Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

TIẾNG VIỆT PHƯƠNG NAM

  27/05/2016

Từ nhiều triệu năm, trái đất đã trải qua biết bao thăng trầm. Lục địa tách dãn, Lục địa trôi dạt để mảng Ấn Độ chạm vào mảng Á-Âu làm dãy Himalaya ngày càng bị đẩy cao hơn, làm bờ tây Châu Phi tách rời hẳn bờ đông Châu Mỹ tạo thành một Đại Tây Dương bao la và hình thành các châu lục như hiện tại. Nhân loại cũng phát triển không ngừng, từ vùng đất nguyên thủy Châu Phi đã tản đi muôn ngả. Rồi những cuộc chiến chinh xâm lược hoặc khai phá tìm đất mới và những đợt di dân khổng lồ đã diễn ra trong từng ấy thời gian, làm nên một diện mạo Thế giới hôm nay. Ngôn ngữ, phương tiện giao tiếp và truyền thông đặc biệt của con người trong từng vùng lãnh thổ cũng mang đậm dấu ấn của thời gian và không gian như thế.Từ lâu tôi đã có một ý định chưa thành, mãi tới bây giờ mới có dịp thảnh thơi để "tám" một chút về TIẾNG VIỆT PHƯƠNG NAM (TVPN), miền đất thân yêu mà tôi đã có nhiều năm chia bùi sẻ ngọt.

Tiếng Việt được định nghĩa như một ngôn ngữ có nguồn gốc bản địa, xuất xứ từ nền văn minh lúa nước, tại nơi mà ngày nay là khu vực phía bắc lưu vực sông Hồng và sông Mã của Việt Nam. Đó là ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt giao tiếp của dân thường từ khi lập quốc. Ngôn ngữ của Đất Tổ Hùng Vương có 6 âm sắc chính là: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Trong quá trình phát triển đã du nhập thêm những từ ngữ Hán cổ. Về sau càng tiến về phương nam, những từ ngữ Chăm, Khmer và các dân tộc ít người khác cũng đã được bổ sung một cách tự nhiên và làm phong phú thêm cho vốn ngôn từ Tiếng Việt ở vùng đất phương nam này.

Cái mốc “mang gươm đi mở cõi” mà ông tướng Huỳnh Văn Nghệ nhắc trong câu thơ“Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” thực ra phải được tính từ Thế kỷ 11 (Triều vua Lý Thánh Tông) cho tới giữa Thế kỷ 18 (1857, vào các thời Chúa Nguyễn, nếu không kể đến việc vua Minh Mạng sáp nhập vùng đất Tây Nguyên vào bản đồ Đại Nam năm 1830). Sau mấy trăm năm nam tiến, lãnh thổ Việt Nam về cơ bản được hình thành và tồn tại như ngày nay. Đó là chuyện của Lịch sử, và Ngôn ngữ cũng mang theo những hệ quả rõ ràng như thế. Tiếng Việt Phương Nam về cơ bản vẫn giữ được những nét chung, tuy nhiên nếu để ý sẽ vẫn dễ dàng thấy một số khác biệt không chỉ thuần túy về ngữ điệu, từ vựng mang tính khách quan mà còn bị tác động rất nhiều bởi những nguyên nhân chủ quan khác nữa. Những nguyên nhân khác biệt của TVPN đặc biệt dễ nhận thấy từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn ải chốn Hoành Sơn, lấy sông Gianh làm giới tuyến, gây Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài suốt trăm năm. Những cuộc di dân từ phương Bắc được tiến hành. TVPN cũng bị ảnh hưởng, biến dạng chút ít do các nguyên nhân phản kháng, kiêng kỵ Húy (Húy kỵ), ngữ điệu Thanh Hóa (quê hương chúa Nguyễn Hoàng), sự đơn giản hóa trong giao tiếp với dân bản địa tại những vùng đất mới và ảnh hưởng ngôn ngữ của các dân tộc ít người khác...

1) Tư tưởng phản kháng: Cố ý nói khác từ ngữ người ĐÀNG NGOÀI (vùng chúa Trịnh nắm quyền) thể hiện tư tưởng phản kháng. chống đối của ĐÀNG TRONG (các triều vua chúa Nguyễn), thường bằng cách tách chữ sau của từ kép của lối nói thông thường sang một từ đơn cùng nghĩa. Ví dụ: Mũ thành NÓN, Bát thành CHÉN, Gầy-ỐM. Béo-MẬP, Tiêm-CHÍCH, Phòng-NGỪA, Bé- NHỎ, To- BỰ, Đùa- GIỠN, Trêu- CHỌC, Xem-COI, Ngã-TÉ Bẩn-DƠ, Đón-RƯỚC, Thuê- MƯỚN, Kính-KIẾNG, Cốc-LY, Thìa-MUỖNG, Quả- TRÁI, Lợn/ HEO, Nghịch-QUẬY, Rốn-RUChân nhân- CHƠN NHƠN, Trong nước-QUỐC NỘI, Quốc tế-HẢI NGOẠI, Bố-BA, Mẹ-MÁ, Ông Bà Nội- NỘI, Ông Bà Ngoại- NGOẠI cũng từ cách gọi cố ý cho khác ấy.

