Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI SINH VIÊN-Tiếp theo và hết

  27/09/2016

4. Một người bạn Rumani .

 Một chiều cuối thu năm 2007,tôi nhận được một cú điện thoại của Việt  nói có một bạn Rumani tên là Sava, đang ở khách sạn X.tại Hà nội muốn gặp.Tôi cũng không còn nhớ có bạn Ru nào tên Sava vì đã hơn 35 năm tôi không có liên hệ gì với các bạn . Gặp nhau chỉ một lát sau Sava đã nhận ra tôi ,còn tôi thì mãi sau mới lờ mờ nhớ về anh ,vì anh nói được một ít tiếng Việt khá sõi.Khi chúng tôi ở Rumani có 2 bạn người Ru rất chịu khó “học mót” tiếng Việt : đó là anh Sandu cùng khóa với tôi đã học nói và đọc được tiếng Việt khá tốt ,còn sau tôi một khóa thì có anh bạn Sava này đây ! Tôi nói “học mót” bởi vì các bạn chỉ gặp sinh viên Việt nam để học truyền khẩu.Dần dần đọc các báo và tạp chí Việt nam mà chúng tôi có …không có trường lớp nào dạy .Thế mà chỉ trong gần một năm anh Sandu đã giao tiếp được bằng tiếng Việt với chúng tôi; sau này Sava cũng vậy .Chúng tôi khâm phục trí thông minh của các anh ,những sinh viên trường Bách khoa và cũng yêu mến các anh vì tình cảm đặc biệt của các anh dành cho sinh viên chúng tôi và Việt nam  . Hồi đó ,biết thế nhưng chúng tôi cũng ít gặp nhau .

Sau bao nhiêu năm gặp lại ,tôi thật bất ngờ vì anh vẫn nói được tiếng Việt. Một mình sang Việt nam lần đầu và đã vào tận Quảng Ngãi tìm Việt rồi hai anh em dắt nhau ra Hà nội .Còn tôi ,nghe bạn nói tiếng Ru vẫn hiểu nhưng tôi nói tiếng Ru thì rất chậm chạp ,mặc dù đã học tiếng Ru ,hệ chính quy hẳn hoi. Được biết anh sang Việt nam bằng viza du lịch ,mục đích là tìm gặp bạn cũ ,thăm đất nước và con người Việt nam mà bao năm nay anh hằng ao ước .

Qua chuyện trò tôi mới biết chút ít về gia cảnh của anh. Vốn là một kỹ sư ,tốt nghiệp Khoa Cơ khí tinh xảo ,Trường  ĐH Bách khoa Bucaret năm 1972,sau tôi một năm .Sau cuộc cách mạng 1989, Đảng CS Rumani bị cấm hoạt động ,anh không tham gia đảng phái nào khác nữa . Vợ anh mất đã hơn 20 năm nay vì bệnh ung thư.  Anh mở một công ty dịch vụ tư vấn tại nhà, kiếm ăn và  nuôi hai cô con gái .Cuộc sống cũng ổn ,con gái lớn sắp Tốt nghiệp Đại học ,con gái nhỏ đang là sinh viên .

Hôm sau tôi và Việt. đưa Sava đi thăm một số bạn bè mà Việt còn liên hệ ở Hà nội. Đến chiều ,Văn đón Sava và Việt lên Hòa bình chơi thăm gia đìnhVăn. Hôm  sau nữa Sava về nước .Trước khi về anh điện thoại cho tôi hẹn năm sau sẽ gặp lại .

          Cùng học tại Trường ĐH Bách khoa Bucaret với chúng tôi hồi đó có một số bạn bị kỷ luật vì “yêu” ,phải về nước .Trong đó có Việt. và Văn.Hai anh đã có những cuộc tình sâu sắc hơn với các cô gái Rumani ,và đã để lại “kết quả” trên đất nước bạn xa xôi. Việt là một học sinh miền Nam tập kết ,là một thanh niên cao ráo đẹp trai , đá bóng giỏi .Cũng như Văn ,vào những năm học cuối ,Việt yêu cô Gabi ,cô gái bán sách gần trường ,khi chuyện bị phát hiện thì Gabi đã mang thai vài tháng .Việt bị kỷ luật ,bị đưa về nước ,bỏ lại mọi sự phía sau .Sava là một trong những người bạn Rumani đã chứng kiến cuộc tình này    từ đầu .

