Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

RUMANI GIAO MÙA- Bút ký của nhà văn Võ Khắc Nghiêm

  09/09/2016

( Nhận lời mời của Hội Nhà văn Rumani, đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Thanh Quế, ủy viên Ban Chấp hành hội làm trưởng đoàn cùng các nhà thơ: Trần Ninh Hồ, Lê Huy Quang, Hoàng Trần Cương và nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã thăm và làm việc với Hội Nhà văn Rumani. Nhân dịp này đoàn nhà văn Việt Nam đã dành thời gian thăm Pháp và Italia.  Bút ký của nhà văn Võ Khắc Nghiêm phản ánh một góc nhìn Châu Âu qua chuyến đi bổ ích này).

Sau 14 giờ bay suốt đêm, chiếc AF171 của hãng hàng không AirFrance đáp xuống sân bay Charles De Gaulle lúc 6giờ 30 (giờ Pari). Dù đã được dặn dò trước khi đi khá kỹ, nhưng vì không có phiên dịch nên đoàn chúng tôi phải loay hoay khá lâu mới tìm được nơi làm thủ tục đi tiếp Rumani, vì sân bay này có hàng trăm chuyến bay quốc tế mỗi ngày với không dưới 20 vạn hành khách qua lại, có hàng chục cửa ra vào.

Cả 5 nhà văn đến nhận mang giúp bạn bè khá nhiều quà cho con em đang học ở Pháp, nhưng suốt ba giờ ngồi đợi ở sân bay vẫn không thể giải thoát được gánh nặng. Cháu của nhà thơ Hoàng Trần Cương đã thuê taxi đến trước cửa 2B- nơi chúng tôi đang đợi mà không sao vào được . Đang trong thời chống khủng bố gay gắt, sân bay nào cũng áp dụng các biện pháp an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Ngay ở sân bay Nội Bài, nhà thơ Lê Huy Quang đã phải nổi cáu khi nhân viên an ninh đòi mở vali xách tay vì máy kiểm tra chạm vào chỗ nào trên người anh cũng kêu. Ngoài lắc bạc, nhẫn bạc, dây chuyền bạc, píp thuốc bạc, túi áo quần anh chứa 4 chiếc bật lửa. “Trông cái mặt 5 thằng nhà văn chúng tao giống khủng bố hay buôn lậu nào ?” Nghe Lê Huy Quang nói, mấy nhân viên an ninh phì cười. Dường như có ai đó nhận ra chúng tôi, các nhân viên trở nên dễ tính. Nhưng ở các sân bay Châu Âu thì chẳng thể “ra oai” . Ngay cạnh bàn kiểm tra “trưng bày” một thùng kính đựng mọi loại dao, kéo… hành khách phải vứt lại. Nghe nói An ninh và Hải quan ở sân bay Bucares còn “khiếp” hơn. Họ vừa bắt được một phụ nữ Pháp dám giấu cả ông chồng mới cưới người Thổ Nhĩ Kỳ trong va ly định nhập chui vào Rumani. Rất may cho đoàn chúng tôi, nhờ có sự liên hệ chu đáo của Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam nên Đại sứ quán Việt Nam  tại Rumani đã cử Bí thư Lê Quang Cộng và Bí thư Nguyễn Khánh Bảo ra đón tận cửa máy bay. Chúng tôi được hưởng quy chế ngoại giao, không bị một ai quấy rầy.

Chiếc xe 12 chỗ ngồi màu mận chín của Văn phòng Hội Nhà văn Rumani đã chờ sẵn cùng nụ cười duyên dáng của nữ nhà thơ EUGENIA MIHALEA. Anh lái xe trẻ tuổi giành việc khuân hành lý chúng tôi lên xe. Cô phiên dịch Hoàng Thị Mỹ Lệ đang là sinh viên công nghệ thông tin tại Bucares được đích thân ông Đại sứ Rumani tại Việt Nam chọn giới thiệu cho Hội Nhà văn Rumani, nhưng xem ra rất lúng túng khi lần đầu tiên dịch cho các nhà thơ nhà văn nước nhà với rất nhiều ngôn từ văn chương. Thời tiết Rumani đang lúc giao mùa. Sắc thu vàng rực rỡ phủ kín những hàng cây chạy dọc con đường từ sân bay vào thành phố .

