Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG: “CẦN HIỂU ĐÚNG ĐỂ KHÔNG LÀM SAI”

  10/05/2017

Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH.

Hôm nay, 5/5 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng là thảo luận về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Với mong muốn góp một tiếng nói, ông Vũ Ngọc Hoàng gửi tới Tuần Việt Nam bài viết này như một cách trao đổi ý kiến. Mời bạn đọc tham khảo.

Từ sau đại hội XII đến nay, các cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm đáng kể đối với vấn đề doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ thế là rất đúng. Nếu như trước đây, trong thời chiến tranh giữ nước, việc xây dựng các đơn vị bộ đội “Cụ Hồ” để làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi, thì ngày nay, trong hòa bình phát triển kinh tế, việc xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam để làm nòng cốt trong kinh tế thị trường cũng có ý nghĩa quan trọng tương tự.

Trong lịch sử nhân loại, khi con người bắt đầu xuất hiện, hoạt động kinh tế lúc bấy giờ là hái lượm. Nói cách khác, là kinh tế hái lượm. Sau đó, do tác động của thực tiễn, nhận thức của con người tiến bộ dần, công cụ lao động được cải tiến, sản xuất (kinh tế) tự cấp tự túc bắt đầu. Khi sản xuất có dư thừa và nhu cầu của cuộc sống đa dạng hơn, con người đã thực hiện trao đổi các sản phẩm làm ra, thì kinh tế hàng hóa xuất hiện.

Khi kinh tế hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định, trong xã hội hình thành các phạm trù giá trị và giá cả, quan hệ cung cầu và cạnh tranh, không phải cá biệt, đơn lẻ mà thành các xu hướng, thì đó là lúc kinh tế thị trường bắt đầu, cùng với các quy luật khách quan, vô hình, nhưng mạnh mẽ, tác động chi phối nền kinh tế, thay thế cho những ý muốn chủ quan của các chủ thể có quyền lực trước đó.

Có nhiều loại kinh tế thị trường. Như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng XHCN… và các tên gọi kiểu khác nữa. Việc thảo luận, tranh luận về các tên gọi khác nhau này dài dòng và phức tạp, kể cả về học thuật và chính trị, với những nhận thức đúng và chưa đúng, với những ý kiến khoa học và sự dung hòa thỏa hiệp.

Ở Mỹ, suốt một thời kỳ dài, người ta luôn nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do, mọi việc của nền kinh tế do thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cho đến một lần, khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ bị buộc phải chi ra nhiều ngàn tỷ USA để can thiệp vào thị trường. Từ đó, người ta không nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do như trước nữa.

Tại một số nước Châu Âu, nhất là nước Đức, vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng vẫn không có thắng thua, nhưng từ những cuộc tranh luận ấy đã làm nảy sinh và xuất hiện một cụm từ- khái niệm mới về “kinh tế thị trường xã hội” mà trong đó, nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước vì các mục tiêu xã hội. Tôi nghĩ đây là một khái niệm, một loại hình đang và sẽ thịnh hành nhất trong tương lai.

Tại Trung Quốc, với tư tưởng xây dựng một xã hội XHCN đặc sắc Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra kinh tế thị trường XHCN, trong khi họ chưa có CNXH. Việt Nam thì mềm hơn, phù hợp hơn so với Trung Quốc, đã chọn cụm từ “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Vậy là thế giới đã có nhiều tên gọi khác nhau về các loại kinh tế thị trường. Tuy nhiên, rộng rãi nhất, phổ biến ở các văn bản quốc tế, đó là cụm từ-tên gọi “kinh tế thị trường”. Chỉ gọn vậy thôi. Thế giới đã thống nhất cao đối với cụm từ đó.

Việt Nam, mặc dù viết trong các nghị quyết và văn bản là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhưng cũng vẫn phải kêu gọi thế giới công nhận ta là nước có nền “kinh tế thị trường”. Ta không thể yêu cầu họ công nhận ta là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” vì thế giới chưa hiểu về khái niệm này, mà có công nhận cũng chẳng để giải quyết vấn đề gì giữa ta với họ. Đó là một thực tế.

