Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

RUMANI - NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

  25/10/2015

Tôi được sang Rumani học Khoa Hoá công nghiệp giai đoạn 1965-1971. Khoá chúng tôi gồm 100 người, năm đầu tiên có số người sang đông. Trong đó có anh Nguyễn Ngọc Hùng là nghiên cứu sinh đầu tiên, sau này là Hội trưởng Hội sinh viên Việt Nam nhiều năm tại Rumani. Các khoá trước cũng có các sinh viên Việt Nam, nhưng tất cả chỉ khoảng chục người. Thời gian như một dòng xoáy cuốn chúng tôi đi với biết bao những lo toan bề bộn, thoắt một cái đã bốn chục năm có lẻ. Ai cũng ước ao một lần được trở lại Rumani. Nhờ sự chuẩn bị tích cực của Ban tổ chức,  Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam- Rumani, đặc biệt là các anh Bùi Trọng Đỉnh (Tổng thư ký Hội) và anh Hoàng Trung Du (Phõ chủ tịch Hội) cuộc hành trình về nguồn 10 ngày của 28 người chúng tôi đã được thực hiện vào ngày 10/8/2007 vừa qua. Phấn khởi lắm,  háo hức lắm!  ấn tượng tốt đẹp về chuyến đi đã thôi thúc tôi viết đôi dòng như để được sẻ chia và cũng để những ai chưa có dịp trở lại Ru có thể hình dung được.

          Máy bay Việt Nam Airlines bay qua Paris rồi chuyển sang máy bay của Rumani, hãng hàng không Tarom. Thật là mừng khi chỉ ít phút ngỡ ngàng chúng tôi đã hiểu được họ nói gì với nhau và cũng có thể trao đổi được với họ. Bảy giờ tối ngày hôm sau chúng tôi tới sân bay ở Bucarét. Ra đón đoàn có đại diện của Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Rumani. Theo chương trình, 4 ngày đầu đoàn đến thăm Đại sứ quán và một số nơi tại Bucarét như: Gara de Nord, Nhà Quốc hội, công viên Herăstrău, sông Dimbovita, ký túc xá sinh viên,... Anh Tống Văn Nga (Chủ tịch Hội, Trưởng Đoàn) dẫn một số người đại diện cho Đoàn đến làm việc tại Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại – Công nghiệp Rumani, doanh nghiệp và Hội hữu nghị tương hỗ Ru-Việt. Số còn lại chia thành các nhóm tự đi thăm các nơi ở Bucarét và về trường cũ ở các thành phố Cluj, Iasi, Timisoara... 5 ngày cuối, Đoàn tập trung lại để đi biển, đi núi và một số thành phố ở miền Trung nước Rumani.

          Đến Gara de Nord thấy nhà ga vẫn thế, với những hàng cột đá cao màu nâu sẫm, hàng chữ “Gara de Nord” đắp nổi. Có khác chăng là đã bị xuống cấp theo năm tháng. Ký ức về lại như một cuốn phim quay chậm. Phải rồi, ở chính nơi đây, tháng 8 năm ấy, chúng tôi đã đặt chân lên đất Ru. Tay xách va ly, quần áo giống nhau (thường gọi là quần áo bác Bửu bằng vải len rất tốt, sau này còn mặc mãi), nữ cũng váy áo giống nhau, chân đi tất dài bóng đá  màu be, xếp hàng đi ra cửa, trông chúng tôi như “đoàn chim cánh cụt”, thật là ngộ nghĩnh. Người Ru nhìn chúng tôi lạ lắm…

Tòa nhà Quốc hội- công trình được xây dựng vào những năm 1980 và hoàn thành năm 1991 của thế kỷ trước, được đánh giá là lớn nhất Châu Âu, xây choán cả một khu đất nguyên là quả đồi rộng lớn, có  đại lộ bao quanh bốn bề. Nhà Quốc hội rất hiện đại nhưng vẫn mang tính dân tộc, bên trong là đá hoa cương trắng lộng lẫy và bề thế, có các đường viền hoa văn như đường diềm ở khăn áo của phụ nữ các dân tộc. Được biết phải mời cả thợ đá ở ý và Pháp sang làm…