Chúng tôi được nghỉ tại hotel TRIUMF là một trong những lâu đài cổ của Bucares, mỗi người một phòng, không rộng nhưng khá sang trọng với giá trên 100 USD mỗi đêm. 19 giờ, nhà viết kịch MIRICEA GHITULESCU thư ký, kiêm chánh văn phòng Hội Nhà văn Rumani đến đón chúng tôi đi ăn tối tại nhà hàng “I Gattopardo Blu” trên đường Victoriei. Không tìm thấy nhà thơ Lê Huy Quang và nhà thơ Hoàng Trần Cương, chúng tôi phải ngồi đợi đến 21 giờ mới thấy xe rước họ về. Thì ra đồng hồ của họ đang theo giờ Paris chậm mất hai giờ. Đêm mùa thu se lạnh, đang đói, bữa tiệc lại thịnh soạn, ăn rất ngon, các cô nhân viên phục vụ vừa xinh đẹp vừa vui tính nên cả khách cả chủ đều say chuyện, nhất là khi men rượu mận đã ngấm. Nhưng nhà thơ Thanh Quế bắt đầu run vì cơn hen hành hạ. Hoàng Trần Cương đưa áo khoác của mình cho Thanh Quế. Trần Ninh Hồ tranh thủ uống thêm ly rượu và vắt óc nhớ ra một câu tiếng Pháp “Mẹc xi bô cu! Ô rơ voa mơ xi ơ ! A đờ manh” (Cảm ơn nhiều, tạm biệt ông, mai gặp lại).

Khác với ở ta, các bạn Rumani không vội vàng làm việc với đoàn, họ dành thời gian để các nhà văn Việt Nam đi tham quan Thủ đô Bucares và tỏ ra hào phóng phát cho mỗi thành viên 700.000 lei để tiêu vặt (tương đương với khoảng 350.000 đồng Việt Nam )

Buổi sáng đầu tiên chúng tôi tranh thủ đến chào Đại sứ Lê Văn Toán và thăm các nhân viên sứ quán Việt Nam . Biết chúng tôi gặp khó khăn trong khâu phiên dịch, anh Toán đã đồng ý cho tuỳ viên văn hoá Nguyễn Khánh Bảo giúp chúng tôi và cùng tham dự các buổi làm việc với lãnh đạo Hội Nhà văn Rumani. Nguyễn Khánh Bảo đã từng ở Nga, ở Nhật, từng là chuyên viên của Uỷ ban Unesco, rất giỏi tiếng Anh, đang tự mình làm một luận văn về “tình hình kinh tế , chính trị ở Rumani hiện tại và tương lai” . Anh đã hệ thống lại khá đầy đủ cho chúng tôi bức tranh xã hội Rumani từ sau sự kiện năm 1989, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Đất nước Rumani rộng khoảng 237.000 kilômét vuông (bằng hơn 2/3 diện tích Việt Nam ), dân số hiện nay gần 23 triệu người + khoảng 4 triệu người ở các nước trên thế giới. Thu nhập bình quân hàng năm  GDP từ 1400 - 1600USD/người, (cao gấp 4 lần so với Việt Nam) nhưng vẫn là một trong những nước nghèo của Châu Âu. Theo dự kiến thì phải đến năm 2007 Rumani mới được gia nhập Liên minh Châu Âu. Hiện nay mức lương trung bình của công chức Rumani chỉ khoảng dưới 100USD. Nhà nước lại đang phải trả lương hưu trí cho trên 6 triệu người và tình trạng dư thừa biên chế từ thời bao cấp để lại khá nặng nề. Tuy nhiên nhờ có cơ sở hạ tầng tiên tiến với nền văn hoá lâu đời, mức sống của người dân Rumani khá cao, thị trường ổn định, giá cả hàng tiêu dùng rẻ nhất Châu Âu. Văn học nghệ thuật Rumani có bề dày lịch sử đáng kính trọng. Đặc biệt kiến trúc, điêu khắc của Rumani rất phong phú và độc đáo. Đi đâu cũng bắt gặp những lâu đài đồ sộ với mênh mông vườn cây và tượng đá. Nhà Quốc hội Rumani là một công trình hiện đại , rộng 330.000 m2 với 11 tầng (có 3 tầng ngầm), sử dụng trên một tỷ mét khối đá trắng. Nữ tổng công trình sư ANCA FETRESCU chỉ huy 700 kiến trúc sư và hàng ngàn công nhân giỏi nhất thi công công trình do mình thiết kế năm bà mới 28 tuổi (1984), hoàn thành khi bà sắp vào tuổi 40. Vì có sự chuyển đổi chế độ, người ta không thể hạch toán đầy đủ chi phí của công trình này. Nhưng với mức đồ sộ, rộng lớn không thua kém Lầu Năm Góc của Hoa Kỳ, nhà Quốc hội Rumani được ước tính hàng tỷ USD. Đây là một công trình chắt lọc tinh hoa kiến trúc Rumani kết hợp kiến trúc Mêhicô với độ an toàn cao nhất khi động đất và cả chiến tranh. Bốn mặt tiền nhìn xa rất giống nhau nhưng đến gần mới thấy vẻ đẹp độc đáo riêng của mỗi hướng. Phòng họp chính cao 19 mét, rộng 20.000 mét vuông, hoàn toàn sử dụng ánh sáng trời. Nhưng những phòng phía trong treo hàng trăm chùm đèn phalê, có chùm nặng trên một tấn, trải toàn thảm len với hoa văn là những bản sơ đồ toà nhà, xác định ngay vị trí của gian phòng. Có tấm thảm rộng 600 mét vuông. Dù vợ chồng ông Tổng thống chế độ cũ đã bị xử bắn khi công trình này mới xây được một nửa, người ta đã tiếp tục hoàn thiện nó và vẫn ghi nhận công lao của ông đã có ý tưởng và quyết tâm xây dựng công trình. Nhà Quốc hội đang là niềm tự hào lớn của mọi người dân Rumani, luôn thu hút đông đảo khách du lịch của thế giới. Các nhà văn Việt Nam không quên nhắc đến nhà Quốc hội Việt Nam đang phải tạm dừng để khai quật khảo cổ, chẳng biết quy mô, tầm vóc sẽ thế nào ? Hẳn các nhà lập pháp của ta  không dám chi quá nhiều tiền cho một nơi hội họp khi mà trường học ở vùng sâu, vùng xa còn rất thiếu. Nhưng mong sao đó sẽ là một công trình kiến trúc đẹp, đúng tầm với đất nước và ý nguyện của nhân dân.