Cũng có khi ẩn ý nói về gia đình Chúa: Anh Cả Nguyễn Uông (con của đại thần Nguyễn Kim ở Đàng Ngoài) bị Trịnh Kiểm giết. Phía bên kia dải Hoành Sơn, Đàng Trong, anh Hai Nguyễn Hoàng mới là nhất, mới là Chúa của Phương Nam. Mọi ngôi CẢ ( anh cả, chị cả) ở miền Bắc, vào trong Nam vì thế đều được đổi thành HAI. Người Trung Hoa di cư xuống Phương nam khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, giỏi mấy cũng phải xếp sau. Chỉ là BA TÀU thôi..

2) Nguyên nhân kiêng kỵ (Húy kỵ): Nhà Nguyễn có công đầu trong việc mở rộng bờ cõi về phương Nam và cũng là triều đại phong kiên cuối cùng ở đất nước ta. Những từ kỵ húy như thông lệ đều được gọi chệch đi: Hoàng- HUỲNH, Phúc- PHƯỚC, Cảnh- KIỂNG, Chu-CHÂU, Mạng-MỆNH, Thái-THỚI, Bảo- BỬU(do trùng tên vua chúa), Cả đến cái chữ Hoa phải chuyển thành BÔNG, thành HUÊ, tên tỉnh Thanh HOA cũng phải đổi thành Thanh HÓA ( do trùng tên vợ vua Minh Mạng), vùng quê Kim Long nôi tiếng “có gái mĩ miều” gần kinh thành Huế trước kia cũng phải gọi thành Kim LUÔNG để tránh những từ kiêng kỵ ấy.

3) Ảnh hưởng giọng Thanh Hóa, tổ tiên của Nhà Nguyễn Đàng Trong: Có nhiều trường hợp cả nói và viết lẫn lộn các dấu Hỏi và dấu Ngã: Bãi Đỗ xe thành Bãi ĐỔ xe, Phở Hà Nội thành PHỠ Hà Nội, Dã Quỳ thành DẢ Quỳ, Hoài bão thành Hoài BẢO và hàng loạt các ví dụ khác.

4) Ảnh hưởng cách phát âm không chính xác: Điều này có thể quan sát hiện tượng này ở rất nhiều vùng miền.

-Phụ âm như V thành Z ( Vùng- Zùng, khu vực- Khu ZỰC, Vay vốn- ZAY ZỐN, Vui vẻ- ZUI ZẺ, Vân vân- ZÂN ZÂN…), “H” thành “G” (Phá hủy- Phá GỦY, Huỳnh huỵch- GUỲNH GUỴCH…), "Q" thành "G": "Quyết liệt/ "GUYẾT liệt", "Chính Quyền" thành "CHÁNH GUYỀN"...

-Nguyên âm như “A” thành “E” ( Đà Nẵng thành Đà NẼNG), “A” thành “Ô”(Quảng Nam thành Quãng NÔM)…

Việc Nói và Đọc không chính xác đôi khi dẫn đến viết sai chính tả trong các văn bản, kể cả trên các biển hiệu (“Ở đây duỗi tóc thẳng, kể cả tóc QUĂNG”, "Cặp đôi HOÀNG hảo"...) và có lúc nó lại còn trở thành đề tài vui vẻ trong các trò đố chữ ( “Dã Quỳ” do ảnh hưởng tiếng Thanh Hóa được đọc thành “DẢ QUỲ” rồi nói lái thành “QUỶ GIÀ” v.v) -Không phát âm phân biệt được một số Phụ âm như giữa “P” và “B”, cả hai đều được phát âm thành “B” nên khi nói thường kèm một ghi chú hóm hỉnh: B- "Bê Bò", P- "Bê Phở"; Giữa “R” và “L”, cả hai thường được đọc thành”L”( cá Rô thành CÁ LÔ, Red River đọc thành LED LIVER giống như người Thái vậy)

