Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

VĨNH BIỆT ĐẠI SỨ VALERIU ARTENI !

  22/01/2022

Không ngờ là anh đã ra đi!

Việt Nam mất đi một người bạn thủy chung, tận tụy hết lòng, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Rumani bền vững.

Vô cùng thương tiếc và luôn nhớ tới hình ảnh vị Đại sứ đáng kính, tôi xin đưa lại bài viết này để chúng ta cùng tưởng nhớ đến Anh.

NGƯỜI BẠN QUÝ CỦA VIỆT NAM

Sắp tới ngày kỷ niệm Quốc khánh Ru-ma-ni lần thứ 96 (1/12/1918-1/12/2014), và cuộc họp mặt hàng năm do Hội hữu nghị Việt Nam – Ru-ma-ni tổ chức, tôi bỗng nảy ra ý định viết về anh…

Đơn giản chỉ vì anh đã gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Đó là một « ông Tây » nói sõi và phát âm chuẩn tiếng ta, một người nước ngoài khiến ai nấy phải ngạc nhiên trước vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và cuộc sống của người Việt Nam.

Đó cũng là sự gắn bó thủy chung của anh với đất nước và con người Việt Nam, « quê hương thứ hai của mình » , như anh nói, nơi anh đã trải qua những năm tháng đầy sôi động của cuộc sống sinh viên, ở một miền quê mộc mạc vùng trung du miền Bắc. Anh nhắc lại những kỷ niệm đẹp này để lý giải cho tình yêu của anh với đất nước và con người Việt Nam.

Cuối cùng, đó còn là một nhà ngoại giao luôn phấn đấu để tăng cường tình hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Ru-ma-ni; một trong vô vàn chiếc cầu nối cho quan hệ song phương Việt Nam – Ru-ma-ni trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Anh chính là Valeriu Arteni, Đại sứ đương nhiệm của Ru-ma-ni tại Việt Nam.

Niềm say mê về miền đất châu Á xa xôi đã lôi cuốn anh ngay từ năm đầu vào đại học Bu-ca-rét, rồi tiếp tục theo đuổi suốt cuộc đời, sự nghiệp của anh.

Bước ngoặt đầu tiên là khi anh được cử sang Việt Nam học tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào những năm tháng đầy gian khổ và khó khăn (1971-1976, rồi tiếp theo là 1977-1982), những thời tem phiếu- bom đạn- chiến tranh- sơ tán rồi sau đó là thời kỳ Việt Nam bắt đầu công cuộc hồi sinh. Anh kể: ” Trong 12 ngày đêm Hà Nội đối mặt với B-52, tôi cùng những người bạn trong lớp sơ tán trong một ngôi làng ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Chúng tôi ở tại một ngôi chùa, ngày ngày học bài, cày cuốc và nghe tiếng mõ, tiếng cầu kinh yên bình ».

Chính trong những năm tháng gian truân này mà anh hiểu rõ về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, để rồi nhận ra rằng giữa hai dân tộc « có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, đồng điệu về tâm hồn ». Đó cũng là thời gian giúp anh khám phá ra cái đẹp trong tâm hồn người Việt: yêu nước, dũng cảm, cần cù chịu khó, thương yêu, đoàn kết, vị tha và thủy chung… 16 năm tại Việt Nam đã chứng kiến thành công của chàng sinh viên nho nhã ngày nào mới đến từ Bu-ca-rét để học tiếng Việt, giờ đã là vị Đại sứ trải qua 3 nhiệm kỳ trong sự nghiệp ngoại giao (hai lần ở Việt Nam 1994-1999/2012-đến nay, và ở Hàn Quốc 2003-2007).

Thái độ nghiêm túc, nhiệt tình hợp tác và cởi mở, tận tụy trong công việc của Anh đã gây thiện cảm và quý mến ở các đối tác. Công lao đóng góp của anh đã được đất nước Ru-ma-ni ghi nhận qua các danh hiệu và huân huy chương cấp cao nhất trao cho Anh như “Thánh giá Moldavia” của Giám mục Nhà thờ Cơ đốc giáo Rumani, Huân chương cao quý “Ngôi sao Rumani”, cấp bậc Hiệp sĩ (2004). Trong nhiệm kỳ công tác tại Hàn quốc, anh được chính phủ nước này trao tặng Huy chương vì sự nghiệp ngoại giao” và Huân chương Đại Gwanghwa (2007).

Đối với chúng tôi, con người khiêm nhường này được quý mến bởi tấm lòng chân thành và tình cảm sâu đậm dành cho dân tộc Việt Nam, bởi quyết tâm « đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Ru-ma-ni và Việt Nam lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước ». Việt Nam đã ghi nhận công lao đóng góp của anh qua việc trao tặng danh hiệu « Chiến sỹ văn hóa » (1999), Huy chương « Vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc » (2010). Anh được ghi nhận là một trong “100 chân dung – một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội”, xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Đại học Đông dương (2006).

