Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NƠI ẤY ĐÃ CÓ NGƯỜI THẦY KHƠI DẬY CHO TÔI MỘT TÌNH YÊU KHOA HỌC, MỘT NHÂN CÁCH SỐNG CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC CHÂN CHÍNH

  25/04/2017

      Sau  khi tốt nghiệp (1971) về nước, tôi được phân về Viện Thiết kế máy công nghiệp, nay là Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công nghiệp Tất nhiên đây là một Viện chuyên về cơ khí nhưng công tác nghiên cứu thiết kế trong thời chiến cũng còn rất hạn chế.  Viện Thiết kế máy công nghiệp có một thư viện sách kỹ thuật rất lớn, đa phần sách kỹ thuật bằng tiếng Nga . Tôi tập trung đọc rất kỹ các tài liệu về dao động cơ học và đặc biệt các cuốn nói trên tôi mang từ Rumani về nước thì đọc rất sâu trong thời gian sơ tán tại Hà Bắc. Tôi không hy vọng được đi nghiên cứu sinh, vì ngày ấy ở Viện tôi họ hay cử những anh công tác đoàn thể tích cực, đi thi nghiên cứu sinh, do chuyên môn đuối nên hầu hết là trượt.

      Tôi tập trung đọc và lật đi lật lại từng vấn đề và  với hy vọng rằng mình có thể viết bài gửi sang Ru. May mắn làm sao đến năm 1978 Ông Trần Lum làm Viện Trưởng (sau  này Ông Lum làm Bộ trưởng Bộ Công Nghiêp), quyết định chuyển tên Viện thành Viện Nghiên cứu máy,  do vậy Viện cần một lực lượng khoa học thật sự, hơn nữa ông Lum là một người lãnh đạo tôn trọng chuyên môn, nên đến năm 1979 chúng tôi mới được đi thi nghiên cứu sinh. Tôi thi đỗ điểm rất cao và ánh sang lóe lên, tôi hy vọng đươc sang làm trò của Viện Sỹ Gheorghe Buzdugan.

     Tháng 9/1979 tôi cùng năm anh em nữa được cử sang Rumani làm nghiên cứu sinh theo học bổng của chính phủ Rumani. Đến Bucuresti được mấy ngày tôi được phân về trường cũ là Bách khoa Bucuresti chờ phân thầy. Tôi trở về  thăm bộ môn chuyên ngành Máy và thiết bị hóa chất, ở đấy tôi có anh bạn người Ru  là Ene Gheorghe đang là phụ giảng và thầy hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của tôi là Giáo sư Mihail Renert đang là lãnh đạo Bộ môn. Tôi đề xuất nguyện vọng  muốn làm nghiên cứu sinh với Viện sĩ Buzdugan thì cả thầy và bạn tôi đều gàn là không nên vì Viện sỹ rất uyên bác và đòi hỏi rất cao sợ không đáp ứng nổi.

   Tuy nhiên cuối cùng anh Ene Gheorghe cũng đã đưa tôi sang Bộ môn Sức bền vật liệu gặp Viện Sỹ Gherghe Buzdugan là Chủ nhiệm bộ môn. Trông thấy tôi thầy rất vui mừng, hỏi sang bao giờ và có cần gì thầy giúp. Thầy rất ân cần hỏi han tình hình Việt Nam, gia đình công việc và điều đặc biệt thầy vẫn nhớ kết quả học tập của tôi khi là sinh viên mà tôi không giám nhắc tới. Thầy còn giải thích là hồi ấy thầy hỏi thêm nhằm mục đích gì và tôi là một trong  ít sinh viên để lại nhiều dấu ấn. Tôi trình bày, tôi được sang nghiên cứu sinh theo học bổng của Chính phủ Rumani và tôi muốn được thầy hướng dẫn về lĩnh vực Dao động cơ học. Thầy rất phấn khởi và nhận luôn. Thầy nói thầy sẽ can thiệp trực tiếp với trường và đối với tôi không cần kiểm tra trình độ, ngày hôm sau nếu muốn có thể đến trường luôn và gọi thư ký xếp ngay chỗ cho tôi đến làm việc.

GS VS Gheorghe Buzdugan

    Tôi quá bàng hoàng, không ngờ thầy vẫn nhớ, vẫn quí và cho làm ngay không cần thiết kiểm tra, nhưng cũng sợ vì nếu không đáp ứng được đòi hỏi của thầy thì thật gay.

    Ngày hôm sau tôi đến Bộ môn và được thầy giao cho chính cuốn sách “Dao động của hệ thống cơ học” (Vibratia sistemelor Mecanice) do thầy chủ biên để đọc trước khi quyết định đề tài. Thực ra cuốn này khi ở Việt Nam tôi đã đọc rất kỹ và các cuốn khác như tôi đã viết ở trên nhưng không giám nói là mình đã nghiên cứu kỹ. Những năm tháng sơ tán,tôi đã đọc rất kỹ cuốn sách, tôi đã tổng hợp và phân loại và so sánh các nội dung khác nhau của các nước. Tôi căm cụi tổng hợp và ghi chép trong vòng ba bốn tuần  sách và các tài liệu liên quan. Do trong thời gian ở trong nước tôi đã nghiên cứu khá sâu,nên kiến thức không đến nỗi nào và làm cũng khá nhanh và hiểu khá cặn kẽ.Tôi biết thầy hay hỏi rộng nhỡ đụng đến vấn đề gì mình  chưa đọc thì gay.