Xe đưa đoàn đến công viên Herăstrău. Đây rồi, vẫn hàng liễu rủ thướt tha theo chiều gió bên bờ hồ.Toà báo Scinteia màu trắng ngà trông giống trường Đại học Lômônôxôv của Nga in bóng xuống mặt hồ. Hình như công viên không được chăm chút nhiều như trước đây. ít thấy bóng dáng của đội ngũ những người Digan quét dọn, tỉa tót cây cối, nên cũng ít thấy luôn những hàng rào được xén thẳng tắp, những lùm cây xum xuê, những bông hồng nhung đỏ thắm cùng những đoá cúc, đoá quỳ rực rỡ vàng tươi. Ngược lại, thấy cơ chế thị trường đã tràn vào nơi đây, nhiều chỗ được quây lại để bán đồ ăn nhanh, giải khát, nhà nghỉ, khách sạn mini...

Công viên Cismiziu ở trung tâm thành phố (gần Nhà Quốc hội cũ và Bệnh viện sinh viên) vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có như trước, cỏ cây hoa lá tốt tươi. Hồ nước trong xanh phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Trên đó lững thững những chiếc xe đạp nước hình thiên nga. Người ngồi hóng mát, trẻ chạy tung tăng bên những chiếc ghế băng kê san sát trên bờ hồ. Tôi hỏi về công viên Gheorghe Gheorghiu Dej nhiều người lắc đầu không biết. Sau tôi đi hỏi người già, mấy cụ cho biết nay công viên đó đã đổi tên thành công viên Tuổi trẻ (Parcul Tineretului). Họ rất ngạc nhiên rằng một người châu á xa xôi hàng vạn dặm như tôi lại có thể nhớ về nước Rumani xưa như vậy. Đến nơi, án ngữ từ cổng vào là một sân khấu ngoài trời và một bể bóng lớn để trẻ em vào nhảy như ở các siêu thị. Lúc đó là xế chiều, thanh thiếu niên chơi đá bóng, đi xe đạp, tập thể dục thể thao rất đông. Đi sâu vào bên trong, công viên không đẹp như trước, cỏ lụi dưới bàn chân người dẫm. Tượng đài chiến sĩ vô danh nay không còn lửa cháy suốt ngày đêm và bị tách khỏi công viên sang một khu khác đứng im lìm sau một bức tường ngăn cách.

Sông Dimbovita ngày nay nước đầy và trong xanh. Các cầu qua sông và hàng lan can dọc hai bên bờ sông được tu sửa lại trông rất đẹp. Trước đây sông cạn, nước đục, nhiều nơi nước thải của thành phố thải thẳng ra sông. Nay người ta làm sông hai đáy (cống ở phía dưới để chứa nước thải, nước mặt ở phía trên) nên nước đầy và trong.

