Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

VĂN HỌC RUMANI GIẢN LƯỢC - MỘT MÓN QUÀ CỦA NGHĨA TÌNH

  27/10/2015

Là một trong số trên dưới hai ngàn sinh viên Việt Nam đã được đào tạo trong nhà trường đại học Rumani, chúng tôi luôn biết ơn và nhớ tới những nghĩa tình mà người dân Rumani nói chung, những thầy giáo cô giáo Rumani nói riêng dành cho chúng tôi. Chúng tôi ấp ủ mong muốn được biểu lộ một phần những tình cảm tri ân sâu nặng, những tình cảm được vun đắp và khơi dậy trong những năm tháng học trên đất bạn. Cuốn sách Văn học Rumani giản lược[1] của chúng tôi như là một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa đó, như là một món quà tình nghĩa nhân dịp quốc khánh Rumani lần thứ 93.

 Nói đến tình đến nghĩa là phải nói đến con người, ngoài con người cụ thể bằng xương bằng thịt mà ta có thể bắt tay chào hỏi, có thể kết bạn kết bè thì tình nghĩa còn nằm ở chiều sâu thể hiện qua góc độ tinh thần, qua những sản phẩm tinh thần mà con người của một dân tộc một đất nước đã tạo dựng ra. Muốn vậy phải có ít nhiều hiểu biết về văn hóa dân tộc đó mà văn học, trong tương quan chung, là kết tinh cao nhất của một nền văn hóa dân tộc mà qua đó ta hiểu được nắm bắt được ngoài tâm tư tình cảm là cách nghĩ cách suy, là cách nhìn nhận con người và thế giới, là nhân sinh quan và thế giới quan của một cộng đồng người.

Trong thế giới bao la mà rất hạn hẹp này, các nhà văn , nhà thơ, các nhà lao động nghệ thuật là những nhà ngoại giao không hộ chiếu luôn đem đến cho các cộng đồng khác nhau, tiếng nói tri âm tri kỉ của dân tộc mình, kết hợp trong đó là quan điểm nhân sinh giao kết bạn bè. Ta không thể làm bạn được với một ai nếu ta không hiểu gì về họ. Sự hiểu biết về các dân tộc khác sẽ là cầu nối chắp cánh cho tình hữu nghị bay cao vươn xa, và văn học chính là cửa mở để tạo ra nhịp cầu tình cảm thiêng liêng đó. Không hiểu bạn, ta sẽ tự ti vì mình bé nhỏ hay tự cao tự đại vì mình to lớn bao la, nhưng đã hiểu nhau những cái tự ti tư cao tự đại ấy sẽ không còn nữa. Đã là bạn thì giữa người và người không được có khoảng cách ngăn chia, nếu còn khoảng cách ngăn chia đó thì không thể kết bạn được. Văn học sẽ mở ra sự cảm thông chia sẻ, cho sự hiểu biết lẫn nhau này.

Một dân tộc khi đã thành một cộng đồng dân tộc, một đất nước khi đã xác lập chủ quyền quốc gia bao giờ cũng có cái riêng tư của nó. Nhưng bảy tỷ người  chỉ tồn tại trên một quả cầu nhỏ bé, có khối lượng không lớn, có kích thước không to. Quả đất trở thành ngôi nhà chung của nhân loại, của bảy tỷ sinh linh đặc biệt mang danh con người này. Khi đó những con người được gọi chung là nhân loại đó không thể không biết đến nhau. Muốn vậy vậy phải hiểu nhau, chí ít cũng là phải biết về nhau. Văn học giúp ta thực hiện điều đó. Các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghệ thuật bằng lao động sáng tạo của mình không phải để trở thành nhà thơ, nhà văn hay nhà nghệ thuật được ghi tên đầu sách mà để lưu giữ lại các đặc trưng cơ bản của một nền văn hóa dân tộc, nền văn hóa mà các thành viên của cộng đồng ấy tạo ra. Lao động của nhà văn nói riêng, lao động nghệ thuật nói chung là loại hình lạo động đặc biệt và cũng tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Qua văn học ta hiểu thấu tâm tư tình cảm, ta hiểu phong tục tập quán, ta hiểu cách thức thể hiện thế giới của dân tộc đó. Trong ý nghĩa đó cuốn Văn học Rumani giản lược giúp ta hiểu sâu đời sống tâm hồn của những con người, của mảnh đất mà ta đã gắn mình trong những năm tháng gian lao của đất nước, gắn kết với sự cưu mang đùm bọc dạy dỗ của những con người dạt dào tình cảm và vô cùng mến khách một cách lạ thường ấy.