Văn cũng tương tự như vậy ,khi chuyện tình vụng trộm của anh bị phát hiện thì cô bạn Rumani đã mang thai vài tháng .Sau này sinh được một cậu con trai. Nhưng  Văn có may mắn hơn là đã được mời sang Ru. thăm lại người yêu cũ khi con trai đã trưởng thành. Họ nhận nhau và rồi từ đó chỉ trao đổi thông tin qua mạng chứ  không có dịp gặp mặt nhau nữa .Tháng 10 năm 2014,Văn qua đời vì căn bệnh ung thư.

Sau bao biến động của cuộc sống xã hội và gia đình ,Sava sang Việt nam, trước tiên có lẽ là tìm Việt thông báo về “kết quả “ ; con gái Việt đã trở thành một cô gái xinh đẹp do thừa hưởng được những nét đẹp của mẹ và cha , được mẹ đặt tên là Viettina, đang là sinh viên trường múa ở Bucaret .Sava đã có nhiều cố gắng chắp mối cho cha con Việt gặp nhau .Chính lần duy nhất họ gặp nhau vào năm 2009 tại Bucaret đã khiến anh buồn tủi hơn bao giờ hết .Tình yêu bị bỏ quên đã biến thành thù hận ! Sava đã đưa Việt về nhà mình sống nửa tháng để thăm lại đất nước Rumani, thăm quê và gia đình anh ...

 Sava quen biết rất nhiều sinh viên Việt nam đã từng học ở Bucaret.Có thể nói khóa nào anh cũng có bạn ,trường nào anh cũng quen sinh viên Việt nam .Những năm là sinh viên ,cuộc sống sinh hoạt của anh luôn gắn với sinh viên Việt nam .Chính vì vậy anh học được tiếng Việt ,và đến nay anh có thể tự giao tiếp khi đến Việt nam mà không cần biết ngoại ngữ khác.Không biết tiếng Anh ,nhưng anh đã học tiếng Trung quốc .Chả thế mà Công ty của anh có tên là Công ty TNHH dịch vụ Sawa Chinese .Có lần tôi hỏi anh sao không gọi là Sawa Vietnameze?Anh nói ở Bucaret người Hoa đông hơn nhiều ,trong khi ở Ru chỉ có khoảng vài trăm người Việt nam thôi . Đa phần những dịch vụ  ,anh làm cho người Trung quốc .Và tôi cũng được biết anh đã tự biên soạn cả sách giới thiệu về đất nước và con người Việt nam mà anh hằng yêu mến . Điều đó khiến tôi cảm động và hứa cộng tác với nhau nhằm học lại tiếng Ru và tiếng Việt sau nhiều năm gián đoạn .