Sau khi chúng tôi về nước, Bucarest đã xây dựng đường tàu điện ngầm. Tất cả có 4 tuyến đường từ trung tâm thành phố ra 4 phía. Trong đó có một tuyến nay còn đang được tiếp tục xây dựng. Nhà ga rộng rãi sáng sủa, toa tàu mới sáng bóng. Qua Nhà hát thành phố (ATHENEUL ROMAN) tôi thấy có nhiều sự khác biệt. Nhà hát nằm khiêm tốn giữa xung quanh toàn là nhà hiện đại. Quảng trường được thảm nhựa phẳng lỳ đến gần sát cửa Nhà hát. Đúng rồi, quảng trường trước cửa Nhà hát ngày xưa lát đá mấp mô hình xương cá (như các khu phố cổ ở Châu âu) mạch đá rõ rộng, các bà các cô qua đây rất sợ gẫy gót giầy cao gót do bị mắc xuống đấy. Xung quanh có những vườn cây, bãi cỏ xanh mát mắt. Vào Nhà hát phải đi qua một vườn hồng lớn với bức tượng bằng đồng đen. Ai đã học ở Bucarest thế nào chả hơn một lần vào xem Hồ Thiên Nga, Carmen... Bảo tàng quân đội nằm trên một khu đất rộng. Ngày ấy, phía sau trũng xuống là một vườn cây râm mát, bãi cỏ mượt như nhung. Từng đôi trai gái tay trong tay dạo chơi, tấm khăn choàng gió gỡ tung bay phất phới. Vào tiết cuối thu, chỉ vài cơn gió thoảng qua, mặt đất như được trải một tấm thảm lá vàng đẹp mắt. Rạp xiếc với chiếc mái tròn lượn sóng, như chiếc dù lớn úp xuống một công viên xinh xắn. Khách sạn Continental là công trình lớn nhất Bucarest thời bấy giờ, nằm trên đường phố chính – Stefan Cel Mare, nay vẫn là điểm nhấn đẹp ở trung tâm thành phố.

Đây đó đã có nhiều công trình lớn xây theo kiểu kiến trúc hiện đại, bê tông nhôm kính, không có nhiều hoạ tiết cầu kỳ. Chợ Piata Unirii, với những bàn gỗ ô dù xanh đỏ, những chiếc xe tải mini chở sản vật từ nông thôn ra bán thuở nào, nay đã được thay bằng những toà nhà như thế. Chỉ có điều là khách rất thưa thớt, những manacanh (tượng mẫu) đứng xếp hàng buồn thiu, trong khi ở những hàng “tầm tầm” không điều hoà thì người mua lại tấp nập. Rumani vừa qua một cuộc đổi tiền, đồng tiền RON giá trị gấp 10.000 lần đồng tiền LEU. Nhưng thực tế chưa bắt kịp nên cuộc sống của người dân còn đang khó khăn.

          Khi đến khu ký túc xá sinh viên Bách Khoa thấy nhà cửa mọc lên san sát. Không còn đâu bóng dáng của những dãy hàng rào hoa sắt bao bọc lấy một thảm cỏ xanh với hàng bạch dương cao thân trắng. Tìm mãi mới thấy Blocul D (nam) và Blocul R (nữ). Chúng tôi phải bước qua những vật liệu lủng củng mới bước được vào tận phòng mình đã ở để chụp ảnh kỷ niệm. (Vì ký túc xá đang được tu sửa để chuẩn bị đón năm học mới). Cantina của nam với chiếc cầu thang uốn cong lộ thiên tương đối đẹp thời ấy, nay bị bít lại làm sàn nhảy và cửa hàng. Tôi tìm đến Cotrocen (cũng là nơi ở của sinh viên nữ Bách khoa) nhưng không thấy. Chỗ đó nay là một cao ốc văn phòng lớn.

          Cantina gần Blocul R vẫn còn đó, nhưng bến Troleibus không còn nữa. Tôi còn nhớ như in thủa đó, những buổi chiều mùa đông, trời tối sớm. Vào các dịp lễ tết, đi học về ngồi trên ô tô, nhìn ánh sáng hắt ra từ các ô cửa sổ của những ngôi nhà vườn hai bên đường, xung quanh bầu trời mặt đất, tuyết một màu trắng xoá. Tôi tưởng tượng đến cái không khí gia đình ấm cúng sau những ô cửa sổ kia, nghĩ đến cảnh bom đạn nơi quê nhà mà thương nhớ người thân đến quặn lòng. Tất cả khối nhà vườn hai bên đường ô tô đó đều đã bị giải toả để mọc lên một siêu thị lớn Care four và hiện đang xây dựng tiếp một chiếc cầu vượt nối liền bốn phía. Trên đường về khách sạn Ambasador (nơi đoàn ở) gần khách sạn Continental, tôi  chợt nhận ra rạp phim Patria. Trước đây nơi này tưng bừng nhạc đèn băng rôn quảng cáo là thế nay đứng nép ở góc đường, mới đầu tối đã cửa đóng. Tôi bỗng nhớ những lúc rủ nhau trốn lãnh đạo đi xem phim  “tư bản”, nếu chẳng may gặp ai là “Việt cộng” thì sợ bị tố cáo suốt mấy ngày liền. Những Fantomas, KingKong, Vagabon... là câu chuyện truyền khẩu, ai cũng cố phải cố tìm cách để xem cho được một lần.