*

Trụ sở Hội Nhà văn Rumani chính là tầng hai với diện tích rất khiêm tốn của nhà hàng IGattopardo Blu - nơi đoàn chúng tôi ăn tối, ăn trưa với các món đặc sản Italia tại khoảng vườn rộng phía sau rất thơ mộng. Chúng tôi bảo nhau: Hẳn ở Việt Nam, các hội viên ta khó chấp nhận cho IGatlopardo khai thác tầng trệt số 9 Nguyễn Đình Chiểu như thế này. Nhưng biết đâu đấy từ bài học của các nhà văn Rumani và với quy chế mới của các Hội, từ năm 2004 , Hội ta cũng phải xắn tay áo lên tự lo cho mình.

Cứ mỗi bữa ăn, chúng tôi lại được tiếp xúc thêm các nhà văn Rumani, cùng với những tác phẩm mới xuất bản của họ. Các nhà thơ Việt Nam mang đi khá nhiều thơ, tha hồ tặng, còn tôi không thể xách nhiều tiểu thuyết hàng trăm trang theo được nên chỉ đành ngồi im lặng nghe. Nhà văn GRID. MODORCEA mới in cuốn Niềm hy vọng các dân tộc có một chương nói về văn hoá Việt Nam  tỏ ra rất thích chuyện trò với chúng tôi. Ông mang khoe ảnh hai cô con gái đang học thanh nhạc và say xưa nói về sự tương đồng giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Rumani, giữa Sông Hồng và sông Đanuýp. Ông đã sang Việt Nam năm 1987, từng có dịp tiếp xúc với nhà thơ Tố Hữu. Ông cho biết đã xuất bản 35 đầu sách, có nhiều cuốn được dịch ra tiếng Pháp, đã làm 60 phim và trực tiếp mua 5 phim của Việt Nam thời còn bao cấp. Chúng tôi khen “Con gái ông đẹp như người mẫu”, ông thích lắm. Tôi chỉ vào bức ảnh và nói vui “Đúp lê bom!”, ông ta khoái chí cười vang. Đang ngây ngất với hạnh phúc và thành công văn chương của mình, ông quên mất yêu cầu của mình, chẳng cần nghe các nhà thơ Việt Nam đọc thơ, cứ cắm  cúi ăn và gọi điện cho ai đó. Thế nhưng trưa hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị làm việc với lãnh đạo Hội Nhà văn Rumani, ông nhà văn này lại xách cặp hồn nhiên bước vào. Nhà văn EUGEN URICARU, Chủ tịch Hội chỉ lừ mắt, ông này phải vội quay ra. Tuỳ viên văn hoá Nguyễn Khánh Bảo nói với tôi rằng: “ở đây họ nghiêm lắm ! Giữa lãnh đạo và nhân viên, dù là nhà văn nổi tiếng cũng phải thưa, bẩm rõ ràng, không có kiểu ngồi vào đấy cho vui được”.