Năm 2008 ,Sava tạo được lý do mới để sang Việt nam .Anh đưa hai vợ chồng Ngô Hưng Vỹ ,một người Trung quốc sang VN làm thương mại, anh nói với Ngô là anh quen các bạn Việt nam tại Vietxopetro .Khi gặp tôi ,Ngô giới thiệu là Giám đốc Văn phòng đại diện của Công ty TNHH FUWU-Trung quốc tại Bucaret-Rumani ,cùng Sava sang Vũng tàu –Sài gòn chào hàng những thiết bị van –vòi ngành dầu khí-hóa chất . Trên danh thiếp có ghi địa chỉ Văn phòng Đại diện của công ty ở Rumani tôi đọc thấy đó là địa chỉ căn hộ của Sava : Quận 2, đường phố Baicului số 12,tòa nhà 5A,cầu thang A ;tầng 6;căn hộ 2.(Tôi nhớ trên danh thiếp của Sava có ghi  là căn hộ số 28).Trước khi vào Sài gòn , anh  Dịnh giúp liên hệ điện thoại với các bạn bên dầu khí tại Vũng tàu ,Sài gòn .Rất hay là đa số các bạn cựu lưu học sinh cũ đang công tác cũng đều quen biết Sava .Sau một tuần làm việc tại Vũng tàu ,Sài gòn không được kết quả gì , anh để vợ chồng Ngô Hưng Vỹ về Trung quốc trước ,còn anh ở lại chơi với bạn bè vài hôm . Các bạn học cũ Việt nam đều quý Sava . Anh Dịnh luôn nói anh rất quý Sava vì ngày nay người ta đua nhau học tiếng Anh để tìm cơ hội kiếm tiền , riêng Sava vẫn học tiếng Việt, đủ biết anh yêu Việt nam thế nào.Trước đó anh có nhờ tôi điện gọi Việt ở Quảng ngãi ,phòng khách sạn có sẵn 2 giường cho Việt ở cùng.Anh nhờ tôi nói với Việt”cố gắng  ra Hanoi gặp nhau nhé ,Sava có tiền, đừng lo !”.Những ngày Sava ở Hà nội ,chúng tôi thường xuyên tụ tập khi thì vài anh chị em ,khi thì cả chục người ,giới thiệu với anh những món ăn Việt nam .Bia Hà nộiphở bò đã thành món khoái khẩu của Sava .Anh mang sang cho tôi hơn chục cuốn tiếu lâm Rumani do nhà Xuất bản Alex-Alex và Leti Press-Bucuresti ấn hành .Và một số bài thơ do anh sáng tác .  Sava gợi lại trong tôi nỗi nhớ về một thời trẻ trung  say mê học tập quên cả mọi sự cám dỗ . Chúng tôi ăn uống ,tán chuyện tiếu lâm , cùng nhau hát những bài dân ca Quan họ Bắc ninh và những bài dân ca  Rumani mà chúng tôi còn nhớ ,ôn lại thời sinh viên sôi nổi .

Sau đợt đó ,tôi và anh bắt đầu sưu tầm, tuyển chọn ,dịch và biên soạn cuốn Anecdote Romanesti-Truyện vui Rumani .Tôi phụ trách chính phần tiếng Việt ,anh phụ trách chính phần tiếng Ru. Đồng thời  anh hoàn thiện cả cuốn Hội thoại Ru-Việt và cuốn Từ điển bỏ túi mà anh đã để tâm biên soạn từ lâu .

Năm 2010 anh sang Việt Nam lần thứ ba .Cũng tại cơ hội này đến với anh quá nhanh nên những cuốn sách biên soạn chưa kịp chỉnh lý ,sửa chữa anh đã in để giới thiệu với bạn bè Việt nam.Tất nhiên số lượng rất ít vì anh cũng không có tiền in nhiều ở Bucảret.Chất lượng các bản dịch song ngữ còn khá nhiều thiếu sót ,nhưng bạn bè chúng tôi vẫn chấp nhận và hoan nghênh những kỹ sư cơ khí làm văn ! Sau này chúng tôi đã biên soạn ,chỉnh lý lại thành cuốn Truyện vui Rumani chọn lọc có cả tranh biếm  họa gần 500 trang , nhưng không xuất bản .