5) Ảnh hưởng lối nói đơn giản của người bản địa và người Việt trong buổi đầu giao tiếp: Khi diễn tả lời nói của một người dân tộc thiểu số trao đổi với người Kinh, người ta thường dùng những so sánh thật giản đơn giống như một người mới học tiếng muốn diễn đạt điều gì đó với khách nước ngoài (kiểu "body language") vậy. Ví dụ: “Cái Bút” trông giống một đoạn thân cây dùng để viết do vậy được gọi là “CÂY VIẾT” rồi đọc thành "CÂY ZIẾT"; Bao Diêm đựng các que Diêm hễ quẹt một cái ra lửa được gọi là HỘP QUẸT/HỘP GỤET và “Bật Lửa” cũng được gọi là HỘP GUẸT luôn. “Quả Dứa” có mùi thơm, cây mọc thành từng Khóm nên được gọi là TRÁI THƠM, TRÁI KHÓM. “Yết hầu” giống như một thứ quả lồi trước Cổ được gọi ngay là “TRÁI CỔ” v.v.

6) Ảnh hưởng ngôn ngữ của các dân tộc ít người khác: Chỉ cần nghe các địa danh như Trảng Bom, Trảng Bàng, Sóc Trăng , Sóc Bom Bo, Cà Mau, Cà Ty, Dak Nông, Dak Lak, Tà Cơn, Tà Cú ở rải rác khắp phương nam đến cách gọi Tía, Má ở một số tỉnh miền Tây …ta sẽ hiểu ngay sự giao thoa của bao nền văn hóa, một sự vay mượn ngôn ngữ rất bình thường có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều này cũng rất quan trọng để giải thích căn nguyên nhiều vấn đề bắt gặp.Tôi nhớ đã có một lần bàn về hai từ CÔN ĐẢO do sự giải thích trên Từ Điển Mở (Wikipedia) : Tên Côn Đảo có nguồn gốc Mã Lai, bắt nguồn từ danh xưng "Pulau Kundur" (nghĩa là "hòn Bí"). Người châu Âu phiên âm là "Poulo Condor". Sách sử Việt Nam thì gọi là "đảo Côn Lôn". Riêng tên tiếng Khmer của đảo là "Koh Tralach". Những người biên soạn ấy đã sai lầm khi giải thích “nguồn gốc Mã lai”có lẽ bởi họ không biết rằng người Malaysia, Người Indonesia và Người Chăm đều nói cùng thứ tiếng (Bahasa). Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia sang mở trụ sở ở Việt Nam, họ thường tuyển các nhân viên giúp việc người Chăm cũng chính vì lẽ ấy.

(Viết những dòng này tôi lại chợt nhớ câu chuyện hồi bé được học môn Sinh Vật, sách có nói về các kết quả khảo cổ ở miền Trung, Người Cổ được cho rằng có nguồn gốc từ Nam Dương- Indonesia, lớn lên tôi cảm nhận đó là sự nhầm lẫn của các nhà khoa học. Sao lại có chuyện di cư từ Đảo vào Đại Lục được? Phải chăng những người nói thứ tiếng Bahasa và theo đạo Hồi đều có chung nguồn gốc rất xa xưa từ miền Châu Phi- Trung Đông tới. Nhiều nghiên cứu về nhân chủng học sau này còn chứng minh được về những cuộc Đại di dân ấy. Ngay người cổ đặt chân đến Việt Nam còn trước Trung Quốc cả ngàn năm. Song đó không phải là chủ đề mà tác giả bài viết này muốn nói tới)

Đôi khi trên TV thấy một số quan chức hoặc một vài người mang bằng cấp phân bua giải thích về sự trì trệ, suy đồi, tụt hậu bằng những câu cửa miệng:"Đây là vấn đề vô cùng phức tạp, không có thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai". Nghĩ vừa buồn cười, vừa buồn thực sự. Sao cứ nói học tập tấm gương Bác Hồ mà toàn làm điều ngược lại. Bác nói: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí thì làm nên". Người Tây cũng thường nói : "Muốn là được", "Muốn là Có thể" (Vouloir C'est Pouvoir) mà, sao họ cứ biện minh để rồi chẳng làm điều gì hết cả. Để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt thực ra cũng đâu phải là việc khó, chỉ cần mọi người thiện chí và đồng lòng. Ở gần quê tôi có một địa phương mà dân ở đó nói rất khó nghe, chưa kể việc sử dụng nhiều từ địa phương khiến nhiều người nơi khác không sao hiểu được. Hai làng cách nhau một con đường nhưng tiếng nói lại hoàn toàn khác. Cái bản sắc ấy được giữ gìn cho mãi tới những năm bắt đầu mở cửa. Ở quê người ta không bao giờ chấp nhận một sự nhạo báng hay diễu cợt về điều này:" Chửi cha không bằng Pha tiếng", nên chẳng ai dại gì mà đụng chạm tới cái ngữ điệu và cách phát âm không chính xác của họ. Tuy nhiên sự giao thương rộng rãi và nhu cầu tự thân, họ đã có những đổi thay rất lớn: Ở trong làng họ vẫn nói tiếng quê song ra khỏi làng họ đã dùng thứ ngôn ngữ phổ thông để giao tiếp với mọi người. Đó là Ý THỨC TỰ ĐIỀU CHỈNH, TỰ THAY ĐỔI. Điều này chắc ở nhiều nơi tương tự khác chắc cũng là như thế.