Hội nhà văn Rumani  được thành lập năm 1908 với sự tham gia của các nhà văn quý tộc giàu có. Hiện nay Hội có 2300 hội viên 30% là nữ, với 9 Chi hội trong cả nước, xuất bản 17 tờ báo và tạp chí văn học. Số hội viên làm công tác dịch thuật, tác giả sân khấu, điện ảnh khá đông, chi phối chủ đạo cả phần văn học quốc tế, kịch bản sân khấu, điện ảnh và xuất bản. Nhiều nhà văn Rumani có tài sản lớn, góp vào nhiều nhà hàng, khách sạn kinh doanh phát đạt. Đó chính là cơ sở tài chính bảo đảm cho mọi hoạt động của Hội Nhà văn, không phải dựa vào ngân sách của Chính phủ. Nhà văn Chủ tịch Hội cho biết:

- Đại hội nhà văn Rumani tổ chức 4 năm một lần, bầu ra Hội đồng lãnh đạo gồm 53 người . Chủ tịch Hội được quyền chọn nhân sự ban điều hành gồm 15 người , chịu trách nhiệm thực thi những hoạch định của Hội đồng lãnh đạo. Đặc biệt Hội có một giám đốc kinh tế , chuyên lo việc phát triển kinh doanh tạo nguồn thu bảo đảm tài chính cho các hoạt động của Hội trong đó có kinh doanh khách sạn, nhà hàng - Nhà văn URICARU  đột nhiên hỏi: “Tại sao ông Tổng thư ký không cùng sang?”.  “Nhà thơ Thanh Quế đáp: “Anh Hữu Thỉnh bận họp Quốc hội”. Nhà văn URICARU gật đầu tỏ vẻ thông cảm, nhưng vẫn nói: “Ông Thỉnh sang Rumani, lúc nào cũng được. Nhưng nên đi ngay. Cuối năm 2001 đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã mời và được ông Thỉnh nhận lời. Nay nhờ các ông nhắc lại”. Nhận những món quà của đoàn văn Việt Nam  trao trong đó có 10 cuốn tiểu thuyết Trở lại bến xưa của chính ông chủ tịch URICARU do Phạm Viết Đào dịch sang tiếng Việt, ông xúc động cảm ơn và không quên nhắc đến tình hình dịch thuật giữa Việt Nam và Rumani  còn gặp nhiều khó khăn nên việc phổ biến các tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam ở Rumani còn bị hạn chế. Ông lưu ý tôi về việc dịch kịch bản Nhân danh công lý để có thể dàn dựng tại Rumani  . Nhà thơ Trần Ninh Hồ “Nổi máu” nhà phê bình văn học “xin mạo muội” có đôi lời nhận xét về cuốn tiểu thuyết của ông Chủ tịch mới được phát hành tại Việt Nam “…Nếu chỉ là một chuyện tình tay ba thì không có gì đáng phải bàn. Nhưng ở đây không chỉ là sự hoài niệm về một quá khứ mà còn là những khám phá mới lạ của những số phận nhân vật với tình yêu hiện tại và quá khứ…” Ông chủ tịch URICARU đứng lên chắp hai tay với tư thế “đầu hàng” : “Ông là thẩm phán rồi, xin đừng nói thêm nữa “.

Nhà văn URICARU có giọng nói truyền cảm và phong cách quyết đoán của một chính khách, Ông luôn chăm chú lắng nghe mọi người nói và thỉnh thoảng hỏi thêm bằng tiếng Anh để anh Bảo giải thích rõ hơn những điều chúng tôi trao đổi.