Trong lời nói đầu của cuốn Hội thoại anh viết :”Việt nam…Là một đất nước nhiệt đới ,tươi đẹp ,giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật dân gian ,một đất nước có rất nhiều điều để giới thiệu cho khách du lịch nước ngoài .Có thể nói rằng ,mỗi du khách nước ngoài sau khi đến Việt nam lần đầu ,nhất định sẽ đến Việt nam lần thứ hai .Tại sao vậy?Bởi vì , đến với Việt nam dù là lần đầu cũng sẽ để lại cho họ một ấn tượng sâu sắc bởi lòng hiếu khách đặc biệt chân thành của người Việt nam ,tại bất kỳ nơi đâu ta đặt chân đến “…và đến với Việt nam nhiều lần bạn có thể “hiểu được điều bí ẩn của nụ cười  thường thấy trên môi của bất kỳ  người Việt nam bình thường nào mà bạn gặp trên đường đi ,hay giữa cánh đồng lúa ,ngay cả khi trong lòng họ còn bộn bề những lo toan vất vả của cuộc sống hàng ngày .Nụ cười trên môi họ có nghĩa là Niềm vui của mỗi con người Việt nam trong một ngày mới”…

Và ở lời nói đầu của cuốn Truyện vui Rumani , trong đó anh đã ôm đồm cho tất cả những bài thơ của anh mà tôi dịch vội vào, anh đã viết …”chúng tôi hy vọng rằng đọc những bài viết trong sách này các bạn đọc Việt nam ,cư dân của đất nước của những nụ cười sẽ cười thật sảng khoái !”.

Sau này anh còn sang Việt nam lần nữa .Những đợt ngắn ngủi sang

Việt nam ,anh đã đến thăm nhiều gia đình bạn bè từ thành phố đến nông thôn .Anh đi để hiểu thêm về cuộc sống của bạn bè,về đất nước và con người Việt nam và để học  thêm tiếng Việt mà anh say mê.Anh đem cho tôi mấy tập thơ và truyện ngắn của anh in tại Bucaret .Qua thơ văn của anh tôi hiểu rõ hơn con người anh ,hiểu thêm về  cuộc sống của một kỹ sư  bình thường , đầy ắp tình yêu quê hương đất nước ,tình yêu gia đình ,cha ,mẹ ,vợ ,con… ; tình yêu chân thành và thủy chung với bạn bè ,trong đó có bạn bè Việt Nam .

 Nói về tình cảm của Sava với việt nam còn có nhiều điều thú vị khác nữa. Vợ chết từ khi còn trẻ ,anh không tái hôn nhưng khi đã ở vào tuổi 60 ,anh lại có ý định lấy vợ Việt nam . Các bạn cũng giới thiệu vài người  .Cuối cùng cũng đồng ý được một đám do Văn giới thiệu .Nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan mà việc không thành .Tất cả những việc anh làm cho bạn bè và Việt nam mà tôi được biết đều xuất phát từ tình yêu Việt nam,không hề mang lại cho anh lợi ích vật chất nào.

Trong những năm tháng sống và học tập tại Rumani ,chúng tôi có rất nhiều bạn bè đáng nhớ .Nhưng có lẽ ,lâu bền và khá đặc biệt đó là người bạn Sava Costica này .Bây giờ anh cũng như chúng tôi đã về hưu, tuy khó gặp nhau trực tiếp nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua mạng .

                                                          Hn,tháng 5-2015 .

……………………………………………. …………………..

HỌP MẶT KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY ĐẾN RUMANI HỌC TẬP.

Thời kỳ du học của chúng chỉ có 6 năm . Sáu năm thời sinh viên là một quãng thời gian rất ngắn trong cuộc đời mỗi người nhưng đã để lại trong tâm trí chúng tôi những tình cảm không bao giờ phai nhạt .Thế hệ chúng tôi là một thế hệ sống có lý tưởng ,hoài bão ;có tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước với bạn bè và nhất là với gia đình . Đó là một động lực rất lớn giúp chúng tôi phấn đấu,vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành .Cuộc sống cần có tình yêu ,chí ít là tình yêu với gia đình,với những người ruột thịt .Người Rumani có câu “không ở đâu bánh mì ngon bằng bánh mì ở nhà mình “ ;một học giả Rumani , ông Neagu Djuvara đã nói đại ý rằng, “thanh niên nhất định phải có một lý tưởng ,nó là động lực để phấn đấu, cho dù lý tưởng đó có thể không đúng ,vẫn hơn là không có ”.Chính nhờ những điều đó ,chúng tôi đã trưởng thành và luôn nhớ đến thời sinh viên của mình .Trong những năm tháng sau này ,dù ở bất kỳ cương vị công tác nào , ở bất cứ nới đâu, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến nhau .Từ Bắc vào Nam,hễ  có dịp là chúng tôi gặp nhau .Bạn bè chúng tôi nhiều người ngất ngưởng với những chức vụ cao ,có người thất thế về vườn sống trong cảnh thiếu thốn …nhưng đều có cơ hội  gặp lại nhau trong tình cảm bạn bè. Hàng năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm vui buồn một thuở.