Ở anh, tôi luôn thán phục tinh thần ham học. Anh sử dụng thông thạo 4 ngoại ngữ (Việt, Anh, Pháp, và Nga), là chuyên gia về châu Á, nhất là Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật, Pakistan và Căm-pu-chia, đồng thời giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại thương, lễ tân và ngôn ngữ.

Anh tâm sự : « Sau 13 năm xa Việt Nam, lần này chúng tôi trở lại Việt Nam như được trở về nhà ». Lẽ ra anh có thể được bổ nhiệm ở Thái Lan, nhưng thêm một lần nữa, anh lại chọn Việt Nam là điểm đến của mình.Và chị Maria, người bạn đời của anh cũng hoàn toàn ủng hộ, bởi vì cũng như chồng, chị đã gắn bó với con người và đất nước mang hình chữ S này.

Phải tới thăm căn nhà nhỏ của anh chị tại thủ đô Bu-ca-rét mới thấy tình cảm của họ đối với Việt Nam sâu nặng đến mức nào. Những kỷ vật về Việt Nam xếp đầy nhà được anh chị nâng niu, trân trọng và giới thiệu xuất sứ một cách rành rọt. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng chị Maria là một phu nhân Đại sứ tuyệt vời, là một nội tướng giỏi, chỗ dựa không thể thiếu cho chồng kể cả trong công tác đối ngoại, một hình ảnh người phụ nữ Ru không khác gì vai trò đảm đang ở người phụ nữ Việt Nam. Những ai đã có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống của Ru-ma-ni và Việt Nam đều thừa nhận tài nấu nướng của chị. Điều đáng kể thêm là mọi thành viên trong gia đình – anh, chị và con trai đều thông thạo tiếng Việt.

Nhiệm kỳ công tác của anh lần này thực sự đã đem lại một luồng gió mới trong quan hệ song phương. Nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước cũng như giới ngoại giao tại Hà Nội đã quá quen với sự năng nổ, nhiệt thành cùng tác phong « siêu hoạt » không biết mệt mỏi của vị Đại sứ Ru-ma-ni. Anh đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động để thúc đẩy quan hệ về các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa, thực hiện trao đổi nhiều chuyến thăm quan trọng, ký kết chương trình hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, tư pháp, truyền thông…

Mối quan hệ khăng khít giữa Đại sứ quán Ru-ma-ni và Hội Hữu nghị Việt Nam – Ru-ma-ni có thể được coi là một trong những điển hình hoạt động của các Hội hữu nghị. Anh đã tích cực góp phần vào việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Ru-ma-ni Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19/4/2014. Rồi nhờ những nỗ lực và kiên trì của anh, ngày 28/5/2014, Đà Nẵng và Timisoara đã ký kết Thỏa thuận hữu nghị và hợp tác giữa hai thành phố. Anh cũng là một trong những người trực tiếp thúc đẩy Thỏa thuận được ký kết ngày 17/10 vừa qua giữa hai tỉnh Bến Tre và Tulcea bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 10.

Khi nói về mối quan hệ ngoại giao nhân dân này, anh cho biết một trong những nhân tố nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa hai dân tộc chính là « khối tài sản độc đáo và quý giá gồm 4000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đã tốt nghiệp các trường Đại học Ru nhờ học bổng chính phủ Ru chu cấp và được nhân dân Ru-ma-ni coi như những người con của mình ».

Tôi nghĩ đó cũng là một cử chỉ tôn vinh một giai đoạn lịch sử trong quan hệ song phương. Một thời kỳ mà tập thể lưu học sinh Việt Nam tại Ru-ma-ni đã đem lại uy tín cho dân tộc mình trong con mắt người dân nước sở tại. Một hình thức tri ân những người con ưu tú của cả hai dân tộc đã nỗ lực phụng sự Tổ quốc và tình hữu nghị Việt-Ru.

Chính nhờ cống hiến của nhiều thế hệ người Việt Nam và Ru-ma-ni, của những người như anh mà Hội hữu nghị Việt-Ru, Hội hữu nghị Việt Nam-Ru-ma-ni TP Hồ Chí Minh, cũng như Hội Tương hỗ Ru-Việt, Hội Hữu nghị Ru-Việt và Hội Hữu nghị Bông sen Timisoara – Việt Nam luôn là nơi hội tụ, là chất xúc tác giữ lửa cho quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc ngày một ấm nồng.

Vì tất cả những lẽ đó, xin cảm ơn anh Valeriu – người bạn quý của Việt Nam!

Cảm ơn chị Maria – người đã luôn chia sẻ và tô thắm mối thâm tình của anh chị dành cho Việt Nam!

Chúc anh chị sức khỏe, hạnh phúc và thực hiện được mọi tâm nguyện của mình trong nhiệm kỳ công tác này.

Hà Nội, những ngày cuối tháng 11 năm 2014

Lê Việt Liên

(Phu nhân Đại sứ Nguyễn Quang Chiến trong nhiệm kỳ 2009-2012 tại Ru-ma-ni)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 424
  • 22,187,841