Bữa ăn kéo dài gần 3 giờ liền ở một nhà hàng rất đặc biệt- chắc cũng của Hội Nhà văn Rumani. Trong không khí anh em rất vui vẻ ấy, các nhà văn Việt Nam bày tỏ nguyện vọng muốn được các bạn Rumani  giúp đỡ dành thời gian thăm Italia. Mặc dù nhà văn URICARU là nhà dịch thuật tiếng ý, nhưng ông lắc đầu ngay và thủng thẳng nói:

- Đúng là các anh nên đi Italia, nhưng sau khi kết thúc hành trình ở Rumani . Ngay mai các anh đi Thành phố Deva và Brasov - Ông quay về phía tôi và tiếp - ở đó cũng có nhiều công nhân mỏ và nhiều di tích mà có lẽ anh cũng rất quan tâm. Các nhà văn ở Deva đã chuẩn bị đón tiếp các anh rất chu đáo.      

 Đúng là các nhà văn ở Thành phố Deva đã chuẩn bị đón đoàn Nhà văn Việt Nam  rất nồng hậu và chu đáo. Dù phải đi một mạch 500 km không nghỉ, khá mệt nhưng cả đoàn chúng tôi đều rất vui khi giáo sư tiến sỹ, nhà văn VALERIUBUTULESCU, Chủ tịch ủy ban Văn hoá địa phận ra tận ngã ba quốc lộ đón và đưa chúng tôi đi thăm ngay lâu đài CORIVINESTILOR vì lâu đài sắp đóng cửa.

Thành phố Deva thuộc tỉnh Hunedoara là tỉnh kết nghĩa với Lào Cai có Chi hội Hữu nghị Rumani- Việt Nam và Chi hội Nhà văn hoạt động rất hiệu quả. Nhà văn Butulescu tỏ ra uyên bác nhiều lĩnh vực, rất có uy tín ở Rumani và Châu Âu. Ông đã xuất bản hàng chục tác phẩm, được dịch ra 17 thứ tiếng, từng được đề cử Giải NôBen văn học. Các nhà văn, nhà báo của Deva đã ngồi chờ chúng tôi trong một phòng họp rộng lớn của toà thị chính thành phố, có cả khẩu hiệu tiếng Việt chào mừng rất trang trọng. Sau bài diễn văn ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam - Rumani của nhà thơ CIPIAN ALIC, thư ký Hiệp hội Hữu nghị Việt - Ru, nhà thơ Thanh Quế giới thiệu các thành viên trong đoàn với sự bổ sung khá sang trọng của nhà thơ Lê Huy Quang và nhà thơ Trần Ninh Hồ. Nhà văn Butulescu đã yêu cầu các nhà văn DEVA đứng lên tự giới thiệu về mình và các tác phẩm đã xuất bản. Chúng tôi được tặng khá nhiều sách in rất đẹp với số lượng phát hành khiêm tốn, giá bán tương đương như sách ở Việt Nam. Các bạn ở DEVA tỏ ra rất quan tâm đến hoạt động văn học và tình hình chính trị, kinh tế ở Việt Nam . Họ hỏi chúng tôi có được tự do sáng tác không? Có bị “khống chế” về xuất bản không? Có được Nhà nước tài trợ sáng tác không? Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi họ về cuộc chính biến năm 1989 với sự thay đổi thể chế chính trị ở Rumani , dường như các nhà văn đều né tránh . Họ quay sang hỏi chúng tôi cảm nhận thế nào về Rumani ? Mỗi nhà văn Việt Nam nói một ý, nhưng đều ca ngợi truyền thống lịch sử Rumani, ca ngợi các cô gái Rumani có vẻ đẹp cao sang, quý phái. Mùa thu Rumani với màu sắc thơ mộng. Của những cánh rừng kỳ vĩ khiến cho mọi ngôn từ phải bất lực, những kiệt tác của nhiều danh hoạ cũng trở nên bình thường so với thiên nhiên ở đây...