Năm 2015 chúng tôi tổ chức họp mặt đoàn 100 lưu học sinh Rumani toàn quốc sau 50 năm. Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt sau ½ thế kỷ,từ một năm trước , chúng tôi bắt đầu biên soạn một cuốn sách ,do anh Bỳ Văn Tứ chủ trì . Đó là cuốn “Rumani,xứ sở yêu thương“(Nhà XB Thanhniên,Hà nội 2015).Anh Tứ tập hợp các bài viết của 26 tác giả và xuất bản đúng vào dịp chúng tôi tổ chức họp mặt .Nhờ sự giúp đỡ của các bạn trong các ngành Bộ Xây dựng ,Tổng công ty Xi măng VN,Tổng công ty Dầu khí và toàn thể anh chị em lưu học sinh tài trợ , đóng góp tinh thần và vật chất,cuộc gặp mặt đã thành công như mong đợi .

Ngày 12-9-2015,đúng  ngày mà 50 năm trước ,chúng tôi đặt chân đến Rumani, cuộc họp đã được tổ chức tại Hội trường Bộ Xây dựng -37 Lê Đại Hành ,Hà-nội .Cuộc họp có sự tham dự của các anh chị thế hệ trước và sau chúng tôi , đại diện Đại sứ quán Rumani tại Hà nội cùng với 40/100 cựu lưu học sinh ngày ấy đã diễn ra thật vui . Ngày hôm đó và ngày hôm sau ,những cựu lưu học sinh các trường tổ chức họp mặt ,thăm quan du lịch . Đó là một kỷ niệm không quên của chúng tôi.

          Tại buổi gặp mặt ,có nhiều bài phát biểu cảm động .Dưới đây là hai bài tôi đã viết cho buổi giao lưu này :

1-Một thời để nhớ .

Bài phát biểu của Chủ tịch Hội hữu nghị Việt nam –Rumani Tống văn Nga tại buổi          họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày đến Rumani học tập : 12/9/1965-12/9/2015.-

            Kính thưa Quý vị Đại biểu ,

            Kính thưa tất cả các anh chị có mặt trong buổi đoàn tụ hôm nay .

Năm 1965,cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta bước sang một giai đoạn khốc liệt hơn .Chiều 30 tháng 8 năm đó , đoàn lưu học sinh đi Đông Âu với khoảng 300 người ,xuất phát tại ga Hàng cỏ-Hà nội , trong đó có 100 người  đi Rumani gồm 99 những học sinh phổ thông ,cán bộ trung cấp… từ khắp ba miền của đất nước ,và duy nhất một nghiên cứu sinh là kỹ sư Nguyễn Ngọc Hùng .Sau 13 ngày đêm trên tàu hỏa ,sáng 12 tháng 9 năm 1965 , đoàn đặt chân đến Gara de Nord –Bucaret-Rumani, rồi về tập trung tại ký túc xá sinh viên trường Đại học Tổng hợp Bucaret , ăn bữa cơm trưa đầu tiên tại nhà ăn sinh viên mang tên Carpati.

Năm mươi năm đã trôi qua với bao đổi thay của đất nước và mỗi con người chúng ta .Nhớ lại những năm tháng đó ,chúng ta không khỏi bồi hồi súc động .Hôm nay ,ngày 12 tháng 9 năm 2015 ,sau tròn 50 năm chúng ta vui mừng họp mặt tại đây để kỷ niệm ngày đáng nhớ này và để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời  .