Bây giờ trên các phương tiện truyền thông ta thường được nghe các giọng nói đan xen từ các vùng miền, có cả giọng Hà Nội, giọng Huế, giọng Sài Gòn tạo nên những nét đẹp lung linh về ngôn ngữ Việt. Người miền Bắc rất thích nghe giọng nói dễ thương của các BTV Hoài Anh, Quỳnh Hương, Jenifer Phạm... giống như người phương nam rất ưng tai bởi những giọng ca của Mỹ Linh, của MC Danh Tùng, Anh Quân... Ngữ điệu làm đẹp thêm, làm phong phú thêm Tiếng Việt nhưng cách phát âm, cách viết nghĩ cũng cần chuẩn, cần phổ thông để ai cũng hiểu khi nói và khi viết. Chuyện tiếng địa phương ở quê tôi ngày xưa được các cụ già giải thích là do nguồn nước nhưng thực ra các cụ không chạm đến được cái nguyên nhân rất giản đơn đó là SỰ BẮT CHƯỚC. Con cái bắt chước tiếng nói của bố mẹ và những người xung quanh, lớn lên thành thói quen không sửa được(hoặc không muốn sửa do nhận thức dông dài hoặc cái tôi quá lớn).Sẽ khó để sửa lại cách phát âm không chính xác về dấu (Hỏi, Ngã), một số phụ âm ( V, P, H, R...) lẫn nguyên âm như đã nêu ở người lớn tuổi nhưng lớp trẻ nếu ý thức được những khác biệt sẽ tự điều chỉnh tới mức có thể. Các phát thanh viên, MC, các cơ quan báo chí truyền thông kể cả trung ương lẫn địa phương nhớ dùng từ chính xác sẽ góp phần không nhỏ để mọi người tự dễ dàng điều chỉnh khi nói "khu vực", "vay vốn", "Paris", "Pa-nô", "Pull-Push","Red River"...

Nếu có thể tuyển chọn được những thầy, cô, những người dạy các bé cách phát âm những từ đầu tiên chuẩn xác vào những ngày đầu tiên đến trường sẽ là một điều tuyệt vời và hữu hiệu nhất. Ngày xưa người lớn xếp thứ tự "Quân-Sư-Phụ" (Vua- Thầy Cô- Bố Mẹ) rõ ràng tiếng nói của Thầy Cô bây giờ cũng quan trọng như thế. Trẻ con sẽ nghe bố mẹ trong việc phát âm những nguyên âm, phụ âm chuẩn xác. Đó là cách tuyệt vời và dễ dàng nhất nếu ta bắt đầu ngay từ bây giờ. Trong việc soạn thảo và in ấn Từ điên tiếng Việt hoặc các sách Giáo khoa, các từ, thuật ngữ nên được định nghĩa và lấy Chuẩn phổ thông, phân biệt rõ từ địa phương, khảo dị (Ví dụ: BÁT/ Chén, Đọi; MŨ/ Nón, Mão; QUẢ DỨA/ Trái Thơm, Trái Khóm v.v). Và để làm được điều này, sẽ dễ dàng nếu mọi người đều"nhớ đất Thăng Long", lấy Tổ tiên, cội nguồn làm trọng, quyết không để tư tưởng cát cứ vùng miền làm cản ngăn những việc làm cần thiết...

Chắc chắn sẽ có những người tán thành và chia sẻ song cũng sẽ có những người biểu thị sự thờ ơ thậm chí bất đồng. Đó là chuyện bình thường. Chỉ xin mọi người hiểu rằng đấy là tâm tư của một kẻ tha hương, đã từng có gần 10 năm sống trên mảnh đất phương nam phóng khoáng nghĩa tình với trái tim trong sáng. Thế thôi. Hy vọng TIẾNG VIỆT PHƯƠNG NAM sẽ thành một đề tài được nhiều người quân tâm tới, góp phần làm cho TIẾNG VIỆT của chúng ta ngày càng phong phú, hoàn thiện và trong sáng.

(18.8.2015 )

TG

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 518
  • 22,496,172