Bữa ăn đêm tại nhà hàng của Hotel ba sao DECEBAL thuộc Công ty APOLO kéo dài từ 20 giờ đến 23 giờ. Nhà thơ Capitan Alic còn  là một chàng ca sĩ có chất giọng trầm, rất có duyên nói và hát, đã chuẩn bị sẵn hai nhạc công violon và osgal chơi những bản nhạc cổ điển khá nhuần nhuyễn. Alic hát một bài dân ca Rumani. Tuy dừng lại mời các nhà văn Việt Nam hát, nhưng rồi Alic lại hát tiếp, hát tiếp cả chục bài. Cuối cùng thì Trần Ninh Hồ, Lê Huy Quang, Hoàng Trần Cương đều phải hát. Đúng lúc đó nhà văn Butulescu nhận được các bản fax của anh Phạm Viết Đào dịch sang tiếng Rumani một số thơ của anh Hồ, anh Cương. Thế là các nhà thơ được dịp “trổ tài” hùng biện bằng vần điệu tiếng Việt mà các bạn Rumani vẫn hiểu. Nhà thơ Thanh Quế đọc ngay 8 câu thơ về tình yêu, dù phiên dịch không hết ý, vẫn được vỗ tay nhiệt liệt. Tưởng chỉ có các nhà văn “gào thét” đến nửa đêm, nào ngờ vừa ra khỏi phòng chúng tôi đã nghe tiếng nhạc đập rung cửa kính. Vũ trường bên cạnh mới bắt đầu mở cửa và hàng chục đôi trai thanh gái lịch lục tục kéo đến, vừa hát vừa nhảy suốt đêm. Phòng rất sang, nhưng chúng tôi rất khó ngủ. Đang mùa cưới, đêm nào ở đây cũng ầm vang tiếng nhạc.

Sáng hôm sau, anh lái xe dậy muộn nhất. Vội vàng ăn, vội vàng đi, xe húc ngay vào xe cảnh sát dừng đột ngột trước một ga ra. Xe bẹp đầu, nhưng rất may không ai việc gì. Hội Nhà văn Rumani phải điều xe khác từ Bucares đến Deva ngay và chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà thờ và nhà bảo tàng cổ nhất Rumani. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là kiến trúc cổ xưa của Rumani vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn ở khắp mọi nơi, kể cả những thành quách, chiến hào rộng lớn. Hình ảnh, tượng của các vị tướng xâm lược La mã xưa vẫn được lưu giữ rất trang trọng. Lịch sử Rumani đã từng có lúc phải mời người Đức đến làm vua vì các quý tộc không bảo được nhau. Rumani cũng có nhiều huyền thoại rất đặc biệt như những câu chuyện rùng rợn về bá tước DERACULA hút máu người thuở trước đang trở thành đề tài cho nhiều bộ phim Macàrồng ở Hoa Kỳ. Lúc ghé qua Thành phố BRASOV, thăm lâu đài PELES nằm trong một thung lũng hùng vĩ của SINAIA, chúng tôi được nghe kể nhiều chuyện về tính cách kỳ lạ của bá tước DERACULA. Ông ta xây rất nhiều lâu đài cầu kỳ, đồ sộ giữa những vùng rừng núi uy nghiêm. Có lẽ ông cũng rất yêu cái đẹp thơ mộng, nhưng vì muốn lưu danh thiên cổ, DERACULA đã mượn cái ác để tô vẽ cho uy quyền của mình, khiến mọi người khiếp sợ. Tôi bỗng nhớ đến những nhân vật tượng trưng cho cái ác trong ăn học Việt Nam hình như vẫn “hiền lành” lắm!

*

Trở về Bucares khi thành phố đã rực rỡ ánh đèn. Hội Nhà văn Rumani cố tình cho chúng tôi bước sang “một thế giới mới” bằng cách chuyển từ lâu đài Hotel Trium cổ kính sang ở Hotel HERASTRAN hiện đại, cạnh một vũ trường DISCO nổi tiếng thu hút nhiều dân sành điệu của Thủ đô và khách quốc tế với hàng trăm vũ nữ thuộc dạng siêu.