          Ngày hôm sau, anh Tống Văn Nga dẫn chúng tôi về thăm trường Đại học Bách khoa ở Polizu (gần Gara de Nord). Giáo sư dạy chúng tôi nay đã 77 tuổi, tóc bạc phơ. Hai thầy cô trẻ hơn dẫn chúng tôi đi thăm khắp trường. Đây là giảng đường, kia là phòng thí nghiệm, kia nữa là lớp Seminar, văn phòng khoa - nơi chúng tôi lĩnh học bổng hàng tháng... Chân bước đi mà bao ký ức cứ ùa về, nhớ lắm. Chúng tôi đã vào thăm phòng truyền thống của trường và ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm. Phòng truyền thống cũng gọi là Muzeul, ở đó giới thiệu các thế hệ lãnh đạo nhà trường và thành tích của các khoa. Thầy cô đưa xe dẫn chúng tôi về thăm khu trường Bách khoa mới. Chúng tôi quen gọi là mới vì khi chúng tôi sắp về nước mới xây xong, nhưng từ bấy đến nay đã gần 40 năm rồi. Thầy cô dẫn chúng tôi đi thăm khoa Điện, khoa Động lực học, khoa Tin học... Ban giám hiệu nhà trường làm việc trong khối nhà hình hộp vuông trên một quả đồi. Ra khuôn viên bên ngoài, thầy cô chỉ một khoảng đồi rộng, cây cỏ mọc xanh um và nói: “Đây là đất của khoa Hoá”. Trời, tôi đã nghe điều này từ gần 40 năm về trước. Từ trên đỉnh đồi bước xuống từng bậc thang gạch, nơi để dành cho khoa Hoá ấy, tôi chợt nhớ ra đúng trên những bậc thang này đây, hôm ấy  sau buổi sinh hoạt chi đoàn lần cuối trước khi chia tay về nước, chúng tôi đã đến đây ngồi bên nhau rất lâu, dù không nói gì cả, nhưng chính mình đã được chia sẻ rất nhiều. Cứ thế, chúng tôi ngồi lắng nghe từng hơi thở của cây, của lá, tiếng tí tách giọt sương đêm, cố thu vào tầm mắt hình ảnh ngôi trường mới để khắc sâu vào miền ký ức không thể nào quên. Khi ra về thì tiếng chuông 12 giờ đêm đã điểm từ lâu.