Cuốn sách Văn học Rumani giản lược sở dĩ có cái tên đó cũng là điều dễ hiểu. Nền văn học Rumani là một trong những nền văn học lớn và có nhiều đóng góp cho châu Âu và thế giới mà các tên tuổi lớn như Dumitru Cantemir, Mihai Eminescu, Ion Luca Caragiale, Mihai Sadoveanu, Zaharia Stancu, Eugen Barbu, Octavian Goga, Lucian Blaga, Ana Blandiana, Marin Sorescu, Nichita St¨nescu… không hề vắng mặt trong các chuyên khảo văn học phương Tây cũng là những minh chứng cho sự đồ sộ ấy. Vì thế, cuốn sách này chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn là “giản lược” thôi. Tuy thế, chúng tôi cũng cố gắng hết sức mình để thực hiện một công việc vốn không phải chỉ của một người, trong sự trân trọng và biết ơn mảnh đất đã nuôi dạy mình, đã cho mình cái nghề để sống. Cuốn sách Văn học Rumani giản lược trở thành một cử chỉ “uống nước nhớ nguồn” theo truyền thống đạo nghĩa của dân tộc ta.

Cuốn sách Văn học Rumani giản lược có hai phần: Phần thứ nhất giới thiệu ở mức độ tổng quan bức tranh văn học Rumani từ văn học dân gian với những đặc sắc vô song như Trẻ mãi không già sống mãi không chết, Mioriţa… cho tới các tác gia tác phẩm ở thế kỉ XX. Phần thứ hai, dưới hình thức chân dung ngắn gọn là các đại diện của văn học Rumani chủ yếu của thế kỉ XIX và XX,  mà nổi lên là cụm các tác giả tiêu biểu của văn học Rumani thế kỉ XIX như Mihai Eminescu với kiệt tác Sao Hôm (Luceafărul), Ion Creangă với các truyện kể đẫm sắc thái dân gian, Ion Luca Caragile với vở kịch Một đêm giông tố (O noapte furtunoasă)… và các đại diện ở thế kỉ XX như Liviu Rebreanu với Khởi nghĩa (R¨scoal¨), Mihai Sadoveanu với Quán trọ Ancuţa (Hanul Ancuţei), Zaharia Stancu với Những người chân đất (Desculţ), Eugen Barbu với Gã hoàng thân (Princepele),… và các đại diện thơ ca như Lucian Blaga, Ana Blandiana, Tudor Arghezi, Geo Bogza, Stefan Augustin Donnaş, Marin Sorescu, Nichita Stănescu; George Bacovia, Ion Minulescu, George Topîrceanu. Các đại diện nghệ thuật sân khấu như Victor Eftimiu, Aurel Baranga, Tudor Musatescu; về phê bình văn học: George Călinescu; các tác gia hải ngoại: Eugen Ionesco, Mircea Eliade… Số tác giả chưa nhiều nhưng những người có mặt trong cuốn sách cũng là những chân dung tiêu biểu cho nền văn học này.

 

Điều đáng tiếc là việc dịch thuật của chúng ta chưa nhiều, nói về văn học Rumani còn ít ỏi, vì nhiều lí do trong đó có cả lí do về xuất bản trong cơ chế thị trường và văn hóa đọc ở ta còn chưa mạnh. Bản thân chúng tôi trong nỗ lực của mình cũng chỉ mới làm được rất ít. Tuy nhiên cuốn sách chắc chắn sẽ không phụ lòng những người yêu mến Rumani, đã học tập và nghiên cứu ở Rumani. Nhân dịp này chúng tôi trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Phong Tuyết (Viện Văn học), PGS.TS Đào Tuấn Thành (ĐHSP Hà Nội) đã đọc và góp ý cho bản thảo. Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới các dịch giả có các dịch phẩm mà chúng tôi đã trích dẫn. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà nội đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình hoàn thiện cuốn sách.

Đặc biệt chúng tôi trân trọng cảm ơn Ngài Dumitru Olaru, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Rumani tại Hà Nội, các thành viên Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội, đã giúp đỡ và cổ vũ cho chúng tôi để cuốn sách được hoàn thành.

Hy vọng cuốn sách Văn học Rumani giản lược sẽ là món quà tinh thần đầy ý nghĩa, một tấm lòng tri ân gửi tới những thầy giáo, cô giáo, và những người dân Rumani yêu đời, mến khách, nhân hậu và tài hoa. Chúc cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Rumani đời đời bền vững, chúc các anh các chị, những người đã có những năm tháng xa quê trên đất bạn, thành đạt trong các lĩnh vực công tác của mình và không quên những gì mà bạn đã cho ta để ta nên người./.

                                                            PGS.TS Lê Nguyên Cẩn

                                                          Khoa Ngữ Văn –ĐHSP Hà Nội


[1] Lê Nguyên Cẩn: Văn học Rumani giản lược. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội,2011.

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 21
  • 1306
  • 18,009,045