Vào vũ trường không mất vé, nhưng mọi thức uống ở đây đắt gấp 10 đến 20 lần ở ngoài. Một ly rượu voska nhỏ xíu  giá 8 EUR. Ngồi chuyện trò  hoặc nhảy với vũ nữ không phải “boa”, nhưng dẫn đi chơi qua đêm phải trả tiền trước, giá từ 100 đến 300 EUR tuỳ theo tuổi và nhan sắc. Ngôn ngữ giao tiếp được ghi vào vỏ bao thuốc lá. ở Rumani không cấm quảng cáo thuốc lá và các cô gái hầu hết đều rít thuốc như điên. Nhất là các cô DZIGAN mắt to da ngăm ngăm nâu cứ ngừng nhẩy là rít thuốc và nhấp rượu. Trong vũ trường không bán cà phê, chúng tôi có cớ để rút lui, nhờ mấy anh bạn người Việt đánh xe đến một quán cà phê thuộc vào hạng quý tộc, nhưng hương vị cà phê thua xa Trung Nguyên của ta. Nổi máu, nhà thơ Trần Ninh Hồ sà vào một quán rượu. Lúc xe vừa ra đến đầu ngã tư đã bị cảnh sát rúc còi. Anh bạn lái xe thở dài: “Thôi chết rồi! trong quán rượu có culis rình đấy!” Hiện chỉ có khoảng 260 người Việt sinh sống tại Rumani, phần lớn là sinh viên và các nhà doanh nghiệp trẻ, họ làm ăn khá phát đạt, luôn tôn trọng pháp luật và biết ứng xử, nhất là với cảnh sát, thuế vụ, tạo được uy tín trên thương trường. Viên cảnh sát biết chúng tôi là các nhà văn Việt Nam mới sang, liền vui vẻ dơ tay chào và cho xe đi sau khi nhận tờ 20EUR.

Hôm sau anh Bảo đưa chúng tôi đến một siêu thị lớn ở ngoại ô, được coi là nơi bán buôn rẻ nhất. Đại đa số dân Rumani mua hàng ở các siêu thị. Nhiều siêu thị lớn được mở ở ngoại vi thành phố cũng đã bắt đầu tràn ngập hàng Trung Quốc rẻ tiền giữa những gian hàng của Pháp, Đức, Italia, Nhật, Mỹ,.. giá đắt gấp rưỡi ở Việt Nam vì thuế VAT đã 19%. Cửa hàng nào cũng chỉ nhận tiền Rumani, không tiêu ngoại tệ nhưng khắp các đường phố, các siêu thị đều có quầy đổi tiền với tỷ giá được niêm yết rất to ở phía ngoài. Hoàng Trần Cường mua nhiều hàng nhất, còn Trần Ninh Hồ thì nghi ngờ máy tính điện tử, ngồi cộng lại hóa đơn, mấy cô bán hàng lắc đầu cười.

Tại Rumani cũng có “chợ trời” nhưng các bạn Rumani không cho chúng tôi đi vì lý do an ninh. Hôm đến thăm một gia đình trong cộng đồng người Việt, chúng tôi được biết thỉnh thoảng cũng có những vụ trộm cướp rất táo tợn. Những băng xã hội đen buôn lậu, buôn người dù bị trấn áp mạnh vẫn hoạt động khá liều lĩnh. Nhất là việc đưa các cô gái xinh đẹp sang các nước phương Tây có đường dây xuyên quốc gia kiếm lời rất lớn. Tất nhiên tham nhũng cũng đang là một quốc nạn ở một nước đang chuyển sang cơ chế thị trường. Thủ tướng Rumani, ADRIAN NASTASE vừa cách chức 3 Bộ trưởng vì liên quan đến tham nhũng.  Ngài Thủ tướng rất mê thể thao này vừa quyết định bỏ tiền túi đánh cược với trùm quần vợt TIRIAC rằng : Nếu đến cuối năm 2004, Thủ tướng không hoàn thành  xong việc xây dựng 400 nhà thi đấu thể thao trên toàn lãnh thổ Rumani thì sẽ tự bỏ tiền của mình mua cho TIRIAC một chiếc ô tô MERCEDES đời mới nhất. Đất nước Rumani đã sản sinh được nhiều ngôi sao thể thao, đặc biệt là những cầu thủ bóng đá nổi tiếng trên thế giới như HaGi, MuTu, ChiVu… luôn là niềm tự hào của cả dân tộc. Người ta đang dựng tượng HaGi. Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Rumani đang được sự tài trợ rất lớn của các nhà doanh nghiệp mà một trong những quyết tâm của câu lạc bộ Bucares là đánh bại đội Livespool của Anh Quốc ở cúp UEFA. Các sòng bạc ở Rumani hoạt động rất rầm rộ, nhưng không hề có nạn bán độ của các cầu thủ như ở ta.