          Mọi người về thăm trường cũ ở các tỉnh. Tôi tuy không học ở Cluj, nhưng khi học ở đây chưa có dịp tới nên tôi quyết định theo vợ chồng anh Đỉnh chị Hoa đến đây. Hai anh chị sang Ru thời kỳ 1968-1974. Đáp chuyến tàu tốc hành qua đêm, 6h sáng chúng tôi đã tới Cluj cách Bucarest khoảng 500km. Vùng đất này mùa hè khí hậu mát mẻ hơn ở Bucarest. Thành phố xinh đẹp, sạch sẽ nằm gọn trong thung lũng. Các bạn tôi reo lên: “Đây rồi, sau 40 năm vẫn còn đây cửa hàng bán sách, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, tiệm chụp ảnh...”. Trường Đại học Tổng hợp, nơi các anh chị đã học vẫn trang nghiêm đứng đó không có gì thay đổi. Bạn tôi đi thăm hết các phòng, các lớp đã từng học. Chúng tôi đi tắt qua đồi thông, đồi mận dại để tới ký túc xá nơi anh chị đã ở. Giọt sương mai còn đọng long lanh trên đầu lá. Nó tinh khiết như mối tình của những đôi trai gái năm nào như anh chị vậy. Tất cả những cảnh vật ngày nay đều gợi nhớ về những ngày xưa ấy. Đã đành, Sứ quán thường xuyên “lên dây cót” rằng hãy tập trung cho học tập, hãy khoan yêu... Cố gắng học tập tốt, chúng tôi lòng tự nhủ lòng chắc mọi người sẽ thể tất cho một chút “đầu mày cuối mắt”, một chút thôi, những toan tính cho tương lai. Mải nghĩ chúng tôi đã leo lên đến đỉnh đồi, ký túc xá hiện ra trước mắt. Nghe nói năm ngoái có một chị qua đây, đến trước cổng trường xúc động quá không kìm được khóc nấc lên thành tiếng. Thật đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: “Khi ta ở chỉ là đất ở – Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt ở Bucarest để cùng đoàn đi biển. Xe đưa chúng tôi đi suốt dọc miền duyên hải của biển Đen, từ phía Nam lên phía Bắc, qua các bãi biển: Mangalia, Neptun, Olimp, Costinesti, Eforie de Sud, Eforie de Nord, Constanta và Mamaia.  Bãi biển Costinesti khác trước nhiều lắm, nhà cửa hàng quán mọc lên san sát, không còn thấy bóng dáng những ngôi nhà nghỉ nhỏ 2 tầng của sinh viên nằm rải rác trên bãi biển như  thủa nào, nhiều công trình du lịch đã được xây dựng. Trời cao vời vợi, có dải vân mây như tấm voan trắng hững hờ vắt ngang nền trời xanh biếc. Xa xa đàn hải âu đang sải cánh. Constanta nhộn nhịp với dù bay, tàu kéo. Dãy cabin của Teleferic bắt ngang trên cao như những nốt nhạc ai vẽ lên bầu trời. Bãi biển Olimp rất đẹp với những khách sạn sang trọng mà thời sinh viên chúng tôi chưa hề được biết đến. Bờ biển có những đoạn kè cố nhoài ra mặt biển như để những người câu cá đón được nhiều cá hơn và để giữ cho sóng biển được hiền hoà. Hoàng hôn xuống dần, mặt trời sắp khuất sau đỉnh núi còn le lói những tia nắng cuối cùng màu vàng da cam óng ả hình dẻ quạt.  Chúng tôi ngồi ăn tối ngay trên bờ biển giữa cái hùng vĩ của núi rừng và nét duyên dáng của biển. Một lúc sau thức ăn đã dọn ra, thịt gà nướng, mititei, cirnat, khoai tây rán, súp chua... mọi người ăn uống thật ngon lành, đêm nghỉ tại Khách sạn Du lịch- Constanta.

