Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM?

  07/02/2016

 Một dân tộc muốn phát triển phải có giá trị chung làm động lực quốc gia. Với người Mỹ, đó là giấc mơ Mỹ, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội công bằng để thành công. Đối với người Nhật, đó là năm giá trị cốt lõi: tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường và pháp quyền. Đối với người Pháp, đó là lao động, trí tuệ, tài năng và trách nhiệm... Như vậy, đâu là giá trị của người Việt?

Trong vô vàn những giá trị truyền thống, có lẽ nổi lên nhất là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc. Đây chính là giá trị đã làm cho người Việt thoát khỏi nghìn năm đô hộ của chủ nghĩa bành trướng đại Hán và đánh thắng các cuộc chiến tranh với thực dân, đế quốc. Tinh thần yêu nước luôn chảy hừng hực trong mỗi người dân Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy, nhà nước nào vì độc lập, tự cường của dân tộc sẽ được ủng hộ. Chế độ nào hèn nhát, nhu nhược hoặc khuất phục trước ngoại bang sẽ bị nguyền rủa và lật đổ bởi nhân dân. Như vậy, lòng yêu nước, ý chí tự lập tự cường là khởi nguồn và động lực phát triển của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, tố chất này thường được phát huy trong thời chiến hơn là thời bình. Việt Nam cần có chiến lược điều chỉnh năng lượng biểu thị lòng yêu nước vào các công việc hàng ngày, trong lao động, sản xuất và nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần để cho nhân dân thấy được tình trạng tụt hậu, kém phát triển của mình sẽ dẫn đến sự lệ thuộc và bị đô hộ bởi nước ngoài. Quốc gia cần phải trung thực trong việc nhận định chỗ đứng của dân tộc, để từ đó làm động lực vươn lên.

Hiếu học là một trong những thành tố làm nên giá trị Việt. 

Một giá trị Việt nữa là truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Nhiều người nước ngoài khâm phục tính chịu khó của người Việt. Có vị giáo sư người Thái lần đầu qua Việt Nam sau đổi mới đã thốt ra rằng, nếu có chính sách đúng thì Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vì người Việt làm việc quá chăm chỉ, không sợ khó và không sợ khổ. Điều này đã đúng một phần trong quá khứ. Khi nông dân được giải phóng khỏi những kìm kẹp của kinh tế tập trung bao cấp, họ đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu gạo. Chính vì vậy, Việt Nam cần có chính sách giải phóng mọi thành phần xã hội, đảm bảo tự do sáng tạo và quyền sở hữu tài sản, đất đai cho tất cả mọi người. Khi đó, giá trị này sẽ làm bệ phóng cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa tính thích nghi và hội nhập là một lợi thế của người Việt. Giá trị này đã làm cho người Việt cởi mở, tiếp thu nhiều giá trị khác nhau của nhân loại. Nhiều người nước ngoài làm việc và sinh sống ở Việt Nam rất thoải mái, vì họ được tôn trọng và lắng nghe trong công việc. Cộng với hàng triệu người Việt đang sống ở Mỹ, châu Âu, Úc và Đông Nam Á, sự học hỏi của dân tộc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Giá trị này nên là nền tảng cho các chính sách hòa hợp dân tộc và hòa bình hữu nghị. Khi đó, Việt Nam có thể đóng góp vào tư duy sáng tạo toàn cầu, làm điểm đến của nguồn lực và công nghệ cần thiết cho phát triển kinh tế và xã hội.

Tính thích nghi và hội nhập được xây dựng trên một truyền thống hiếu học, trọng học vấn của người Việt. Việc cho con đi học, tiếp thu kiến thức, kỹ năng “để làm người” là ưu tiên hàng đầu của các gia đình Việt Nam. Làm sao có một nền giáo dục tốt để người Việt tiếp thu được kiến thức nhân loại, giá trị toàn cầu, hòa hợp và phát triển là một trách nhiệm to lớn của nhà nước. Nếu nền giáo dục không tốt sẽ làm hoài phí khát vọng kiến thức và học vấn của nhân dân, tạo ra những lớp người lệch lạc mà trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về nhà cầm quyền. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống trọng dụng người tài, để ai có học vấn được đưa vào những vị trí quan trọng. Có như vậy, truyền thống hiếu học và trọng học vấn mới là nền tảng để Việt Nam tiến vào nền kinh tế tri thức, hợp tác với các nước cũng như tập đoàn trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Nhưng trên hết, tính cộng đồng, tinh thần nhân ái và khoan dung là giá trị nền tảng của người Việt. Các giá trị nhân văn đã được đúc kết ngay trong những câu ca dao tục ngữ như “bầu ơi thương lấy bí cùng...”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”... Giá trị này sâu đậm và tạo nên sự bao dung của người Việt. Chính vì vậy, văn hóa Việt không có sự cực đoan trong việc đối xử giữa người với người, và với các dân tộc khác.

Rõ ràng, các giá trị của người Việt là kết quả hun đúc nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị này là nền tảng, là trầm tích để xây dựng tính cách con người Việt Nam. Các chính sách thành công hay thất bại là do có dựa vào các giá trị Việt để khơi ra sức mạnh dân tộc hay không. Tuy nhiên, những giá trị này đang bị lu mờ bởi “cát bụi” do những đảo lộn xã hội mang lại. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng sau thời kỳ “tự hào thái quá”, người Việt đang dần nhận ra vị thế thực sự và những hạn chế của mình.

Chúng ta cần phải biến những rủi ro tụt hậu, bị giật dây hay đô hộ, thành động lực để toàn dân tộc tiến lên. Để giá trị Việt tỏa sáng thì chúng ta phải tự dọn rác, quét bụi và sửa mình. Chúng ta không thể chiến thắng bóng đêm ngoài kia, nếu chúng ta để bóng đêm ngự trị trong chính bản thân mình. Để xóa bỏ những điều phi đạo đức, phi giáo dục, phi nhân tính trong xã hội mỗi người phải sống chính trực. Chỉ khi cái tốt lên tiếng cái xấu mới bị đẩy lùi, và khi đó giá trị Việt mới đưa dân tộc Việt tiến lên.

ThS. Lê Quang Bình

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 15
  • 2435
  • 22,494,810