Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA APEC

  07/11/2017

Những biến động mạnh mẽ về thương mại và an ninh trên thế giới đang tác động lớn đến APEC nhưng cũng tạo ra cơ hội phát triển.

 

Lãnh đạo các nền kinh tế chụp ảnh tại APEC 2016 diễn ra ở Peru. Ảnh: Reuters.

 

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra ở Đà Nẵng là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận về những thách thức APEC đang đối mặt cũng như triển vọng mà cơ chế hợp tác này mang lại.

Theo giới phân tích, APEC được coi là khu vực tiên phong trong thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, đóng vai trò tích cực trong các vấn đề ở châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn trước các biến động mạnh mẽ của khu vực và thế giới, theo Olemiss.

John McKay, giáo sư tại Viện Monash châu Á, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Australia, cho rằng thách thức đầu tiên mà APEC phải đối mặt hiện nay chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và xu thế chống lại hợp tác thương mại đa phương.

Việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xây dựng một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Song song với đó là xu hướng đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương giữa các nền kinh tế, thay vì đàm phán những cơ chế đa phương lớn hơn.

Ross Garnaut, giáo sư Trường Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng một số kế hoạch hành động về kinh tế được đề xuất ở APEC chưa được thực thi hiệu quả vì các thành viên ở châu Á – Thái Bình Dương đã có những cơ chế hợp tác song phương riêng rẽ vốn có mục đích và phương thức hoạt động khác với chính sách về thương mại tự do của APEC. Những thành viên chủ chốt của APEC như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ đều là thành viên của các cơ chế hợp tác cấp tiểu vùng này.

Khi nhiều thành viên tìm tới các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương kiểu này, nó sẽ gây tác động tiêu cực đến vai trò của APEC, đi ngược lại chính sách khu vực mở của tổ chức. Những FTA này sẽ gây phương hại tới sự hình thành và phát triển của hệ thống thương mại đa phương, khi các thành viên ký kết FTA và các thành viên không tham gia FTA sẽ phải đối mặt với nhiều loại vấn đề và biện pháp khác nhau trong thương mại và đầu tư ở khu vực.

Thách thức thứ hai mà APEC đang đối mặt là tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp, đặc biệt là những diễn biến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bất ổn ở châu Á – Thái Bình Dương. Những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Hoa Đông cũng khiến nhiều quốc gia trong khu vực bất bình.

McKay cho rằng dù là một diễn đàn về hợp tác kinh tế, APEC luôn đóng một vai trò nhất định trong an ninh và chính trị khu vực, đặc biệt là thông qua Hội nghị Lãnh đạo APEC. Khi lãnh đạo các nền kinh tế gặp nhau tại hội nghị, nhất là thông qua các cuộc họp song phương hoặc nhóm nhỏ, họ chắc chắn sẽ thảo luận các vấn đề cấp bách của thế giới và khu vực, còn các vấn đề kỹ thuật về thương mại và đầu tư sẽ được giao lại cho các quan chức cấp cao.

Bởi vậy, APEC vẫn có thể được coi là một diễn đàn an ninh, hội tụ lãnh đạo của 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga và các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Australia, Canada hay Singapore.

Tuy nhiên, nhiều thành viên lại cho rằng APEC chỉ là một diễn đàn về hợp tác kinh tế, được thành lập để giải quyết các vấn đề về thương mại và kinh tế, không có kinh nghiệm và chuyên môn để thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh và chính trị. Các thành viên này thường xuyên phản đối việc đưa vấn đề an ninh vào chương trình nghị sự của APEC.

Một số thành viên lớn của APEC không hề mặn mà với việc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực bằng cơ chế đa phương, mà chỉ thiên về trao đổi song phương. Bởi vậy, một số sáng kiến an ninh được trao đổi tại APEC vẫn chưa thực sự có tác động lớn ở khu vực.

Cơ hội lớn

Được thành lập vào năm 1989 từ 6 thành viên ASEAN và 6 nền kinh tế lớn gồm Australia, Canada, Nhật, New Zealand và Mỹ, APEC hoạt động như một diễn đàn phi chính thức dựa trên cơ chế đồng thuận, được coi là cách vận hành tốt nhất của một tổ chức có các thành viên vô cùng đa dạng.

Ông Alan Bollard, giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, cho rằng cơ chế vận hành phi chính thức này của APEC giúp các nền kinh tế thành viên có nhiều không gian hơn để đối phó với những thách thức lớn mà họ đang đối mặt trong vấn đề thương mại.

Theo ông Bollard, trong bối cảnh thương mại hàng hóa truyền thống có sự thay đổi khi Mỹ chú trọng vào việc đưa hoạt động sản xuất về nước còn Trung Quốc đang tìm cách chuyển hoạt động này sang những nước kém phát triển hơn, thương mại dịch vụ vẫn sẽ tiếp tục phát triển khi công nghệ mới trở nên rẻ hơn, mang tính dịch chuyển hơn, xóa nhòa ranh giới lãnh thổ.

Trong tình cảnh hỗn loạn của các thỏa thuận thương mại dẫn đến sự thiếu niềm tin vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Bollard cho rằng diễn đàn APEC sắp diễn ra ở Việt Nam sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận một chiến lược thương mại rõ ràng hơn.

"Hoạt động thuận lợi hóa thương mại đang diễn ra rất chậm chạp. Trong bối cảnh đó, APEC tạo ra nhiều cơ hội hơn bởi trong hoàn cảnh khó khăn như thế, APEC không phải là một tổ chức mang tính ràng buộc về pháp lý và có chức năng giải quyết tranh chấp. Đây chỉ là một diễn đàn nơi các nền kinh tế tụ hội", ông nói.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC cho biết APEC đang theo dõi sát sao xu hướng giảm năng suất sản xuất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi nhiều quốc gia đang phải đối phó với tình trạng giảm sút thương mại và đầu tư, dân số ngày càng già và sự phổ biến của công nghệ. Tuy nhiên, ông dự đoán sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại dịch vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho toàn cầu hóa.

Theo McKay, với vị thế là một diễn đàn phi chính thức để thảo luận các vấn đề toàn cầu và khu vực, APEC sẽ luôn thể hiện được tầm quan trọng của mình ở châu Á – Thái Bình Dương. Với những cải cách mạnh mẽ để vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội, APEC có rất nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm của một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương có thể hình thành trong tương lai.

Trí Dũng

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 17
  • 1813
  • 18,009,552