Năm học đầu tiên ,niên khóa 1965-1966, cả 99 lưu học sinh vào học năm chuẩn bị (học tiếng Rumani và ôn lại kiến thức Trung học ) tại hai trường Đại học tại Thủ đô Rumani là Đại học Bách Khoa Bucaret –Gheorghe Gheorghiu-Dẹj và Đại học Địachất-Dầu mỏ và  Khí đốt Bucaret.Sau năm học này ,có hai anh đã về nước (1),còn lại 97 sinh viên được phân về học tại các trường sau :

-Đại học Bách khoa Bucaret :                          49 sinh viên.

-Đại học Xây dựng Bucaret  :                          30 sinh viên .

-Đại học Địa chất-Dầu mỏ,khí đốt Bucaret:    15 sinh viên .

-Đại học Nông nghiệp Bucaret:                         3 sinh viên .

-Trường Trung cấp Y khoa,Bucaret :                2 sinh viên .

Do những điều kiện khác nhau ,trong thời gian học tập có thêm 5 anh chị em nữa về nước sớm ,số còn lại đã theo học đến hết khóa .(2)

Việc học tập tại Rumani là một quá trình đầy khó khăn , gian khổ. Thời đó chúng ta chỉ tốt nghiệp cấp III hệ 10 năm ,một số lại là cán bộ trung cấp ,nhưng tất cả đã vượt qua những khó khăn về trình độ đào tạo ,về bất đồng ngôn ngữ ,về thời tiết khác biệt  ,về phong tục tập quán, về những cám dỗ vật chất và nhất là vượt qua những nỗi nhớ quê hương đất nước,nhớ gia đình và bè bạn  trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Tất cả các lưu học sinh chúng ta đã kiên trì ,say mê học tập và đạt kết quả tốt. Thời đó sinh viên Việt nam chúng ta đã nêu một tấm gương sáng về đức tính cần cù ,trí thông minh ,tư cách đứng đắn ,lối sống khiêm tốn giản dị, cho các bạn sinh viên Ru và sinh viên ngoại quốc khác .Nhiều sinh viên của chúng ta đã giành những phần thưởng cao quý của trường , đứng  đầu các khoa , được thày yêu bạn mến và nhà trường vinh danh .Kết thúc khóa học,nhiều sinh viên đã tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình là 10/10 .(3)

Trở thành các kỹ sư ,sau khi về nước chúng ta đã tỏa đi khắp các mặt trận sản xuất và nghiên cứu khoa học .Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào ,anh chị em chúng ta cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Một số anh chị đã phục phụ trong quân đội (như Hoàng Anh,Thái Hà Thảo ,Nguyễn Việt Bắc …),các anh chị khác đã không ngừng lao động phấn đấu cho sự phát triển các ngành công nghiệp của đất nước như các ngành Xi măng ,vật liệu xây dựng , Hóa chất Phân bón ,cơ khí ,luyện kim,dầu khí  ,dược phẩm và chất dẻo … Một số vừa công tác vừa học tập trở thành Tiến sĩ như các anh chị :Trần Đức(ks Dầu khí); Nguyễn Đình Hồng ,Lê trường Sơn , Đỗ duy Phi ,Nguyễn Đình Trung ,Nguyễn Việt Bắc ,Nguyễn Thị Năng ,Trần thị Hạnh Phúc ,Nguyễn Ngọc Tú, Đỗ Đức Oanh (Ks Bách khoa);Nguyễn Lê Ninh ,Nguyễn Xuân Kiểu (Ks Xây dựng ).v.v…