Từ ngữ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nội hàm của khái niệm. Cần hiểu đúng để không làm sai. Suốt một thời gian dài, trên thế giới, không ít người, nhất là ở các nước theo định hướng XHCN, cho rằng kinh tế thị trường là đặc điểm của CNTB, còn CNXH thì phải là kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Ngày ấy, ai nói khác, ai chủ trương phải chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thì bị Liên Xô và phe XHCN phê phán và quy chụp là xét lại. Thậm chí còn nâng lên là chủ nghĩa xét lại. Năm 1968, khi ban lãnh đạo Tiệp Khắc chủ trương cải tổ bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường và thực hiện dân chủ hóa thì Liên Xô lập tức đổ quân vào Tiệp Khắc và tuyên bố ban lãnh đạo ấy là xét lại, phế truất họ và lập ban lãnh đạo mới để kiên định cách làm như cũ.

Những năm sau đó, nhất là sau khi Liên Xô bị đổ, mọi người đã nhận thức lại, với tư duy thoáng mở và đúng đắn hơn, cho rằng kinh tế thị trường không phải riêng của CNTB, mà các nước XHCN cũng cần phải thực hiện kinh tế thị trường thay cho kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đó là giai đoạn cải cách, đổi mới ở các nước theo định hướng XHCN. Tư duy đó là đúng, nhưng lại chưa đi đến cùng, vẫn còn cho rằng kinh tế thị trường ở các nước XHCN phải khác về chất so với kinh tế thị trường ở các nước TBCN.

Với tư duy chưa đúng này đã dẫn đến những lúng túng trong xử lý công việc cụ thể, kể cả cách gọi tên. Tất nhiên việc lúng túng trong cách gọi tên cũng có thể một phần do sự dung hòa, thỏa hiệp khi có ý kiến khác nhau trong nội bộ. Đã mất một thời gian khá dài để tìm kiếm các điểm khác nhau đó.

Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH.

Lúc đầu là tư duy của một bộ phận quan trọng trong giới chính trị, kể cả bên phe này và bên phe kia, từ đó lan rộng ra trong hai hệ thống chính trị của thế giới và tác động sang lĩnh vực khoa học xã hội và truyền thông.

Với tư duy sai lầm đó, người ta đã chia thế giới ra thành hai phần chủ yếu, hai phe, TBCN và XHCN, đi về hai hướng khác nhau, với tư tưởng và ý thức hệ riêng của mỗi bên, đối địch với nhau, chạy đua vũ trang đến mức chưa từng có, tạo ra kể cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, đủ để có thể tiêu diệt nhiều lần trái đất, có lúc đã đối đầu xe tăng, đại bác và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào nhau, đã gây nên một số cuộc chiến tranh làm chết nhiều chục triệu người. Để rồi bây giờ, sau gần một thế kỷ đối đầu như vậy, đã phải bắt tay nhau để cùng giải quyết nhiều việc của song phương, của khu vực và của toàn cầu, kể cả coi nhau là đối tác chiến lược, toàn diện. Từ cựu thù thành bạn giữa con người với con người là việc đáng mừng, đáng ủng hộ. Nhưng bản thân sự ấy cũng đã chứng minh sai lầm trước đó, chứng minh sự “lẩm cẩm” từng có ở tầm nhân loại.

Xét riêng ở một bên (một phe), thì có thể biện minh cho họ là không sai, vì chính bên kia đã đẩy họ đến đó. Nhưng xét cả hai bên cùng lúc, thì sẽ thấy sai lầm của họ- của cả hai bên. Sai lầm này, xét đến cùng, là do cả hai bên đều không chấp nhận sự đa dạng của tư tưởng, văn hóa và mô hình phát triển, trong khi họ đang và phải sống trong một thế giới ngày càng đa dạng và hội nhập. Sai lầm ấy là do tư duy không khoa học và thiếu biện chứng.

Theo Tuanvietnam.net

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 1843
  • 18,009,582