Ngày hôm sau chúng tôi quay về Bucarest rồi lại tiếp tục cuộc hành trình đi núi. Xe ra khỏi Bucarest đã nhìn thấy khu rừng sinh thái Snagov, đây được coi là lá phổi của Bucarest. Vài giờ sau xe đã đưa chúng tôI đến Sinaia. Trước đây chúng tôi chỉ đến đây nghỉ vào mùa đông tuyết phủ trắng xoá. Nay là mùa hè cảnh vật khác hẳn, cây cối tốt tươi, rừng thông óng ả, không khí trong lành. Lâu đài Peles vẫn đẹp lộng lẫy như xưa. Tôi không tài nào nhớ ra được trong số những ngôi nhà gỗ xinh xắn với hàng hiên đầy hoa kia, nhà nào tôi đã từng đến nghỉ. Thế mà được biết trong đoàn có chị Kiên và chị Thái, sau khi đoàn về Việt Nam rồi, các chị lại quay lên đây mong tìm lại “ngôi nhà của các chị” 40 năm về trước. Chao ôi ! thế mới biết mỗi địa danh ta đã qua, mỗi con người ta đã gặp trên đất nước Rumani này đã để lại trong ta nỗi hoài niệm sâu xa biết nhường nào. Xe “bò” vượt dốc rất lâu trên con đường ngoằn ngoèo giữa rừng thông bạt ngàn mới lên đến Khách sạn Cotta 1400- nơi chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm tại đây. Bầu trời bắt đầu chuyển từ tím sang bàng bạc. Từng dãy cabin Teleferic đang lên xuống nhịp nhàng. Xa xa dưới thung lũng, một vùng sáng lung linh huyền ảo, ánh đèn quảng cáo cùng ánh đèn pha ô tô loang loáng đủ màu. Trong cái tĩnh lặng của không gian, tôi bâng khuâng nghĩ đến lúc phải chia xa nơi này, chia xa đất nước này cùng những con người mà tôi hằng yêu quý.

Mấy ngày sau đó chúng tôi đã lần lượt qua một số thành phố ở trung tâm đất nước Rumani như Brasov, Sibiu, Pitesti. Rồi về lại Bucarest vào tối hôm trước khi rời Rumani về Việt Nam, để kịp gặp gỡ, giao lưu với Sứ quán và cộng đồng người Việt tại Rumani. May mắn là chúng tôi đã đến được và viếng, mặc niệm trước mộ của ông bà Nicolaie Ceauceascu tại một nghĩa trang ngoại ô Bucarest.

Tại buổi giao lưu, khi ở trên khán đài anh Hoàng Hữu Nghị (sang Ru giai đoạn 1970-1976, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Hội Hữu nghị Việt-Ru tại TP HCM) đang say sưa hát bài do anh Lê Trường Sơn sáng tác năm nào “... Việt Nam nghèo lắm, nhưng là đất nước của tôi...”. Tôi chạnh nghĩ, Rumani hiện nay còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn tin tưởng sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn. Những ký ức ở nơi đây mãi mãi là một nỗi nhớ đến sắt se, đau đáu về một thời tuổi trẻ đã qua đi, không bao giờ trở lại.

Tôi yêu từng hàng cây trước cổng trường mùa hè xanh mướt lá, mùa đông  được phủ bông tuyết trắng phau như những bông hoa lớn. Yêu giảng đường rộng thênh thang với hai hàng lò sưởi gạch men nâu bóng mà dân xứ nóng như chúng tôi vẫn xúm xít hít hà xung quanh mỗi giờ giải lao tới. Yêu những thầy cô giáo, yêu bạn bè người Ru ân tình và thân thiết đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong học tập và cuộc sống. Yêu những bác lao công quét dọn sớm chiều. Có người, con gửi thư đến không đọc được phải nhờ chúng tôi đọc rồi khen lấy khen để là “Simpatică ! Desteptă ! ...”. Yêu những công viên, những góc phố, con đường đến trường. Yêu và còn nhiều điều đáng yêu hơn nữa nhưng hơn hết là lòng biết ơn đất nước và nhân dân Rumani đã chắt chiu cho chúng tôi có điều kiện để học tập nghiên cứu. Nhiều anh chị về nước phấn đấu tốt đã được giao giữ những trọng trách lớn trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Nhìn qua cánh bay Tarom, Bucarest đang lùi dần, lùi dần, xa mãi, trong tôi bỗng thì thầm những tiếng “Xin chào Rumani - đất nước mang nặng nghĩa tình của chúng tôi. Và riêng tôi, khó có thể nói là còn có một lần nào nữa được gặp lại.”

Trần Mỹ Vượng

CSV ĐHBK Bucarest, Khoá 1965-1971

Thành viên Đoàn Trở lại Rumani 2007

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 15
  • 5275
  • 21,873,994