Cùng với các anh chị em ở thế hệ trước và sau  ,lứa kỹ sư chúng ta đã có những đống góp đáng ghi nhận trong các ngành kinh tế công nghiệp của đất nước như : công nghiệp sản xuất Ximăng ,vật liệu xây dựng ,từ chỗ chỉ có một hai n/m xi măng công suất thấp như Hải phòng ,Hà tiên đến nay đã có sản lượng trên 70 triệu tấn /năm(vào năm 2014)và đã thỏa mãn nhu cầu xây dựng của cả nước ;ngành sản xuất phân bón từ chỗ chỉ có một n/m đạm đầu tiên do TQ viện trợ với công nghệ lạc hậu ,công suất nhỏ bé ,nay đã là một ngành sản xuất lớn ,với 4 n/m đạm ,tổng công suất trên 2 tr tấn /năm, đáp ứng đủ cho nhu cầu của nền nông nghiệp nước ta ;ngành Dầu khí từ chỗ không có gì ,nay đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của cả nước v.v và vv…Tuy là trong tất cả những thành tựu lớn này của đất nước ,phần đóng góp của thế hệ chúng là rất  nhỏ bé ,nhưng dù sao đó cũng là  tâm nguyện của mỗi chúng ta .

Có nhiều anh chị của chúng ta đã được nhà nước bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng của các ngành như :

*Ks Bùi Mâu -nguyên Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa.

*Ks Tống văn Nga -nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng .

*Ks Nguyễn Xuân Nhậm ,nguyênTổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí.

*Ks,Ts Đỗ Duy Phi ,nguyên Tổng giám đốcTập đoàn Hóa chất-Phân Bón.

*Ks Phạm Hải, nguyênVụ trưởngVụ Địa phương-Bộ Kế hoạch và Đầu tư.  

*KsNguyễnVăn Hạnh,nguyên Tổng giám đốc Tổng công tyXimăng.

*Ks,Ts Nguyễn Lê Ninh ,nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà nội .

*Ks,Ts Nguyễn Việt Bắc , Đại tá -Phó Giáo sư ,ViệnTrưởng…v.v…

Và rất nhiều các anh chị em khác đã từng giữ các trọng trách : phóTGĐ, giám đốc ,trưởng các phòng ban trong các ngành  sản xuất,quản lý, nghiên cứu ,giảng dạy ...Tuy chỉ là những hạt cát nhỏ bé nhưng chúng ta đã góp phần công sức của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước. Đến hôm nay ,chúng ta có thể tự hào về điều đó .

Có được thành quả đó là nhờ công lao to lớn của Nhà nước và nhân dân ta đã dầy công nuôi dưỡng ,nhờ sự giúp đỡ quý báu chí tình ,chí nghĩa của nhân dân và nhà trường Rumani đã đào tạo nên nhiều thế hệ những kỹ sư như chúng ta .Chúng ta không bao giờ quên những  công ơn đó .

Cách đây vài tháng , ông Valeriu Arteni , Đại sứ Rumani tại Hà nội đã gửi cho chúng tôi một bức thư điện tử kèm theo một video-clip giới thiệu về một thanh niên Việt nam-anh Nguyễn Sử Phương Phúc ,24 tuổi người Bình Định , đã đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp năm 2015 của ngành Cơ khí Tự động hóa ,trường Đại học  Bách khoa Bucaret . Ông vui mừng thông báo rằng sinh viên này đỗ thủ khoa  với điểm số trung bình trong các năm học là 9,98 điểm ; ông nhấn mạnh rằng đây là một trong những người kế tục thế hệ của các vị (Este continuitorul generatiei dv.),và mong muốn có nhiều hơn nữa sinh viên Việt nam sẽ theo học tại Rumani .

Năm mươi năm , đối với lịch sử chỉ là khoảnh khắc nhưng đối với một đời người lại là một khoảng thời gian đáng kể .Trong tâm hồn của mỗi chúng ta ,những tháng ngày học tập tại Rumani luôn đọng lại những kỷ niệm đầy ắp thân thương .Chúng ta không bao giờ quên những kỷ niệm về đất nước và con người Rumani đã nuôi dưỡng , đào tạo chúng ta trở thành những kỹ sư  hữu ích . Để ôn lại phần nào những kỷ niệm đó xin mời các anh chị đọc cuốn “Rumani ,xứ sở yêu thương “của Bỳ Văn Tứ và các tác giả,để cùng nhau ôn lại một thời để nhớ  , để tri ân những gì cần tri ân .