    Một buổi sáng thầy gọi sang uống cà phê và hỏi tình hình đọc đến đâu có gì khó khăn,và đàm đạo thêm vài khía cạnh chuyên môn nữa. Thấy không khí vui vẻ tôi xin thầy được trình bày một số ý kiến riêng của mình về  một vài chương theo tôi có thể đưa thêm một số mô hình khác  . Thực ra đây là kết quả của việc so sánh của tôi về các phương pháp khác nhau của các trường phái Nga và Mỹ. Thầy lắng nghe một cách chăm chú, gật đầu tán thưởng nhưng không nhận xét gì hơn. Giữa lúc ấy thì có khách thầy hẹn ngày mai sẽ trao đổi tiếp.Tôi biết việc phát biểu với thầy thế này phải làm hết sức nghiêm túc, nhưng  tôi tự tin vìđó là kết quả tự học của tôi trong nhưng năm tự mình mày mò trong nước.

    Trở về nhà kể với anh bạn Ru là Êne Gheorghe, họ cho là quá liều,  vì thầy là một nhà khoa học rất uyên thâm về lĩnh vực Dao động cơ học.

    Mấy hôm sau gặp lại, thầy rất khen những nhận xét của tôi và nói rằng anh đã nắm khá kỹ và rất sâu môn học.còn động viên tôi có vấn đề gì thì cứ phát biểu dẫu là chưa chính xác, đồng thời thầy giao tôi tiếp tục nghiên cứu hiện tượng Tự dao động (autovibratie)và lấy đó làm đề tai nghiên cứu sinh..Thầy đã hỏi tôi anh đã đọc từ bao giờ mà nắm khá nhiều vấn đề .Tôi đã nói thật khi tôi còn là sinh viên tôi đã sưu tầm sách của thầy ra sao,Khi sơ tán trong chiến tranh tôi đã mang theo và đọc, tôi đã tổng hợp các sách của Nga trong thư viện của Viện tôi ra sao. Đó là công việc mà tôi có rất nhiều đam mê.

   Tôi lại cặm cụi đọc tài liệu về vấn đề thầy trò đang xác định thì một sự cố xảy ra. Những năm 1978, 1979 là những năm chiến tranh biên giới với Cămpuchia và Trung quốc. Theo tôi được biết thì quan điểm của ta và của Chính phủ Rumani có những điểm không thống nhất, đấy là chuyện chính trường còn chuyện nghiên cứu khoa học của tôi thì có gì mà cản trở.

    Không hiểu vì lý do gì  mà Chính phủ Rumani rút học bổng của Lưu học sinh chúng tôi xuống quá thấp, không đủ sinh hoạt. Thời gian này Rumani rất khó khăn về mặt kinh tế. Anh em nghiên cứu sinh rất chán chường và muốm Nhà nước cho đi nghiên cứu sinh ở nước khác. Sứ quán đã báo cáo về nước và Nhà nước cho rút 5 anh em Nghiên cứu sinh chúng tôi về nước. Tôi đem chuyện này báo cáo với thầy, thầy xững người bảo tôi, anh cứ ở lại tôi sẽ lên Bộ Giáo dục xin học bổng cho anh vì bạn thầy là Bộ trưởng Bộ giáo dục.

   Hôm sau đi về thầy nói đây là chủ trương của Nhà nước nên không thể có ngoại lệ. Nhưng riêng anh có thể ở lại làm việc ở Bộ môn vì thầy đang làm công trình khoa học nên có kinh phí  và sẽ làm phụ giảng cho thầy, thầy sẽ cấp học bổng. Để anh về tôi thực sự tiếc và không đành lòng. Tôi rất cảm động vì tấm lòng và sự giúp đỡ rất quí báu của thầy. Biết là không thể ở lại nhưng không muốn thầy buồn tôi xin phép về báo cáo với Sứ quán chuyện này.

   Hai hôm sau tôi nói với thầy: Đoàn tôi có 5 người, tôi không thể ở lại một mình được, Nhà nước tôi có nói là về sẽ đi nghiên cứu sinh ở nước khác.

   Thầy cũng đồng ý nhưng quá buồn và báo tôi viết ngay đề cương nghiên cứu thầy sẽ cùng bổ xung với tôi để sau này có đi đâu thì đem ra mà sử dụng. Thầy hẹn nếu đi đâu thì viết thư cho thầy, cần gì thầy sẽ giúp, và nếu ở Việt Nam không được đi nước ngoài nữa thì tìm cách sang Ru thầy sẽ cho học bổng và làm nghiên cứu sinh..