*

Ngày  cuối cùng chúng tôi ở Rumani trời sụt sùi mưa và trở lạnh. Những đỉnh núi cao đã bắt đầu phủ tuyết trắng. Dường như các cô gái Rumani đang nóng lòng chờ đón một mùa đông phủ ngập tuyết để được diện những chiếc áo lông đắt tiền đi dự tiệc cưới. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đã mua được hai mảnh da cừu với giá hời, sợ bị lừa đã kín đáo bật lửa đốt thử. Nhà thơ Hoàng Trần Cương vẫn chưa mua đủ cavát và bít tất cho bạn bè ở cơ quan nên cả đoàn lại đội mưa đi siêu thị. Tôi và nhà thơ Trần Ninh Hồ đang mải mê trước một quầy sách báo  thì bỗng có một bàn tay mềm mại đặt lên vai. Quay lại, tôi bối rối nhận ra gương mặt tươi trẻ của cô gái Rumani đã hướng dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng Nghệ thuật quốc gia hôm mới đến Bucares.

- Chào ANGELICA IACOB !

Nàng Angelica gật đầu, nở nụ cười rất tươi tỏ ý hài lòng khi tôi nhớ được tên nàng. Đó là nhờ tôi đã rất chăm chú lắng nghe và ghi chép những điều nàng nói về lịch sử hội hoạ , điêu khắc Rumani. Quả thực tôi rất ngạc nhiên trước nhiều bức tranh có phong cách lạ của các họa sĩ thế kỷ XVIII-XIX của Rumani. Họ chịu ảnh hưởng lớn của hội họa Pháp, Italia nhưng rõ ràng có những khám phá phá độc đáo khi thể hiện phong cảnh, con người và các sự kiện lịch sử đất nước mình. Tôi cũng rất ngạc nhiên về trình độ và trí nhớ của người hướng dẫn viên trẻ tuổi. Hỏi ra mới biết nàng đã tốt nghiệp đại học lịch sử Mỹ thuật từ năm 2000 và rất mê văn học, rất muốn trở thành nhà văn ANGELICA đã dành nhiều lời tốt đẹp cho Việt Nam và các nhà văn Việt Nam . Nàng hy vọng sẽ được đọc những tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam viết về Rumani và mong được gặp lại chúng tôi ở BUCAREST. Tình cảm của ANGELICA khiến Trần Ninh Hồ nhớ đến cô sinh viên tóc vàng ELENA, chúng tôi đã gặp ở quán cà phê,  với vẻ đẹp quí tộc đầy ấn tượng và thái độ tiếp chuyện lịch sự, chân thành. Nhà thơ rủ tôi bắt taxi đến chào tạm biệt ELENA nhưng đã sắp đến giờ ra sân bay. Tôi nổi hứng thơ, ngân nga: “Chẳng  thể có một ngày gặp lại. Mắt em xanh, bụi tuyết phủ gót hài. Sẽ quên hết những ông hoàng vĩ đại. Chỉ hình dáng em ta tạc tượng đài…”.

Bữa cơm cuối cùng tại trụ sở Hội nhà văn Rumani trở nên bịn rịn. Nữ thi sĩ GENIA nhờ tôi xem tướng tay vào đoán xem bao giờ nàng lấy chồng và sinh con. Tôi mạnh mồm nói ngay rằng:  Nàng đã trải qua ít nhất ba cuộc tình và sẽ có một cậu quý tử. GENIA gật đầu cười rất tươi, thừa nhận: “Tôi đang muốn sang năm sinh con, nhưng sẽ không lấy chồng…” Tôi xé tờ bìa cuốn sổ đưa cho nhà thơ Lê Huy Quang, yêu cầu anh trổ tài ký họa. Bức chân dung GENIA được hoàn thành sau 5 phút và tất cả chúng tôi cùng ký tên thành khung viền. GENIA thích thú ngắm nghía và đặt bức tranh vào ngực mình.

Trên đường tiễn chúng tôi ra sân bay, GENIA cho biết: Tháng 12 tới sẽ có ba nhà văn Rumani sang thăm Việt Nam , rất tiếc nàng không được đi lần này, nhưng chắc chắn nàng sẽ đến Hà Nội tìm chúng tôi “Lúc đó không được chạy trốn đâu nhé”.

 Lòng hiếu khách, sự đón tiếp chu đáo, thịnh tình của các bạn Rumani khiến chúng tôi bỗng thấy lo cho Hội Nhà văn Việt Nam. Trong tương lai sẽ có biết bao đoàn nhà văn các nước bạn sẽ đến Việt Nam giao lưu, đón tiếp thế nào cho phải đạo, cho xứng đáng đây?

Bucarest - Hà Nội 10-2003           

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 8
  • 3229
  • 22,087,769