn thả gần đó bày thành thế trận vòng tròn, tiêu diệt con gấu để cứu chủ.

Món khoái khẩu của dân nhậu

Trong Đông Y có vị thuốc quý "ngưu hoàng" là sỏi mật của trâu (hoặc bò), có thể chữa bệnh kinh phong. Người ta lấy da trâu nấu thành cao, gọi là "a giao", dùng pha để quét vôi tường cho dính. Xưa nay, người ta định kiến thịt bò ngon hơn thịt trâu, nên dạo trước người nghe nói tới chuyện thịt trâu giả bò. Nhưng nay ở Nam Bộ Trâu khá hiếm, dân nhậu khoái món trâu luộc chấm cơm mẻ, nên mới xảy ra hiện tượng trái khoáy là bò giả trâu. TP.HCM hiện có nhiều tiệm bán thịt trâu, nhập từ Ấn Độ (tín đồ Ấn giáo kiêng thịt bò), tôi mua thử thấy chất lượng chẳng kém gì thịt bò. Còn ở huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng có món "phở nghé" rất đặc sắc.

Chuyện người tuổi trâu

Và sau cùng, đón Tết năm Sửu mà không xem một "quẻ" về tuổi Trâu e thật thiếu sót! Người "cầm tinh" con Trâu có những "phẩm chất" như: điềm đạm, kiên nhẫn, có ý chí cao, đáng tin cậy. Họ là những người đạt được thành công nhờ vào sự cần cù, chăm chỉ. Là người sống thiên về lý trí hơn tình cảm, họ tự hào về bản thân mình và ít chịu thỏa hiệp. Người sinh tuổi này nên tập tính hài hước để cuộc sống trở nên vui vẻ hơn. Tuy nhiên nếu bạn cần lời khuyên chân thật, không thiên vị, cứ đến hỏi người tuổi Trâu.

Theo Thời trang trẻ

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 3347
  • 22,087,887