   Tôi về nước, vì lỡ nhịp nên phải đợi gần 1 năm và sang Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh. Đang học tiếng Tiệp ở trung tâm học tiếng tôi viết thư cho thầy nói là tôi đang học tiếng và chưa có giáo sư hướng dẫn. Hơn một tuần sau thì tôi nhận được thư của thầy kèm theo hai thư giới thiệu cho hai giáo sư nổi tiếng của Tiệp với những lời giới thiệu không thể chê được. Một thư cho Viện Sỹ Kozesnik một chuyên gia đầu ngành của Tiệp Khắc về Dao động cơ học và là Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Tiệp Khắc và một thư cho Tiến Sĩ Ladislav Pust Viện trưởng một Viện thuộc Viện hàn lâm khoa học Tiệp Khắc. Thầy còn dặn tôi lên ngay Praha vì thầy đã gọi điện thoại trực tiếp cho cả hai ông.

   Tôi đã lên ngay Praha gặp, các thầy Tiệp rất nhiệt tình nhưng yêu cầu tôi chạy xin chuyền học bổng về Viện hàn lâm vì tôi đi đường của Bộ Giáo dục. Việc này ở Rumani thì chắc thầy tôi sẽ làm ngay cho nhưng ở Tiệp Khắc thì chịu. Tôi về trường Đại học kỹ thuật Brno làm nghiên cứu sinh.

    Trong ba năm làm nghiên cứu sinh ở Tiệp  tôi đã nhận được nhiều lần Giấy mời tham dự các hội nghị khoa học ở Rumani để đọc báo cáo. Thầy đã tìm cách lo sự hỗ trợ kinh phí đi lại và đọc trước và góp ý cho báo cáo của tôi .

 Khi viết luận án tại Tiệp trong phần nói đầu tôi đã viết” Công trình khoa học này tôi muốn kính tặng thầy tôi Viện sỹ Gheorghe Buzdugan, người đã dẫn dắt tôi trên con đường khoa học”. Tôi đã bay từ Tiệp về Rumani để gửi thầy luận án trên.

   Khi còn là sinh viên, mặc dù học giỏi nhưng khó lòng mà nhận được sự quan tâm và giúp đỡ  đặc biệt của các Giáo sư, nhất là các giáo sư nổi tiếng. Nhưng khi làm Nghiên cứu sinh vì một thầy một trò thì quan hệ thầy trò sẽ gần gũi hơn. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất chân tình của Viện sĩ Gheorghe Buzdugan trong suốt thời gian nghiên cứu sinh và cả thời gian đã về công tác tại Việt Nam. Mặc dù rằng tôi chỉ làm nghiên cứu sinh với thầy có 3 tháng rồi về nước.

   Khi về công tác ở Việt Nam, tôi luôn giữ mối quan hệ với thầy, các sách thầy viết thầy đều gửi tặng trò. Từ năm 2003 thì mặc dầu tôi luôn viết thư nhưng không nhận được trả lời. Tôi biết là thầy không còn làm Chủ nhiệm Bộ môn Sức bền của Trường nữa, nhưng vẫn là Giáo sư thỉnh giảng và vẫn làm việc ở Viện hàn lâm khoa học. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất chân tình, nhiều lúc tôi cảm thấy thầy đã coi tôi như một đứa con, nên tôi có gì vướng là thầy luôn tìm cách giúp đỡ. Việc không nhận được tin thầy làm tôi rất lo lắng.

   Tôi có viết thư cho anh bạn người Ru là Marcu Victor, đến tận trường hỏi thăm tình hình thầy và đến nhà ở Số nhà 36  phố Nicolaie Bălcescu Bucuresti tìm thì được biết sau khi Cụ bà mất, cụ ông rất suy sụp. Cụ vào nằm tại bệnh Viện  Floreasca từ tháng 5 năm 2004. Một tạp chí Rumani có viết bài: “Viata mea e un roman. Spital, ultimul loc in care va mai sta” về suy nghĩ của Cụ mà sau này tôi mới tìm ra trên mạng internet. Cụ rất yêu Cụ bà và khi Cụ bà mất đi thì Cụ ông cảm thấy rất cô đơn và trống vắng. Cụ không có con. Cụ từ chối tất cả sự giúp đỡ hoặc thương hại từ mọi người. Tôi nhờ anh bạn Ru vào Viện thăm Cụ,  tặng cụ  hoa  và nói rằng từ Vasile gửi tặng Cụ. Cụ khóc khi nói đến những kỷ niện thầy trò với Cụ.

  Tôi  rất khao khát được trở lại  Rumani thăm lại trường xua bạn cũ, thăm lại nơi đã  giúp đỡ tôi khi  đất nước tôi rất khó khăn, nơi ấy đã có người thầy khơi dậy cho tôi một tình yêu khoa hoc, một nhân cách sống của một nhà khoa học chân chính.

    Tôi muốn được ngồi bên thầy kể lại với thầy những gì tôi đã làm được trong những năm tháng ở Việt Nam bằng chính ngôn ngữ Rumani.

Hà Nội, tháng 8 năm 2012

TS Nguyễn Đình Trung

Cựu SV ĐHBK Bucarest 1965-1971

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 3102
  • 21,908,189