Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

SỰ NGUY HIỂM CỦA "THẾ GIỚI ẢO”

  31/10/2016

Những câu chuyện nhảm nhí đến mức không thể tin nổi trên mạng xã hội trở thành sự thật ngoài đời thường đang diễn ra một cách đáng báo động. Chỉ vì những lượt “like” vô nghĩa trên facebook, nhiều bạn trẻ đang sẵn sàng làm những điều điên rồ nhất để được nổi tiếng.

Nữ sinh tại Khánh Hòa bị bỏng cả 2 chân khi thực hiện lời hứa đốt trường trên faceboọk (ảnh cắt từ clip)

Lướt qua Facebook, người ta không còn xa lạ với trào lưu “nếu được 1000 lượt like, tôi sẽ... nhảy cầu, tự thiêu rồi nhảy xuống sông, khỏa thân, chạy 10 vòng quanh bờ hồ, tự rạch mặt, tung clip sexy dance, v.v và v.v”. Cũng chính từ phong trào kỳ lạ này, một học sinh lớp 8 tại Khánh Hòa đã châm lửa đốt trường sau khi nhận được đủ số lượt thích. Chưa biết cô bé ấy gây họa bởi áp lực của bạn bè hay nhu cầu muốn được nổi tiếng trên mạng, nhưng rõ ràng, thế giới ảo đang tấn công đời thực một cách đầy nguy hiểm. Đáng lo ngại hơn, cuộc tổng tấn công của mạng xã hội lại hướng hẳn về lớp trẻ, những người không hề được bảo vệ hay định hướng một cách có hệ thống trước sự phát triển khủng khiếp của internet.

Bắt đầu từ những chiêu trò câu view và câu like vô tội vạ, thậm chí vô văn hóa trên facebook để nổi tiếng, để kiếm tiền qua tài khoản youtube, một làn sóng mới đã xuất hiện. Đó là trào lưu sẵn sàng bán rẻ danh dự hay cả hình ảnh nhân phẩm bản thân để đổi lại vài nghìn lượt “thích” và chia sẻ trên không gian ảo. Đáng báo động hơn, phong trào này diễn biến khá nhanh tới hiện tượng trượt dốc hoàn toàn về kiểm soát giữa “thật và ảo”. Những gì diễn ra trên mạng xã hội được người dùng đưa ra ngoài đời thật, và dĩ nhiên với sự tung hô, tán thưởng, hay thậm chí đe dọa của đám đông dấu mặt trên mạng kết nối toàn cầu.

Hệt như hiện tượng “lộng giả thành chân”, những người bị rơi vào trạng thái kích thích ảo bị số đông lấn át về tư tưởng, dẫn tới những hành vi thiếu kiểm soát trong đời thực. Không còn nghi ngờ gì nữa, lối sống ảo hiện tại ở phương diện nào đó chính là hồi chuông cảnh báo cho sự suy thoái về văn hóa, đạo đức của không ít cư dân mạng. Không chỉ gây hại cho chính mình, những bạn trẻ lâm vào vòng xoáy của cơn lốc facebook còn mang tới không ít phiền toái, rắc rối và nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng.

* Khi báo chí bị lấn át

Bỏ qua vai trò mờ nhạt của gia đình và nhà trường, sự thật, ngay cả báo chí chính thống cũng bị lấn át bởi mạng xã hội, dẫn tới thực trạng phần nào mất đi tính định hướng đúng đắn và tiếng nói mạnh mẽ trước cái xấu. Muốn biết Facebook mạnh đến đâu, chỉ cần nhìn vào thông tin vụ hành hung của cán bộ Sở giao thông vận tải Hà Nội tại sân bay Nội Bài hay cuộc phản bác chiến dịch truyền thông của tập đoàn Massan với nước mắm truyền thống, chúng ta sẽ hiểu. Không hề quá lời khi nói rằng, facebook giờ đây không chỉ từng bước đánh bại báo in, mà cả báo điện tử về nhiều phương diện.

Từ chính trị đến văn hóa, giải trí, thể thao hay nội chính, tất cả đều có trên facebook. Sự hấp dẫn, đa dạng cùng tốc độ truyền tin chóng mặt giúp sản phẩm của Mark Zuckerberg chiếm lĩnh hầu hết những khoảng không còn trống trên không gian ảo. Những bộ phim, bài hát bị cướp bản quyền trắng trợn, những vụ phát tán clip hay hình ảnh nhạy cảm, những bản tin nhiều chiều, những trận bóng đá độc quyền, mọi thứ đều có trên facebook. Facebook cho phép chia sẻ nhưng không – hoặc không thể kiểm soát nguồn tin. Chính vì thế mới dẫn tới những sự việc đáng tiếc như họ chặn bức ảnh chiến tranh nổi tiếng “Em bé Napalm” ở Việt Nam.

Bằng thuật toán và sự thông minh, Facebook đã cướp đi một lượng lớn độc giả của báo chí, đồng thời tác động lên người đọc theo cách mà không tờ báo nào làm nổi. Ví dụ, chỉ 1 vấn đề nhỏ, nhưng qua tài khoản của những Facebooker nổi tiếng, các followers (người theo dõi) sẽ phát tán mọi thứ với quy mô và tốc độ kinh hoàng nhất. Ở đây, các followers chính là độc giả, và những “hot Facebookers” chính là kênh thông tin. Mà trong thế giới của Facebook, mọi thông tin đều được xuất bản, bất chấp nguồn tin, bất chấp kiểm duyệt, và cũng chẳng có ông “tổng biên tập” nào phải chịu trách nhiệm bởi tính chính thống.

Cướp đi phần lớn độc giả của báo chí, Facebook còn “cướp” được cả các công cụ vô cùng nhạy bén để kiếm tiền từ thương mại điện tử. Với lượng thông tin khổng lồ của người dùng, facebook dễ dàng cung cấp mọi nhu cầu phù hợp tương đối thông qua chính những gì người dùng tự tiết lộ (thói quen mua sắm, du lịch, học hành...). Không khó hiểu nếu báo chí hiện tại không còn thu hút được quảng cáo, thì facebook lại trở thành ông Vua của lĩnh vực này.

Một êkíp thực hiện chương trình truyền hình có thể mất cả tuần để có sản phẩm, nhưng một clip livestream của cô người mẫu nào đó sẽ luôn chiến thắng ở phạm vi lan tỏa và sự sẻ chia cộng đồng. Chính điều này đã góp phần tạo nên những trào lưu kỳ dị và kệch cỡm trên facebook dưới sự tung hô của đám đông. Tới lúc này, báo chí lại phải vào cuộc để phản ánh, và lại càng chứng tỏ sự chậm chân so với đối thủ facebook dù ở lĩnh vực nào.

Sự nguy hiểm của thế giới ảo là có thật. Nhưng còn một sự thật khác, đó chính là sự lép vế của đối trọng truyền thông – báo chí trong việc xử lý và định hướng thông tin. Điều này đã gián tiếp góp phần cho sự bùng nổ không giới hạn của mạng xã hội, tạo ra những hệ lụy khó lường./.

HC (ĐCSVN)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 21
  • 1752
  • 22,494,127