Năm mươi năm đã trôi qua ,từ 100 người cùng đi ,có 92 người hoàn thành nhiệm vụ trở về ,hôm nay gặp mặt tại đây với sĩ số chưa đầy 50 .bởi vì vẫn còn có nhiều người chưa có điều kiện về họp mặt ;và cũng có 14 người  đã vĩnh viến ra đi .Trong đó cựu lưu học sinh trường Bách khoa: 4 người ,trường Dầu khí -Địa chất: 4 người ,trường Xây dựng:6 người (4) …Chúng ta kính cẩn cầu mong các anh chị ấy được bình an trên cõi vĩnh hằng.

Chúng ta trân trọng chúc mừng tất cả các anh chị có mặt hôm nay tại hội trường này .Chúc các anh chị bước vào mùa đông của cuộc đời với nhiều  những niềm vui của các gia đình cháu con xum họp ,hạnh phúc dài lâu.  Xin chân thành cám ơn Hội Hữu nghị Việt nam Rumani ,Ban liên lạc Hội cựu lưu học sinh Rumani khóa 1965-1971,và toàn thể các anh chị  có mặt hôm nay ,đã chung tay tổ chức buổi họp mặt ngập tràn yêu thương này .Xin chân thành cám ơn sự tài trợ về vật chất và tinh thần của Văn phòng Bộ Xây dựng ,của Tổng Công ty xi măng Việt nam và Công ty tàu dịch vụ Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam .

Mỗi người chúng ta luôn momg muốn sẽ còn nhiều dịp được gặp lại nhau ,cùng chia vui bên những chén rượu nghĩa tình .Kính chúc toàn thể các anh chị sức khỏe dồi dào ,gia đình hạnh phúc .

Hẹn gặp lại vào dịp kỷ niệm 60 năm ,tưc là vào tháng 9 năm 2025.

Hà nội,12-9-2015.

Ghi chú :

1)-Anh Lê văn Phước và anh Nguyễn ngọc Cừ .

           2)-Anh Nguyễn Bá Đại và chị Nguyễn Nữ Anh về học ĐH trong nước.

    Anh Phạm Đình Hòe  về học trong nước -1968.

    Anh Ngô văn Hiệp  ,,,,,,,,,,,,,nt,,,,,,,,,,,,,,,,,-1969.

     Chị Nguyễn Thị Huệ  về nước  ………   -1967.

3)-Những sinh viên đã tốt nghiệp với  điểm TB 10/10:

    -Trường Bách khoa có Cao văn Kỳ ,Lê Trường Sơn , Nguyễn Đình Hồng Nguyễn Đình Trung ,Nguyễn Việt Bắc .

   -Trường Dầu–khí và địa chất có: Trần Đức ,Lê quang Vinh.

   -Trường Xây dựng có : Phùng Văn Đinh ,vv…..

4)-Những anh chị em đã mất :

  -Trường Bách khoa :Anh Phan Ngọc , Nguyễn ngọc Long, Chị Nguyễn Thị Huệ ,Nguyễn thị Bình.

  -Trường Dầu khí và Địa chất :Anh Lê quang Vinh ,Vũ trọng Đức, Thái Bá Lưu và Trần Đức .

 -Trường Xây dựng :Anh Nguyễn Huy Dậu ,Nguyễn Văn Hưng , Anh Thọ, anh Chất và anh Phạm Đình Hòe . Anh Hoàng ngọc Chử

    Ghi chú :Ngày 4-10-2015, Hoàng Anh (Chồng Lê Hoàng Thọ) mất tại tpHCM.

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 1908
  • 22,086,448